Trường ca Long mạch của nhà thơ Hoàng Trần Cương vừa đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015. Đây là lần thứ hai Hoàng Trần Cương vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.



Một nhà thơ viết đến bốn trường ca Trầm tích, Đỉnh vua, U Minh, Long mạch (trong đó Trầm tích đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000) như Hoàng Trần Cương ắt hẳn phải có một nội lực thịnh vượng, một cảm hứng lớn, cái mà tôi gọi là đại khí của văn chương (là đối kháng với loại văn chương ám chỉ, rửa hờn, đập phá vô lối hay gậm nhấm vị kỷ – tôi gọi là tiểu khí). Đại khí thường đi liền với anh minh như là tiền đề thúc đẩy nhà thơ tìm kiếm thi liệu, thi tứ, hình ảnh, ngôn từ và thậm chí cả nhịp điệu thơ. Viết trường ca như là chuẩn bị những chiến dịch lớn có ý nghĩa sống còn, chiến lược quyết định thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa. Tác giả trường ca khác nào một vị Tổng Tư lệnh có tầm, tất nhiên, và có tâm của chiến dịch ấy. Đọc Long mạch của Hoàng Trần Cương, tôi thấy như là sự đúc kết những sử thi – thơ: những Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Bài ca chim Chrao của Thu Bồn,…

Long mạch trong nghĩa sâu xa của hai từ này chính là thế giới tâm linh, tinh thần vừa hiện hữu vừa mơ hồ của hồn thiêng Đất và Nước. Phải chăng nó biểu tượng cho sức sống, sức trường tồn của một dân tộc suốt mấy nghìn năm khói lửa binh đao mà vẫn “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng”. Phải chăng có một dòng nguồn vô cùng, vô tận xuyên suốt lịch sử như là một thứ “quốc bảo” giúp dân tộc Việt trụ vững qua biết bao biến thiên của tự nhiên và nhân tình thế thái. Lịch sử chưa bao giờ là một đường thẳng, mà luôn là những đường hình “sin”. Liệu trong những khúc gấp lịch sử ấy, “long mạch” của dân tộc có bị đứt gãy, bị tàn lụi? Long mạch phải chăng là thế núi hình sông của đất nước, là vóc dáng tinh thần, tâm hồn của dân nước như cách đặt vấn đề của nhà thơ Vũ Quần Phương trong Lời giới thiệu?

Tinh thần đại khí của văn chương trong Long mạch thể hiện ngay trong tổ chức kết cấu trường ca với 11 chương (đánh dấu từ chương I đến XI) với những Huyết thống (chương II), Nết đất (chương III), Hồn sông (chương IV), Mạch chủ (chương V), Thác ghềnh (chương VI), Vía biển (chương X), và Thế núi (chương XI),… Đọc Long mạch thấy mạch thơ đi cuồn cuộn trong tâm thức tác giả: “Mang dòng chảy/ Chở ngọn nguồn/Đầy bị/Ngày đi/Đêm đi/Chúng mình đi/Nước mắt/Chắt ước vọng/ Nuôi núi sông/Dậy thì…”. Quả thật là đã lâu, lần đầu tôi đọc thấy những câu thơ hùng tráng, rộn ràng, khỏe khoắn như thế của một thế hệ dám lãnh lấy trách nhiệm “Nuôi núi sông/ Dậy thì” như cách biểu đạt của nhà thơ Hoàng Trần Cương. Tôi gọi đó là “đại khí của văn chương”.

Tác giả Long mạch không quay lưng với những trang lịch sử “thác ghềnh” như nhan đề chương VI (Thác ghềnh). Nghiền ngẫm về quá khứ nhưng không thóa mạ nó, không bị nó chôn vùi. Hiểu quá khứ để biết cách đi tới tương lai, đó cũng là tinh thần “đại khí văn chương” của Long mạch: “Con vừa bơi vừa ngoái nhìn quá khứ/Nhiều khi mỏi mệt đứ đừ/Lách khỏi lở bồi xưa cũ/Dọc đường/Nhặt được tiếng mẹ ru/Đang sóng bước theo mùa đi trầm tĩnh”. Quả thực lâu nay đọc những tác phẩm viết về quá khứ đôi khi thấy u ám, nặng nề và bi đát. Rất có thể chúng ta đã vô tình hay cố ý rơi vào vòng kim cô của tiểu khí văn chương, thậm chí rơi vào cái bẫy của sự hận thù. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần khoan hòa, khoan dung của dân tộc Việt vốn có truyền thống lâu đời.

Long mạch với ý nghĩa là một tác phẩm mang tinh thần “đại khí của văn chương”, theo tôi, còn giúp chúng ta những bài học đạo đức rất cần thiết trong bối cảnh đang có những dấu hiệu tha hóa, xuống cấp nghiêm trọng: “Học thời gian/ Cách bàn giao đêm ngày bình thản/Học đàn chim/Cách dàn hàng ngang trở lại đại ngàn/Học đá/Cách lặng im/Học cha mẹ/Cách gói ghém niềm tin/Học cách cắt móng tay/không phạm vào da thịt/Và học biển/Sau cuồng điên/Yên ắng/Sót lại xa khơi/ Một chấm/ Buồn…”.

Long mạch được viết bằng một thứ tiếng Việt thuần khiết, trong sáng, giàu biểu cảm. Dường như Hoàng Trần Cương không bị hối thúc và ảnh hưởng bởi bất kỳ “chủ nghĩa” nào. Tác giả là người có bản lĩnh sống và bản lĩnh nghệ thuật. Tôi thấy Hoàng Trần Cương làm chủ cảm hứng, làm chủ kỹ thuật và nhất là làm chủ tiếng Việt. Đọc thơ Hoàng Trần Cương một cách kỹ lưỡng bỗng thấy cái nhã thú văn chương bật lên từ những câu thơ vừa mạnh mẽ, vừa tha thiết dịu dàng, kiểu như; “Anh mang trong mình/Một lúc ba dòng sông/Sông Hồng đỏ/Sông Lam xanh/Sông Cầu biếc/Và em/ Một dòng sông nữa của riêng anh/ Nhưng chỉ Một”.

Theo Nhà phê bình Bùi Việt Thắng – Nhandan

Exit mobile version