“Tôi nghĩ nếu bản dịch Lolita của Dương Tường mà không tạo được cơn cuồng phong trong giới xuất bản Việt Nam trong những ngày tới, đặc biệt trong hội sách ở TPHCM, chỉ có thể trách độc giả Việt Nam mà thôi”.

Dịch giả Phạm Anh Tuấn phát biểu như vậy với tư cách diễn giả trong buổi lễ ra mắt Lolita chiều qua.


Dịch giả Dương Tường (trái) và dịch giả Phạm Anh Tuấn giới thiệu “Lolita” Ảnh: T.Toan.

Không phải vô cớ dịch giả Phạm Anh Tuấn nhận xét như vậy, bởi Lolita từng được xếp vào top 10 tác phẩm gây tranh cãi nhất thế giới, top 100 tác phẩm xuât sắc nhất mọi thời đại. Đồng thời từng bị coi là
dâm thư.

Thực tế, Lolita của Vladimir Nabokov ra đời cực lận đận. Bốn nhà xuất bản Mỹ bị sốc và cự tuyệt. Năm 1955, sách bán bản quyền sang Pháp cho NXB Olympia Press, vốn chủ yếu in các sách khiêu dâm. Ngay khi ra đời, sách gây sóng gió, tác giả bài báo trên tờ Sunday Express của London coi “cuốn sách bẩn thỉu nhất tôi từng đọc”.

Hải quan Anh cấm cửa cuốn sách từ Pháp sang Anh, Bộ Nội vụ Pháp ban hành lệnh cấm lưu hành, kéo dài 2 năm. Mãi ba năm sau khi ra đời ở Pháp, sách in ở Mỹ và lập tực bán được 100 nghìn bản ngay trong 3 tuần đầu và tái bản. Nhưng cuốn sách cũng gây cơn cuồng phong ở Mỹ.

Dịch giả Phạm Toàn nêu ngay mối lo không nhỏ cho Lolita: “Điều mà tôi nghĩ và hơi lo là phản ứng của xã hội thế nào? Trong khoảng độ dăm năm gần đây, các nhà văn thường thách thức nhau viết sex ra sao, tính dục thế nào? Tôi rất lo sắp tới sẽ có những xung đột không đâu vào đâu cả. Hy vọng báo chí giúp độc giả có thăng bằng để tìm hiểu đến nơi đến chốn tác phẩm này”.

Trong lời mở đầu buổi ra mắt sách, dịch giả Dương Tường không quên nhắc, sự ra đời của Lolita chứng tỏ các nhà quản lý của ta cởi mở hơn Mỹ hồi năm 1955.

“Khi nhận lời dịch Lolita, tôi vẫn nghĩ đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm không biết đi về đâu, nhưng vì lòng yêu nên cứ dấn thân vào”.

Trước Lolita, NXB Giáo dục mời ông dịch Mort à crédit (Chết chịu) của nhà văn Pháp Céline, cũng mất 2 năm mới hoàn thành bản dịch, nhưng cuối cùng không xin được giấy phép xuất bản.

Dù mới chỉ là lễ ra mắt, Lolita thu hút khá đông văn giới, báo chí và độc giả yêu Nabokov. Không ít người phải đứng trong lễ giới thiệu sách tại 36B Điện Biên Phủ. Độc giả khá lo lắng liệu Lolita bản tiếng Việt có bị kiểm duyệt, cắt xén?

“Chúng ta lấy làm mừng vì bản dịch tiếng Việt Lolita không bị cắt bỏ một chữ nào”, Dương Tường chia sẻ.

Trước đó, với tư cách biên tập viên tự nguyện cho Dương Tường, Phạm Anh Tuấn nói, Lolita chỉ có thể giao cho Dương Tường dịch, nhờ vốn văn hóa sâu rộng, sự am hiểu cả tiếng Anh, Pháp và tiếng Việt nữa.

Đồng nghiệp Đào Tuấn Ảnh, dịch giả tiếng Nga cũng dành những lời ưu ái cho Dương Tường: “Chuyển tải được văn Nabokov cực khó, nhưng ông Dương Tường đã làm được”. Chị chính là người “soi” bản dịch Dương Tường với nguyên bản tiếng Nga của Nabokov.


Còn dịch giả Nguyễn Nhật Anh, đại diện Nhã Nam lại cho rằng, Lolita có gây cuồng phong có chăng cũng như “cơn bão trong cốc thủy tinh”. Bởi: “Lolita theo chúng tôi hiểu đó không đơn giản là cuốn sách mà người đọc hy vọng có thể dễ dàng tranh cãi và biện luận về nó một cách đơn giản. Dù chủ đề tương đối cấm kị- một ông già si mê một cô bé – nhưng sâu xa hơn nó được đánh giá là tác phẩm về tình yêu.

Càng về cuối càng hiện rõ là tác phẩm về tình yêu một chiều. Có lẽ độc giả tuổi cỡ như tôi trở đi sẽ thấy đồng cảm hơn, thấy đây là câu chuyện làm cho ta buồn phiền, như Nabokov viết trong lời bạt”.

Đại diện Nhã Nam cũng khẳng định, Lolita hoàn toàn bứt ra khỏi các chủ đề dễ dãi của văn chương khiêu dâm. Độc giả sẽ không tìm thấy một xen nào mang tính khiêu dâm, không pha nào gây cảm giác nhầy nhụa.

Lolita kể về mối tình si của Humbert, nhà nghiên cứu văn học tuổi trung niên với Lolita 12 tuổi, con gái bà chủ nhà trọ. Dù không yêu, Humbert quyết định lấy bà chủ nhà để được lâu dài bên cô con gái.

Sau này, khi bà mẹ qua đời, Humbert mang Lolita theo trong chuyến hành trình xuyên nước Mỹ, như để chạy trốn như lời ông thốt lên khi mất Lolita-“tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi”.

Toan Toan

Nguồn: Tiền Phong.