Nguyễn Phan Quế Mai: “Tôi đặt chân đến Medellin vào đêm khuya ngày 4/7/2013, trong nụ cười trìu mến của ban tổ chức Liên hoan, những người đón tôi ở sân bay và ôm hôn tôi như những người anh em. Khó có thể tin được rằng tôi đang thật sự ở Medellin, thành phố lớn thứ hai của đất nước Colombia, thành phố của các loài hoa, chiếc nôi của những tác phẩm điêu khắc khổng lồ của hoạ sĩ Bolero, và ngôi nhà của liên hoan thơ lớn và uy tín nhất thế giới: Liên hoan thơ Quốc tế Medellin.”
“Tôi vượt qua nửa vòng trái đất
để vị mặn nước mắt Colombia nhuộm đỏ trái tim tôi
Nước mắt của những người đã bị nội chiến cướp mất đất đai
đang khóc cùng tôi
trong bài thơ về ngôi làng Việt Nam bị bom thiêu cháy.”
Tiếng hát của tôi vươn vào một chiều hè Nam Mỹ rực rỡ, trong tiếng trống dập dồn và tiếng sáo du dương của Filipe Posada và Alvaro Botero Gallego, quyện cùng tiếng Tây Ban Nha vút cao của Ana Isabel. Như một giấc mơ, tôi đang ở thành phố Medellin, Colombia. Và tôi đang cùng các nghệ sĩ của nước chủ nhà trình diễn bài thơ “Màu hoà bình” mà tôi viết tặng cho xứ sở này, để mở màn cho Lễ Bế mạc Liên hoan thơ Medellin lần thứ 23. Trước mặt tôi là những gương mặt thân thương và ánh mắt trìu mến của hơn 4.000 khán giả.
Đây là lần thứ hai tôi đọc thơ trên sân khấu nhà hát ngoài trời Carlos Vieco – lần thứ nhất cách đây một tuần tại Lễ Khai mạc Liên hoan – và đáng lẽ tôi phải cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Nhưng không. Khi tiếng nhạc đan vào lời thơ và ánh hoàng hôn rực lên như đang đốt cháy bầu không khí quanh tôi, tôi cảm thấy mình đang đứng trên mảnh đất quê hương. Tôi cảm thấy mình được trở về nhà, về ngôi nhà của thơ ca, tình yêu, của vẻ đẹp.
Toàn cảnh Lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế Medellin
Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên
Tôi đặt chân đến Medellin vào đêm khuya ngày 4/7/2013, trong nụ cười trìu mến của ban tổ chức Liên hoan, những người đón tôi ở sân bay và ôm hôn tôi như những người anh em. Khi xe của chúng tôi băng qua những con đường ngoằn ngoèo đang choàng tay qua một thung lũng tràn ngập ánh sáng, trái tim tôi bồi hồi, run rẩy. Khó có thể tin được rằng tôi đang thật sự ở Medellin, thành phố lớn thứ hai của đất nước Colombia, thành phố của các loài hoa, chiếc nôi của những tác phẩm điêu khắc khổng lồ của hoạ sĩ Bolero, và ngôi nhà của liên hoan thơ lớn và uy tín nhất thế giới: Liên hoan thơ Quốc tế Medellin.
Dạo quanh Medellin trong những ngày sau đó, bất cứ khi nào rảnh rỗi, tôi được đắm chìm trong vẻ đẹp: vẻ đẹp của những người bán hàng rong khi cắt tỉa những loại hoa quả thành những tác phẩm nghệ thuật đa sắc màu, vẻ đẹp của những nụ cười và tiếng Tây Ban Nha thánh thót, vẻ đẹp của những rặng núi trùng điệp nhấp nhô bao quanh thành phố, vẻ đẹp của những người bạn Colombia khi họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về đau thương và mất mát, về bạo lực, ma tuý và nỗi đau.
Đến Colombia, gặp những nạn nhân chiến tranh, tôi mới thực sự thấu hiểu được giá trị của hoà bình. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự đau đáu trong giọng nói của nhà thơ Fernando Rendón, giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, khi ông phát biểu trong Lễ khai mạc Liên hoan: “Colombia đang trải qua một trong những bi kịch lớn nhất của nhân loại. Hơn nửa thế kỷ nay, cuộc nội chiến trên đất nước chúng tôi đã làm cho năm triệu người chết, mất tích, bị thương, tàn tật hoặc phải bỏ quê hương bản xứ ra đi. Nội chiến ở Colombia là một trong những cuộc nội chiến dài nhất trong lịch sử nhân loại, ảnh hưởng đến sự ổn định dân chủ của Nam Mỹ.”
Nhà thơ Fernando Rendón, GĐ Liên hoan thơ quốc tế Medellin
Sự diệu kỳ của thơ ca
Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, thơ ca ngày càng bị quên lãng, thì ở Medellin, thơ ca đang đem lại sự biến đổi diệu kỳ. 23 năm trước, Medellin bị thống trị bởi sự sợ hãi, khủng bố và hỗn chiến giữa các nhóm tội phạm. Sau 8 giờ tối, thành phố trở thành một thế giới bóng ma khi không ai dám ra đường, và những nhóm bán quân sự ngang nhiên áp đặt lệnh giới nghiêm. Lúc đó, để phản đối bạo lực chính trị và trả lại sức sống cho thành phố Medellin, nhà thơ Fernando Rendón, chủ bút tạp chí văn học Prometeo và 12 đồng nghiệp của ông đã khởi xướng ra Liên hoan thơ quốc tế Medellin, nhằm kéo người dân ra đường trở lại, để trả lại sự sống cho thành phố đang được mệnh danh là “trung tâm thuốc phiện của thế giới”.
Năm 1991, chỉ với 1.000 USD trong tay, ban tổ chức Liên hoan thơ Quốc tế Medellin đã xoay sở để đưa 13 nhà thơ quốc tế đến đây. Mười tấm poster quảng cáo nhỏ dán quanh thành phố đã đưa được lác đác một số người tham gia các buổi đọc thơ.
“Lúc đầu, dân chúng ở đây chẳng màng đến thơ ca, họ chỉ lo đến mạng sống của mình,” bà Gloria Chvatal, giám đốc truyền thông của Liên hoan thơ chia sẻ cùng tôi. “Nhưng rồi các năm sau đó, ngày càng có nhiều người đổ ra đường để lắng nghe thơ. Ngày càng nhiều dân chúng vượt qua sự sợ hãi để đến với thơ. Để thơ đến gần hơn với tầng lớp nhân dân, chúng tôi tổ chức các buổi đọc thơ trên đường phố, công viên, trong bảo tàng, nhà sinh hoạt chung của các khu dân cư. Thơ vang lên tại các nhà hát, thư viện, trường học, đường phố, trung tâm văn hoá, nhà hàng, trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm, nhà máy, nhà thờ, và cả ở những nhà tù. Người ta kéo ra đường nghe thơ ngày càng nhiều nỗi dịp Liên hoan tới, và nhịp sống của Medellin đã dần trở lại.”
Giờ đây, sau 23 năm, Liên hoan thơ quốc tế Medellin đã trở thành Liên hoan thơ lớn nhất thế giới, trở thành biểu tượng của thành phố Medellin, và thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người vào mỗi dịp Liên hoan. Qua 23 năm, 1.200 nhà thơ từ 160 quốc gia đã đến Medellin chia sẻ những câu chuyện về tình yêu, giấc mơ và hoà bình từ đất nước họ. Vào mỗi Liên hoan, 145 sự kiện thơ ca được tổ chức ở trung tâm thành phố và vùng ven của Medellin trong suốt một tuần. Và kỳ diệu thay, từ trung tâm thuốc phiện của thế giới, Medellin đã trở thành trung tâm thi ca thế giới. Thơ ca đang trở thành một trong những công cụ đặc biệt trong việc trả lại sự yên bình cho Colombia: trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thực hiện các đối thoại hoà bình với các lực lượng du kích và bán quân sự, Liên hoan thơ Quốc tế Medellin 2013 có sứ mạng chuyển tải các thông điệp hoà bình và kêu gọi các bên ngừng bắn.
Lời thơ Việt ở Medellin
Khi nhà thơ Fernando Rendón gặp tôi lần đầu tiên, ông mở vòng tay đón tôi với nụ cười hiền trìu mến như một người cha. Rồi ông vội vã hỏi: “Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thiều khoẻ chứ?” Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người giới thiệu thơ tôi với Liên hoan, cũng chính là nhà thơ Việt Nam tham gia Liên hoan bốn năm về trước và để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng công chúng yêu thơ. Qua câu chuyện với nhà thơ Fernando Rendón hôm đó, và với một số người yêu thơ ở Medellin những ngày hôm sau, tôi thật tự hào khi biết rằng rất nhiều người vẫn còn nhớ đến các bài thơ mà hai nhà thơ Việt Nam (Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Bảo Chân) đã từng đọc trong các dịp Liên hoan từ nhiều năm trước.
Trước khi tôi lên đường, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng ông đã có buổi đọc thơ đặc biệt nhất ở Medellin: khi ông đứng trên sân khấu Nhà hát ngoài trời Carlos Vieco, trời đang đổ mưa to, rất to. Nhưng trước mặt ông, hàng ngàn người vẫn ngồi đó, những chiếc ô đủ các sắc màu xoè trên đầu họ như những bông hoa. Họ ngồi dưới mưa hàng giờ liền để lắng nghe thơ. Đôi mắt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ánh lên sự xúc động sâu sắc khi ông tả cho tôi về không khí diệu kỳ của buổi đọc thơ trong mưa hôm đó.
Nhưng chỉ khi đứng ở Carlos Vieco để đọc thơ trong Lễ Khai mạc với sự tham gia của 12 nhà thơ và được truyền hình trực tiếp, tôi mới chạm đến sự xúc động mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng trải qua: trước mặt tôi, một biển người đang hướng về sân khấu. Họ ồ lên khi tôi chào họ bằng những câu Tây Ban Nha vụng về mà tôi vừa học được, rồi vỗ tay vang dội khi tôi nói về những vẻ đẹp chung của Colombia và Việt Nam. Trong tà áo dài truyền thống, tôi cảm thấy thật thiêng liêng khi tiếng Việt cất lên tiếng hát từ lồng ngực của tôi, tiếng hát kêu gọi hoà bình, tình yêu và sự đoàn kết dân tộc. Càng về đêm, trời Medellin càng lạnh và gió hun hút thổi, nhưng một hơi ấm diệu kỳ đang ngập tràn quanh tôi: hơi ấm của những vòng tay khán giả khi họ tìm đến gặp tôi, ôm choàng lấy tôi với một sự sẻ chia không thể diễn tả bằng lời.
Sự nồng nhiệt của khán giả
Trước khi đến Medellin, tôi vẫn luôn tin rằng thơ ca có sức mạnh đặc biệt trong việc bắc nhịp cầu hữu nghị giữa các quốc gia và truyền nghị lực cho con người trong những giây phút khốn cùng nhất. Tôi đã có may mắn chứng kiến sức mạnh đó trong buổi đọc thơ vào ngày thứ hai của Liên hoan, cho một nhóm người mất nhà cửa vì nội chiến của Colombia.
Vào ngày 7/7, khi mặt trời bừng những tia nắng đầu tiên, tôi cùng nhà thơ Álvaro Marín (Colombia) và nhà thơ Josaphat Robert Large (Haiti) bước lên một chiếc xe buýt sặc sỡ mà người Medellin vẫn thường dùng để đi lại. Sau 1,5 giờ băng qua những con đường nhỏ vắt mình quanh triền núi cao chót vót, chúng tôi đến một đỉnh núi nhìn xuống thung lũng ắp nắng của Medellin. Trước mặt tôi là Trung tâm văn hoá của khu tái định cư La Cruz và La Honda. Một đám đông những người lớn tuổi, thanh niên và trẻ em đang xếp những dãy ghế, chuẩn bị cho buổi đọc thơ của chúng tôi. Những đứa trẻ hồn nhiên kéo tôi ra khỏi toà nhà, về phía một khu đất rộng nơi khói bếp đang thả mình bay trên ba chiếc nồi khổng lồ. Ở đó, những người phụ nữ đôn hậu đang nấu những món ăn đặc biệt của xứ sở này để thết đãi các nhà thơ phương xa – và cả những người đến nghe thơ. Họ trao tay tôi một cốc cà phê thơm ngậy lừng danh của xứ sở Colombia và kể cho tôi nghe về những dòng đạn từ những chiếc trực thăng đã ào xuống những bản làng bình yên của họ thế nào, những dòng đạn đã giết chết biết bao người thân của họ và khiến họ phải bỏ chạy đến nơi khác. Giờ đây, mảnh đất của tổ tiên họ đang bị những nhóm du kích chiếm giữ, và không biết bao giờ họ mới có thể trở lại quê hương. Họ – những người nông dân – đã phải từ bỏ ruộng đồng và đến triền núi này để ở. Không có gì trong tay, họ phải gây dựng cuộc sống từ đầu. Họ phải bươn chải hàng ngày với đủ công việc lao động chân tay để kiếm sống: nhặt rác, quét dọn, bán hàng rong. Họ chỉ cho tôi xem những ngôi nhà đơn sơ của họ đang bám vào triền núi, những ngôi nhà đang dần được bao phủ bởi mầm xanh mát dịu của cỏ, rau và cây cối.
Hôm đó, đọc thơ cho những người dân ở khu tái định cư La Cruz và La Honda, những bài thơ viết về những nạn nhân chiến tranh, những bài thơ về vẻ đẹp của những người bán hàng rong, những người nhặt rác, người làm vườn và những người lao động chân tay, tôi cảm thấy mình đang chạm đến giá trị đích thực của thơ ca. Tôi cảm thấy mình đang đọc thơ cho những nhân vật trong những bài thơ mà tôi đã viết. Thơ ca giúp tôi hiểu được sự chân thành trong những giọt nước mắt của khán giả, và tôi không ngại ngần khi khóc cùng họ: nước mắt về nỗi đau khi phải rời bỏ quê hương, nước mắt về hy vọng và cho những đứa trẻ đen nhẻm đang vây lấy chúng tôi. Nước mắt họ và nước mắt của tôi hoà vào nhau khi tôi đọc cho họ nghe những bài thơ tôi viết về ngôi làng của tổ tiên tôi, về lòng quả cảm vượt qua nỗi đau của người Việt Nam sau chiến tranh. Những sự sẻ chia, những cái ôm chặt của họ cho tôi biết rằng thơ ca đang tiếp cho họ sức mạnh, rằng họ không lẻ loi trong cuộc chiến vượt lên số phận.
Hai nhà thơ đi cùng tôi hôm đó, Josaphat Robert Large và Álvaro Marín đều đọc thơ bằng tiếng Tây Ban Nha. Những âm hưởng tuyệt đẹp trong những bài thơ của họ khiến không gian quanh tôi bừng sáng.
Lịch trình của tôi thật bận rộn trong suốt 8 ngày ở Medellin. Tôi đã trình bày tham luận mang tựa đề “Việt Nam: thơ ca và những điều không tưởng” tại bàn tròn của Liên hoan, và mỗi ngày cùng một nhóm nhỏ các nhà thơ đọc thơ ở khắp nơi trên thành phố. Thật vinh dự khi được đọc thơ chung và kết nối tình bạn cùng các nhà thơ trên khắp thế giới, như Aitana Alberti (Argentina), Thiago de Mello (Brazil), Werewere Liking (Cameroon), Álvaro Marín và Everardo Rendón (Colombia), Josaphat Robert Large (Haiti), Gerður Kristný (Iceland), Zolani Mkiva (Nam Phi), Lorna Shaughnessy (Bắc Ireland), và Ingrid Fichtner (Áo).
Một trong những sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là buổi đọc thơ tại thư viện Piloto. Trong một buổi tối được dành riêng cho thơ ca châu Á, tôi bước lên xe cùng các nhà thơ Satchidanandan (Ấn độ), Marra Lanot (Philippines), Jamshid Moshkani (Iran) và Sainkho Namtchylak (Tuva – Cộng hòa Liên bang Nga). Khi đến hội trường thư viện, tất cả chúng tôi đều thảng thốt khi thời gian còn khá sớm mà gần 300 chiếc ghế trong khán phòng đã gần như kín chỗ. Càng sát giờ đọc thơ, số người đến càng nhiều, họ ngồi bệt ở hành lang, các lối đi lại, ở trước sân khấu. Phần còn lại đứng ở ngoài cửa. Có quá nhiều người phải đứng bên ngoài cho đến nỗi chúng tôi phải mời họ lên sân khấu và ngồi xung quanh bàn của chúng tôi. Không khí ở buổi đọc thơ ấy thật thân tình và ấm áp, đầy ắp sự tĩnh lặng, những tiếng cười và những tiếng vỗ tay. Tôi sẽ nhớ mãi sự xúc động trong khán phòng khi chúng tôi cùng lắng nghe những bài thơ của Satchidanandan về tình yêu gia đình, của Marra Lanot về nữ quyền, của Jamshid Moshkani về xung đột sắc tộc. Và như một món quà đặc biệt, sau phần đọc thơ của tôi, nhà thơ Sainkho Namtchylak đã rút từ túi áo một chiến kèn môi Việt Nam. Chị vừa thổi chiếc kèn ấy, vừa hát bằng tiếng Nga. Sau buổi đọc thơ hôm đó, khán giả vây kín lấy chúng tôi hàng giờ liền, kiên nhẫn đợi từng chữ ký của từng tác giả lên Kỷ yếu Liên hoan – một quyển sách có ảnh, tiểu sử và những bài thơ của các tác giả tham dự Liên hoan mà ban tổ chức đã dày công biên soạn, chuyển ngữ và in ấn.
Trong buổi đọc thơ và trò chuyện về thơ được tổ chức cho riêng tôi tại khán phòng của Ủy ban Thương mại Medellin vào ngày 7/11, tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng có một nhóm bạn đọc đã theo chân tôi trong suốt các buổi đọc thơ. Và giờ đây, họ đặt cho tôi thật nhiều câu hỏi về Việt Nam, văn học và văn hóa Việt Nam. Họ tỏ lòng ngưỡng mộ Việt Nam đã vượt qua biết bao cuộc xâm lược của ngoại bang để xây dựng hòa bình dân tộc. Thật vinh dự khi tôi có dịp sẻ chia tình yêu của mình dành cho Việt Nam, cho tiếng Việt và văn hóa, lịch sử của đất nước mình ở một nơi thật xa tổ quốc. Vào cuối buổi tối hôm đó, tôi lặng đi khi nhận được những món quà do những bạn yêu thơ trao tặng: những chiếc vòng cổ, vòng tay truyền thống của Colombia, những thỏi kẹo sô cô la ngọt lịm có nhân là những hạt cà phê giòn tan, một chiếc túi xách bằng da và cả những bức họa tự vẽ. Giờ đây, những món quà ấy đang nằm trên bàn viết của tôi. Chúng nhắc nhở tôi từng ngày, từng giờ về sự kỳ diệu của thơ ca, và về trách nhiệm của người cầm bút.
Một Liên hoan thơ về quyền con người
Liên hoan thơ quốc tế Medellin đang làm được một điều thật kỳ diệu: đem thơ ca đến cho những người nghèo nhất, khó khăn nhất ở Medellin – những người thường không có điều kiện tham dự các sự kiện nghệ thuật. Trong khi tôi có cơ hội đọc thơ cho các nạn nhân chiến tranh và bạo lực, nhà thơ Áo Ingrid Fichtner nói với tôi rằng chị cảm thấy thật vui khi được chia sẻ các bài thơ của mình với dân cư tại một khu ổ chuột. “Chỉ có ở Medellin, tôi mới thấy có cả những con chó hoang lang thang vào buổi đọc thơ, nhưng chẳng ai màng đến chúng, vì ai cũng chăm chú nghe thơ,” Ingrid vừa cười vừa kể với tôi như thế.
Đến Medellin, tôi mới hiểu người dân Medellin trân trọng thơ ca, trân trọng những phút giây bình yên đến mức nào. Hàng loạt các sự kiện thơ ca mà tôi tham gia ở trung tâm thành phố hay các khu dân cư xa xôi nằm vắt mình trên các triền núi cao hẻo lánh đều có sự tham dự của rất đông khán giả. Họ đến vì muốn nghe những câu chuyện của các quốc gia khác, để lắng nghe thông điệp và nhạc điệu của các bài thơ. Một khán giả mà tôi đã gặp – một người có cha vừa bị mafia bắn chết, và chú của anh cũng bị phiến quân giết hại – nói với tôi rằng, anh tìm đến Liên hoan để lắng nghe thơ, để bỏ lại sau lưng mọi sự đau buồn, để đắm chìm trong sự tĩnh lặng của thơ.
Liên hoan thơ quốc tế Medellin “đã cho thế giới thấy rằng sự sáng tạo, vẻ đẹp, tự do ngôn luận và sức mạnh cộng đồng có thể đơm chồi nảy lộc trên sự sợ hãi sâu thẳm nhất và bạo lực khủng khiếp nhất để rồi khuất phục được chính những sự sợ hãi và bạo lực đó,” tiến sĩ Juliane Kronen chia sẻ cùng tôi. Năm 2006, bà là một trong những người đã trao tặng giải thưởng Right Livelihood cho Liên hoan thơ quốc tế Medellin. Giải thưởng danh giá này được coi như phiên bản khác của giải thưởng Nobel, và cũng được trao tại Stockholm, Thụy Điển.
Qua 23 năm, Liên hoan thơ Quốc tế Medellin giờ đây không chỉ dừng lại ở các hoạt động giao lưu thơ ca mà giúp các nạn nhân bạo lực cất lên tiếng nói của mình qua hàng loạt các lớp học về thơ. Ngôi trường Thơ ca (Poetry School), một phần của Liên hoan thơ, giờ đây đã tiếp cận và tổ chức các lớp học về thơ cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ em trên khắp Medellin đang cất lên tiếng hát kêu gọi hoà bình trong các bài thơ, và cùng đọc thơ trong các sự kiện thơ thiếu nhi được tổ chức vào các dịp Liên hoan. Tham dự các buổi đọc thơ đó, tôi hiểu tại sao Liên hoan thơ Quốc tế Medellin đang được xem là một dự án kiểu mẫu trong việc dùng nghệ thuật để xây dựng những giá trị nhân văn, để xóa bỏ phân biệt giai cấp, và để nâng cao quyền con người.
Nhưng cũng ở Medellin, những người tổ chức Liên hoan thơ mới gặp phải những rủi ro và khó khăn to lớn đến thế. Gây dựng ra Liên hoan để phản kháng lại bạo lực và sự hoành hành của các nhóm tội phạm, ban tổ chức Liên hoan đã phải đối mặt với những lời đe doạ tính mạng, đến các vụ tấn công vào văn phòng trụ sở của Liên hoan. Nhưng dù thế, nhà thơ Fernando Rendon và các đồng nghiệp của ông vẫn đang kiên trì theo đuổi mục đích của mình: đem hoà bình và bình yên về lại với đất nước Columbia qua thi ca và giao lưu văn hoá giữa các quốc gia.
Nhà thơ Fernando Rendón (trái) đón nhận giải thưởng Nhân đạo Mkiva từ Nam Phi
Đến Medellin, tôi cảm phục biết bao trước tinh thần làm việc hăm hở, không ngừng nghỉ của từng thành viên ban tổ chức cũng như đội ngũ cộng tác viên và tình nguyện viên. 145 sự kiện được tổ chức đồng thời ở 145 địa điểm khác nhau đã diễn ra tốt đẹp, với chất lượng cao, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo công chúng. Ở bất cứ sự kiện nào cũng có những phiên dịch viên giỏi sẵn sàng túc trực, và những nhà thơ nhận được sự hậu thuẫn một cách tốt nhất. Mỗi nhà thơ có 20 bài thơ được dịch sang tiếng Tây Ban Nha rất nghiêm túc và cẩn trọng. Trong toàn bộ thời gian diễn ra Liên hoan, mỗi chúng tôi được bố trí một người đọc riêng. Nhiệm vụ của người ấy là theo chân nhà thơ đến khắp các sự kiện và trình bày các bài thơ đó bằng tiếng Tây Ban Nha.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (bên trái, ngoài cùng) và các nghệ sĩ Colombia
Sự chuyên nghiệp của Liên hoan Thơ Quốc tế Medellin đang nhận được sự đền bù xứng đáng. Mỗi dịp Liên hoan, các sự kiện luôn đầy ắp khán giả – những người nghe thơ trung thành từ nhiều năm nay. Thêm vào đó, Liên hoan cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá và sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế bao gồm các đại sứ quán và các quỹ văn hóa quốc tế.
Hy vọng hòa bình từ Medellin
“Colombia ơi, từ Việt Nam tôi ùa vào vòng tay của bạn
để nhận ra màu hòa bình là màu tiếng hát
của trẻ em đang thánh thót trên đất nước Colombia.”
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cùng những đứa trẻ tại khu tái định cư La Cruz
Khi những dòng cuối cùng trong bài thơ “Màu hòa bình” của tôi vang lên tại Lễ bế mạc Liên hoan thơ Quốc tế Medellin lần thứ 23, lòng tôi chợt trĩu nặng, vì tôi sắp phải nói lời tạm biệt Colombia.
Nhưng tôi tin rằng mình sẽ trở lại, trở lại vào ngày nội chiến của Colombia kết thúc, trở lại để nhìn thấy những nụ cười nở bừng như thơ trên khuôn mặt của những người dân hiền lành chân chất. Rời Medellin, tôi đem theo những cái ôm thật chặt của những đứa trẻ tại khu tái định cư La Cruz khi chúng thì thầm vào tai tôi rằng chúng yêu tôi. Tôi sẽ đem theo nước mắt, nụ cười của Medellin để tôi sống tốt hơn, để ngòi bút của tôi mọc rễ vào cuộc sống này, để khát vọng hòa bình của Colombia lan tỏa.
Nguồn: vanvn.net