TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC
Nếu bạn được hỏi về tình yêu bạn sẽ trả lời như thế nào?
Tình yêu là tổng hợp những tình cảm, cảm xúc, biểu hiện, là những trải nghiệm của mỗi chúng ta trong mối quan hệ với một người. Tình yêu thương thể hiện cá tính riêng mà mỗi người có thể biểu hiện, cảm nhận theo những cách sâu sắc, đặc biệt. Lời thề Budapest chính là tiểu thuyết về một tình yêu như vậy. Yêu thương nhưng vẫn luôn là chính mình.
Lời thề Budapest (Kiều Bích Hậu) – một tiểu thuyết tình yêu, lãng mạn, tự do, phóng khoáng nhưng lại không sa đà mà “thuần khiết, tinh khôi”. Lời thề Budapest là lời thề hay cũng chính là “luật” riêng của An và Andras bởi vì: họ yêu nhau nhưng lại không muốn gò bó hay thay đổi cuộc sống hiện tại. Họ cũng không muốn tiến tới hôn nhân nhưng khao khát một cuộc sống tự do với từng phút của hiện tại. Họ muốn “Ăn mà không cần lao vào bếp nấu nướng vất vả, yêu mà không đòi cưới hay sở hữu người yêu, tin vào tuổi già mà không cần sinh con cái, hít thở tự do mà không cần trả giá… biết hạnh phúc với mọi quà tặng cuộc đời”. Đó là lời thề “Yêu mà không sex, “mô hình” yêu thuần túy tinh thần.”
Câu chuyện tình ấy bắt đầu từ một lần tình cờ gặp gỡ, khi hai ánh mắt chạm nhau, Andras đã ấn tượng sâu sắc với cô gái Á Châu với thân hình nhỏ nhắn, mong manh là An. Về phía An, ấn tượng đầu tiên với Andras cũng là một trải nghiệm sâu sắc, khó quên dành cho một chàng trai cao lớn, ấm áp xứ Hungary. Lần thứ hai, họ lại vô tình gặp nhau, trong một sự kiện tương tự. Họ làm quen với nhau, họ bắt đầu có những buổi gặp mặt riêng, trao đổi, kết hợp ra mắt Andras và thơ của Andras tại Hà Nội. Họ tìm được tiếng nói chung trong tâm hồn qua thơ, văn. Họ có những buổi du lịch, hẹn hò từ Hà Nội Việt Nam cho tới Budapest Hungary đầy vui vẻ, nhiệt huyết, ngọt ngào có, lãng mạn có, có cả những hiểu nhầm, trách móc, giận hờn, ghen tuông. Họ trải qua hết cả những cung bậc cảm xúc đầy đủ của một cặp đôi bình thường. Chỉ có một điều khác thường đó là họ luôn kiểm soát cảm xúc của mình để không vi phạm lời thề Budapest họ đã lập với nhau. Họ chỉ muốn cuộc sống hiện tại của họ “không tưởng nhớ quá khứ, chẳng lo lắng tương lai, biết rõ mình là ai và làm điều mình muốn ngay lúc này.”
Kết thúc tiểu thuyết là tai nạn của An và sự ra đi của An mà Nhà văn Kiều Bích Hậu gọi đó là “Trở về nơi Bất Tử “. Đó là tai nạn không mong muốn, tai nạn cho lối sống và mong muốn khác biệt, chọn con đường nguy hiểm để trải nghiệm hay nói cách khác nguy hiểm, tai nạn là cái giá cho một nhà văn nữ muốn tự mình trải nghiệm để viết ra những tác phẩm giá trị, xứng đáng với danh nghĩa “Phù thủy văn chương” của An. An chấp nhận kết cục đó. Đối với An, cuộc sống dài vô tận nhưng con người không thể sống mãi với thời gian. Điều quan trọng là chúng ta đã làm được gì, đang làm gì và sẽ làm gì; để rồi khi mọi thứ qua đi, ta vẫn để lại được chút gì đó cho đời giống như cách mà Xuân Diệu đã từng viết:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
An về với “Trở về nơi Bất Tử”, An cũng không còn nuối tiếc hay bận tâm như cách mà tác giả viết: “Phải chăng An đã cố tình tạo ra chuyện này? An, cô gái nghiện bay, từng có lần thủ thỉ với anh rằng, một cái chết lý tưởng cô có thể hình dung ra, là đột tử trên một chuyến bay. Chỉ cần nhao một cái, thế là biến mất, không đau đớn gì, thậm chí còn không biết là mình vừa qua đời. Cô không bao giờ muốn chết trong bệnh viện, với động chạm dao kéo vào cơ thể mình, với mổ xẻ thuốc thang đau đớn, với cánh cửa đen đóng sập trước mắt, và cái chết ám ảnh.” Đây là kết chuyện nhưng cũng là mong muốn của An; có thể cũng là điều tốt hơn cho An là sống mà không được làm điều mình mong muốn.
Hành trình yêu thương của An và Andras – Hành trình yêu thương của Hà Nội và Budapest; của Việt Nam và Hungary; sự kết nối yêu thương, kết nối văn hóa, những khác biệt về con người, lối sống, tư duy,… luôn làm cho An phải sựng lại. Nhưng khác biệt đó không ảnh hưởng đến tình cảm của họ; không gây tạo cú “sốc” nào cho cả hai bên, ngược lại nó hài hòa đến lạ, nó mở mang thêm sự hiểu biết của cả hai về nhau. Họ đã đến với nhau, yêu nhau không giống như những cặp tình nhân nam nữ thông thường. Họ đến với nhau bởi họ kết nối được với nhau về mặt tinh thần như hòa vào một. Có lẽ đây cũng là mong muốn, là ẩn ý của tác giả Kiều Bích Hậu trong sự gắn kết văn chương, văn hóa. Tình yêu thương không cần toan tính, bàn bạc hay chú trọng đến sự khác biệt văn hóa, khoảng cách địa lý hay sự giàu nghèo. Nhưng tình yêu thương thuộc về một lĩnh vực khác, lĩnh vực tinh thần. Người ta sẽ yêu nhau, gắn bó với nhau, vì nhau mà làm điều này, điều kia khi họ có tiếng nói chung, có sự đồng điệu về tâm hồn, có sự đồng nhất tinh thần, có cùng một “đẳng cấp” về tinh thần. Có được điều này, ngay cả lúc khó khăn, nguy nan nhất họ cũng sẽ nghĩ đến nhau, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho nhau thậm chí không tiếc phá bỏ lời thề Budapest để người còn lại có cuộc sống tốt nhất.
Đọc Lời thề Budapest, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sống “Free size”, tự do bay nhảy, tự do làm điều mình thích không theo quy luật mà con người tự đặt ra cho nhau nhưng là theo quy luật của mình. Điều này cũng giống như tình yêu không nhất thiết phải có sex mới là tình yêu hoàn thiện. Tình yêu sẽ hoàn thiện và sâu đậm hơn, làm người ta da diết nhớ hơn nữa ấy là tình yêu đẹp, thuần túy tinh thần. Yêu mà không bị ràng buộc, không cần phải theo lẽ thường hay quy luật hôn nhân. Chúng ta có thể yêu nhưng cũng có thể thoải mái là chính mình.