Mới đây, một trang web không những đã vi phạm bản quyền nhiều đầu sách của các nhà văn, nhà xuất bản mà còn tự định một giá bèo đồng nhất cho tất cả các sản phẩm văn hoá.

Ebooks đồng giá và sự mặc cả lợi nhuận

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều cửa hàng bán các sản phẩm “có cùng một mức giá”. Có thể cùng một dòng sản phẩm hay khác dòng sản phẩm nhưng được đưa ra một mức giá nhất định cho tất cả.

Lợi ích của người “mua” là họ sẽ không phải lăn tăn sản phẩm này có giá bao nhiêu, giá trị sản phẩm có xứng đáng không? có phù hợp túi tiền của bản thân không?… mà chỉ cần lựa những gì mình thích và cần.

Còn các tác phẩm văn hoá có giá trị tinh thần thì sao?

Một tờ báo đều đặn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng… sẽ có cùng một mức giá như nhau. Chỉ trừ khi số báo đó ra mắt vào các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm quan trọng mới có mức giá cao hơn. Nhưng bù lại số trang – lượng thông tin sẽ tăng lên.

Những tác phẩm văn học dài kỳ, được đánh số theo các tập, đặc biệt là truyện dành cho trẻ em cũng thường có một mức giá tương đương ở mỗi tập.

Có nhiều căn cứ để các đơn vị định ra một mức giá để phù hợp với đơn vị xuất bản cũng như tác giả và người mua.

Tác phẩm văn chương của mỗi nhà văn cũng vậy, nhìn vào giá bìa cho dù tương đương nhau thì không thể mặc nhiên cho rằng, chất lượng – nhất là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm này tương đương với tác phẩm kia. Giá sách chỉ là một cách tương đối đánh giá sức lao động của nhà văn, trong đó có tính đến số trang, tên tuổi tác giả, chất lượng giấy, chất lượng bìa sách… Còn chuyện bỏ ra đồng tiền và thấy lỗ, lãi, vui, buồn… khi quyết định mua một cuốn sách là do mỗi độc giả sau khi đọc xong tác phẩm.

Vậy nhưng những cuốn sách giấy có giá trị khác nhau ấy khi được đưa lên mạng booksboming.com lại có cùng một mức giá là 10 nghìn đồng cho mỗi quyển ở tất cả các đầu sách. Đây là một trang web công khai địa chỉ liên hệ và có người trực tiếp trả lời cho những vấn đề liên quan.

Rất nhiều sách và tác phẩm của các nhà văn bị sử dụng trái phép như: Đi về nơi hoang dã – Nhật Tuấn, Đại tá không biết đùa – Lê Lựu, Đàn bà xấu thì không có quà – Y Ban, Đảo chìm – Trần Đăng Khoa, Còn chút gì để nhớ – Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Phong Điệp… Bên cạnh đó còn có sách của nhiều tác giả đã mất, tác giả nước ngoài.

Được hình thành như một ebook với cách thức lựa chọn và thanh toán, tuy nhiên trang web này không (hoặc chưa) thông qua tác giả, hoặc nhà xuất bản. Họ mặc nhiên “định giá” sản phẩm tinh thần và mặc nhiên bán bất cứ cuốn sách nào mình có trong tay.

Đặt câu hỏi cho trang web này lý do bán cùng một giá 10 nghìn đồng cho tất cả các sách có độ dày mỏng khác nhau thì được hệ thống trả lời trực tuyến cho biết: “Đó là phí… sưu tầm và đăng lên website chứ không phải giá của bản quyền sách bản mềm”. Việc đưa ra mức giá và cho rằng đó là công sức sưu tầm là hoàn toàn không hợp lý. Bởi một khi đã hình thành giá và cho phép người khác cùng sở hữu là kinh doanh có lợi nhuận, đồng nghĩa với việc vi phạm bản quyền. Những điều này đã được pháp luật quy định.

Cách lý giải của trang web là “Khi nào đạt được số lượng người dùng vào khoảng một triệu người thì mới triển khai vấn đề bản quyền”. Mới nghe qua thì “sự mặc cả lợi nhuận” này không ghê gớm lắm. Nhưng bình tĩnh lại, thì đó là một con số ngất ngưởng, chẳng khác nào họ đưa ra một điều kiện là khi nào có lãi… 10 tỉ (10.000 đồng x 1 triệu) thì mới chia sẻ lợi nhuận và tính đến chuyện bản quyền. Và nếu như một ngày nào đó con số 1 triệu người đã đạt được nhưng không công khai thì ai dám nghĩ đó không phải là một chiêu lách luật!.

Đánh vào tâm lý của nhà văn là mong muốn độc giả tìm đọc sách của mình, lại không am hiểu về công nghệ thông tin, ngại va chạm chuyện tiền nong nên nhiều sách lậu, trong đó có cả ebooks còn tồn tại và ngày càng nở rộ.

Khách hàng có thể mua bất cứ quyển sách nào có trên trang web với giá chỉ 10.000 đồng

Nhà văn nói gì khi sách của mình “giá bèo”

“Của rẻ là của ôi” như là sự mặc định trong suy nghĩ của nhiều người. Trên thực tế, những mặt hàng có giá rẻ hơn so với giá trị thật, hoặc giá trị ban đầu thường là gần hết date – hết hạn, lỗi mốt, bị lỗi, cũ…

Ở các hội chợ sách, để khuyến khích người mua sách, đọc sách, nhiều đơn vị đã giảm giá một cách đáng sững sờ, 50- 80%. Có đơn vị thì tranh thủ dịp này thanh lý sách ế mà đưa ra mức giá giật mình. Chắc hẳn có nhiều nhà văn khi nhìn những đứa con tinh thần của mình dứt ruột đẻ ra lại bị đối xử rẻ rúng như vậy không thể không chạnh lòng, xót xa.

Tuy nhiên, với mức đồng giá 10 nghìn đồng được trang web booksboming đưa ra mà không phải chia lợi nhuận thì đó quả là một con số khá lý tưởng cho cả người bán trái phép và người mua.

Là người bị booksboming khai thác cuốn Đại tá không biết đùa, nhà văn Lê Lựu rất ngạc nhiên với mức giá đó. Ông cũng cho biết, mình không hề được hỏi xin phép sử dụng tác phẩm. Khi được chúng tôi cung cấp thông tin, nhà văn Lê Lựu khá dứt khoát sẽ yêu cầu trang web đó gỡ tác phẩm của mình xuống hoặc phải có thương lượng về vấn đề tác quyền cũng như lợi nhuận ông mới đồng ý cho tồn tại.

Nhà văn Nguyễn Hiệp – người cũng có liên quan đến trang web vi phạm này chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin khá… giật mình!. Do phải tìm lại một số tài liệu liên quan đến các bài phỏng vấn và tác phẩm của chính mình trên mạng mà anh đã tình cờ phát hiện ra trang web sử dụng tác phẩm của mình với mục đích kinh doanh. Nhưng đáng chú ý là họ sưu tầm và gom những truyện ngắn lại rồi đặt thành tên một cuốn sách mới. Ví dụ cũng là cuốn Trần gian nhìn từ sau lưng với 15 truyện ngắn, thì họ không đặt tên sách như vậy mà lấy tên một truyện ngắn khác làm tên cuốn sách. Đến ngay cả tác giả cũng ngạc nhiên chứ đừng nói độc giả. Có thể với cách làm này, độc giả sẽ bị đánh lừa rằng nhà văn Nguyễn Hiệp vừa có một cuốn sách mới. Còn bản thân nhà văn thì khó phát hiện ra toàn bộ cuốn sách bị ăn cắp nếu không tìm hiểu kỹ.

Với mức giá được đưa ra 10 nghìn, nhà văn Nguyễn Hiệp thấy tê tái và cho rằng trang web có cách làm ăn quá tinh vi và quá coi thường công sức lao động của nhà văn. Ngay lập tức anh đã viết thư yêu cầu trang web gỡ toàn bộ tác phẩm của mình. Dù đã được thành viên của trang web hồi đáp và thực hiện theo yêu cầu nhưng hiện tại nhà văn cũng không dám chắc liệu sau này trang web có tiếp tục vi phạm bản quyền của mình nữa hay không. Bởi không phải ngày nào nhà văn cũng có thể vào mạng kiểm tra.

Đặt câu hỏi, vì sao nhà văn Nguyễn Hiệp đã đăng ký bản quyền tại Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam lại không nhờ tổ chức này lên tiếng thì anh cho biết: Tôi đã yêu cầu họ gỡ toàn bộ tác phẩm của tôi khỏi trang web và họ đã thực hiện nên chưa nhờ đến Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam. Nếu họ không gỡ, hoặc cố tình vi phạm lần nữa thì tôi mong muốn được trung tâm can thiệp”. Vì lý do này nên sau đó nhà văn Nguyễn Hiệp đã gửi email cho một số bạn bè, đồng nghiệp đã và đang bị trang web lợi dụng “sưu tầm”vi phạm bản quyền để họ lên tiếng.

Đây mới chỉ là vài ý kiến của những nhà văn đương đại và họ còn lên tiếng được. Vậy những nhà văn nước ngoài, những nhà văn đã mất thì sao? Ai sẽ là người bảo vệ tác quyền cho họ?

Hiền Nguyễn

Nguồn: Toquoc