Bình yên và thân yêu là những cảm giác mà người đi xa hay nghĩ về xóm nhỏ quê mình. Ở đó có những con người chất phác đợi chờ. Đã mấy mươi năm, xóm mình vẫn vẹn nguyên những hình ảnh cũ. Ruộng xanh và dòng sông chảy dịu dàng. Nên khi đối diện với cuộc sống đô thị, mình vẫn có một chốn thật bình yên để nghĩ về và để quay về. Vậy mà…

Xóm nhỏ. Ảnh: Lê Phú Cường

Những nguồn lực tích tụ bỗng chốc biến mất khiến người nghe chuyện cười ra nước mắt. Những dây hụi cứ thỉnh thoảng lại vỡ. Người chịu thiệt là những người nông dân cả tin, chắt chiu dành dụm. Bây giờ lại thêm bán hàng đa cấp, bán thực phẩm chức năng. Những nhóm người lừa đảo như những con bạch tuộc bung vòi hút máu dân lành. Đó là những cô, dì, em, cháu ruột rà của mình. Có những người thân gần gũi, còn giữ liên lạc thường với mình được khuyên nhủ nên cảnh giác tránh được, số đông còn lại đành chịu bó tay.

Những câu chuyện có thật cứ lan nhanh vì quá chấn động ở chốn bình yên như cây cỏ. Với thu nhập của hộ gia đình tính bằng vài chục triệu một năm thì những cú lừa dắt dây năm bảy chục tỉ đồng là quá sức chịu đựng. Một huyện vùng sâu vùng xa ở miền Tây bị giật hụi năm mươi tỉ đồng trong một ngày cuối năm, nạn nhân chỉ biết ôm mặt khóc. Người ta kể, hôm gặp chị Út Đém hai con mắt của chị bụp như con vọp vì khóc nhiều quá. Mỗi ngày chị với mẹ già chỉ ăn cơm với một cái hột vịt, có bao nhiêu tiền nuôi heo, nuôi gà vịt, bán rau đều đem “chơi hụi”. Tiền dành dụm mấy chục năm được mấy chục triệu bị giật hết rồi. Cả tuần nay chị cứ đi kiếm người quen để kể và khóc, như thể chỉ có cách đó chị mới thở và sống được. Bi hài kịch đau lòng này cứ diễn hoài.

Rồi thực phẩm chức năng len lỏi vào nông thôn. Những người nông dân thật thà bỗng chốc diện đồ bảnh bao, rủng rẻng tiền, đi rao bán thuốc và rủ rê người thân đi cùng. Lòng tin người thân đã bị lợi dụng tuyệt đối. Tình thân thuộc, tình làng nghĩa xóm cũng đổ vỡ từ những lời hứa hẹn và những đợt mua thuốc tốn kém mà không hết bệnh nan y.

Những gia đình khá giả còn lại, là đích ngắm của bán hàng đa cấp và những công ty huy động vốn lãi suất cao. Với sự xuất hiện hào nhoáng và những lời hứa hẹn đổi đời, những giám đốc, trưởng phòng bảnh bao ấy dùng những chiêu bài tâm lý, tiền tài, vật chất để mua chuộc, dụ dỗ người dân đưa những đồng bạc dành dụm ít ỏi vào các công ty này để được lãi suất, hoa hồng cao. Khi phát hiện mình bị lừa thì không thể đòi tiền lại được vì công ty đã bị phá sản, giám đốc công ty bị bắt. Chỉ riêng Công ty Liên kết Việt đã lừa 60.000 người dân hơn 1.900 tỉ đồng thì bao nhiêu người dân đã bị lừa với tất cả các công ty như vậy? Một đất nước nghèo cứ mãi mất mát những nguồn lực lớn thì còn tụt hậu đến bao giờ? Những cái tên được phủ cái mác quân đội, quốc phòng, hay những thực phẩm chức năng gắn xuất xứ từ Pháp, Mỹ… với các giáo sư, bác sĩ phát biểu ở các hội thảo làm người dân tin lắm, nào đâu biết được thật giả ở đâu. Các hội thảo ồn ào cứ thế diễn ra và người dân lần lượt vào tròng. Nông dân chắt mót bao nhiêu năm và của bao nhiêu gia đình thì cộng lại được con số đó? Họ tự chịu trách nhiệm đã đành rồi, nhưng còn ai thiếu trách nhiệm với nông thôn, nông dân và những con người như họ trong một môi trường dễ tổn thương như vậy hay không?

Thương những người thân, đau lòng trước nghịch cảnh mà tôi trở thành một người tuyên truyền bất đắc dĩ cho bất kỳ người thân nào có dịp gặp gỡ. Để rồi, đôi lúc thấy mình cũng chỉ là một gáo nước vơi!…

 

Theo Lê Phú Cường -TBKTSG

Exit mobile version