Đọc “Trở lại với đời”, tiểu thuyết của Jacques Danois, nhà văn – Thiếu Tướng Nguyễn Chí Trung đã có những cảm thán sâu sắc về tác phẩm và bản dịch.
Mỗi lần được đọc một cuốn sách hay, con người lại nhận ra đời, sâu hơn, chứa chất muôn triệu lung linh mà mình chưa biết, lại soi thấy chính mình như mới được soi thấy hôm nay thôi, tìm được khát vọng sống thanh tao, nâng mình lên một ước mong mới, sống đẹp hơn, cao thượng hơn.
Tác phẩm hay là tấm gương mênh mông và sâu thẳm. Đôi mắt nào thì tấm gương ấy. Tác phẩm chỉ có một, mà lạ thế, nó có thể trở thành hàng triệu tấm gương riêng cho hàng triệu con người, vốn không ai giống ai, riêng đến vô cùng.
May mắn cho tôi được đọc một bản dịch hay của nhà báo Phan Quang, bản dịch cuốn tiểu thuyết Trở lại với đời của nhà văn lớn Jacques Danois. Nhà văn sinh ra ở nước Bỉ xa xôi, cách đất nước ta hơn một phần tư vòng trái đất, nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới.
Cảm ơn vô cùng nhà báo Phan Quang. Cảm ơn vô cùng nhà văn Jacques Danois. Sắp đến ngày mất của Jacques Danois (27/9/1927 – 20/9/2008), cuốn sách ra mắt như một lời tưởng niệm đối với nhà văn, người bạn thân thiết của Việt Nam. Ông từng khổ đau dày vò và trăn trở dưới bầu trời thu Việt Nam, im lặng suy tư từ thuở nào.
Ông đã tới Việt Nam từ những năm 1960, khi dân tộc chúng ta còn đang trong cuộc kháng chiến. Jacques Danois từng gọi cuộc kháng chiến này là một thiên anh hùng ca.
Ông đã đến rất sớm với các dân tộc bị áp bức ở châu Phi và châu Mỹ La tinh. Ông cũng đã đến rất sớm với nhân dân Campuchia.
Sau khi bị nhân dân Campuchia và Quân Tình nguyện Việt Nam đánh tan, bọn Khmer Đỏ tàn quân đủ loại, tàn quân Lonnol, tàn quân Bảo hoàng… Tất cả chúng chạy về rẻo đất dài dọc biên giới Campuchia – Thái Lan xây dựng 16 căn cứ để cụm lại phản kích.
Jacques Danois đã đến đó, nơi mà ông gọi trong nguyên tác là “Mảnh đất háu ăn” (La terre gourmande), trung tâm của cơn lốc.
Ông là một anh hùng không tên. Ông là chiếc lá rừng xanh thẳm lẩn khuất trong những tán rừng Campuchia. Mục đích của đời ông là nụ cười của các em bé. Sung sướng của đời ông là cứu được những người đau khổ. Tâm hồn của ông như ngọn thốt nốt trăm năm, cao vút và ngạo nghễ, cô đơn và nồng nàn yêu thương nhân loại.
Với ông, lời cảm ơn nặng lòng là lời cảm ơn không nói. Nói sao hết lời cảm ơn sâu thẳm. Không có khổ đau, không có con người. Không có khổ đau không hình thành dân tộc.
Theo Nguyễn Trí Trung (Dân trí)