Một lát cắt ấn tượng về vùng đất đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo dưới chế độ cũ

Với câu chữ ngắn gọn, bằng giọng điệu rất Nam Bộ, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn đã hấp dẫn người đọc. Những từ ngữ nóng và lạnh, hút và thả cứ liên tục bung ra khiến người đọc như lạc vào một mê cung đầy bối rối và ngờ vực. Những nhân vật của hai phe đối lập, chính nghĩa và phi nghĩa, ngay giữa lòng cuộc chiến tranh lạnh lùng và tàn bạo đã được tác giả khắc họa sinh động, sắc nét.

Rồi từ từ, cánh cửa ngôn từ cứ mở ra, mở ra để rồi những nút thắt cứ nhẹ nhàng được cởi. Đi cùng câu chuyện là tình yêu tuổi mới lớn của hai chị em ruột, Linh chị và Linh em. Tình yêu của Hội và Linh em là sự trần trụi, là không toan tính, là hết mình, nhưng đó là một tấn bi kịch của chiến tranh. Họ đành chia tay và mất nhau vĩnh viễn trong bối cảnh loạn lạc. Khác với Linh em, tình yêu của Linh chị với Quang, nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức được giác ngộ cách mạng, rất đằm thắm và nhẹ nhàng. Quang theo cách mạng nhưng lại yêu con gái của một tay cảnh sát khét tiếng là Bảy Lửa. Phải chăng đây là điểm hấp dẫn nhất của câu chuyện? Cái chết tức tưởi của Linh chị trên cầu Cỏ May cùng cái chết của Hội đã dẫn câu chuyện đến sự bi thương để rồi sau này kết thúc câu chuyện lại đầy gợi mở. Tác giả không nói đến nguyên nhân cái chết của Linh chị nhưng người đọc có thể phỏng đoán là do đạn lạc. Số phận của Linh chị cũng có kết cục giống như số phận của Hội.

Vượt lên trên tất cả là hình ảnh của thầy giáo dạy Việt văn. Cùng với Quang, đây là nhân vật đại diện cho tầng lớp yêu hòa bình và chính nghĩa.

Trong trường trung học, Quang đã hoạt động ngầm dưới cái vỏ bọc của một học sinh. Lần điều tra ở trường học để tìm người rải truyền đơn, nhân vật Bảy Lửa đã có dịp bộc lộ hết bản chất hung hãn tàn bạo của mình. Tư tưởng của thầy giáo dạy Việt văn hay của Quang đã ảnh hưởng đến con gái của Bảy Lửa, cụ thể là nhân vật Linh em? Có thể là một mà cũng có thể là cả hai. Rốt cuộc thì cả ba cùng bị bắt. Tôi thấy đoạn này như một trích đoạn của một vở kịch. Những câu thoại lạnh và sắc gây thêm sự hấp dẫn cho người đọc.

Rồi một Bảy Lửa yêng hùng. Nhân vật này giống một số nhân vật trong những bộ phim sau giải phóng. Ngang ngạnh và dữ dằn, sẵn sàng tra tấn dã man những người được cho là cộng sản. Gã đã trở nên hung hãn hơn sau cái chết của con gái.

Rồi giăng mắc trong bối cảnh rối rắm là những nhân vật phụ nhưng có tính quyết định cho sự thành công của truyện ngắn, đó là một gã lái xe, là một ni cô ở chùa… Câu chuyện kể cứ như tự nó tuôn chảy, cứ thật như chính thời điểm của sự kiện trước ngày giải phóng. Dòng người ồ ạt chen lấn và lộn xộn ở biển Vũng Tàu gây không ít liên tưởng cho người đọc. Chính thời điểm ấy, cái nhìn của tác giả không phân biệt đẳng cấp chính trị, giàu nghèo. Và kết thúc câu chuyện là sự chiến thắng của phe chính nghĩa, là sự trở về với cội nguồn, với dân tộc. Sự bao dung sẽ xóa hết mọi vách ngăn. Giữa con người với nhau chỉ còn là tình yêu. Linh em trở về sau nhiều năm sống ở Mỹ là một kết thúc khá bất ngờ và đầy thú vị. Thú vị hơn là một thầy giáo Hội nhưng không phải là Hội ngày trước. Thầy giáo mang cái tên Hội sẽ xử trí ra sao khi đọc được bức thư?

Một kết thúc mở để người đọc tự viết tiếp.

Là lớp trẻ sinh ra sau giải phóng nhưng với tầm nhìn bao quát suốt cả chặng đường lịch sử, Trịnh Sơn đã thành công trong việc tái hiện hình ảnh vùng đất đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo dưới chế độ cũ những ngày trước giải phóng.

Với tôi, truyện ngắn này đã thành công ở nhiều khía cạnh. Phải chăng, đó là nhờ sự tìm tòi và lối viết táo bạo. Xin chúc tác giả trẻ Trịnh Sơn thành công hơn nữa trong lĩnh vực văn chương đầy gai góc của mình


Châu Hoài Thanh

Nguồn: VNQĐ

Exit mobile version