Võ Vân

Với Linh tộc, Ilka Tampke đã gom nhặt những mảnh ghép lịch sử và dệt nên một thế giới đầy sức thuyết phục”- Times.

Tác giả của cuốn sách, Ilka Tampke sinh ở Sydney và làm việc trong lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật và biểu diễn trước khi theo học sáng tác tại RMIT, Melbourne. Bà giữ chức vụ biên tập viên tờ Quest, National Journal of Adult Learning năm 2010, 2011 và được trao tặng giải thưởng Glenfern năm 2012. Bà sống gần Melbourne, Úc với gia đình nhỏ của mình.

Nhà văn Ilka Tampke

Linh tộc là tác phẩm đầu tay xuất sắc mà trong đó có sự hiện diện của pháp thuật huyền bí đầy lôi cuốn, vượt qua ranh giới thể loại thông thường. Đặt trong bối cảnh một thời kỳ nhiều biến động của lịch sử Anh quốc, Linh tộc kết hợp giữa phép kể chuyện sử thi với cốt truyện độc đáo, ấn tượng, một câu chuyện ly kỳ, mê hoặc và đẫm máu, về sự xung đột giữa hai thế giới và một phụ nữ bị giằng xé giữa hai người đàn ông.

Đối với người dân Caer Cad, linh tộc “là lời chào, là mẹ, là tổ tiên, là quê hương” và “chẳng có gì tồn tại ngoài nó.” Linh tộc quyết định một người là ai và họ thuộc về nòi giống nào.

Một cô gái trẻ, Ailia, lớn lên mang bên mình cái mác “người ngoài” trong chính ngôi làng mình, vì cô không có linh tộc. Dù vậy, cô lại là người thông minh, sẵn óc tò mò cùng sự dũng cảm hiếm thấy. Và các Mẹ, tổ tiên của bộ lạc, đã chọn cô cho một mục đích khác.

Khi một thế lực đen tối đang cận kề – sự bành trướng của Đế chế La Mã hiếu chiến – cũng như bị quyến rũ bởi chàng trai Taliesin đẹp đẽ và bí ẩn, Ailia dấn thân vào cuộc hành trình tìm kiếm trí tuệ để bảo vệ người dân và những tín ngưỡng thiêng liêng của bộ tộc khỏi những kẻ xâm lăng đáng sợ nhất mà họ từng đối mặt, trong khi bản thân cô không hề được chúc phúc. Chính cô gái không có linh tộc đó lại là kẻ nắm giữ vận mệnh của người dân trong lòng bàn tay mình.

Tampke đã tiếp lửa cho lời tiên tri của Ailia bằng giọng văn độc thoại nội tâm, chi phối bởi sứ mệnh ám ảnh cô: tìm kiếm linh tộc, tìm kiếm vật tổ và sự thật về bản thân mình. Ở cái tuổi mười bốn, Ailia đang trong giai đoạn đẹp nhất của thời thiếu nữ, và Linh tộc bản thân nó đã là một câu chuyện với nhiều tình tiết đan cài: một tiểu thuyết về một giai đoạn lịch sử, một câu chuyện tình, một cuộc phiêu lưu. Những nhân vật trong đó bị giằng co bởi nhiều thế lực, trong đó có mối đe dọa từ phía Rome đang lơ lửng trên đầu.

Câu chuyện là sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử và tưởng tượng, theo một công thức hoàn hảo. Độc giả thường e ngại trước một tiểu thuyết lịch sử hư cấu mà trong đó, những nhân vật như nhà vua, nữ hoàng hay người hầu đã trở nên cũ rích. Nhưng Linh tộc diễn ra trong một không gian và thời gian hầu như chưa được khám phá, với cốt truyện độc đáo, mới mẻ. Có thể thấy rõ công sức nghiên cứu và tìm tòi của tác giả trên từng trang sách để tạo nên một thế giới đáng tin và đủ sức chạm đến trái tim người đọc.


Bìa tiểu thuyết Linh tộc

Linh tộc là bản hùng ca mang hơi hướng sử thi nhưng cũng đậm màu sắc tưởng tượng và màu nhiệm, kể chúng ta nghe một thời huy hoàng của những bộ lạc hùng mạnh nơi tận cùng thế giới, nép mình sau những khu rừng hoang vu ma mị. Ở đó, phép màu, quyền năng thần bí là có thực, tình yêu là có thực. Những sinh vật, con người và thế giới thuộc về những gì cổ xưa mà ko hề cũ kỹ. Đọc Linh tộc, ta như đang nghe tiếng vọng hào hùng của rừng già ngàn năm, của những dòng sông linh thiêng chảy mãi mang theo trí tuệ loài người, của bản lĩnh và nhuệ khí tinh thần một bộ lạc oai dũng kiêu hùng, nơi con người không chịu sự cai trị của pháp luật hay bạo lực mà gắn kết với nhau bằng dòng máu, giống nòi và những bài hát cất lên từ lòng đất Mẹ, nơi thế giới tâm linh khai sinh và song hành cùng thế giới vật chất, nơi tự do được coi trọng và sự tự ý thức quan trọng hơn cả bó buộc hay áp đặt, nơi tình yêu và bản năng gắn liền nhưng cũng phân biệt rạch ròi, nơi con người học cách sinh tồn ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời…

Linh tộc đồng loạt được xuất bản ở Anh, Mỹ, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch và tại Việt Nam, ấn bản do Ngô Hà Thu dịch, NXB Phụ nữ xuất bản và phát hành toàn quốc trong tháng cuối năm 2017.

Tổ Quốc

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài