Tôi lại nhớ cái ống quần của bác hôm mặc đi dự Đại hội Nhà văn. Nó bị tuột chỉ ở ngang bẹn. Cứ một bước là một há. Hai há thành một chặp. Tôi nhìn thấy một vệt lúc sáng lúc tối. Trần Hùng mắt trước mắt sau mới ghé vào tai bác, nói một câu gì rất khẽ. Nhà thơ Bàn Tài  Đoàn bỗng phá lên cười. Tiếng cười như đứa trẻ bị ai cù vào nách.

Cuối năm 2002, tôi về Hội Nhà văn Việt Nam nhận công việc mới. Không kịp lên Nguyên Bình chào tạm biệt bác Đoàn. Bây giờ ngồi trước di ảnh, tôi vô cùng xấu hổ và chẳng còn biết nói gì. Tôi tự trách mình vô tâm đểnh đoảng. Trách kiểu gì cũng không gột sạch được cái tôi ích kỷ. Chỉ nghĩ đến mình đang được sướng, mà quên ngay những người xung quanh. Biết vậy, nhưng vào độ tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, rất khó thay đổi biến cái xấu thành cái tốt đẹp. Giờ tôi chỉ dám xin bác để tôi khấu đầu ba vái. Bác Đoàn đại xá thì cho  xin một tràng cười giòn.

Ngày bác còn ở Nguyên Bình, mỗi khi rảnh rỗi công việc là anh em xúi nhau lên chơi bác Đoàn. Đoạn đường từ thị xã Cao Bằng lên phố huyện Nguyên Bình vừa được nâng cấp. Các cung đường cua gấp đã được nắn thẳng, rút ngắn lại được gần chục cây số. Mặt đường mới là cán lại loáng bóng phẳng lỳ. Chỉ cần ai đó xướng một câu: “Bác Đoàn đ…ê…ê!”, thế là năm sáu cái đầu ngoắc lên cười đến tận đỉnh thóp. Không khí nháo hẳn lên. Cả họ hàng nhà văn nghệ khóa trái cửa, đánh rạch roạt một cái, chân trước rủ chân sau cùng nhau ù té rồi.

Cố nhà thơ Bàn Tài Đoàn.

Không hiểu sao từ sâu thẳm, anh em văn nghệ coi bác như cha. Gần gũi, thân thiết đến mức suồng sã. Vào đến cửa, đã thấy bác ngồi đó. Bác Đoàn như ngọn lửa lim dim. Ấm áp, tin cậy. Anh em cất tiếng cười thay cho lời chào. Ai tìm được chỗ nào ngồi thì xù xòa ngồi. Còn ai thích được gần bác, xin hãy cứ đứng. Ai khát thì tự xuống bếp vục nước lã từ trong bẳng ra uống. Nước lấy từ đầu nguồn dưới chân núi đá vôi, nên trong vắt. Uống nước ấy vào người một lúc sau mới thấy ngọt. Ngọt đến mức cả thèm như nước mắm pha đường. Có người uống nở bung miệng rốn mà không hay biết. Uống xong mới sực nhớ, vội vàng hỏi: “Bác ơi có sợ bị Tào Tháo đuổi không hả bác?”.

“Tao uống cả đời có sao đâu!”. Đúng thật. Ngoài chín mươi xuân mà bác vẫn khỏe re. Bữa nào cũng chén sạch ba bát cơm trắng. Khi thì chấm muối vừng. Lúc cá kho trám xanh. Nhưng thích nhất vẫn là cơm với trám đen. Trám đen mặn ngọt bùi chua chát, năm vị có cả. Một bát trám cõng mấy bát cơm như bay.

Trước đây, có nhiều người nghĩ bác hay rượu. Rượu với người vùng cao như nước lavi giải khát. Ngược lại, bác là người ghét rượu như kẻ ăn nói phá mào bốc phét một tấc đến trời. Tôi nhớ từng có người tò mò hỏi thẳng bác “khoản kia” thế nào? Hình như người đó là nhà văn Cao Duy Sơn, hay nhạc sỹ Đàm Thanh? Tôi không nhớ chính xác. Chỉ nhớ khuôn mặt giãn nở, cặp mắt hơi hiếng, bác tủm tỉm, lim dim. “Cứ ở với nhau khắc biết à”.

Ngôi nhà nhỏ của bác nằm sâu bên lề đường vào phố. Trước mặt có cái ao. Ao vừa nhỏ vừa nông choèn. Nước trong ao hình như quanh năm ngái ngủ. Chẳng kịp hỏi bác có nuôi cá không, tôi chỉ thấy mấy con nhái bén. Con bơi dưới nước, con nằm phơi nắng trên bờ. Chúng lặng thinh như người. Thỉnh thoảng lại thấy có đôi trai gái trẻ măng người Dao Tiền vào nhà. Họ bước đến mép bàn.

Chủ nhà hỏi: Lấy mấy bài? Khách bảo: Hai. Thấy khách lục xục túi áo, bác Đoàn thủng thẳng: “Mái lủng xèn” (không cần tiền – tiếng Dao). Đôi trai gái rụt rè cầm túi lưới, đội nón chóp bước ra cửa. Không một lời cảm ơn. Thấy lạ, tôi muốn hỏi nhưng bác đã trả lời ngay: “Con cháu mình cả. Người mãi trên Xí Kèng đấy!”. “Thơ à bác?”. “Ờ!”. Thơ tán gái. Mỗi phiên chợ bác viết mấy bài?”; “Còn tùy. Yêu nhiều viết nhiều”. Rồi bác cười. Tiếng cười bác Đoàn lúc nào cũng trong vắt như nước suối.

Chuyện bác Đoàn rinh cả gia đình vào xã Yasô, huyện Eaka tỉnh Đắk Lắk theo người con trai cả từ năm 2005, tôi hoàn toàn không biết tý gì. Nghe nói trước lúc đi, mắt bác bị đục thủy tinh thể. Bác được người con trai là bác sỹ Bàn Tiến Khang đưa xuống bệnh viện Thái Nguyên chạy chữa. Tôi cũng hoàn toàn không biết.

Nhưng tệ nhất là ngày bác mất, anh em bè bạn là người Cao Bằng ở ngoài Hà Nội không ai hay. Mãi tới lúc tang lễ xong xuôi diễn ra ở trong Nam, vào ngày 17,  thì sáng 28 tháng 11 năm 2007, Hội Nhà văn mới tổ chức lễ truy điệu.

Buổi lễ truy điệu nhà thơ Bàn Tài Đoàn thật xúc động. Có vòng hoa và lời chia buồn sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Có đông đủ con cháu người thân bác Đoàn và đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Hội trường chật ních người đến viếng. Tôi nghe mọi người nói về bác Đoàn trong màn nước mắt. Hoa và đồ phúng viếng cũng chua như lòng người. Cả căn phòng yên ắng và lạnh ngắt. Nhìn bức chân dung nhà thơ đang cười, tim tôi đau như thắt, mắt ai cũng ngấn nước. Lòng tôi thầm gọi bác Đoàn ơi!

Theo Y Phương – Văn nghệ công an

Exit mobile version