Hiện nay chúng ta đã sưu tầm được khoảng 70 bản Kiều khác nhau, trong đó có gần 40 bản Kiều Nôm, bản cổ nhất hiện có xuất bản năm 1866, nghĩa là sau khi cụ Nguyễn Du qua đời gần nửa thế kỷ. Chỉ với 70 bản Kiều, đã có khoảng một ngàn điểm khác nhau. Để hiệu đính thành công một tác phẩm như Truyện Kiều, đòi hỏi người hiệu đính phải am tường nhiều lĩnh vực: thông thạo chữ Nôm, hiểu được quy luật sáng tạo của nhà thơ và thi pháp của cụ Nguyễn Du, nắm chắc nghệ thuật lục bát trong Truyện Kiều, cách sử dụng cổ thi, ca dao, tục ngữ và cả tiếng địa phương Nghệ Tĩnh… của tác giả. Một người cụ thể khó hội tụ đủ những yêu cầu trên, nên cần bàn bạc, thảo luận để tìm ra chân lý, tránh dẫn đến sai phạm đáng tiếc.

Tôi có quen một nhà sử học, cháu ngoại bảy đời của Nguyễn Du. Khi bàn về việc hiệu đính Truyện Kiều, ông nói rằng: Các ông muốn hiệu đính thế nào thì tuỳ, nhưng với tôi, khi cầm một bản Kiều mới xuất bản, đọc đến câu thứ 12 mà thấy: Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung là tôi không đọc tiếp nữa, vì gọi Vương viên ngoại là nghỉ (dấu hỏi), nghĩa là hắn ta, thì người làm sách không hiểu gì về cụ Nguyễn Du cả…”. Có thể nhận xét này hơi cực đoan, nhưng nó nhắc nhở nghiêm khắc những người hiệu đính phải thận trọng, cân nhắc trong từng chi tiết.

1- Gần nguyên tác

Có người đặt câu hỏi rằng, nguyên tác Truyện Kiều, tức là bản gốc không còn nữa, dựa vào đâu để biết được gần nguyên tác hay không? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét thể nào là bản Kiều gốc của cụ Nguyễn Du. Thông thường người ta quan niệm rằng Truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du “trình làng” chỉ có một, quyển ấy không còn, sự sai lệch sau này (dị bản) là do phiên âm chữ Nôm, do “tam sao thất bản”, do in ấn, do kị huý phải sửa đi, do người làm sách tự tiện sửa chữa… Cách đây dăm năm, tôi đã có bài viết để chứng minh rằng, nguyên nhân sinh ra dị bản nhiều nhất trong Truyện Kiều là do chính tác giả Nguyễn Du. Với một tác phẩm đồ sộ như Truyện Kiều, chắc chắn tác giả phải viết trong nhiều năm, khi viết xong tưởng đã hoàn chỉnh rồi, nhưng sau đó thấy còn có thể sửa chữa được, thậm chí còn sửa nhiều lần. Vì tưởng “hoàn chỉnh rồi” nên tác giả đã công bố bằng cách cho bạn hữu chép tay mang đi. Nhưng sau đó chính tác giả lại sửa chữa, rồi lại ‘công bố” tiếp. Bởi vậy, nếu cho rằng Truyện Kiều từ tay Nguyễn Du viết ra là bản gốc, thì chúng ta có nhiều bản gốc khác nhau chứ không phải chỉ có một, và khi đó bản gốc đầu tiên không có giá trị bằng những bản gốc sau, và bản gốc cuối cùng là bản có giá trị nhất, vì đã được tác giả sửa chữa kỹ lưỡng nhất. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để biết được bản nào là bản gốc trước, bản nào là bản gốc sau? Điều này không thể dựa vào năm tháng xuất hiện văn bản bản đó (vì tất cả các lần xuất bản Truyện Kiều đều sau khi Nguyễn Du đã mất, và có thể lần xuất bản sau lại dựa vào bản gốc có trước), mà phải dựa vào quy luật sáng tác của nhà thơ để suy xét các dị bản đó. Sự sửa chữa của cụ Nguyễn Du có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là để nâng chất thơ lên, vì khi sáng tác nhiều, quá mệt nên để xuất hiện những câu, những chữ chưa tối ưu, nhưng sau một thời gian nghỉ ngơi, đọc lại thấy mình có thể sửa lại hay hơn thế. Đó là cách làm việc trên bản thảo của mọi nhà thơ, chắc Nguyễn Du không ngoại lệ. Ta hãy đưa một vài ví dụ cụ thể.

Hai câu 87- 88, trong nhiều bản Kiều Nôm:

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay tác xuống làm ma không chồng

Nhưng trong một bản Nôm khác (Liễu Văn Đường, 1871) lại là:

Sống thời tình chẳng riêng ai

Hại thay thác xuống ra người tình không.

Có nhà hiệu đính phân tích rằng: “Nói sống làm vợ khắp người ta, chết làm ma không chồng, lời thì có vẻ nặng nề cay cú, nhưng nghĩ kỹ lại thấy rất nhạt, câu văn không có chiều sâu”. Còn Sống thời tình chẳng riêng ai/ Khéo thay thác xuống ra người tình không, lời văn thật thà mà chuẩn xác, ý văn sâu sắc…”.

Tôi cho rằng, hai cặp lục bát kia đều là của Nguyễn Du, thuộc hai bản gốc khác nhau. Vấn đề đặt ra: Nguyễn Du đã sửa cặp nào thành cặp nào? Hai cặp lục bát này diễn tả cùng một ý: những người con gái ở lầu xanh, khi sống thì chung chạ với nhiều người, nhưng chết rồi thì cô đơn, không một mối tình nào. Với ý đó, khi sáng tác đã nhiều, quá mệt thì có thể viết: Sống thời tình chẳng riêng ai/ Hại thay thác xuống ra người tình không. Sự thật câu thơ này không phải là dở, nhưng thường tình, không để lại một ấn tượng gì. Có lẽ khi đọc lại, Nguyễn Du đã nhận ra điều đó, quyết chí sửa chữa lại, và kết quả mới có cặp lục bát tuyệt tác, như tiếng kêu oan cho sự đau đớn, bất công mà những người con gái làm nghề bán thân phải gánh chịu: Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng. Nghệ thuật thơ giữa hai cặp lục bát này chênh nhau giống như so sánh tài năng thơ của Đại thi hào với các nhà thơ làng nhàng chúng ta! Như vậy, muốn hiệu đính chính xác, cũng cần hiểu được quy luật sáng tác của nhà thơ và phải có khả năng thẩm thơ, nếu không, sẽ đi đến chuyện nói ngược như nhà hiệu đính kể trên.

Cũng tương tự như vậy, với cặp 1149 -1150:

Thân lươn bao quản lấm đầu

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa (A)

hoặc:

Thân lươn bao quản lấm đầu

Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ (B)

Xuất hiện trong các bản Kiều Nôm khác nhau. Theo tôi, cả A và B đều là câu chữ của cụ Nguyễn Du. Khi người con gái đã phải làm nghề bán thân ở lầu xanh, thì coi như thân lươn chui rúc trong bùn, không coi gì là bẩn nữa, nhưng Thuý Kiều tiếc cho, đau cho lòng trinh bạch xưa nay của mình (B) hoặc phải đầu hàng, chừa lòng trinh bạch vốn có (A). B cũng là một một câu thơ hay, nghe xót xa, nếu là một nhà thơ khác chứ không phải Đại thi hào thì đã hoàn toàn thoả mãn. Câu B hay, nhưng ngoài cụ Nguyễn Du ra, một số nhà thơ khác cũng có thể viết được. Nguyễn Du đã tựa vào nó để nâng lên thành câu A là “siêu thơ”, làm “quỷ khốc thần sầu”, làm sửng sốt lòng người. Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa: Thông thường người ta chỉ chừa tội lỗi, ở đây, Thuý Kiều phải chừa lòng trinh bạch của mình, nghe mới oan khuất, vô lý và đau xót biết bao. Theo tôi, A là một trong mươi câu Kiều hay nhất tác phẩm này.

Đơn cử vài ví dụ để nói rằng, khi xử lý dị bản, trong nhiều trường hợp không nên đặt vấn đề câu nào, từ nào là của cụ Nguyễn Du vì chúng đều là sản phẩm trong các khoảng thời gian khác nhau của Đại thi hào, vấn đề là phải phân tích, cân nhắc để biết tác giả Truyện Kiều đã đi từ dị bản nào đến dị bản nào.

2 – Hợp lý, đồng thuận cao

Nguyễn Du là nhà thơ hết sức chặt chẽ, chính xác khi sử dụng câu chữ, và logic trong các đoạn thơ. Cần ghi nhận đặc điểm này khi hiệu đính các chữ, các từ, các câu. Cái khó cho người hiệu đính là khi kết quả công việc của mình làm thay đổi thói quen nhận thức của bạn đọc, dễ làm họ không chấp nhận và cho là vô lý. Bởi vậy, khi thay đổi một từ, một chữ nào, người hiệu đính phải phân tích để cho bạn đọc đồng thuận. Sự thật, công việc hiệu đính Truyện Kiều không cho phép người làm sách tạo ra các chữ mới, từ mới, mà phải chọn các chữ, các từ đã có trong các bản Kiều đã xuất bản xưa nay, và phải dựa vào các bản Kiều Nôm là chính. Tôi nhớ rằng, khi trích dẫn câu: Sầu đong càng KHắC càng đầy (A) / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê từ một bản Kiều Nôm cổ, đã bị độc giả không đồng tình, vì từ lâu họ đã thuộc lòng câu Sầu đong càng LắC càng đầy (B) và coi đó là tuyệt tác. Sự thật B cũng là một câu thơ hay, nói được sự khác biệt của việc “đong sầu” so với đong các thứ khác như gạo, ngô… càng lắc càng vơi. Nhưng khi làm công việc hiệu đính, ta phải xét xem chữ LắC có phải là chữ của Nguyễn Du không? Lần theo các bản Kiều cổ, ta thấy rằng chữ Lắc này mới xuất hiện lần đầu vào năm 1902, trong bản Kiều của Kiều Oánh Mậu, còn tất cả các bản Kiều Nôm có từ trước thì không hề có chữ LắC, mà đều là chữ KHắC, Sầu đong càng khắc càng đầy! Như vậy khi hiệu đính Truyện Kiều, không biết Kiều Oánh Mậu lấy chữ LắC này trong một bản Kiều Nôm nào mà hiện nay chúng ta chưa có (khả năng này rất ít), hay là chính người hiệu đính tự sáng tác ta từ KHắC? Trở lại câu A vốn có trong tất cả các bản Nôm từ trước, KHắC là một đơn vị thời gian ngày xưa như “Đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Câu thơ diễn tả nỗi buồn của Kim Trọng khi tương tư Thuý Kiều, một mình ngồi nhớ, theo thời gian trôi đi thì mối sầu càng chất đầy thêm, không chỉ đúng với tâm trạng lặng buồn của chàng Kim mà hợp với bút pháp tả tình của cụ Nguyễn Du. Vậy thì khi hiệu đính, chúng ta phải loại bỏ chữ LắC (dù được bạn đọc rất quen) của Kiều Oánh Mậu, mà khôi phục lại chữ KHắC vốn có của tác giả.

Một ví dụ khác. Khi nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn công bố và ủng hộ bốn chữ “trên các, dưới duềnh” trong câu thơ Quản chi trên các, dưới duềnh, chứ không phải Quản chi lên thác, xuống ghềnh như đã quen tai, thì nhiều độc giả phản đối quyết liệt, thậm chí có người còn nặng lời gọi Đào Thái Tôn là “người phá Kiều” chứ không phải là nhà Kiều học! Về văn bản, tất cả các bản Kiều Nôm xuất bản trong thế kỷ 19 đều in bốn chữ trên là “trên các, dưới duềnh”, chỉ có hai bản quốc ngữ xuất bản cuối thế kỷ 19 là “lên thác xuống ghềnh”. Nhưng nguyên nhân tại sao hơn một thế kỷ qua, “lên thác, xuống ghềnh” lại được phổ cập đến thế, thì phải kể đến bản của Kiều Oánh Mậu, xuất bản năm 1902. Sau Kiều Oánh Mậu, hầu hết các bản Kiều quốc ngữ xuất bản trong thế kỷ 20 đều thống nhất “lên thác, xuống ghềnh”. Như vậy về mặt văn bản, ưu thế nghiêng hẳn về “trên các, dưới duềnh”, còn về ngữ nghĩa, về sự hợp lý thì sao? Đây là lời phân bua của Thúc Sinh với Thuý Kiều khi chàng lẻn ra Quan Âm Các với nàng. Ta hãy đọc cả đoạn:

Quản chi lên thác, xuống ghềnh (trên các, dưới duềnh)

Cũng toan sống thác với tình cho xong

Tông đường chút chửa cam lòng

Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai

Ý của Thúc Sinh là: Tôi không sợ chuyện chết với tình, nhưng vì nhà chưa có con trai nối dõi tông đường, nên không thể chết được, hai ta đành chịu đau đớn mà chia tay nhau thôi. Chúng ta chú ý hai chữ “cho xong” sau chữ “cũng toan sống thác với tình” để nói sự liều chết, chứ phải đâu là chuyện bỏ nhà đi theo Thuý Kiều mà “lên thác xuống ghềnh”? Thế “trên các, dưới duềnh” có mang ý tự tử không? Có. “Trên các, dưới duềnh” là nói chuyện nhảy lầu hoặc trẫm mình dưới nước để chết mà trong lịch sử đã có nhiều người làm. Như vậy, cả về mặt văn bản cũng như sự hợp lý, “trên các, dưới duềnh” chiến thắng áp đảo “lên thác, xuống ghềnh” dù bốn từ này đã quá quen tai. Viết đến đây tôi bỗng nhớ và thương nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn, bởi ông đã sớm từ giã cõi trần, không còn dịp chứng kiến một bản Kiều mới sẽ khôi phục lại “trên các, dưới duềnh” như ông mong muốn!

Như vậy, muốn được sự đồng thuận cao của các nhà nghiên cứu cũng như của bạn đọc, chúng ta không chỉ biết chọn chữ đúng, từ đúng… mà khi xuất bản thành sách, phải biết dành một số trang thích hợp để giải thích cho mọi người thấy rằng, chữ ấy, từ ấy không những đáng tin cậy về mặt văn bản mà còn hợp lý trong văn cảnh và ngữ nghĩa của đoạn thơ, truyện thơ.

Nguồn: Vannghe

Exit mobile version