Khiếp! Ai mà dám liên doanh với Thần linh? Nghe rùng rợn quá! Mà cứ nói liều, nói dại, không khéo các ngài vật chết.
Nhưng việc đàn đúm với Thần linh lại có thật. Thật một trăm phần trăm.
Chuyện này diễn ra ở làng Bầu Trúc, một cái làng rất nhỏ, lại hẻo lánh, thuộc tỉnh Phan Rang. Những năm trước đây, cũng do mê thơ Chế Lan Viên ở cái thuở “Điêu tàn”, mà tôi lần về đây, chỉ để ngắm những ngọn Tháp âm u cổ kính đã từng ám ảnh chàng thi sĩ Chế. Nhưng khi đứng trước những ngọn tháp ấy rồi, tôi lại càng kinh ngạc, không hiểu bằng cách nào mà cha ông ta xưa lại có thể dựng được những kỳ quan hùng vĩ đến như thế?
Nỗi băn khoăn ấy cứ đeo đẳng tôi mãi. Gần đây, tôi lại có dịp trở về Phan Rang. Lần này, tôi đi cùng đoàn Quỹ Văn hoá Thuỵ Điển đến thăm làng Bầu Trúc.
Đó là một làng nghề truyền thống. Hiện làng có 180 hộ chuyên làm nghề gốm. Sản lượng 608.800 sản phẩm một năm, chủ yếu là lu, khạp, chậu, lò than, lò làm bánh… dùng trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn, rồi làm chậu trồng cây cảnh cho những triệu phú sống ở đô thị. Tuy vậy, Bầu Trúc vẫn nghèo lắm. Nhà văn hoá lớn Hữu Ngọc từ những năm 40 của thế kỷ trước cũng đã đặt chân đến cái làng nghề cổ kính này. Cứ như mắt ông Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Văn hoá Thuỵ Điển và Đan Mạch thì Bầu Trúc dường như chẳng có gì thay đổi. Vẫn như những năm 40 của thế kỷ trước. Trâu bò vẫn đóng cọc nhốt ngoài đường. Nhà cửa vẫn xơ xác. Làng rất ít cây cối. Bà con sợ để cây, nhà có người ốm, cú lại bay đến đậu. Mà cú đến nhà là độc, là thế nào trong nhà cũng có người chết. Vì thế, bà con triệt phá hết cây. Vườn nhà hầu như cũng bỏ hoang. Rau quả phải nương nhờ Đà Lạt. Người dân ở đây chỉ sống bằng nghề gốm. Nhà nhà làm gốm, người người làm gốm, nhưng bầu không khí của làng vẫn rất trong lành, không bị ô nhiễm như ở Bát Tràng hay những vùng gốm khác. Đi khắp làng cũng chẳng thấy một cái lò gốm nào cả. Bà con nung gốm ở sân, ở vườn, hay ở… giữa đường. Nung không cần lò. Cũng không dùng than. Đồ gốm xếp từng đống rồi chất phân bò khô, hoặc vỏ dừa, hay củi keo, một loại cây nhỏ, vẫn dùng để làm hàng rào trong các gia đình người Chăm. Thế rồi nổi lửa đốt. Đơn giản như nướng khoai, nướng sắn. Lửa cháy hết thì gốm cũng chín. Thường chỉ sau một đêm là được một mẻ gốm. Nhiều khi có gió, sáng ra tàn tro bay hết, chỉ còn trơ một đống gốm đỏ rịn. Gốm để đầy đường mà không bị mất mát. Làng Bầu Trúc trong lành như thời tiền sử. Bà con làm gốm không dùng bàn xoay. Chỉ hai bàn tay với một miếng rẻ uớt. Thế rồi như một nhà ảo thuật diệu nghệ, người thợ gốm chỉ lượn quanh nắm đất vài ba vòng là đã có ngay một sản phẩm đạt đến độ tinh xảo. Ở làng gốm Bầu Trúc này còn có một nhà điêu khắc dân tộc Chăm rất nổi tiếng. Đó là Đàng Năng Thọ. Như hầu hết bà con ở đây, gia đình Đàng Năng Thọ cũng sống bằng nghề gốm. Ngoài lu, khạp, chậu cảnh, nồi niêu, gia đình anh còn có những sản phẩm khác. Đó là những bức tượng nghệ thuật độc đáo và tinh xảo. Tác phẩm Đàng Năng Thọ nằm ngổn ngang trong vườn, bên chân hàng rào hay lăn lóc trong xó bếp. Nhiều bức từng được trưng bày ở Mỹ, Pháp và rất nhiều nước khác trên thế giới và được bè bạn quốc tế đánh giá rất cao. Đặc biệt, tác phẩm Luân hồi của anh còn được lấy làm biểu tượng cho triển lãm nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Ấn Độ. Đằng Năng Thọ tạc tượng cũng như bà con ta ở đây nặn nồi. Anh cũng khuân tượng ra đường, chất vỏ dừa lên đốt như nướng khoai nướng sắn. Tôi ngạc nhiên:
– Sao anh không dùng than hay dùng ga nung cho bảo đảm, lại đỡ vất vả…
Đàng Năng Thọ gườm gườm nhìn tôi như nhìn một kẻ điếc lác:
– Cái ông này tếu thật. Ai lại nung tượng bằng than bao giờ. Chỉ những nghệ sĩ lười nhác mới làm như thế. Dùng than ô nhiễm môi trường. Vả lại, nung bằng than hay ga thì tượng sẽ chín đều, màu tượng chỗ nào cũng đỏ rực như nhau. Trông lại hoá vô cảm. Và như thế thì nó không còn là tác phẩm nghệ thuật nữa rồi, ông Khoa ạ!
Đằng Năng Thọ cười. Gương mặt đỏ sậm. Trông anh như một bức tượng Chàm nung quá lửa. Anh cởi mở tâm sự:
– Tôi vẫn làm như cha ông ta nung gốm thôi. Chỉ có điều, trước khi nổi lửa, bao giờ tôi cũng chắp tay, vái lên trời ba vái, nhờ thần linh phù hộ. Tôi nặn tượng, còn thần linh pha màu. Tượng của tôi, màu sắc rất lạ. Chính tôi cũng không thể nào hình dung trước được. Màu sắc mới là linh hồn của tượng. Cái đó, tôi đâu có làm ra được!
Hoá ra, Đằng Năng Thọ đã “liên doanh” với Thần linh để sáng tạo nghệ thuật.
Tôi rùng mình nhìn anh và lại chợt nhớ đến những ngọn Tháp Chàm kỳ vĩ. Biết đâu các cụ ta xưa cũng tạo dựng những ngọn tháp này bằng đất mộc rồi nung cả ngọn tháp bằng củi keo và vỏ dừa khô. Trước khi nổi lửa, các cụ cũng lại vái lên trời, mời Thần linh về cùng liên doanh, hợp tác. Những sản phẩm của Thần linh thì bao giờ mà chẳng bí hiểm, chả thế những kẻ phàm trần chúng ta, dù có được trang bị khoa học tân tiến đến thế nào, cũng khó mà lý giải nổi. Càng phân tích, lý giải, càng thấy tối mù mù…
(Theo: blog Lão Khoa)
Trần Đăng Khoa