Nguyễn Thanh Tâm

Lịch sử, bản thân nó đã là hư cấu.Văn chương khai thác đề tài lịch sử, thực chất là một tường thuật khác từ những tường thuật của quá khứ mang thiên kiến. Lịch sử, trong tư cách hiện diện ở đây, chỉ là một phương tiện. Diễn ngôn lịch sử đã trở thành một công cụ của diễn ngôn văn chương.

Đỗ Trọng Khơi, trong tác phẩm của mình, hướng đến những giá trị căn bản của xã hội và loài người. Không khó để nhận ra ở đây những trăn trở, suy tư về nhân tình thế đạo của người viết. Tuy nhiên, như một biểu đạt nằm ngoài chủ ý của tác giả, những đại tự sự đó đang tố giác một kiểu tư duy xây cất trên nền tảng “sử thi”, đúng hơn, đó là một dạng huyền thoại phái sinh trên huyền thoại. Thế đạo, nhân tâm, hành tàng xuất xử, tranh vương đoạt bá, được mất hơn thua,… trong không gian văn hoá – lịch sử – xã hội Việt Nam (và phương Đông) vốn là những phạm trù mang phẩm cấp đại tự sự. Do vậy, việc luận đàm về nó dễ có cảm giác “cao đàm khoát luận” mà sự thật chưa hẳn đã đánh thức được thế đạo nhân tâm. Tính chất cằn cỗi của huyền thoại, của đại tự sự đã không thu hút được chú tâm của người đọc, bị tuột trôi trong mạch tự sự, suy tư của tác giả. Nhưng như thế, những lo âu, “ưu thời mẫn thế” của tác giả vẫn được hiện diện, dù nó phảng phất một vẻ quyền uy gây nên bởi chính sự tự mãn của các huyền thoại, các đại tự sự. Không khí của những huyền thoại, vô tình trở thành không khí của truyện kể và Đỗ Trọng Khơi bị quy thuộc vào không khí lịch sử, huyền thoại. Khi mượn sử, dù là “tá thi hoàn hồn”, nhưng, không khí của truyện kể lại bị chính cái không khí vốn đã lạnh lẽo, đông cứng của lịch sử – hư cấu chi phối. Vì thế mà khó cảm nhận ra được không khí riêng, giọng điệu riêng của truyện kể. Hư cấu lịch sử đã hoà vào không khí lịch sử, và người viết dường như không nhận ra mình bị huyền thoại lôi cuốn đi. Bản chất của huyền thoại, từ chính quyền lực của nó, áp chế và tạo nên dạng thức tồn tại không có tính truyện kể. Nó là giá trị được cô kết, được tôn vinh hay tạo dựng, hướng đến việc xác lập chân lí, niềm tin hay quy tụ những diễn ngôn khác. Nó được cấp cho thẩm quyền loại trừ cái phi chính thống, phi trật tự, cái nghịch luận. Nó gắng gượng đến tàn hơi duy trì không khí huyền thoại, đại tự sự. Nó gắng gượng trấn áp cái mạt thế, cái nghịch luận vốn là nơi khởi phát của truyện kể, cũng là không khí chủ đạo của thế sự. Đại đạo được đặt vào miệng các vĩ nhân hoặc ít nhất là những thức giả, bậc trí lự là một thất bại nhìn từ điểm nhìn của những kiến tạo – giải kiến tạo lịch sử, huyền thoại. Những nhân vật như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Võ Chiếu, Chu Hi (học trò Lê Hữu Trác), Nguyễn Du, Nguyễn Khản, Xuân Hương,… vẫn là những đại tự sự mà Đỗ Trọng Khơi dù muốn cũng không đủ sức để vượt qua sự trì níu khủng khiếp đến từ huyền thoại. Áp lực này giải toả, triệt tiêu không khí truyện kể, để tiếp tục hình thành một không khí huyền thoại khác. Diễn ngôn chủ đạo chỉ còn là những thuyết diễn tư tưởng thông qua con mắt, góc nhìn, cảm niệm của những kẻ được trao cho quyền lực quan sát, luận bàn và đánh giá, tổng kết thế thái nhân tình. Những diễn tiến hướng về phía thế sự là một động thái có tính giải huyền thoại, khiến cho lớp màn lịch sử được vén mở. Kì thực, đó là một lớp màn khác giăng lên trong hư cấu, tưởng tượng, trong tình thế không thể (cần) kiểm chứng. Chính sự vây bọc của các lớp màn đã tạo điều kiện cho những tưởng tượng, hư cấu trên nền sự kiện và nhân vật lịch sử. Qua đó, những tưởng tượng, hư cấu tường trình về cái chưa biết, chưa xuất hiện hay còn ẩn khuất trong màn bí mật. Nhưng, cũng ngay tại đó, dễ nhận ra lối “cao đàm khoát luận” trong lời của một số nhân vật mà lẽ thường, họ khó có thể là chủ nhân của những suy biện ấy. Nhân vật, như thế, đôi khi bị biến thành cái loa phát ngôn của người viết. Đỗ Trọng Khơi có chủ ý cho những nhân vật đời thường (người bốc vác, lái xe, anh lính trận, cô hàng thịt) phát ngôn. Họ, dẫu ít học hành nhưng lại sở đắc một tri thức bác nhã, lịch duyệt. Kì thực, vẫn là một dạng thức của “đại đạo” trong việc chuyển hoạt trí tuệ dân gian thông qua hình tượng người dân thường, người lao động chân tay, những người không bị sách vở (một dạng huyền thoại khác) chế ngự, ràng buộc. Dẫu như thế, không thể thoát khỏi nỗi băn khoăn của người đọc, các nhân vật “tầm thường” này luôn nói/làm những điều phi thường, khiến cho những kẻ được cho là phi thường cũng phải giật mình. Chính vì thế, nhân vật của Đỗ Trọng Khơi, lại bị đẩy vào một cõi huyền thoại đầy màu sắc dị thường. Chính trong tác phẩm của mình, có lúc Đỗ Trọng Khơi bày tỏ, người ta thường phải có thứ gì đó để ngẩng mặt lên với cuộc đời. Những nhân vật phàm thường ẩn giấu những nét bất phàm. Đó là niềm tin còn đọng lại giữa nhân gian hay là một cách để giải toả trạng thái đạo mạo của huyền thoại. Cũng có thể lắm chứ. Và nữa, cái bộ phận phàm thường ấy mới chính là cái rộng rãi, mênh mông của cuộc đời. Đó là nhân gian, là nơi mà văn chương, xét cho cùng cần phải đến và sống, để kích hoạt giá trị, nghĩa lý của mình. Nhưng, cũng lấy làm lạ, những kẻ phàm ấy lại có lối luận lí hệt các bậc thức giả (xem: Tản mạn chuyện phố Đầm, Câu chuyện văn chương – Nhà soạn kịch). Người viết đã để lộ mình quá nhiều trong những biểu thuật ấy, đã đặt vào miệng dân gian lối diễn đạt quá bác học, khác với lối nghĩ, lối nói của người dân lao động thường ngày. Đọc Đỗ Trọng Khơi, vì thế có cảm giác hơi nặng nề bởi tham vọng gửi gắm đại đạo vượt qua cái ngưỡng gián tiếp, kín đáo của hình tượng nghệ thuật. Việc cố gắng thể hiện đại đạo biến lời văn thành một chuỗi những thuyết giảng, đại luận. Từ những nhân vật như Tuệ Trung, Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Thị Lộ,… cho đến cô gái làm thơ, anh nhà báo, cậu bốc vác,… đều nói những điều cao thâm, uyên súc khiến cho truyện kể trở thành một thế thân của tiểu luận triết học nhân sinh, tiểu luận về quan niệm văn chương, nghệ thuật.

Lịch sử, đương nhiên là một huyền thoại, đại đạo trong quan niệm và biện giải của nhà văn cũng là huyền thoại, bởi vậy, sự trưng dụng hay chuyển hoá qua nhau mang ý hướng nghệ thuật của tác giả là điều quan trọng, thuộc về chiến lược diễn ngôn. Câu chuyện về Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Võ Chiếu, Nguyễn Du, Nguyễn Khản, Xuân Hương,… chỉ là một mã kí hiệu mà qua đó, tác giả tạo dựng huyền thoại cá nhân về con người và lẽ sống ở đời. Muốn thực thi chiến lược này, vẫn trong cách lập luận của Iu.V. Satin, “hùng biện” trở thành phương pháp chủ đạo cho việc kiến tạo huyền thoại cá nhân. Ta hiểu vì sao, các nhân vật của Đỗ Trọng Khơi lại thường xuyên bày tỏ quan điểm, suy tư về thế thái nhân tình, về đời người, về lẽ sống. Các nhân vật ấy buộc phải thực hiện hành vi “hùng biện” để kiến tạo huyền thoại mới hoá giải huyền thoại lịch sử. Ngay cả khi, không kí trú vào lịch sử, những nhân vật của Đỗ Trọng Khơi vẫn phải mang vác sứ mệnh người phát ngôn – hùng biện, tạo dựng huyền thoại. Chính vì thế, đọc truyện của Đỗ Trọng Khơi, có cái thú trước những biện giải về lẽ sống nhân sinh, cái đại đạo trong đời, nhưng cũng từ đó mà luôn có cảm giác bị huấn thị hoặc chí ít là phải “lập nghiêm” để lĩnh hội chân lí, nếu không muốn tự xếp mình vào bộ phận suy đạo, vô đạo. Đại đạo, như đã nói là hạt nhân tạo nên khí hậu truyện kể của Đỗ Trọng Khơi. Tuy nhiên, không phải không có lúc nhận ra, đại đạo chỉ còn là xác vỏ. Đúng hơn, vì một lẽ nào đó trong hành trình nhận thức, chiêm nghiệm lẽ sống, những nhân vật trong tác phẩm đã để những vụn vặt, thường tình xâm chiếm. Trong bối cảnh mạt thế, tránh sao được sự hỗn đồng. Ấy là lẽ thường. Nhưng, hãy cẩn trọng, đôi khi, vì những dễ dãi nào đó, cái thường tình lại đắc thắng hay tự mãn mà cho mình dáng vẻ trịnh trọng của đại đạo (Truyện ngắn: Nàng).

Ngôn ngữ trần thuật của truyện ngắn Đỗ Trọng Khơi khá cổ điển. Dĩ nhiên, khi trưng dụng huyền thoại lịch sử làm phương tiện, hệ lời phải phù hợp với đối tượng. Nhưng, điều đó cũng nói lên không gian mĩ học mà Đỗ Trọng Khơi đang thuộc về. Đó là không gian của mĩ học tiền – hiện đại (Đỗ Trọng Khơi có nhiều truyện viết từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX). Đồng thời, hệ lời đã cho thấy sức ép của cấu trúc luận lên tinh thần chủ thể khi cái biểu đạt và cái được biểu đạt luôn song hành và có xu hướng biện biệt trong từng diễn tiến của truyện kể. Người đọc có lẽ sẽ nhận ra những ý đồ gửi gắm của tác giả. Như thế, về mặt cấu trúc hình tượng, diễn ngôn hư cấu lịch sử của Đỗ Trọng Khơi có phần bị bạch hoá. Một trong những điểm dễ thấy nhất chính là truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi thể hiện tư tưởng “đại đạo” của huyền thoại. Vốn dĩ, huyền thoại luôn được tạo dựng để chuyển đạt đại đạo. Đỗ Trọng Khơi tái dựng huyền thoại, kí bám vào huyền thoại cũng không thoát khỏi việc hướng đến đại đạo. Vì thế, truyện cứ vương vấn, quẩn quanh những triết lí về nhân lễ nghĩa trí tín, tam giáo, vương quyền, bá đạo, nhân tâm,… (trong truyện của mình, Đỗ Trọng Khơi cũng khá đề cao tư tưởng “Chính danh” trong học thuyết đạo đức xã hội của Khổng Tử – bản thân “Chính danh” mà rộng là Khổng giáo đã là một huyền thoại khổng lồ – một siêu diễn ngôn). Chính ở đây, những mốc thời gian sáng tác có vai trò hết sức quan trọng trong việc lần ra mối bận tâm của Đỗ Trọng Khơi. Nhiều câu chuyện được viết từ đầu những năm 90, nhưng, đã mang những suy tư về thời thế, về sự băng hoại của kỉ cương, sự ruỗng mục của rường cột, sự nghiêng ngả của chánh pháp, sự lơi lỏng của luân lí cương thường, sự lũng đoạn của thần quyền – vương bá, sự hỗn loạn của thế sự, sự hoang mang phiêu tán của nhân tâm,… Cho đến giờ, vẫn thấy dáng dấp của dạng thuật kể này trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết đương đại. Tuy nhiên, vì thế, cái mới mẻ của lối viết hiện đại ta ít gặp trong tác phẩm của Đỗ Trọng Khơi. Cũng là dễ hiểu! Tạng văn chương của Đỗ Trọng Khơi dễ nhập vào cái không khí huyền thoại vốn được kiến tạo trong sự dài rộng của thời gian. Những câu chuyện vương – quyền, nhân tâm, thế sự thời Trần, Lê, những mẫu hình vương tôn, quan lại, học sĩ, trí thức phong kiến, những biến cố được tường thuật lại,… cũng nhằm hướng đến những ý niệm đương đại. Đỗ Trọng Khơi khéo léo lồng vào đó những câu chuyện của thời này, đó là cách làm phổ thông, có tính ngụ ngôn, ám dụ. Ngôn ngữ trần thuật gợi lại không khí của các tác phẩm truyền kì, dã sử, ngoại truyện, những ghi chép biên lục thuở trước. Đó là sự nhập thân của lời – lối kể vào thi pháp quá khứ, cái được ở đấy và chưa được tưởng cũng ở đấy. Không khó để nhận ra, giọng điệu, lối phô bày, biện minh, thuyết lí đều đậm màu sắc trung đại trong những diễn ngôn hư cấu lịch sử. Một số tham chiếu từ Ngọc phả hay sách vở, sử liệu khác có thể là những dấu vết nhằm tạo dựng những khả năng kiểm soát sự thật lịch sử, những rõ ràng, trong truyện kể của Đỗ Trọng Khơi, và trong loại hình hư cấu lịch sử nói chung, chúng chỉ có tác dụng là những manh mối dẫn đường cho những sự đào thoát khỏi lịch sử.

Văn chương, xét đến cùng, vẫn là chỗ hiện ra một cách sâu kín quan niệm về nhân sinh, về cái lí do mà con người tồn tại.  Đỗ Trọng Khơi bám vào các phạm trù của minh triết phương Đông, thông qua những cứ liệu lịch sử, đời sống để khai triển cảm niệm về giá trị, nhân sinh của mình. Các phạm trù âm dương, tiêu trưởng, sống chết, được mất, hơn thua,… cũng tựu vào cái bao quát – đại đạo, như đã nói ở trên. Lối viết của Đỗ Trọng Khơi vẫn là lối viết ẩn dụ truyền thống, gửi gắm tư tưởng, ý đồ nghệ thuật thông qua hình tượng, nhân vật, sự kiện. Như thế, trên bình diện tư duy thể loại, truyện ngắn Đỗ Trọng Khơi vẫn là “kể cái gì” hơn là “kể thế nào”. Dù có chú ý đến cách kể, thông qua những hình thức tự sự xuyên thời gian, không gian giữa người kể chuyện và nhân vật lịch sử, hay sự đan cài của thể loại thơ và truyện trong mạch kể,… nhưng, lối ấy thực chưa phát triển đến mức thay đổi quán tính viết của anh. Nhưng, có một điều vẫn cần nhấn mạnh ở đây, như là sự lắng kết từ quá trình đọc, những huyền thoại, dù trong tư cách là phương tiện hay mục đích, được trưng dụng, giải toả hay kiến tạo, với quyền lực của nó, đều đồng thanh cất lời về tấm lòng trân trọng đối với đời sống, con người và nghệ thuật.

N.T.T

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài