Lịch sử như là đem lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa”
(T.Lessing)


Đời sống văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung ở nước ta những năm đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển nở rộ và thăng hoa của đề tài lịch sử. Quá trình ấy có thể lý giải từ nguyên nhân đầu thế kỷ XXI dân tộc trải qua nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử quan trọng, hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng khiến vấn đề bản sắc dân tộc (national identity) đứng trước những thách thức cần khẳng định. Đặc biệt, chúng tôi chia sẻ quan điểm một số quan điểm cho rằng vận mệnh dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ trước nguy cơ lớn mạnh của những cường quốc bên ngoài thường xuyên gây sức ép đã làm trỗi lên ý thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc. Sự quy hồi và phục hưng đề tài lịch sử một lần nữa vào thập niên cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI với những sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp… so với giai đoạn đầu thế kỷ XX với Quả dưa đỏ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật, Nặng gánh cang thường (1930) của Hồ Biểu Chánh, Vì nước hoa rơi (1925), Lê Triều Lý thị (1931), Một đôi hiệp khách (1929), Việt Nam Lê Thái Tổ (1929) của Nguyễn Chánh Sắt, Tiếng sấm đêm đông (1928), Vua bà Triệu ẩu (1929) của Nguyễn Tử Siêu [12]… là có sự khác biệt căn bản về quan điểm lịch sử. Văn học viết về đề tài lịch sử cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI không chỉ cách tân về ngôn ngữ, thể loại, chức năng (không còn viết truyện để tuyên truyền lịch sử, đạo đức) mà cái căn bản khác biệt nhất, chính là không lấy việc tái diễn giải “sự thật” lịch sử làm mục đích sáng tác của diễn ngôn văn chương. Tức là, không xem việc sáng tạo văn chương là quá trình “diễn xướng”, “chuyển thể”, “cải biên” diễn ngôn lịch sử (có tính khoa học) thành diễn ngôn nghệ thuật. Thậm chí, nhiều tác phẩm mà tiêu biểu là Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp còn công nhiên sáng tạo hư cấu siêu sử kí (historiographic metafiction). Nhưng chúng tôi không xem xét hiện trạng ấy từ góc độ sự nổi loạn trong sáng tạo hoặc cá tính riêng của mỗi nhà văn, mà nhìn nhận nó trong trường biến đổi chung về mặt triết học, tư tưởng và quan niệm nghệ thuật về đề tài lịch sử.


Quan niệm truyền thống của lý luận văn học thường xem tác phẩm phải phản ánh hiện thực, và giá trị của tác phẩm văn học là phải chân thật, nói đúng sự thật đang diễn ra hoặc đã từng xảy ra trong đời sống, nhà văn là “người thư ký trung thành của thời đại”, văn học như là tấm gương soi chiếu đời sống. Ở đây, chúng tôi không đưa ra so sánh các quan điểm đối lập nhằm phân định cao – thấp, đúng – sai, tiến bộ hay lạc hậu, mà chỉ nhằm nhấn mạnh sự khác nhau với tư cách một quá trình vận động không ngừng của tư duy nghệ thuật. Đầu tiên, lật lại một số sách lý luận văn học ở ta giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, có thể dễ dàng nhận thấy quan niệm thống ngự xem sự phản ánh chân thật lịch sử khách quan là nhiệm vụ tất yếu của văn học. Cội nguồn của những quan niệm này, theo Lê Ngọc Trà, xuất phát từ tư tưởng văn nghệ Diên An (Trung Quốc). Nhưng thật ra, những quan niệm này có cội nguồn từ trong “phản ánh luận” của lý luận mác xít mà người hoàn thiện là Lenin. Chúng ta có thể lấy nhận định nổi tiếng của Engels làm cách hiểu cơ bản: “Theo ý kiến tôi, đã nói đến chủ nghĩa hiện thực thì ngoài sự thể hiện chính xác của các chi tiết ra còn phải nói đến sự thể hiện chân thực những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” [7,331].

Tuy nhiên, trong vòng khoảng mười năm đầu thế kỷ XXI, quan niệm của giới nghiên cứu văn học, mà đặc biệt là chính những nhà văn về vấn đề văn học phản ánh hiện thực, văn học tái hiện chân thực lịch sử đã có sự thay đổi nhanh chóng và khá toàn diện. Về sự thay đổi trong quan điểm “văn học phản ánh hiện thực”, do khuôn khổ của bài viết, vả lại đây cũng không phải là vấn đề trọng tâm, nên chúng tôi chỉ xin phép trích ngắn gọn một ý kiến của Trương Đăng Dung như một cách hiểu tiêu biểu đại diện: “Tiêu chí để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật không phụ thuộc vào sự so sánh, đối chiếu tác phẩm với hiện thực khách quan để xem hiện thực đã “ngang tầm” với hiện thực bên ngoài chưa, mà chủ yếu là tác phẩm có giúp ta nhận thức về hiện thực, có tạo ta được tư tưởng gì mới mẻ để ta cải tạo hiện thực hay không?” [2,150]. Đọc những bài nghiên cứu, những bài trả lời phỏng vấn của các nhà văn, nhà lý luận, phê bình gần đây, những câu nói thường được trích dẫn như “kim chỉ nam” không còn là của Lenin, Tolstoi, Balzac nữa, mà chính là câu nói nổi tiếng của A.Dumas: “Lịch sử là gì? Đó chỉ là cái đinh để tôi treo các bức họa của tôi thôi”. Một quan điểm rõ ràng đứng về phía hư cấu lịch sử, xem những sự kiện, nhân vật lịch sử, diễn ngôn sử học và sự thật lịch sử chỉ là cái cớ cho nhà văn sáng tạo nên tác phẩm của mình. Đúng như nhận định của Nguyễn Đăng Điệp trong tiểu luận đề dẫn Hội thảo về chủ để Lịch sử và văn hóa – cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh: “Khác với truyền thống coi lịch sử là đại lịch sử (đã xong xuôi), lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại khẳng định lịch sử là quá trình chưa hoàn tất mà đang được cấu tạo lại với sự xuất hiện của các tiểu lịch sử. Tại đấy, lịch sử được hình dung như những mảnh vỡ… Có người khẳng định, nhà văn có quyền tưởng tượng đến vô hạn và tác phẩm của họ thực chất là cách cấu tạo lịch sử theo quan điểm cá nhân. Tại đó, có một thứ lịch sử khác (ngoại vi) so với lịch sử được thừa nhận (trung tâm), và lịch sử, khi đi vào lãnh địa tiểu thuyết, phải được tổ chức trên cơ sở hư cấu và nguyên tắc trò chơi vốn là một đặc trưng của nghệ thuật” [4,5-8]. Trong phần lời bạt kỷ yếu của chính Hội thảo trên, Trần Đình Sử cũng nhận định ủng hộ cho tính hư cấu của văn học về đề tài lịch sử: “Trên thế giới sự đổi thay của tiểu thuyết lịch sử gắn với quan niệm về lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân lịch sử người ta nhận rõ lịch sử chỉ là sự trần thuật về lịch sử, tạo nên sự hoài nghi đối với tính chân thực của văn bản lịch sử… Do đó, “sự thật lịch sử” là một khái niệm ẩn dụ, mang tính chủ quan.” [4,467-469]. Ngay cả đến một nhà văn chuyên viết khá sát “sự thật” và sự kiện lịch sử như Hoàng Quốc Hải mà cũng nhận định: “Cho nên lịch sử đối với nhà văn chỉ là cái cớ… Do đó nhiệm vụ của nhà văn viết về lịch sử là giải mã lịch sử chứ không lặp lại các thông tin lịch sử… Sự hư cấu là một tất yếu nằm trong thuộc tính của mọi loại hình tiểu thuyết… Lại hỏi: Biên độ hư cấu đến mức nào? Đáp: Không giới hạn.” [4,260-262].

Sự đổi thay đến chóng mặt quan điểm về “hiện thực” và “sự thật” lịch sử trong văn học, hay nói cách khác, quan điểm mới về sự đề cao/tuyệt đối hóa tính hư cấu lịch sử trong văn học cho thấy phải có một quá trình thay đổi căn bản nền tảng tư tưởng triết/mỹ học. Bởi không phải dễ dàng cho quá trình “lộn ngược đầu xuống đất” như thế lại được diễn ra đồng đều cả ở giới sáng tác lẫn giới lý luận phê bình, cả thế hệ những nhà nghiên cứu trẻ cho đến những nhà nghiên cứu đầu đàn, lão thành. Vậy, quá trình “đi tìm sự thật biết cười ấy” khởi nguồn từ đâu? Theo chúng tôi, đó là kết quả tổ hợp từ ba sự biến chuyển căn bản quan niệm về bản chất của ngôn ngữ/văn bản, quan niệm về tính khách quan, chân xác của tri thức khoa học, và cuối cùng, là những quan điểm mới của các trào lưu triết học lịch sử hiện đại, hậu hiện đại.

Thứ nhất, có thể nói, trong vòng mười lăm năm trở lại đây, giới nghiên cứu văn học nước nhà đã có những thay đổi khá triệt để về bản chất của ngôn ngữ và văn bản. Thực ra, có nhiều quan điểm và công trình ngay từ thời miền Nam đã được công bố hoặc dịch, nhưng do nhiều lý do lịch sử, phải đợi đến giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, những quan điểm của các nhà hiện tượng học, tường giải học, giải cấu trúc, mỹ học tiếp nhận… mới được tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản tạo ra sự thay đổi về chất trong quan niệm về ngôn ngữ và văn bản. Trước khi đi vào tìm hiểu những quan niệm mới về ngôn ngữ và văn bản, chúng ta nhất thiết cần tái hiện lại cách hiểu truyền thống trước đây về hai lĩnh vực này nhằm tiện đường so sánh. Theo Trương Đăng Dung, về văn bản, trong giai đoạn tiền hiện đại, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng và lịch sử tinh thần, chúng ta đã tuyệt đối hóa “mô hình phản ánh” và “cấu trúc đồng đẳng”, xem “Yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong cả hai kiểu tư duy (chủ nghĩa thực chứng và lịch sử tinh thần – PTA). Các nhà tư tưởng tiền hiện đại đều xem xuất xứ của tác phẩm văn học là cội nguồn của ý nghĩa văn học” [3,7]. Tức là, chúng ta từng một thời đã tuyệt đối hóa hoàn cảnh đã sản sinh ra văn bản văn học. Từ đó, văn bản đương nhiên chỉ là lớp sao chụp lại hoàn cảnh. Cách làm này dẫn đến sự gắn bó mật thiết giữa ngữ văn và lịch sử. “Trong nửa sau thế kỷ XIX, và cả đầu thế kỷ XX, cái mô hình ngữ văn – lịch sử không xuất hiện như là khoa học văn học độc lập, mà như là bộ phận của lịch sử ngôn ngữ hay ngôn ngữ học lịch sử” [3,7-8]. Chính quan điểm này đã tạo tiền đề cho cách quy kết văn bản văn học luôn mang một “sử tính” tất yếu, bởi nó là sản phẩm của một thời đại lịch sử, phóng chiếu diện mạo của chính thời đại lịch sử ấy, đúng như nhận định của Lukacs: “Tác phẩm huyễn tưởng nhất, xa lạ với thế giới nhất cũng là sự phản ánh hiện thực đích thực” [1,164]. Đi từ cách hiểu trên, một tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử, tức viết về cái quá khứ đã trôi qua của hoàn cảnh, thì nhất thiết phải tái hiện lại chân thực và đúng đắn hoàn cảnh xảy ra sự kiện ấy. Cách tái hiện chân thực lịch sử có lẽ không có phương án nào hoàn bị hơn việc miêu tả một cách chi tiết, chính xác ba lĩnh vực mà H.Taine luôn chú trọng đó là: chủng tộc, môi trường và hoàn cảnh. Như vậy, dĩ nhiên những hư cấu tự do, tùy tiện, sai “sự thực” và phi chủng tộc, môi trường lẫn hoàn cảnh sẽ bị xem là một thất bại, xuyên tạc, thậm chí là “tội ác” trong quá trình viết về đề tài lịch sử. Về ngôn ngữ, khởi đi từ quan niệm kinh điển của Ferdinand de Saussure về cặp đôi tương ứng giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Từ đó, có sự thống nhất chặt chẽ giữa ngôn ngữ với hiện thực đời sống như hai mặt của một tờ giấy.

Đến thập niên cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, trước quá trình tiếp nhận và tái tiếp nhận các lý thuyết văn học hiện đại và hậu hiện đại ở nước ta, những quan niệm truyền thống trên đã được thay đổi. Trước tiên, trên phương diện ngôn ngữ, với sự ra đời của triết học ngôn ngữ, Derrida đã nhận thấy sự bất ổn trong quan niệm của ngôn ngữ học hình thức và phương pháp cấu trúc trong lý thuyết ngôn ngữ của Saussure. “Derrida cố gắng lập luận để chúng ta tin rằng ở nơi sâu lắng của ngôn ngữ có một trò chơi liên tục di chuyển, trong khuôn khổ của sự di chuyển này, các kí hiệu được tạo thành hệ thống khác biệt, không ổn định; rồi lại có những khác biệt mới xuất hiện, được tổ chức và sau đó tan rã” [2,160]. Tức là, cấu trúc ngôn ngữ chỉ có thể được tạo nên từ những cái biểu đạt biểu trưng cho những cái biểu đạt khác, không thể có “cái được biểu đạt tiên nghiệm”, qua đó, Derrida đã giải cấu trúc ngôn ngữ. Từ Wittgenstein, M.Heidegger đến Gadamer, Derrida và Lyotard, ngôn ngữ bị đẩy ra vị trí trung tâm, trở thành một trò chơi, thành “ngôi nhà của hữu thể”, tùy theo ý hướng của người chơi như thế nào mà cấu tạo nên những nghĩa mới, tức nó là một dạng trò chơi bập bênh liên tục thay đổi vị trí và trạng thái. Ngôn ngữ không còn là vật biểu trưng cho cái được biểu đạt, mà là “nơi mà đời sống con người diễn ra, là cái đầu tiên tạo ra thế giới” [2,113]. Từ đó dẫn đến quan điểm mới về văn bản: “Văn bản văn học không khép kín, nghĩa của nó không bị trói buộc bằng sự giúp đỡ của tác giả hay sự liên quan với hiện thực; văn bản luôn mở, nó cần bổ sung và tạo khả năng bổ sung” [2,171]. Theo đó, mọi sự diễn giải những vấn đề của quá khứ chỉ có thể xuất phát từ điểm nhìn của hiện tại, mang quan niệm và đặc trưng tư tưởng của hiện tại.

Từ một số phác thảo sơ bộ như trên, những quan niệm mới về ngôn ngữ và văn bản đã dần tháo vòng kim cô “hiện thực” và “sự thật” vốn trước đó thít chặt lên đầu của những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Vì một khi người ta đã quan niệm ngôn ngữ chỉ là cái bẫy của tư duy, là thứ chỉ có quan hệ giữa những cái biểu đạt với nhau, văn bản là văn bản mở, những hình thái động luôn có xu hướng trườn đi, thay đổi, liên kết, biến thiên, thì hẳn nhiên không thể tin tưởng vào chúng như những chứng nhân hoặc quan tòa của lịch sử. Nếu có thể, ngôn ngữ và văn bản chỉ là những thủ pháp, những ẩn dụ có tính nghệ thuật về lịch sử, mang nặng tính sáng tạo chủ quan và yếu tố trò chơi của người viết, và đặc biệt, lại phụ thuộc vào sự cấp nghĩa của người đọc mà xác định thành những diện mạo khác nhau. Việc có khi chỉ một tác phẩm, một hình tượng, một biểu tượng văn hóa (đơn cử trường hợp Tam quốc diễn nghĩa và nhân vật Tào Tháo) nhưng người đọc của từng quốc gia, từng thời kỳ lại có một cách hiểu, đánh giá khác nhau đã cho thấy tính tương đối của “hiện thực” và “sự thật lịch sử”. Những quan điểm nói trên xuất phát từ các trường phái, trào lưu nghiên cứu văn học ở nước ngoài, dần được giới thiệu và tiếp nhận ở Việt Nam qua các công trình của các nhà nghiên cứu, từ đó động vọng vào sáng tạo văn học, tạo nên những bước chuyển xem lịch sử như là hư cấu, chứ không còn là lịch sử như là hiện thực hoặc lịch sử như là sự thật.

Thứ hai, sự thay đổi quan niệm về tính khách quan và chân xác của tri thức khoa học cũng góp phần tạo tiền đề cho sự thay đổi về quan niệm sáng tạo văn học về đề tài lịch sử. Lâu nay chúng ta vẫn xem tri thức của sử học là tri thức khoa học như những khoa học tự nhiên, tức nó luôn đảm bảo (trong chừng mực tối đa) tính khách quan và chân xác so với thực tiễn. Và nếu nhìn nhận như thế, việc sáng tạo nghệ thuật phải tuân theo những dữ kiện và quan niệm của sử học là một điều bắt buộc, vì sử học chính là chân lý, là cơ sở đúng đắn và đáng tin cậy nhất. Karl Popper trong Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (Nxb. Tri thức, 2012) cho rằng xu hướng đánh đồng tri thức và khả năng dự báo của sử học với tri thức và khả năng dự báo của khoa học tự nhiên chính là “luận thuyết duy nhiên luận”. Mặc dù có nhiều cơ sở tương đồng, khi cả hai đều mang tính lý thuyết, lại vừa mang tính thường nghiệm, nhưng thuyết duy nhiên luận đã tỏ rõ những bất cập, sai lạc hoặc những giới hạn không thể khắc phục được. Đầu tiên, tri thức sử học (và khoa học xã hội nói chung) không thể có khả năng dự báo chính xác, quy mô lớn và dài hạn như khoa học tự nhiên (mà cụ thể là thiên văn học), bởi bản chất và quy luật xã hội khác bản chất và quy luật của thế giới tự nhiên. K.Popper viết: “Bằng những phương pháp có lí tính hoặc những phương pháp khoa học, chúng ta cũng không thể tiên đoán sự phát triển đi lên của tri thức khoa học trong tương lai… Bởi vậy chúng ta không thể tiên đoán tiến trình tương lai của lịch sử nhân loại” [9,12]. Tóm lại, theo K.Popper, xu hướng đồng nhất bản chất tri thức của sử học với bản chất tri thức của khoa học tự nhiên đã vấp phải một mâu thuẫn căn bản.

Nhưng thực ra, Karl Popper vẫn chưa có được sự hình dung toàn diện về sự thay đổi của tri thức khoa học tự nhiên trong thế kỷ XX. Với sự ra đời của một loạt những học thuyết như lý thuyết hỗn độn (chaos theory), lý thuyết tai biến (catastrophe theory), lý thuyết tương đối (relative theory), định lý bất toàn (icompleteness theorem), lý thuyết phức hợp (complexity theory)… tri thức khoa học đã không còn uy quyền dự báo chính xác, toàn thể và chắc chắn đúng với mọi hiện tượng tự nhiên. Khoa học lúc này không đặt nặng vấn đề vạch ra quy luật cũng như tìm hiểu bản chất của thực tại. Bởi thực tại từ lý thuyết hỗn độn của E.Lorentz cho thấy sự bất ổn thường trực, mọi dự báo có nguy cơ đổ vỡ chỉ từ một lý do ngẫu nhiên hết sức nhỏ nhoi. Đó là quan điểm mang tên “hiệu ứng con bướm”: “một cái đập cánh của một con bướm hôm nay ở Bắc Kinh sẽ tạo ra trong không khí các cuộn xoáy có thể biến thành bão tố trong tháng sau tại New York” [5,22]. Quan niệm nhìn nhận thế giới tự nhiên như một chỉnh thể thống nhất, ổn định, vận động theo những quy luật khách quan đã hoàn toàn bị suy suyển. Một khi thực tại đã như thế, không thể đòi hỏi khoa học phải luôn chính xác, khách quan và có năng lực dự báo đúng đắn. Do đó, tri thức khoa học chỉ cần phù hợp với một số mục đích nhất định, có tính nhất thời và phù hợp với lợi ích của con người. Theo Thomas Kuhn trong Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, tri thức khoa học không hình thành một cách tiện tiếm, “phát triển bằng tích lũy”, mà nó thường xuyên bị đứt gãy, gián đoạn bởi các cuộc cách mạng khoa học, nhưng những cuộc cách mạng này không phải là một sự nâng cấp, sửa sai, hoặc bổ sung, nhảy vọt, mà là một sự đảo lộn. Kuhn đã phê phán sử học rằng bằng những ghi chép biên niên các sự kiện theo thời gian, người ta dễ nhầm tưởng tri thức khoa học hình thành bằng những bước phát triển tuần tự, kế thừa nhau. “Về nguyên tắc thì các lý thuyết lỗi thời không phải là phi khoa học mà chỉ bởi vì chúng đã bị loại bỏ…” [6,36]. Trong Tư duy lại khoa học (H.Nowotny, P.Scott, M.Gibbon), tác giả đã xem tri thức khoa học không chỉ là sự thống nhất, hợp lý đối với tự nhiên, mà còn cần xét tới khía cạnh xã hội, bên cạnh “chân lý khách quan” còn cần tới “tri thức tin cậy được” và những “tri thức thiết thực về mặt xã hội” (socially robust knowledge). “Chúng tôi đã khẳng định rằng, một trong các đặc điểm của khoa học Phương thức 2 nằm ở chỗ tri thức từ nay phải được sinh ra trong bối cảnh áp dụng… Mọi luận chứng của chúng tôi đều nhằm nói rằng không còn có thể coi khoa học như một lãnh địa độc lập, tự điều hành, phân biệt một cách rạch ròi với các lãnh địa khác của xã hội, của văn hóa, và đặc biệt của kinh tế nữa” [8,18]. Quá trình biến tri thức khoa học dần trở thành “tri thức được bối cảnh hóa” (contextualized) đã giải thiêng niềm tin cố hữu về tính khách quan và chân xác của nó. Với quan điểm thực dụng này, tri thức khoa học nói chung và tri thức sử học nói riêng, chỉ còn là một hình thái tri thức được sinh ra trong một bối cảnh xã hội – văn hóa nhất định, phục vụ và chịu sự qui định của chính bối cảnh đó.

Chính thái độ bất tín vào tính chân xác và khách quan của tri thức khoa học, đã dẫn đến việc xem sử học cũng chỉ là tri thức có tính chủ quan, phục vụ cho một số mục đích nhất định. Từ đó, sử học hoàn toàn có thể bị hư cấu nhằm phục vụ cho “bối cảnh”, bị tác động sâu sắc bởi chính trị, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo… Quan điểm này đã mở đường cho những hư cấu ngoài/trái/phản sử học. Như vậy, trong một thời đại mà mọi khoa học nói chung và sử học nói riêng đã đặt nặng tính dụng hành hơn tính chân xác, khách quan, thì đương nhiên văn học có quyền sáng tạo, hư cấu nên một thế giới nghệ thuật độc lập, phù hợp với “bối cảnh” riêng của nó.

Thứ ba, cội nguồn cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến khuynh hướng xem lịch sử như là hư cấu, đó chính là những quan điểm mới của triết học lịch sử. Theo Hà Văn Tấn trong Triết học lịch sử hiện đại, thế kỷ XIX chính là thế kỷ của sử học, còn thế kỷ XX là thế kỷ chứng kiến “sự khủng hoảng của chủ nghĩa lịch sử”, mọi nơi đều “vang lên nốt nhạc hoài nghi, phản lịch sử” [11,1]. Thế kỷ XIX diễn ra trong logic, trật tự, là giai đoạn chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, khoa học lịch sử hiện ra thật mạch lạc, có quy luật và đề cao tính khách quan. Tuy nhiên, thế kỷ XX với nhiều biến động, chấn thương tinh thần, khủng hoảng nhận thức (hai cuộc thế chiến, phát xít, bom hạt nhân…) nên con người trở nên bi quan và bất tín vào những quy luật. Theo P.H.Simon, lúc này lịch sử chỉ còn là một bi kịch, còn Nichols thì nhận định: “Nhà sử học trong nhiều trường hợp nhận ra rằng mình cần thay đổi quan điểm về tính xác thực. Ông ta hiểu ra rằng tính khách quan và sự chính xác khoa học mà ông ta từng nâng niu chẳng qua chỉ là ảo tưởng, do đó ông ta cần chú ý đến các kết luận của chủ nghĩa tương đối” [11,5]. Từ hoàn cảnh chung ấy, những nhà triết học thuộc chủ nghĩa Kant mới (neokantisme) như H.Rickert, M.Weber xem lịch sử chỉ là sản phẩm của một hoạt động nhận thức. Mà chính hoạt động nhận thức tạo ra đối tượng nhận thức cho chính nó, cho nên nhận thức không phải sự phản ánh thực tại, mà chỉ là sự cải tạo thực tại, đơn giản hóa thực tại (Rickert). Những nhà triết học theo chủ nghĩa Kant mới xem “cái quyết định không phải là đối tượng nghiên cứu mà là quan điểm của bản thân nhà nghiên cứu” [11,26]. Weber và Cassirer cũng chống quan điểm xem lịch sử tuân theo quy luật khách quan, các hình thái kinh tế xã hội phản ánh quy luật lịch sử, và họ xem chân lý khách quan trong khoa học lịch sử chỉ là điều bịa đặt. “Tất cả đều tùy thuộc vào mối đồng cảm hay phản cảm của cá nhân nhà sử học” [17,35]. Họ quan niệm lịch sử chỉ là chuỗi nhân quả (Rickert), là một tập hợp đồng đẳng và đa nguyên những nhân tố (Weber), là sự vận động theo tâm lý con người cá thể (Watkins), và lịch sử là “lịch sử phát triển của tinh thần nhân loại” dưới hình thức những biểu tượng (Cassirer). Chính những quan điểm này đã tạo tiền đề cho sự quan tâm trong những tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại chủ yếu là về những cuộc thám hiểm thế giới tinh thần của từng cá nhân. Việc luận giải của Weber cho rằng đạo Calvin là nguyên nhân ra đời và qui định bản chất của chủ nghĩa tư bản cũng thấp thoáng trong cách Nguyễn Xuân Khánh lý giải thế giới tinh thần và bản tính dân tộc Việt Nam được cấu trúc nên từ đạo Phật và đạo Mẫu trong Mẫu thượng ngàn Đội gạo lên chùa. Quan điểm xem dữ liệu lịch sử chính là những biểu tượng cũng động vọng vào tiểu thuyết lịch sử Việt Nam với những cổ mẫu như Đất, nước, lửa, mẹ… trong các tiểu thuyết như Giàn thiêu, Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn…

Những nhà triết học khác như Croce thì lại chống lại sự bi quan và sự hoài nghi tri thức lịch sử [11,37]. Nhưng Croce lại không xem lịch sử là tri thức khoa học, mà thực ra mang bản chất đối lập lại với tri thức khoa học, bởi tri thức lịch sử “hoàn toàn dựa trên trực giác mỹ học chủ quan” [11,39]. Với Croce, sử học là một nghệ thuật, bởi cả hai đều coi trọng cái đặc thù, cái cá biệt, chứ không đòi hỏi từ cái đặc thù rút ra quy luật chung như khoa học, đây là quan điểm gần như tương đồng với B.Russell. Lịch sử như thế hoàn toàn phi nhân quả, phi quy luật và mọi sự phân kỳ lịch sử đều có tính tùy tiện, quy ước. Chính tinh thần mới là chủ thể tạo ra lịch sử, bản thân những sử liệu không hề có ý nghĩa gì. “Vì sự kiện chỉ là lịch sử khi nó được tư duy, và vì không có gì tồn tại ngoài tư tưởng, nên vấn đề sự kiện nào là lịch sử, sự kiện nào không là lịch sử chẳng có ý nghĩa gì” [11,49]. Mặt khác, lịch sử chỉ có thể là lịch sử của thì hiện tại, bởi “vì cho dù những sự kiện liên quan có cách xa bao nhiêu thời gian, thì lịch sử bao giờ cũng hướng tới yêu cầu và tình thế hiện tại mà ở đó thể hiện tính dao động của chúng” [11,45]. Như vậy, Croce có thể được xem là cha đẻ của chủ nghĩa hiện tại (Presentisme), một quan điểm mà những nhà triết học như Aron, K.Jaspers và John Dewey tán thành và có nhiều sự bổ sung. Ngoài ra, Collingwood còn xem sự kiện lịch sử chỉ là một sản phẩm từ tư tưởng lịch sử sinh ra, lịch sử chẳng qua chỉ là “sự tưởng tượng và sáng tạo lịch sử”. Từ việc tuyệt đối hóa tính hư cấu, tưởng tượng này về sử học, chúng ta phần nào có thể giải thích được vấn đề hư cấu lịch sử “quá đà” và “vượt chuẩn” trong văn học Việt Nam đương đại, nhất là những tiểu thuyết phần nào có đụng chạm đến những thần tượng, vĩ nhân như Hội thề, Vàng lửa, Phẩm tiết… Ngoài ra, trên phương diện văn học thế giới, tính xoay vòng của lịch sử không đầu không cuối chúng ta có thể phần nào tìm thấy trong Trăm năm cô đơn của G.Marquez.

Những nhà tường giải học như Dilthey cũng xem tri thức lịch sử bắt nguồn từ ý thức của nhà sử học, “kinh nghiệm bên trong” là cơ sở cuối cùng cho ý thức cá nhân. “Cuối cùng, tôi đã tìm được cơ sở vững chắc cho tư tưởng của mình ở kinh nghiệm bên trong, ở các sự kiện ý thức” [11,62]. Do đó, mọi sự diễn giải lịch sử đều mang tính chủ quan, không hề dựa trên một quy luật khách quan nào. Các nhà tường giải học như Dilthey đặc biệt đề cao những tự truyện, bởi nó kiểm nghiệm những sử liệu từ kinh nghiệm cá nhân bên trong. “Theo Dilthey, nhà sử học sống trong đối tượng của mình, hay đúng hơn, đưa đối tượng sống trong mình” [11,68]. O.Spengler lại xem lịch sử là một lối tư duy hình tượng, chúng ta chỉ có thể hình dung về lịch sử bằng trực giác. O.Spengler ra sức phê phán cách phân kỳ lịch sử “dĩ Âu vi trung”, nhằm đề cao những nền văn hóa bản địa ngoại biên, nhưng ông lại xem đó là những hệ thống văn hóa đóng kín, trong đó không có tiến bộ lịch sử mà chỉ có tuần hoàn lịch sử. Một người kế thừa khác của Dilthey là T.Lessing đã ra sức xóa bỏ quan điểm xem lịch sử có tính khách quan, tính hiện thực. “Trong lịch sử, không thể phát hiện được ý nghĩa bí ẩn nào, mối quan hệ nhân quả nào, sự phát triển trong thời gian per se (tự thân) nào” [11,77]. Tức Lessing và những nhà hiện sinh như K.Jaspers đã xem đối tượng nhận thức đó chính là “sự nhận thức đối tượng”, tức “đồng nhất lịch sử với sử học”, “thực tại lịch sử với ý thức lịch sử”. Họ còn cho rằng mỗi người có thể toàn quyền tạo ra lịch sử cho cá nhân mình, và điều đó mới thực sự hữu ích. Ý thức lịch sử chẳng qua chỉ là ý thức cá nhân về lịch sử, chứ không hề có cảm quan dân tộc, nhân loại, nhân dân nào. Raymond Aron cho rằng trong một trận chiến, cảm quan của người lính và vị tướng của họ đã khác nhau, nên lịch sử chỉ là lịch sử theo cảm quan cá nhân. Đó chính là sự đồng nhất triệt để thực tại lịch sử vào trong ý niệm và cảm quan lịch sử của nhà sử học. Chính những quan điểm mới của triết học lịch sử hiện đại trên cùng với các nguyên nhân đã trình bày ở trước đã mở đường và “cởi trói” cho việc hư cấu và sáng tạo trong văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử. Các nhà văn thỏa sức sáng tạo lại lịch sử theo cảm quan cá nhân, lấy số phận cá nhân, tư tưởng cá nhân làm đối tượng khảo cứu nghệ thuật.

P.T.A
(SH298/12-13)


———————————–
1.Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Trương Đăng Dung (2011), “Khoa học văn học tiền hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6/2011, tr.3 – 18.
4. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên) và… (2012), Lịch sử và văn hóa – Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
5. James Gleick (2011), Từ hiệu ứng con bướm đến lý thuyết hỗn độn, Nxb. Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
6. Thomas Kuhn (2008), Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
7. C.Marx và Engels (1958), Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
8. Helga Nowotny và… (2009), Tư duy lại khoa học, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
9. Karl Popper (2012), Sự nghèo nàn của thuyết sử luận, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
10. G.N. Pospelov (chủ biên), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
11. Hà Văn Tấn (1990), Triết học lịch sử hiện đại, Đại học tổng hợp Hà Nội, Hà Nội.
12. Phan Mạnh Hùng, Tiểu thuyết lịch sử – một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index, ngày truy cập 6 tháng 11 năm 2012.