Leonardo da Vinci được biết đến như một thiên tài toàn năng. Ông vừa là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, vừa là bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh, nhà triết học. Và như thể thế còn chưa đủ, ông còn viết truyện.

Leonardo da Vinci, “ông lão kể chuyện” quyến rũ

Ảnh: KIM NGỌC

Những tuyệt phẩm dành cho thiếu nhi là tuyển tập 98 mẩu chuyện nhỏ rải rác trong các ghi chép của Leonardo da Vinci được Bruno Nardini tập hợp. Cuốn sách phần nào hé lộ tài năng và suy nghĩ của một thiên tài vĩ đại trong lịch sử loài người. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Truyện xưa mà không cũ

Những tuyệt phẩm dành cho thiếu nhi (tên gốc Favole e Leggende – Leonardo da Vinci) tập hợp những truyện ngụ ngôn và thần thoại do Leonardo da Vinci viết, được Bruno Nardini tổng hợp từ những bản viết tay rải rác trong nhiều tài liệu và ghi chép mà ông để lại với minh họa màu nước theo phong cách cổ điển của Adriana Mazza Saviozzi.

Những truyện này hầu hết là truyện ngắn hoặc rất ngắn, được chia thành 4 đề tài: truyện ngụ ngôn, truyền thuyết, những sinh vật kỳ diệu và truyện cười.

Phần ngụ ngôn gồm những câu chuyện phê phán tính cách xấu hay suy nghĩ sai lầm của loài vật hoặc loài cây nào đó, nhân vật chính cuối cùng thường nhận lấy kết cục đau đớn.

Phần thần thoại và sinh vật kỳ diệu kể những câu chuyện nói lên tính cách và đặc điểm của nhiều loài vật trong tự nhiên, cả có thật lẫn thần thoại.

Phần truyện cười chỉ gồm 8 câu chuyện xoay quanh con người, với nội dung hài hước, hóm hỉnh, nhưng đầy tính chế giễu sâu cay và thâm thúy.

Một Leonardo khác

Những câu chuyện đa dạng về nội dung và ý nghĩa cho ta thấy những khía cạnh khác trong con người ông (như các cụ ta vẫn nói “văn là người” mà!).

Ta nhìn thấy một Leonardo da Vinci say sưa với thiên nhiên, để ý tới từng cây dâu đất, thông tuyết, con sáo đá, con chuột nhắt, mê đắm những loài vật kỳ bí trong truyền thuyết như chim phát sáng, rắn hai đầu…

Người đọc còn có thể cảm nhận được sự tinh quái trong cá tính của ông, thể hiện qua những truyện cười với nhiều màn đối đáp khá “trả treo”.

Truyện tuy ngắn nhưng giọng văn biến đổi vô cùng linh hoạt, lúc hoa mỹ hùng hồn khi nhân vật cần bày tỏ suy nghĩ của mình hoặc thuyết phục đối phương, lúc ngắn gọn giễu cợt khi nói về những thói hư tật xấu, lúc lại đầy khâm phục trân trọng khi ca ngợi những đức tính và vẻ đẹp cao quý các loài vật.

Với những câu chuyện có độ dài vừa vặn, nội dung gần gũi nhưng hấp dẫn, cuốn sách thực sự đã kéo Leonardo da Vinci lại gần trẻ em nói riêng và những con người bình thường nói chung.

Ông không còn là thiên tài cao xa nữa, trong cuốn sách này ông chỉ còn là một “ông lão kể chuyện” quyến rũ mà thôi.

Sự khiêm nhường của một tài năng

Quan trọng hơn, việc viết truyện loài vật là cách để ông nói chuyện con người và biểu đạt suy nghĩ. Leonardo da Vinci khẳng định khá rõ ràng quan điểm của mình bằng việc phê phán sự kiêu căng, vô ơn, khinh suất, đố kỵ, đề cao những đức tính như tiết chế, khiêm tốn, dũng cảm và tự trọng.

Có một điều thú vị, tuy là một thiên tài được cả xã hội đương thời và hậu thế công nhận, tôn vinh, song Leonardo da Vinci rất coi trọng đức tính khiêm nhường và cẩn trọng.

Điều đó thể hiện trong rất nhiều truyện ông viết, khi chút tuyết nhỏ trở thành một đồi tuyết khổng lồ và tránh sự thiêu đốt của mặt trời nhờ biết bỏ chỗ cao, về chỗ thấp (truyện Tuyết), khi cây thông kiêu ngạo bị gió bão quật đổ vì đã hống hách loại bỏ tất cả những cây cối xấu xí hơn bao quanh mình (Cây thông tuyết kiêu ngạo), hoặc khi ngài đại bàng oai phong sa vào bẫy rập của con người chỉ vì mải trêu ghẹo một chú cú xấu xí (Đại bàng).

Cách suy nghĩ đó khiến ta ít nhiều liên tưởng đến quan điểm của Charles Darwin: “Thiên tài chỉ có 1% là năng lực bẩm sinh, còn lại 99% là do nỗ lực”.

Quả thật, nỗ lực của Leonardo da Vinci đơm rất nhiều quả ngọt cho hậu thế.

Theo Kim Ngọc – Tuổi trẻ

Exit mobile version