Trong vỏ bọc mềm mại của cỏ, người ngoài cứ ngỡ thơ Lê Vi Thủy cũng hiền lành, nhu mì như thế. Nhưng đọc trang viết của cô mới thấy ẩn chứa một tâm hồn luôn nổi loạn. Một tâm hồn nghệ sĩ đến từ xứ núi: ‘Một nét cọ màu / em pha cho em hay Pleiku’.

Bản chất của chữ nghĩa cũng chỉ “pha màu” cho thơ, cho đời sống. Nhưng điều đáng kể của một người nghệ sĩ phải biết và thấu thị được mức độ màu mình đang pha. Vấn đề này không đơn giản. Đôi khi thiếu tiết chế hay mất kiểm soát có thể phá bản chất màu hoặc “chết” trong màu. Màu nhiều quá thì sa đà vào chủ nghĩa phồn thực của minh họa. Màu ít quá thì cuộc sống thô thiển, không giống như vẻ nó có.

Tập thơ “Mắt vỡ không còn bóng” của Lê Vi Thủy, NXB Hội nhà văn tháng 8/2012.

Nên pha thế nào cho đúng màu? Và dám sử dụng đúng gam màu, tông màu chính là đẳng cấp thực thụ và điều tiên quyết làm nên cá tính của người sáng tác.

Tôi thích gam màu buồn, đôi khi hơi tối như bài thơ này của Lê Vi Thủy:

“Thành phố nặng trĩu những níu kéo lo toan đè lên đôi gánh vai mẹ/ Nắng gắt mồ hôi tiếng rao mẹ khàn đặc cuối con đường/ Mẹ quê mùa trong khúc nhạc teen/ Những tấn bi hài kịch trong vở opera thượng lưu nhà hát kịch/ Trong tiếng gầm rú thác loạn của Suzuki phân khối lớn cũng lạ lẫm với cám dỗ cuộc đời/ Vai mẹ oằn thêm khi tuổi con dần lớn/ Cái váy con mang, đôi giày con đi, cái trâm con cài, mỗi mỗi đều phảng phất hương thơm mồ hôi mẹ/ Mẹ tĩnh tại trong câu hát ru đầu hè, chõng tre ọp ẹp và mơ về cánh đồng xanh thẳm, cánh cò trắng chao lượn thơm mùi lúa chín/ Mẹ muôn đời lặng im, nuôi con trong thành phố ngày vẫn ồn ào” (Mẹ, thành phố và con)

Đọc những dòng này, tôi muốn dùng chữ Nghệ sĩ như cách nói về một người làm thơ hay cao hơn, một nhà thơ. Khi chúng ta ca ngợi cuộc đời bằng ngôn từ đó là cách chúng ta đang cố gắng tập sống lại lần thứ hai. Giữa thời gian chết những câu thơ sống. Nó đang bơi ngược lại. Và cái hay của Thủy là ở bên trong, khi xé bỏ cái vỏ bọc của cỏ. Từ đó chữ nghĩa thoát xác.

Nhà thơ Lê Vi Thủy.

“Gõ phách nhịp lạc/ Khủng hoảng đọng mái tóc mờ sương/ Mất em giữa inh oang phố thị / Đi hết kiếm tìm là tuyệt vọng…Trò chơi con chữ / Treo ngược cô đơn vũ trụ quay (Cam Ranh trắng).

Thơ Lê Vi Thủy đã tạo cho tôi cảm giác ngạc nhiên ngoài văn bản. Cô luôn chông chênh giữa hai thái cực ý thức và buông trôi. Đó là thái độ mà Claudio Magris viết Không tưởng và thức tỉnh.

“Khát/ Ngày tự do không văn tự định kiến/ Bổng lộc nhom nhem/ Không mang vết thương nhăn nhúm những giấc mơ/ Thèm nụ hôn đỏ chân mây/ Mặt trời và con sông trắng phau/ Thùy ba ngầm dụn dịn (Khát).

Ngay khi thức tỉnh vẫn cất tiếng ú ớ “Thùy ba ngầm dụn dịn” tôi thích câu thơ này bởi hình ảnh và âm điệu phức cảm của nó. Cảm giác thân quen và xa lạ. Một nhịp sóng tiềm tàng vỗ sáng tiềm thức. Đôi khi một câu thơ hay không có nghĩa mà đơn thuần là một tiếng kêu. Cảm giác bao giờ cũng tinh tế mà cái nhìn thì mòn cũ. Những câu thơ không hợp thức hóa với một hằng số bởi đâu cần phương trình giải…

Thủy có những bài thơ hiền lành ngu ngơ. Cô viết nó như đang chơi một ván cờ. Đủ để qua mặt, dụ khị người đọc dễ dãi chấp nhận ”cô ấy đẹp và hiền!…”. Những bài như Tự khúc tôi, Vàng sắc dã quỳ, Thanh xuân chợt thấy bên đời, Ngủ muộn, Về lại cao nguyên gió, Những cây cọ tuổi thơ… là những bài hay với chuẩn mực cũ. Cái đèm đẹp của những con manơcanh bày sau tủ kính. Vẻ đợi chờ hoang trống của những nàng Cachiusa trong nách của tổ kén dân ca.
“Mỏng tang/ vàng lay sắc dã quỳ/ sơn nữ ngực đồi hoa/ chân dậm bóng chiều đông khói/ hơi lạnh/ đất bazan đỏ mạch ngầm/ môi đỏ má em nồng (Sắc em).

Bảng màu pha đúng độ nhưng xem ra quá nhợt nhạt bởi những gì mòn cũ. Sự thật không phải bao giờ cũng thành văn chương thi ca. Sự ngoan là lành đôi khi chỉ là chuẩn của hợp thế, nhừa nhựa thiếu vắng cá tính. Lê Vi Thủy có nhiều những bài thơ như thế. Bày biện một tâm hồn mỏng mảnh dễ vỡ “đường chiều lá rụng” của thơ Việt.

Ít ai đủ sức đương đầu hay chấp nhận một cái đẹp tàn ác. Tại sao? Có ai lại mong muốn một sự phức tạp bao giờ. Nhưng tại sao không trả cho thơ gương mặt của đời sống? Khi hôm nay, cái đẹp long lanh cái ác. Cái đẹp của một tổ hợp đa phức. Và thơ cần hơn bao giờ hết những thẩm mỹ mới. Hay chính xác những bài thơ làm chấn động thẩm mỹ.

Mắt vỡ không còn bóng là một sự đập vỡ tình hình ảnh. Trong sự phức hợp ngùn ngụt cháy của tầm hồn và tâm cảnh hiện đại của con người bị phản bội. Khi cái giá của sự trinh nữ không bằng giá của một phôi giống chó Đức thơ đã có vẻ đẹp của sự man rợ và tàn bạo.

“Đức hạnh cười méo xệch. Giá
Không bằng một chút berger Đức lai giống”

(Mua và bán)

Là những men trầm khó thấy ẩn trong thơ Lê Vi Thủy. Thật khó hình dung có nhà thơ ở cao nguyên lại có thể viết một câu thơ về cuộc sống hiện đại hay như thế!

Thời đại này có cảm giác mọi cái mang chứa, đều quá tải, nghẽn mạch, là không còn có thể mang theo nổi. Ngay cả cái nhìn ngờ ngợ dán sau gáy, như một thói quen phỉnh dụ không còn hình bóng nữa. Mỗi ngày bao nhiêu hình ảnh bức xạ qua. Những dải, dẹt, nâu, xám, đen, tối… Những cái bóng của ngày qua hay bóng ký ức quá nặng nề không còn đủ sức mang vác hay sự mang vác nó đã trở nên quá tải chập mạch, điên loạn.

Cái nhìn ám thị vào Lê Vi Thủy đã từng làm tôi ngạc nhiên khi cô cũng là người đầu tiên viết những câu thơ nói về sự trinh tiết rẻ rúng ngày hôm nay không bằng mua một cái phôi cho giống chó đực thuần chủng. Lạ! Thơ như một dải băng tần bị đứt, một tiếng nói rè cất lên từ sâu thẳm. Bạo liệt quá chăng? Tôi không thể hình dung thơ nữ hôm nay lại đi xa như thế? Mất hút lộ trình ngỡ chỉ trải ra dưới chân mình để cất cánh bay về xa thẳm…

Sự phân phối cân đối cho tập thơ là điều duy nhất có thể mà Lê Vi Thủy làm được để lưu dáng một tính nữ.

Nhân dịp ra mắt tập thơ mới, nữ thi sĩ tặng 10 độc giả eVan 10 quyển thơ Mắt vỡ không còn bóng như một cách chia sẻ tình yêu văn chương.

Độc giả gửi email về địa chỉ: vanhocviet@vnexpress.net, tiêu đề “Nhan tap tho Le Vi Thuy”, tiếng Việt không dấu. Trong mail xin vui lòng cung cấp đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại để tiện việc gửi quà tặng. Nhận thư từ ngày 6-10/8.

Ban biên tập xin chọn ngẫu nhiên 10 bạn đọc để trao quà tặng

Tác giả Lê Vi Thủy sinh năm 1984. Cô được đào tạo để trở thành cô giáo dạy mỹ thuật cho học trò cấp I nhưng lại đến với thơ như đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Vài năm trở lại đây, mỗi khi nói về đội ngũ những người viết trẻ của Gia Lai, tác giả Lê Vi Thủy luôn được nhắc đến với trang viết ăm ắp thể nghiệm, tìm tòi. Nữ tác giả này từng đoạt giải ba Thơ Bút mới -báo Tuổi Trẻ năm 2009.

Sài Gòn, ngày 2/8/2012

Nguồn: eVan

Exit mobile version