Làm thơ cũng giống như cuộc hành lễ, mà lễ vật quý giá nhất là lòng thành. Hoàng Quang Thuận đến với Yên Tử không phải với sứ mệnh so tài với ai, mà ông chỉ vâng lệnh, ghi lại những chấn động tâm hồn của mình. Đó là nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêngYên Tử sáng 8/8/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn.
3 ngày và 63 bài thơ
Với những ngẫu nhiên, lạ lùng như một chữ “duyên” giữa mênh mang Yên Tử, chỉ trong 3 ngày đêm trong vùng non thiêng, GS-TS Hoàng Quang Thuận đã viết một mạch 63 bài thơ, in thành tập Thi vân Yên Tử. Sau đó 3 năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp Ngọa vân Yên Tử với 80 bài. Đến năm 2010, ông gộp lại thành tập 143 bài lấy tên chung là Thi vân Yên Tử.
Cần thừa nhận sự xuất hiện của Thi vân Yên Tử như một hiện tượng văn học, bởi tự nó đã có một đời sống riêng, đã có thủ bút nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi những kỷ lục về số lượng in, khổ sách, mức độ phổ cập và số lượng các bài viết trong suốt một thời gian dài.
Trong văn học số lượng không nói lên điều gì, nhưng một người đến với Yên Tử, làm hàng trăm bài thơ lại nói lên một điều gì đó, gửi gắm ở đó, sống ở đó, hòa nhập ở đó, nếu không nâng niu, không đắm say với các giá trị dân tộc thì làm sao có thể thực hiện được. Việc Tạp chí Nhà văn, do Trưởng ban Nhà văn trẻ, TBT Võ Thị Xuân Hà trực tiếp chỉ đạo tổ chức hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử đã mang đến một kênh mới trong việc tiếp cận và lý giải phần nào những hiện tượng bí ẩn của thơ ca.
Vợ chồng GS – TS Hoàng Quang Thuận
Nhiều ý kiến, kể cả đồng tình và chưa dễ đồng tình khi cho rằng thơ Hoàng Quang Thuận là thơ thiền hay chỉ mang cảm quan Phật giáo, hay một kiểu thơ du ký? Nhà phê bình Nguyên An trong tham luận Với Hoàng Quang Thuận, anh sẽ viết tiếp chứ? đã có ý chất vấn “Ngay cả hơn trong trăm bài đã được đọc và săm soi, trầm trồ, rồi nghĩ thêm nữa, anh có thấy là chúng phần lớn đều là thơ vịnh cảnh?”. Trong đó, có ý kiến cho rằng thơ Hoàng Quang Thuận còn cố gắng ép vần, thì nhà văn Đỗ Ngọc Yên lại có cách biện giải, “hạ điểm sàn” cho những hạn chế về hình thức: “Hoàng Quang Thuận không mấy quan tâm về cấu trúc, niêm luật bởi ngay từ đầu ông đã không có ý định làm thơ mà chỉ mượn ngôn ngữ thơ để ghi lại cảm xúc ở chốn thiền định”.
Trao đổi tại hội thảo, nhà văn Văn Chinh cho biết ông mới chỉ đọc Thi vân Yên Tử trong 1 đêm thôi. Một đêm nhưng đầy ắp tâm trạng trong tinh thần yêu thơ, tôn trọng thơ. Giả dụ rằng trong 3 đêm 3 ngày ở Yên Tử, Hoàng Quang Thuận chỉ làm 3 bài thơ thôi thì những bài thơ sẽ đầm hơn. Nhìn toàn cảnh thì Hoàng Quang Thuận đã biết khắc kỷ và hướng thiện, đẫm ướt tinh thần tôn giáo, những chân kiềng đó đã làm nên màu sắc thiền trong Thi vân Yên Tử.
Đọc thuộc 3.000 bài thuốc Bắc
GS-TS Hoàng Quang Thuận có một trí nhớ siêu phàm, từng gây kinh ngạc cho một thiền sư khi đọc làu làu 3.000 bài thuốc Bắc. Cũng một buổi chiều mưa gió trên hồ Thiền Quang, ngay sau buổi hội thảo, Hoàng Quang Thuận nhẩn nha đọc vo hàng chục trang của tiểu luận Cái chết của Mozart gây sửng sốt cho cả Ban Nhà văn trẻ…
Câu chuyện về cuộc đời, về thơ của GS-TS Hoàng Quang Thuận còn dài, lắm điều gợi mở và nói như nhà thơ Hữu Việt: “Thơ của anh cần có lối tiếp cận riêng, để nhận rõ bản lai diện mục”. Trong câu chuyện Hoàng Quang Thuận cho rằng mình “là nhà khoa học làm thơ, người vô tình của khách văn chương”, chỉ là một cách nói khiêm nhường, mực thước của một người thơ.
Việc hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử đã bổ sung thêm, đa dạng hóa cách nghĩ, cách nhìn thực trạng thơ hiện nay. Trong khi văn học đang có những biểu hiện cá nhân hóa, tầm thường hóa thì Hoàng Quang Thuận đã thiêng liêng hóa, đề cao cái khoan dung, cái thanh khiết và đó cũng là một đóng góp đối với thơ.
Ai làm vượng khí văn hóa đều đáng trọng
Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Làm thơ có hai cấp độ, đó là làm thơ về Yên Tử và mượn Yên Tử để làm thơ. Trong đó, mượn Yên Tử để làm thơ là chạm đến thế giới thơ ca, Hoàng Quang Thuận đã làm được điều đó và cất lên một thông điệp riêng với người, với đời, với đạo. Với hoàn cảnh hiện nay, thì ai có đóng góp dù ít, dù nhiều làm cho vượng khí văn hóa, vượng khí dân tộc thì đều đáng hoan nghênh. Bài thơ viết về Am Ngọa Vân nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi thiền định là một minh chứng: Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/ Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/ Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/ Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng…
Hoàng Quang Thuận là hậu duệ ngự y nhà Nguyễn, còn bà Kim Thanh vợ ông, là hậu duệ đời thứ năm của vua Gia Long và sáng nay (9/8), vợ chồng ông sẽ có mặt tại Huế dự lễ công nhận di tích lịch sử Phủ Diên Khánh Vương (hoàng tử thứ 7 của vua Gia Long).
Tôi cứ vân vi suy nghĩ, bây giờ là một chặng đường thơ khác của Hoàng Quang Thuận, việc “tăng hay giảm số” còn tùy thuộc cảm thức của anh trong hệ thống tín hiệu thi ca. Mong nhà thơ lên đường bình an trong những bước kinh hành, chẳng phải Pôn Moran đã nói: “Lên đường là phương tiện duy nhất để tới đích” đó sao?
Đoàn Diệp Anh
Nguồn: TT&VH