Nhà văn Lê Văn Trương.
Một người mù rên rỉ đòi ánh sáng
So với tổng số trang in mà Lê Văn Trương đã viết ra, thì những tài liệu mà bạn bè đồng nghiệp viết về ông không nhiều lắm. Tuy nhiên, có lẽ do chỗ Lê Văn Trương là một cá tính mạnh, một người có bản sắc rõ rệt, cho nên mỗi khi có dịp nhắc về ông, người ta dễ khắc hoạ được bản chất con người ông với những nét tính cách không lẫn với người khác. Về phương diện này có hai tài liệu đáng quý:
Một là cuốn sách nhỏ của Lan Khai mang tên Lê Văn Trương, mớ tài liệu cho văn học sử Việt Nam, tập sách được Nhà xuất bản Minh Phương cho in ra ở Hà Nội, ngay từ 1940.
Hai là phần viết về Lê Văn Trương của Nguyễn Vỹ trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, cuốn này gồm nhiều chân dung ngắn từng in rải rác trên tạp chí Phổ thông, sau đó được nhà Khai Trí ở Sài Gòn cho in lại thành sách năm 1970.
Dưới đây là một ít đoạn lược thuật rút ra từ hai tài liệu nói trên.
1/ Về hình dáng bề ngoài lời ăn tiếng nói, cùng là con người Lê Văn Trương, bằng xương bằng thịt, Nguyễn Vỹ kể: Lê Văn Trương là người “tự nhiên”, “chửi thề toang toác chẳng sợ ai cười”, ông giống như một thứ máy nói và máy viết, loại ăn to nói lớn, “chuyên môn nói phét nói tục chỉ được cái thành thật không làm hại ai cả”.
Dưới con mắt Lan Khai, Lê Văn Trương hiện ra còn sinh động hơn nữa. “Ngoài ba chục tuổi, tầm vóc cao nhớn, dáng đi lừ lừ như một con cá chắm lội, với một màu da bánh mật, gương mặt rắn câng, một cái trán hẹp của người thiết thực, đôi mắt sâu gườm gườm và những cái nhìn nhanh như chớp. Miệng không rộng, môi trên hơi vểnh lên, nổi một chiếc răng cửa khểnh”. “Nụ cười toét miệng dễ thương … mất đi hẳn khi Lê Văn Trương nói. Nói, ở ông, như người bị trói giãy”.
Nên nhớ rằng, vẻ đẹp lý tưởng của các văn nhân xưa nay là vẻ tinh tế, tao nhã, bề ngoài nhiều khi hơi yếu đuối một chút, và chỉ để lại dấu ấn bằng một bản lĩnh bên trong, đầy sức thuyết phục. Điều quan trọng trong chân dung Lê Văn Trương vừa được phác hoạ là ở chỗ nó cho ta thấy một kiểu nhà văn khác, nhà văn gần với cuộc vật lộn kiếm sống đầy biến động hàng ngày. Giá có bảo nét mặt Lê Văn Trương ở trên gợi ra hình ảnh một thầu khoán, một lái buôn, một kẻ giang hồ thì cũng không phải là quá.
Hãy nghe tiếp nhận xét của Lan Khai về con người Lê Văn Trương:
“Bất cứ lúc nào và ở đâu (ông) đã nói nhiều hơn ai hết”.
“Không nói Lê Văn Trương rất có thể chỉ là một mớ tro tàn”.
“(ấy là) … những lời lặp đi lặp lại… của một kẻ ốm gần như mất trí.”
Thoạt nghe, dễ cho đấy là những lời lẽ mang tính cách mạt sát, bôi xấu bạn bè mà người ta nghĩ rằng rất sẵn trong thái độ đối xử giữa những người cầm bút ở một xứ thuộc địa. Nhưng không hẳn thế. Trong cái nhìn của Lan Khai, người đọc ngày nay còn bắt gặp một sự cảm thông kỳ lạ mà có lẽ, chỉ có giữa những người vừa thân nhau vừa hiểu nhau. Đây là cách giải thích của Lan Khai về sự lắm lời của Lê Văn Trương:
“Không phải Lê Văn Trương cốt đa ngôn để thử sự kiên nhẫn của ta.
Không! Ông chỉ đương cố đánh thức cái lòng đạo đức của chính ông đấy mà thôi.
Vì chỉ sống bằng lý trí, Lê Văn Trương thỉnh thoảng cũng nhận thấy cái khô khan, cái lặng lẽ, cái rỗng không sâu thẳm của lòng mình. Ông đâm ra chóng mặt và cuống cuồng, ông vồ lấy một giọt rượu mạnh lý tưởng để tự đốt nóng tim bằng cách pha thêm rất nhiều lời nói, những lời liên miên, những lời sảng loạn, những lời mà ông chỉ cần ở chúng có độc một hiệu lực: Tự thôi miên mình. Người đứng nghe ông thường thường bị sốt ruột bởi sự nói nhiều của ông, nhưng đôi khi cũng cảm động bởi cái giọng chân thành của ông. Phải, còn gì thực hơn những tiếng kêu mà một con người thốt ra để đòi hỏi, cầu xin những cái chính người ấy thiếu? Lê Văn Trương, nếu có thể thành thực được, ông cũng chỉ thành thực với ông, với những cái ông không có, và bọn ta, những độc giả của ông, chúng ta chỉ là một lũ nghe lỏm ông mà thôi”.
Cách giải thích về người viết văn Lê Văn Trương của Lan Khai có vẻ mang hơi hướng phân tâm, nhưng được trình bày một cách thanh thoát, dễ chấp nhận. Hoá ra cây bút nổi tiếng là hay đưa ra lý thuyết người hùng đó lại là một con người yếu đuối, thích kêu to lên vì sợ phải đối diện với cái trống rỗng của lòng mình. Không những Lan Khai mà Nguyễn Vỹ cũng nói rằng Lê Văn Trương có vẻ hào hoa cương trực đấy, song thật ra “nhát như thỏ mềm như sứa”. Một nhân vật trong Bọn làm bạc giả của A. Gide bảo một nhân vật khác: “Anh có đủ tính cách của một nhà văn: kiêu căng, giả dối, tham vọng, bất định, ích kỷ”. Hình như trong Lê Văn Trương cũng hội đủ những tiêu chuẩn đó. Nên ông phải viết, viết để vượt qua những ẩn ức tưởng như không sao bù đắp nổi. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Vỹ nửa đùa nửa thật kể rằng trong khi trò chuyện, Lê Văn Trương “ưa dẫn ra những câu triết lý của vài danh nhân xưa. Dẫn lung tung, chẳng đâu vào đâu. Người ít học nghe chẳng hiểu sao. Người có học nghe cũng chẳng hiểu sao”. Trong cái tình thế vừa buồn cười vừa bi đát ấy, hình như Lê Văn Trương đã trở nên một thứ biểu trưng cho sự yếu đuối của con người. Thông thường chúng ta hay đòi hỏi nhà văn phải cao hơn bạn đọc, phải mạnh hơn bạn đọc trong khi thực ra, trước hết, những người cầm bút lại yếu đuối hơn rất nhiều so với các bạn đọc thân mến của họ.
Còn về thói hay thuyết đạo đức của Lê Văn Trương thì thật ra có gì là khó hiểu với một người bơ vơ, và cũ càng như ông! Theo Lan Khai, cái mà Lê Văn Trương đề cao khá giản dị: “một cuộc cách mạng tinh thần dựa trên thiên hướng và ánh sáng của Khổng học”, “một nhận thức về sự kém hèn của giống mình và thấy cần phải cướp đường mà tiến lên”. Tóm lại Lê Văn Trương “đã vơ lấy triết lý sức mạnh của Nietzsche, nhưng vẫn luôn miệng xưng tụng các đức tính của trái tim”, “ cả hai làm ông lúng túng, không biết nhảy bằng chân nào cho phải nữa”. ở chỗ này, Lê Văn Trương thật đã tập trung cô đọng trong mình những đặc tính tiêu biểu của các nhà văn một xứ thuộc địa, như xứ ta trước 1945. Song le, trong khi trở nên một điển hình của học đòi, chắp nhặt ham muốn hơn sức có thật (“ trí to hơn người” như các cụ vẫn giễu) rồi huênh hoang, trống rỗng đủ thứ, thật ra trong Lê Văn Trương vẫn có nét gì đáng yêu: ông không tìm cách che giấu bản chất thật; ông hồn nhiên là mình, dám là mình, dù có “nhàm chết người” cũng vẫn là mình một cách nhất quán. Trên nhiều phương diện, Lê Văn Trương đã là ví dụ chứng minh cho hình ảnh nhà văn mà trong xã hội hiện đại, người ta coi là những kẻ đáng được thông cảm.
Có một sự thực ai cũng biết, là mặc dù có rất nhiều nhược điểm, song cây bút Lê Văn Trương – đặt trong bối cảnh văn học đương thời – vẫn là cây bút được nhiều độc giả tìm đọc. Tại sao có hiện tượng ấy? Lan Khai đã trả lời rất hay về điều này. Theo Lan Khai, cái chính là chất dấn thân của ngòi bút Lê Văn Trương.
– “Lê Văn Trương thoạt đầu chỉ nói cho mình”, đến lúc “nhận ra rằng nó cần cho chung quanh”, ông mới “nảy ra ý định kêu gào tha thiết hộ người”.
– “Ông đã đem tới cho tâm hồn quần chúng xứ này một sự bồng bột mới sau khi nó đã bị những vết thương đẫm máu làm tê tái và đã bị xâm chiếm bởi cái trống rỗng sau một sự cười cợt kéo dài quá cái hạn định hợp với lẽ phải”.
– “ Ông đã tỏ ra săn sóc đến cái phần hồn của quần chúng hơn tất cả các văn sĩ hiện tại, săn sóc một cách đôn đốc, hăng hái, mê say” (mà không phải “sáng suốt, hợp lý, đúng với các luật nền tảng của tâm lý”).
Khó lòng nói rằng trong các nhận xét ấy, Lan Khai chỉ thấy mặt mạnh của Lê Văn Trương. Ngược lại, xem bạn như mình, đặt mình vào địa vị bạn, vừa khách quan, vừa thông cảm, Lan Khai cùng một lúc vừa chỉ ra cái vụng về, ngớ ngẩn, nói chung là mọi thứ bất cập trong việc làm của Lê Văn Trương, vừa ân cần ghi nhận những gì mà Lê Văn Trương đã làm cho mọi người, nó khiến cho ông có được một chỗ đứng tinh thần ở xứ sở này, ít ra là trong cái thời mà các ông đang sống. Trong lời tựa cho Một người của Lê Văn Trương, Trương Tửu với thói quen bốc đồng đã đưa ra những lời khen quá đáng, nào “một nghệ thuật mãnh liệt và nhuần nhị”, “một ngòi bút thần diệu” khiến Trương Tửu “hoàn toàn bị quyến rũ và mê đắm”. Lan Khai bình tĩnh hơn, chỉ bảo rằng đọc quyển sách ấy, “thấy cảm động như khi nghe một người mù rên rỉ đòi ánh sáng”… Rộng ra, với toàn bộ sáng tác của Lê Văn Trương, Lan Khai ghi nhận rằng là cả một thành tựu nhưng không phải một thành tựu mơ hồ, mà là do chỗ nó nổi lên so với hoàn cảnh chung quanh. “Lê Văn Trương dù sao cũng đã gây nên được ở quanh tên tuổi ông, một mối dư luận, trên cái đất nước mà đời sống tinh thần của người dân hằng khiến ta có thể ngờ là đã tê liệt”. Cái sự ghi nhận của Lan Khai về Lê Văn Trương nên được xem là khách quan, đúng mực.
Khác với Lan Khai, Nguyễn Vỹ khi ở Hà Nội không thật thân với Lê Văn Trương. Song nhà thơ này lại có dịp biết rõ Lê Văn Trương vào những năm cuối đời, tức là khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 ở Sài Gòn. Trong đoạn hồi ký của mình, Nguyễn Vỹ cung cấp thêm mấy nét tâm tình rất quý của Lê Văn Trương mà thiếu đi, chắc hình ảnh Lê Văn Trương trong bạn bè đồng nghiệp không thể coi là đầy đủ.
Ấy là những đoạn Lê Văn Trương tự đánh giá mình, nhất là tính đếm lại cái phần đóng góp của mình trong văn học:
“Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Trương đến thăm tôi tại tạp chí Phổ thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Tôi lặng thinh chờ xem anh muốn nói gì. Một lúc khá lâu, có vẻ trịnh trọng , Lê Văn Trương cất tiếng:
– Thằng Nhất Linh đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời của tao.
Im lặng một lúc, Lê Văn Trương lại nói tiếp:
– Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn.
Tôi hỏi:
– Trong tất cả các truyện cậu đã viết cậu thích quyển nào nhất.
Lê Văn Trương trả lời liền không do dự:
– Tớ đ. thích quyển nào.
– It nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ.
– Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó!
Câu nói mâu thuẫn đó tiết lộ tính chất sáng tác đặc biệt của Lê Văn Trương. Tác phẩm nào cũng hấp dẫn nhưng không có một kiệt tác.
Tôi bảo:
– Cậu chọn một vài quyển tương đối nổi bật hơn hết, đưa đây tôi. Tôi sẽ viết một bài dài và thật khách quan.
Nhưng tôi đã chờ mãi Lê Văn Trương cho đến ngày anh chết”.
Với một cuộc đời nhiều phen ngang dọc như Lê Văn Trương, một kết cục như thế thật ngoài sự chờ đợi của mọi người. Hôm qua, trong văn học, ông như con cá kình trên sông lớn, muốn in gì thì in, muốn viết thế nào thì viết, tha hồ lui tới. Đã bao nhiêu lần người ta chê bai ông, giễu cợt ông, bảo ông là vội vàng cẩu thả là văn chương dây cà ra dây muống, nhưng đã lại có không biết bao nhiêu độc giả lắng nghe ông, suy tôn ông, thế là được rồi. Đến nay rút lại, hoá ra thời gian vẫn làm công việc của nó, và cái đòn chí tử giáng vào văn nghiệp Lê Văn Trương lại chính do Lê Văn Trương thực hiện. Công bằng làm sao mà cũng oan nghiệt làm sao!
Đọc đoạn văn trên của Nguyễn Vỹ, lần đầu tiên người ta bắt gặp cảm giác đau đớn, bất lực, đúng ra là bắt gặp cả hình ảnh một con người thất bại thảm hại, toàn là những thứ xưa nay xa lạ với Lê Văn Trương, có thể nói là suốt đời ông đã tìm cách xa lánh chúng, rút cục, chúng vẫn tìm thấy chính ông. Nhưng có hề gì? Nếu qua cách miêu tả của Lan Khai, chúng ta thấy gần với Lê Văn Trương, thông cảm với ông, thì qua hồi ức của Nguyễn Vỹ, thậm chí trong ta còn nẩy sinh chút thương xót chính đáng với ông nữa. Như vẫn thường xảy ra, sự tỉnh táo ở đây đồng nghĩa với sự cay đắng, có điều trong cay đắng, Lê Văn Trương lại hiện ra đáng trọng hơn bao giờ hết. Cùng một lứa bên trời lận đận – trên nhiều phương diện trước sau Lê Văn Trương vẫn là một số phận văn học mà các thế hệ sau cần luôn luôn nghiền ngẫm để rút kinh nghiệm
Một kiểu nhà văn đặc trưng cho thời tiền chiến
Có dịp đi vào hậu trường của đời sống văn học, luôn luôn người ta bắt gặp trong các văn nghệ sĩ tiền chiến những lời tố cáo về nạn thuổng văn, ăn cắp văn nghe khá vui vui.
Ngay từ thời viết Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã cho biết nhiều đoạn của Vũ Bằng trong Em ơi đừng tuyệt vọng là lấy từ văn của Dostoievski.
Trong Kỷ niệm văn thi sĩ tiền chiến, nhà thơ Nguyễn Vỹ chép ra cả bài thơ Nhật từng là tiền kiếp của Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) cũng như câu thơ Pháp có sẵn mà Xuân Diệu chỉ sửa lại chút ít rồi làm nên Yêu là chết ở trong lòng một ít in trong Thơ thơ.
Lùi về xa nữa, người ta trân trọng ghi nhận Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh sao mà gần gũi với Những người khốn khổ của V. Huygo, cũng như Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn thì mang nặng dấu vết Ván bi-a của A. Daudet v.v và v.v
Lối “thuổng văn” này, thoạt nhìn, chỉ là một lỗi nhỏ thuần tuý đạo đức. Song, để xét cho kỹ, ta nên đặt nó bên cạnh hàng loạt căn bệnh khác: guồng máy sản xuất văn chương tiền chiến manh mún luộm thuộm, các ông chủ nhà in, chủ phát hành thường kiêm nhiệm thêm buôn bán hoặc đúng hơn mới từ mọi nghề buôn bán chen ngang vào xuất bản. Trang báo in thơ, in tiểu thuyết đặt lẫn giữa những dòng quảng cáo thuốc lậu và các loại bệnh hoa tình. Trong cảnh túng đói, nhà văn bấy giờ dễ viết ẩu, viết vội, viết chưa ráo mực đã phải mang bản thảo đi bán rồi lập tức bản thảo được đưa xuống nhà in cho kịp sắp chữ. Mối quan hệ giữa các nhà văn với các ông chủ xuất bản cũng như giữa các nhà văn với nhau mang màu sắc mối quan hệ của những người buôn bán nhỏ, thương nhau, giúp nhau dựa vào nhau mà sống, nhưng cũng lừa lọc phản bội nhau dễ dàng, kế đó cùng hùa nhau mà lừa bạn đọc, trong khi vẫn hiểu rằng nghề của mình tồn tại được , là nhờ vào đám bạn đọc đó.
Gọi đích danh, thì lối sản xuất văn chương tiền chiến mang nặng tính chất thuộc địa. Nhà văn thường thiếu cốt cách trí thức. Thứ hàng mà họ làm ra mô phỏng hàng thứ thiệt, đồ xịn bên chính quốc đã đành, mà chính người làm hàng cũng không khỏi mang nhiều thói xấu của những người gia công, người làm đại lý không có giấy phép.
Đặt trên cái nền của cả đời sống văn học như vậy, người ta sẽ độ lượng hơn trong việc nhìn nhận một ngòi bút như Lê Văn Trương trước 1945. Điều đầu tiên làm cho một số nhà phê bình cũng như đông đảo bạn đọc thấy gợn khi nghĩ đến nhà văn ấy, mà cũng là cái cửa ải cuối cùng, người ta không vượt nổi để có thể công nhận nhà văn ấy, là sự nghiệp của ông đa tạp táp nham, lẫn lộn đồ giả và đồ thực, tác phẩm do ông viết ra và những thứ của người khác ông cho mượn tên. Đó là những điều tối kỵ trong cách tồn tại của một ngòi bút. Nhưng nên nhớ đến những cuộc thuổng văn, thuổng thơ nói trên, và bao nhiêu cuộc xào xáo mà người trong cuộc không tố ra, thì không ai biết nổi. Nên nhớ lời thú nhận của Nguyễn Công Hoan có liên quan tới Bước đường cùng: Lúc đầu, nhà văn không hiểu là mình sẽ viết gì, và cứ tả vu vơ những chuyện đẻ đái mãi, rồi mới nghĩ ra cái mạch chính của truyện. Nên nhớ lời tự thuật của Tô Hoài có liên quan tới cách làm việc của ông và Nam Cao. “Có khi, chúng tôi phải viết đổi tay cho nhau mới làm kịp. Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều. Mấy trang cũng được”. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác. Cũng là một thứ công ti” (Tự truyện).
Trong cái khung cảnh “người ở lẫn với ma, người nửa người nửa ma” – cũng chữ của Tô Hoài – của đời sống văn học tiền chiến, trường hợp của Lê Văn Trương hoá ra không phải là một ngoại lệ. Nó chỉ trưng ra những gì có sẵn trong thực tế và vô hình chung, giúp cho cái gọi là đời sống hậu trường văn học có dịp hiển hiện.
Đương thời, người ta đã đọc được nhiều lời chê trách, thậm chí chửi bới Lê Văn Trương từ phía nhóm Tự lực. Đại khái họ thường giễu Lê Văn Trương là huênh hoang tiên sinh. Họ rêu rao “không bao giờ ông Lê Văn Trương chịu bỏ mất dịp dạy luân lý, dù ông ấy viết tiểu thuyết hay phóng sự”. Họ nói công khai không úp mở “Chúng tôi rất ghét cái lối văn tâm lý vô nghĩa lý của Lê Văn Trương, cái lối văn rỗng toác, loè đời của hạng triết học nửa mùa ấy”.
Hàng thịt nguýt hàng cá, giữa nhóm Tự lực và Lê Văn Trương có sự cạnh tranh, nên có sự ghét bỏ nhau đã đành. Nhưng Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình không thuộc nhóm nào cũng viết về Lê Văn Trương với những lời lẽ không mấy cảm tình, thậm chí nhiều khi có cả những chê trách thậm tệ. Về cách viết, theo Vũ Ngọc Phan, ở Lê Văn Trương “còn thấy cả những cái rớt lại của lối văn tiểu thuyết cổ vào lớp Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn” “kém về cả hành văn lẫn về truyện” “có những chữ dùng rất sai”, “cốt truyện đặc phường tuồng” “rõ ra truyện một phim chớp bóng”. Còn về nội dung thì văn Lê Văn Trương cũng là thứ văn nặng về thuyết luân lý, nhiều nhân vật “người thì là người hùng mà cử chỉ và ngôn ngữ lại là cử chỉ và ngôn ngữ của con nít”.
Trong khi chờ đợi một sự kiểm kê đầy đủ đồng thời có sự đánh giá xác đáng phần “tài sản tinh thần” mà Lê Văn Trương để lại, có một điều ngay từ bây giờ chúng ta phải tự hỏi: “Tại sao đa tạp như vậy mà Lê Văn Trương vẫn tạo được một ấn tượng khá đậm trong tâm lý bạn đọc?” và “Tại sao viết kém như vậy, mà Lê Văn Trương vẫn tồn tại, ít nhất là suốt thời gian 1935-1945, tồn tại một cách vinh quang, sáng giá?”
Trong một hồi ký mang tên Chủ nhà in nhà xuất bản Tân Dân ông Vũ Đình Long, in ở Tạp chí Văn học, số 1-1991 nhà văn Ngọc Giao kể: “ở nhà xuất bản này có mấy tủ sách nổi tiếng: tủ sách Những tác phẩm hay, rồi tủ sách Phổ thông bán nguyệt san. Tất cả các loại trên không in quá con số 2.000 cuốn. Riêng tiểu thuyết Lê Văn Trương in 3.000 cuốn”. Tại sao, ông Tân Dân, một người “làm ăn quy củ”, “nhiều cơ mưu”, “có đầu óc làm ăn lớn”, ông Tân Dân rất hiểu nghề, hiểu việc đến mực “tiền độc giả Trung Nam Bắc đổ vào nhà Vũ Đình Long như nước vỡ đê” (tất cả đều là lời Ngọc Giao), ông Tân Dân đó lại khờ khạo in thật nhiều Lê Văn Trương vậy? Hay là chính Lê Văn Trương cũng là một mặt hàng đặc hiệu, được nhà Tân Dân khai thác triệt để, và thật ra, đã nuôi sống nhà Tân Dân, đến mức ông chủ xuất bản nổi tiếng là chặt chẽ đó, đối với Cô Lý (tên một biệt hiệu của Lê Văn Trương) cũng phải hết sức nới tay, nếu không nói rất trọng dụng.
Muốn hay không muốn, người viết văn học sử khách quan phải nhìn nhận: cái tên Lê Văn Trương có tần số lặp đi lặp lại thuộc loại cao nhất trong sinh hoạt văn học tiền chiến. Chung quanh cái tên đó, không chỉ có chê bai, rẻ rúng, mà còn có bao nhiêu say mê, chờ đợi. Gắn liền với cái tên đó, là cả cách tồn tại của văn học, cùng là những khao khát, ham muốn đã đến trong tâm lý bạn đọc một thời. Nếu không nhìn Lê Văn Trương bằng con mắt văn học thuần tuý, mà nhìn ông như một hiện tượng xã hội, không quá câu nệ đòi hỏi những đóng góp của ông đối với nghệ thuật ngôn từ (điều này chúng tôi sẽ trở lại ở phần dưới) mà xem ông đã thuyết phục được người đọc ra sao, người ta đã mê man nghe ông thuyết giáo ra sao, từ đó không chỉ đánh giá ông, mà còn đo đếm hiệu quả do ông tạo nên – vâng, nếu nhìn nhận ông bằng con mắt xã hội học thì hiện tượng Lê Văn Trương cho thấy những đường nét rất thú vị.
Chẳng hạn, chung quanh câu chuyện về nhân vật người hùng ở Lê Văn Trương. Một sự thực đập ngay vào mắt mọi người nghiên cứu là bất cứ ở đâu, bất thời nào có dịp nhắc tới Lê Văn Trương, người ta đều nhắc tới ngay loại nhân vật này. Chẳng nhẽ, đối với một người viết văn, đó không phải là một điều đáng ao ước? Theo các tác giả Từ điển văn học (H. 1983), loại người hùng của Lê Văn Trương “không chỉ oanh liệt trong phiêu lưu mạo hiểm mà con gương mẫu trong nghĩa vụ gia đình, và cũng rất “trong sạch”, “cao quý” khi lương tâm bị ném vào vũng bùn của xã hội trưởng giả giàu sang”. Người ta có thể có lý khi nói rằng đấy là kiểu người giả tạo, huênh hoang, khí khái rởm, nhưng từ đó mà kết luận các nhân vật ấy “không có chút giá trị, nếu không nói là phản động” thì hoàn toàn bất công. Nhỡ trình độ bạn đọc đương thời chỉ có thế thì sao? Nhỡ người đọc đương thời đã tìm thấy trong những bóng dáng nhân vật kiểu người hùng đó một nơi nương tựa về mặt tinh thần thì sao? Chẳng nhẽ tất cả những ai đã từng say mê Lê Văn Trương đều là kém cỏi, tầm thường “nếu không nói là phản động” cả? Nên vơ đũa cả nắm rồi triệt để phủ nhận như vậy hay là nên ghi nhận rằng đây là một hiện tượng thuộc về lịch sử: Văn học không phải chỉ có nhiệm vụ ghi lại những nhận thức dúng của một thời. Một cách tự động nhiều khi một cách vô ý thức, người ta còn thấy văn học bắt được rồi cho hiện trên màn hình của mình những lầm lỡ, những ngớ ngẩn khống chế đầu óc con người thời đại, mà suy cho cùng, nhờ những ảo tưởng đó, có khi họ đã làm nên nhiều việc trọng đại!
“Trong số các nhà văn thơ 1932-1940, Lê Văn Trương là người có bản sắc hơn cả”. Ông “là người có tư tưởng”, ông “dám đứng ra chủ trương một lý thuyết luân lý con người hùng thể hiện được phần nào nguyện vọng của giới trung lưu”. Người viết những dòng phải chăng trên đây về Lê Văn Trương, là ông Phạm Thế Ngũ, tác giả bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (S. 1968). Chúng tôi đồng tình với cách đánh giá đó, vì thấy ở đây người làm văn học sử không tuyệt đối hoá các yêu cầu của mình, mà gắn văn học với tình hình tâm lý tư tưởng của xã hội đương thời.
Bên cạnh câu chuyện nhân vật người hùng, vấn đề Lê Văn Trương còn một khúc mắc nặng nề khác: Đó là thứ văn mà ông sử dụng, cái quan niệm về văn học mà ông noi theo hoặc đúng hơn, cái quan niệm người ta thấy toát ra qua sáng tác “cả nắm cả mớ” của ông; trên nhiều mặt, nó không phù hợp với cách hiểu thông thường vẫn được thừa nhận.
Bàn về nghệ thuật tiểu thuyết của Lê Văn Trương, Vũ Ngọc Phan nhận xét” Tác giả luôn luôn hướng về phía độc giả để kêu gọi, để giảng giải để phân trần. Tác giả đã quên mình là một nhà tiểu thuyết, một người trước hết phải có cái nghệ thuật làm cho nhân vật tự biện bạch lấy, mọi việc tự giảng giải lấy, không cần tác giả phải xen lời phê bình của mình vào”. Thật ra thì Vũ Ngọc Phan không sai. Vào thời bấy giờ, người viết văn thường phải dằn mình nhiều lắm, mới tránh được lối can thiệp vào truyện là một thói quen mà các nhà đạo đức mắc phải. Nhưng tưởng cũng nên nói thêm: quan niệm trên đây về tiểu thuyết (cũng như luật tam duy nhất trong kịch) ngày nay vẫn đúng, nhưng không còn là duy nhất đúng nữa. Bên cạnh nó, thấy nẩy sinh một quan niệm ngược lại: nhà văn không phải là thượng đế, cái gì cũng biết; nhà văn không bắt buộc phải hoá thân vào nhân vật, vì sự thích sinh đó bao giờ cũng đang dở không thành; tốt hơn hết là nhà văn cứ đứng ở góc độ của mình mà nói, cứ kêu gọi, giảng giải khi thấy cần, miễn lời kêu gọi giảng giải đó có sức thuyết phục là được. Cũng như vậy, quan niệm của Vũ Ngọc Phan về sự thuần tuý của các thể tài (từ đó ông chê Lê Văn Trương trong một số trường hợp không ra phóng sự cũng không ra truyện ngắn) thật ra chỉ có lý một nửa. Văn học ngày nay cho phép nhà văn tha hồ làm việc lai tạo lắp ghép các thể tài vì hiểu rằng đôi khi chỉ những thể tài lai tạp đó mới giúp cho nhà văn trình bày hết điều họ muốn chia xẻ cùng người đọc.
Ấy, cứ vân vi bàn kỹ về từng điểm, mà không một chiều áp đặt cho nhà văn những chuẩn mực thông thường, thì người ta sẽ độ lượng hơn với Lê Văn Trương. Có thể nhà văn học sử vẫn chưa dám nói Lê Văn Trương thành công, nhưng ít ra người ta cũng không quá gay gắt trong những lời chỉ trích ông nữa!
Đến như câu chuyện về văn của Lê Văn Trương, vấn đề còn phức tạp hơn một bậc. ở đây, điều quan trọng cần đặt tiểu thuyết của ông vào đúng cái khu vực thể tài của nó, thì mới tránh đề ra cho ông những yêu cầu mà ông không thể thực hiện được.
Theo thường, sau khi kể ra những thành tựu của một nhà văn về các mặt nội dung chủ đề, nhân vật, người ta đi vào phân tích những đóng góp của nhà văn đó về mặt ngôn từ. Từ định lý thuận văn học là nghệ thuạt ngôn từ, không ai bảo ai, mọi người cùng đi đến một định lý đảo: người nào không có đóng góp về nghệ thuật ngôn từ, người đó không đáng được coi là một nhà văn.
Tuy nhiên, nếu trong khoa học, luôn luôn đã có những ngoại lệ, thì trong văn chương, ngoại lệ càng nhiều.
Trong mối quan hệ giữa văn chương và nghệ thuật ngôn từ, ngoại lệ cũng khá phổ biến: có hẳn một loại văn xuôi gọi là tiểu thuyết đăng báo ( feuilleton ), ở đó ngôn từ chỉ đóng vai trò như thứ công cụ thuần tuý, nhà văn viết ra cốt không để người đọc hiểu sai ý mình là được, còn họ không quá để công chăm chút câu chữ nhằm đạt tới hiệu quả nghệ thuật. Đã có nhiều ý kiến chê bai đó là thứ văn chương rẻ tiền, tiểu thuyết ba xu, nhưng cả ở phương Đông lẫn phương Tây, nó vẫn cứ tồn tại, thậm chí còn ngày một phát triển và thành tạo nên những hiện tượng kỳ lạ như tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết kiếm hiệp, chưởng. Ai chẳng biết văn chương chưởng hết sức thông tục, có khi bỏ qua hàng trang, đọc vẫn cứ hiểu? Nhưng bảo đó là thứ văn không có nhân vật, không có tư tưởng thì bất công, mà phủ nhận sự hấp dẫn của nó thì càng không đúng, người đọc chưởng trên thế giới này có tới vài trăm triệu, dễ gì mà gạt bỏ nó được. Trở lại với Lê Văn Trương: Dù chê bai Lê Văn Trương đều đều, nhưng Vũ Ngọc Phan vẫn phải ghi nhận là đọc nhà văn này có lúc bị cuốn hút, không dứt được nữa, văn chương ông chân thành và cảm động. Phạm Thế Ngũ thì cho là văn Lê Văn Trương pha trộn kỳ dị và tả chân, cao thượng và tục tĩu, trang nghiêm và cợt nhả. Nhưng như thế cũng đã là quá đủ đối với tiểu thuyết đăng báo và người ta không thể đòi hỏi hơn ở ông, như không thể bắt buộc Nguyễn Tuân phải dàn truyện cho chặt chẽ hoặc Nam Cao phải viết thật nhẹ nhàng, hấp dẫn. Nếu tuỳ bút Nguyễn Tuân trước Cách mạng là thứ sáng tác dành hẳn cho đám công chúng chọn lọc, thì tiểu thuyết Lê Văn Trương cả trong triết lý, trong loại nhân vật phường tuồng và hay thuyết đạo lý, lẫn trong thứ văn dễ dãi của mình, là một ví dụ cho thứ sáng tác thuộc về đám đông. Công chúng của Lê Văn Trương đa tạp, đầy rẫy ở một xứ thuộc địa như nước ta bấy giờ. Ngay từ 1942, trên một tạp chí không phổ thông chút nào, tờ Thanh Nghị, một cây bút phê bình là LHV (có lẽ là Lê Huy Vân?) đã khẳng định điều này và ngày nay, nhìn lại chúng ta cũng thấy là đúng.
Có lẽ ở bất cứ đâu, sự sáng tạo cũng đề ra cho mình những yêu cầu nghiệt ngã nhưng riêng trong văn học, thì sự nghiệt ngã đó đã trở thành một thứ lệ luật ám ảnh tâm lý mỗi người. Quý hồ tinh bất quý hồ đa! Người ta bảo nhau vậy, và thường tỏ ra hồ nghi, dè dặt khi nhìn nhận những ai viết nhiều, viết khoẻ. Ngay ở châu Âu, một hiện tượng như tiểu thuyết trinh thám của G. Simenon cũng đã bao lần được các nhà văn học sử đặt thành vấn đề “có nên xem là văn học hay không”, bởi lẽ Simenon là một đại lực sĩ, sáng tác của ông như một dòng sông cuồn cuộn đêm ngày không nghỉ, miên man nối tiếp nhau. Rất nhiều lần, để thuyết phục người đọc rằng thật ra G. Simenon cũng là một nhà văn lớn, người làm văn học sử phải viện dẫn đến một nhà văn lớn khác mà lại nổi tiếng là kỹ tính, là thận trọng: A. Gide mà công nhận được Simenon, tức Simenon không phải tầm thường!
Sự viết nhiều, viết khoẻ rõ ràng thường xuyên bị thành kiến, bị coi như là đồng nghĩa với viết ẩu, viết kiếm tiền, vô trách nhiệm với bạn đọc.
Mặc dù vậy, cũng là một điều lạ trong sự sáng tác, ở nhiều nước khác nhau, trong nhiều thời khác nhau luôn luôn thấy nảy sinh ra những cây bút không viết nhiều không chịu được. Tính khí họ thế, bảo họ ngồi trau chuốt một tác phẩm thật kỹ thì họ rất ngại. Vả chăng, mặc dù viết nhanh, nhưng đâu phải họ viết ẩu, thứ văn ấy phải thô tháp như thế mới đúng kiểu, có trau chuốt cũng vô ích! Kỳ một cái nữa, là mặc dù chỉ xoay quanh cái trục ổn định của mình (hoặc cứ đường ray ấy mà chạy), nhưng họ vẫn là cái ma lực nào đó lôi cuốn bạn đọc, khiến cho người ta đọc họ không bao giờ chán, cũng như về phần mình, họ đã không biết chán trong việc trình làng, tức chường mặt ra với mọi người.
Lê Văn Trương chính là một kiểu nhà văn như vậy.
Trong suốt lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ ông là người viết nhiều, viết khoẻ hơn ai hết. Khó lòng nói ông là một nhà văn lớn! Nhưng cái hiện tượng xã hội do ông khởi mào, thì thật đáng kể.
Nó làm cho người ta phải nghĩ lại về ông, nếu muốn đánh giá ông chính xác.
Theo những tiêu chuẩn mà nền văn học Việt Nam từ sau 1945 đặt ra cho mình, người ta dễ có cảm tưởng lối sống, lối làm việc nói chung là cách tồn tại trong văn học của Lê Văn Trương, là một cái gì xa lạ. Và như vậy, thì ông tuyệt tự, không dây dưa gì với chúng ta cả? Những sự đời đâu có giản dị ! Ngay trong thứ văn thơ vừa viết rời tay một vài chục năm gần đây, dấu vết của ông vẫn còn. Người ta đọc được hơi hướng Lê Văn Trương không chỉ ở lớp nhà văn già như Xuân Diệu, Tô Hoài (với thói quen làm nghề miệt mài và sự say mê số lượng, say mê đầu sách in ra, biểu hiện theo mỗi người một cách). Người ta còn bắt gặp hơi hướng đó ở các cây bút trẻ hoàn toàn cách biệt với Lê Văn Trương. Chẳng hạn từ mấy năm trước, có một nhà văn được cả xã hội biết tới là Nguyễn Mạnh Tuấn. Theo chúng tôi hiểu, sở dĩ hai tiểu thuyết Đứng trước biển, Cù lao Chàm bấy giờ được đọc nhiều như thế, vì trong đó, luôn luôn người đọc bắt gặp một mẫu người có khả năng giải quyết mọi khúc mắc của hoàn cảnh, tức cũng là một thứ người hùng của thời đại. Về mặt số lượng tuyệt đối, đến nay Lê Văn Trương vẫn giữ kỷ lục trong đầu sách đã in, đầu tác phẩm được công bố, nhưng một số định muốn học theo ông, đua đả với ông, đã thấy có ở Lưu Quang Vũ trong kịch, ở Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Hoàng Lại Giang.. trong tiểu thuyết. Thời Lê Văn Trương chưa có khái niệm văn học tiêu dùng. Nhưng thứ văn hoá đại chúng ấy đã được Lê Văn Trương dự báo; bằng tác phẩm của mình, ông đủ sức chứng minh rằng nó là một hiện tượng hợp quy luật. Trong nền văn học tiêu dùng này, bất cứ ai đạt tới thành tựu cả trong số lượng đầu sách lẫn khả năng lôi cuốn độc giả, tạo người mẫu cho độc giả noi theo, những người ấy đều có thể nhận ông là kẻ cùng chí hướng.
Vương Trí Nhàn – Đã in Tạp chí văn học 1991 , số 5