Trong năm 2014, nhà văn Trần Chiến ra mắt liên tiếp 2 cuốn sách viết về Hà Nội: tiểu thuyết dày dặn Cậu ấm và tản văn “mỏng mà dày” A đây rồi Hà Nội 7 món. Cả hai được đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục Tác phẩm.

Cậu ấm (NXB Trẻ) dày 504 trang và nặng bởi số phận những con người trải dọc theo lịch sử Hà Nội, còn A đây rồi Hà Nội 7 món (Quảng Văn và NXB Hội Nhà Văn) có cái tên trẻ trung và lối viết thâm trầm.

Người viết về thị dân Hà Nội

Mới đây có buổi tọa đàm Hà Nội thay đổi như thế nào?. Các diễn giả đều khá trẻ, không có những người ở thế hệ của Trần Chiến (ông 64 tuổi) nên những so sánh về “Hà Nội xưa” (xưa khoảng hơn nửa thế kỷ) và “Hà Nội nay” chủ yếu dựa vào tư liệu, trong khi trải nghiệm trực tiếp là điều không thể thay thế được.

Khi Thể thao & Văn hóa đặt vấn đề Hà Nội thay đổi như thế nào? với Trần Chiến, ông nói: “Hà Nội được nhiều và cũng mất nhiều”. Ông quan tâm hơn đến đời sống của tầng lớp thị dân, điều được mô tả trong tiểu thuyết Cậu ấm.


Nhà văn Trần Chiến trong sự kiện ra mắt “Cậu ấm” năm 2014

Ông nhớ lại: “Những thay đổi trong cuộc sống của thị dân Hà Nội đến cùng nhiều thay đổi thời cuộc. Họ đã sống qua thời Nho tàn, Tây học, Cách mạng, kháng chiến, sau này là Cải cách ruộng đất… Tất cả để lại những dấu tích rõ ràng trong cuộc đời, trong tâm thức, trong lối sống của thị dân Hà Nội”.

Trong Cậu ấm, nhân vật chính là cậu ấm Vận của một gia đình Hà Nội giàu có thế lực, mang trong mình đam mê với ẩm thực Hà Nội nhưng vấp phải nhiều thăng trầm thời cuộc. Phải đến thời bình, khi tham gia vào cửa hàng mậu dịch, ông mới thể hiện được tài năng của mình. Nhưng lúc đó, nhân vật cũng là “con chim từng đậu phải cành cong”, sống trong nỗi e dè.

Theo Trần Chiến, đó là tâm lý rất phổ biến của thị dân Hà Nội mà ông muốn khắc họa qua Cậu ấm.

Các nhà phê bình từng nói, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là “tiểu thuyết thị dân hiếm hoi” của văn học Việt Nam thế kỷ trước. Sang thế kỷ này, dòng văn học thị dân Hà Nội tăng về số lượng, đặc biệt nở rộ tản văn, nhưng để viết về thị dân thật hay đòi hỏi nhiều trải nghiệm. Những năm gần đây, các tác giả trẻ viết nhiều về Hà Nội bằng tình cảm háo hức, tươi mới và góc nhìn hiện đại.

Hai tác phẩm của Trần Chiến được đề cử giải Bùi Xuân Phái

“Có tình yêu thì vẫn tốt hơn”

Khi được hỏi “Không có trải nghiệm lâu năm về Hà Nội, liệu có thể viết hay?”, Trần Chiến nhận định: “Ai cũng có thể yêu Hà Nội và tình yêu thì không ai giống ai, kể cả tình yêu dành cho một con người hay một thành phố. Nhiều người chỉ coi Hà Nội như một không gian kiếm sống, sinh tồn, nhưng nhiều người lại đem lòng yêu nó bằng một tình cảm chân thành”.

“Tình yêu này, không cần từng trải mới có được. Nhưng sống ở Hà Nội thì nên yêu Hà Nội. Có tình yêu thì vẫn tốt hơn, đừng nên chỉ coi nơi đây như một chốn dừng chân”.

Tản văn A đây rồi Hà Nội 7 món của Trần Chiến có thể coi là một tác phẩm nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội. Người trẻ thường thích đọc người trẻ viết vì chung một góc nhìn về Hà Nội, nhưng người trẻ cũng nên đọc các trang văn của một người sống lâu ở Hà Nội, với những điểm nhìn khiến họ bất ngờ, như trong A đây rồi Hà Nội 7 món.

Ở đó, không có có tình yêu mà còn có tình thương dành cho Hà Nội. Thương một nơi chốn, thường là khó hơn yêu.

Nhắc đến Trần Chiến, không thể không nhắc đến gia thế đặc biệt của ông. Nhưng đó cũng là cách viết có lý bởi hoàn cảnh xuất thân có ảnh hưởng rất quan trọng đối với văn chương của Trần Chiến sau này. Ông là con của nhà sử học Trần Huy Liệu, cháu của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, đều là hai tên tuổi lẫy lừng trong giới trí thức Việt Nam.

Trần Chiến từng viết về người cha trong cuốn sách tiểu sử – hồi ký Cõi người (2012). Các tác phẩm khác của ông: tiểu thuyết Đèn vàng, tập truyện Gót thị Mầu đầu Châu Long, Hoa nước…

Theo Nha Đam – Thể thao  & Văn hóa