Từ Nauy về Việt Nam ra mắt sách, tác giả Lệ Tân Sitek chia sẻ với VnExpress xung quanh hai cuốn “tiểu thuyết tự truyện” của bà.

– Hai cuốn tiểu thuyết của bà đều liên quan những con đường (“Một mình trên đường” và “Ngã ba đường”), điều đó có ý nghĩa gì?

– Chỉ đơn thuần là tôi muốn ôn lại qua hai quyển sách những con đường tôi đã đi qua.

Trong “Một mình trên đường”, tôi viết về những năm tháng của thời thơ ấu, nhất là những năm kháng chiến bùng nổ, kẹt đường không quay về lại được với mẹ, với em, qua chín năm dài kháng chiến sống ở quê với gia đình của cha tôi – bà nội và các cô chú. Tôi không thiếu tình cảm của những người ruột thịt nhưng cái tình cảm mà một đứa trẻ cần thiết nhất thì không có vì cha tôi qua đời, mẹ lại ở xa. Những con đường tôi đi trong tập này không đơn giản chỉ là những con đường mòn của làng quê mà còn là những con đường về tâm tư của một đứa trẻ, dù khi đi cùng với ai tôi vẫn luôn cảm thấy như đi một mình.

“Ngã ba đường” thì không phải chỉ nói về một ngã ba khó khăn nhất để chọn lựa trong đời tôi mà còn những con đường nhỏ khác nữa đã gặp mà tôi phải lựa chọn.

– Tính tự truyện trong hai cuốn sách rất cao và như bà nói, nó là sự thật về cuộc đời bà, tại sao bà không để tác phẩm là “tự truyện” mà lại để là “tiểu thuyết”?

– Ở Ba Lan, hai quyển sách này được nhà xuất bản gọi là “tiểu thuyết tự truyện”. Tôi chọn nhân vật chính là An chứ không là “tôi” để nó mang tính cách tiểu thuyết. Tại sao? Lý do chính là tôi muốn tạo ra một khoảng cách giữa An và những nhân vật trong chuyện để được diễn tả dễ dàng hơn, khách quan hơn, đồng thời tránh những tranh luận về những điều tôi không nhớ hết, không chắc chắn vì đã là “tự truyện” thì mọi việc, mọi địa danh, mọi trường hợp phải được viết lên một cách chính xác.

Tác giả Lệ Tân Sitek. Ảnh: Xuân Thủy.

– Từ Nauy về Việt Nam giới thiệu hai cuốn sách, bà mong chờ gì từ độc giả?

– Với “Một mình trên đường” tôi muốn độc giả vào lứa tuổi làm cha mẹ biết xác nhận khả năng thu nhận, nhạy cảm và tâm lý của lớp thiếu nhi, từ lúc nhỏ cho đến tuổi dậy thì. Đối với độc giả trẻ, tôi muốn họ qua những trang sách này tìm hiểu về cuộc sống vất vả khó khăn của những người đồng tuổi thời điểm tôi sống để biết đánh giá và giữ gìn cuộc sống của họ hôm nay, đồng thời cũng thấy là trong khó khăn con người được rèn luyện như thế nào.

– Hai cuốn sách của bà cho thấy một người phụ nữ ngay từ nhỏ đã cá tính gai góc và đầy bản lĩnh, người ta vẫn nói “tính cách làm nên số phận”, bà nghĩ sao về điều này?

– Quan niệm của tôi là, tính cách con người ảnh hưởng đến sự nhìn nhận rồi xử lý một cách tích cực hay tiêu cực trước một vấn đề, trước mọi khó khăn. Quá trình đó mang đến một kết quả mà người ta cho đó là số phận. Hay nói một cách khác, mang đến con đường, cuộc sống của mình.

Riêng tôi thì mỗi lần đứng trước một quyết định – tôi thường đề cao sự công bằng, hợp lý, sở thích và tình cảm. Đó là động cơ trong cách xử lý của tôi và khi tôi thấy nó đúng thì tôi tìm mọi cách để thực hiện.

– Cuộc đời của bà có rất nhiều biến cố, và bà đã hành động quyết liệt để “bẻ lái” số phận, quyết định nào có ảnh hưởng lớn nhất và đứng trước quyết định nào bà cảm thấy khó khăn nhất?

– Quyết định khó khăn nhất của tôi là sự cân nhắc, tính toán giữa tình cảm, trách nhiệm trước gia đình, Tổ quốc với tình yêu dành cho người chồng, người bạn đời của tôi hôm nay. Tôi đã ở lại xứ người và đã phải trả với một giá rất cao nhưng… đáng giá.

Hai cuốn tiểu thuyết của bà Lệ Tân Sitek.

– Với tính cách dứt khoát và quyết liệt như vậy, có quyết định nào trong cuộc đời khiến bà phải ân hận?

– Phần lớn là không, nhưng có một điều làm tôi buồn và tiếc, đó là mình không đóng góp được gì đáng kể cho những biến cố của đất nước, nhất là thời kỳ trước năm 1975. Tôi cảm thấy mình là một người Việt Nam đứng ngoài rìa lịch sử của Tổ quốc mình.

– Điều gì khiến bà nghĩ rằng sẽ phải viết lại cuộc đời mình?

– Tôi thấy cuộc đời của tôi ba chìm bảy nổi nhưng đa dạng, phong phú, đầy màu sắc nên muốn trước hết hồi tưởng lại, ngược dòng đời để sống lại những ngày xưa. Sau đó, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, biết đâu họ sẽ tìm thấy bóng dáng của họ trong cuộc đời của tôi. Cuối cùng, tôi muốn qua những trang sách đó tỏ lòng tôn vinh, biết ơn những người trong và ngoài gia đình đã trao tặng cho tôi rất nhiều tình cảm, rất nhiều lòng nhân ái trong những lúc tôi cần sự giúp đỡ.

– Gần 60 năm xa quê hương, từ Ba Lan bà tiếp tục chuyển sang sinh sống tại Nauy, thời tuổi nhỏ lại sống ở Trung Quốc, chỉ vẻn vẹn 10 gắn bó với quê hương Việt Nam, vậy vùng đất nào đã làm nên con người Lệ Tân Sitek hôm nay?

– Nghệ An, làng Phổ Đông nằm trên Lam Giang. Chín năm gắn bó với mảnh đất này trong mười năm gắn bó với đất Việt đã tạo nên bản lĩnh của con người tôi.

– Thời gian xa quê quá lâu, lại sống trong môi trường hầu như không có sự xuất hiện của người Việt, quá trình tìm về tiếng mẹ đẻ của bà hẳn không ít gian nan (tác giả Lệ Tân Sitek giao tiếp tiếng Việt rất tốt), bà có thể chia sẻ?

– Quan trọng nhất là tôi muốn giữ bằng được tiếng mẹ đẻ, nhất là từ nhỏ tôi yêu văn thơ. Tôi viết rất nhiều thư mà mỗi lần viết là tôi muốn ôn lại tiếng Việt, dù thư gửi cho bất kỳ ai. Tôi đọc đi đọc lại những quyển sách hiếm hoi tôi có thời đó. Tôi ngâm nga những bài thơ của mình và của người khác và tôi hát những bài hát tuyệt vời hay, lãng mạn, đầy ý nghĩa của hồi kháng chiến…

– Rất nhiều người Việt xa quê thường giữ gốc bằng cách dạy tiếng Việt cho con, tại sao bà không làm giống họ mà lại “dạy con thành người Ba Lan”?

– Đó là một sự dĩ nhiên vì cha của chúng nó là người Ba Lan. Lúc các con còn nhỏ, tôi dạy chúng nó một ít tiếng Việt, nhưng cuối cùng tôi thấy việc quay lại Việt Nam là một ảo mộng (suốt một thời gian dài bà Lệ Tân Sitek xin được về thăm quê nhưng vô vọng) nên tôi không dạy các con nữa vì tôi biết thế nào là mang hai trái tim mà một trái không hoạt động được. Tôi không muốn các con của tôi phải nếm mùi vị đó.

– Đã đi đến phần cuối cuộc đời, những sóng gió, thách thức dường như đã ở phía sau, xin hỏi phía trước bà bây giờ là gì?

– Tôi sẽ nghỉ ngơi và dùng thời gian nhiều hơn cho chồng con, các cháu và bạn bè của tôi vì trong thời gian làm việc với hai quyển sách này tôi đã bỏ đi rất nhiều nhiệm vụ khác.