Bà là con gái nhà văn bậc thầy lỗi lạc Nguyễn Công Hoan. Bà là nhà văn Lê Minh, người đã viết những áng văn chân thực về những người công nhân làm cách mạng, những người lao động của thời đại mới; người lặng lẽ khiêm nhường phía sau những học trò thành danh đã từng được bà hướng dẫn sáng tác tại Trường viết văn Nguyễn Du nhiều năm trước. Tôi may mắn được nhà văn Lê Minh hướng dẫn sáng tác, may mắn có được những kỷ niệm với bà, như một món quà của số phận.
Bìa cuốn tự truyện Cánh buồm nhỏ
Kỷ niệm ở trường Viết văn Nguyễn Du
Các thẩy cô hướng dẫn sáng tác cho nhóm của tôi gồm có nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Lê Minh. Nếu nhà văn Ma Văn Kháng đem tới cho tôi câu hỏi cũng đồng thời là câu trả lời: nên viết theo phong cách nào là hợp với tạng văn của tôi nhất, và hãy bền lòng đi theo con đường ấy; thì nhà văn Lê Minh là người luôn đem đến cho tôi lòng nhiệt huyết và niềm kiêu hãnh khi sáng tác. Tôi biết bà lo tôi yếu đuối và sẽ rơi vào lối viết tự cảm, thường là lối viết sẽ bị công thức hóa và lãng mạn hóa.
Các khóa viết văn sau đó, tôi cũng chứng kiến bà quan tâm tới các học viên, bằng nhiều cách, ví như trực tiếp xin việc cho họ, hoặc bảo vệ những tác phẩm còn chưa được thời gian kiểm chứng…
Căn nhà của bà ở số 272 Bà Triệu trước đây luôn có những cuộc tiếp đón học viên và những nhà văn trẻ, đặc biệt là các nhà văn nữ, vì bà rất hay bênh vực và giúp đỡ những cây bút nữ.
Bà luôn bên cạnh tôi với những lời khuyên cho những công việc mà tôi đã làm được hay chưa làm được, cho dù sau này, khi đã ra trường, do điều kiện công việc và cuộc sống, tôi luôn xa cách bà cả thời gian và không gian, không còn thường xuyên được gặp gỡ.
Nhưng tôi biết, dù ở đâu làm gì, bà vẫn luôn dõi theo bước chân tôi, thầm mong cho tôi có được những thành công. Bà là một trong số những người thầy cho tôi một niềm tin: hãy làm một người chân chính trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chính vì vậy, tôi luôn kính trọng bà, một nhà văn chân chính.
Kỷ niệm về cuốn Cánh buồm nhỏ
Nhà văn Lê Minh viết: Con thuyền mang cánh buồm nhỏ/ Có sức vượt mọi thác ghềnh/ Gió đưa sóng vỗ/ Mặt trời, ánh trăng… / Ta mang ơn tất cả.
Đó chính là tâm sự của nhà văn Lê Minh, lấy làm tựa đầu cho cuốn tự truyện Cánh buồm nhỏ của bà.
Cuốn Cánh buồm nhỏ được nhà văn Lê Minh dốc sức viết vào cuối năm 2005, cuối 2007 thì hoàn thành. Cuốn sách dày hơn 500 trang bản thảo, được Nhà xuất bản Thanh niên cấp phép vào cuối 2007, và đã được ra mắt bạn đọc trong quý 2 năm 2008, do chính Công ty Truyền thông Hà Thế của tôi liên kết xuất bản và phát hành. Tôi muốn làm một việc gì đấy, dù là nhỏ bé để tặng bà.
Như nhà văn Lê Minh tự sự ngay từ những trang đầu cuốn sách:
“Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…”.
Cái Bống – nhà văn Lê Minh, chính là “con gái rượu” của nhà văn bậc thầy Nguyễn Công Hoan. Sau bao nhiêu năm dồn tâm huyết để viết những cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn, đã đến lúc bà cảm thấy cần phải sắp xếp lại thực sự đống di cảo của người cha đáng tự hào của mình. Bà đã sắp xếp dần: cho in những tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, dành thời gian hồi tưởng lại quá khứ và viết cuốn tự truyện Cánh buồm nhỏ. Dường như công việc viết tự truyện này có một sức mạnh tâm linh mách bảo, nên có những sự vật sự việc qua đi đã quá lâu rồi mà Lê Minh vẫn nhớ và ghi rõ tất cả trong trái tim mình. Để rồi một ngày, từ những câu chuyện, những sự vật sự việc đó trào ra, không màng tới những giá trị vật chất, không lo ngại về trình tự, không tính toán đường đi vật đổi sao rời… Và trong những giây phút thiêng liêng viết ra những dòng tự truyện của bà cùng gia đình, dường như người cha Nguyễn Công Hoan đang mỉm cười với bà, hóm hỉnh nói với con gái, rằng chính ông cũng không thể nào ghi chép lại được một cách chính xác và hoàn hảo nhất về chính cuộc đời và về các câu chuyện, các dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông.
Thế nên chúng ta hiểu rằng Cánh buồm nhỏ cũng chỉ là một góc nhìn, một lăng kính chiếu rọi, trong một khoảng không gian nhất định về mối quan hệ cha – con, về Nguyễn Công Hoan và gia đình, bạn bè.
Nhưng cũng từ cuốn sách này, tôi và bạn đọc hẳn cũng nhận ra một nhà văn Lê Minh, với sự thông tuệ và đầy sáng tạo, với những bước đường vượt lên chính mình, vượt khỏi cái bóng quá lớn của người cha để khẳng định mình, đồng thời nối tiếp mạch nguồn cha – con.
Nhà văn viết cho công nhân
Nhà văn Lê Minh tham gia hoạt động cách mạng từ trong phong trào học sinh thị xã Thái Bình. Sau khởi nghĩa Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, bà tham gia nhiều công tác: Vận động công nhân cứu quốc ở Hà Nội, Phó ban Công vận Tỉnh ủy Nam Định, Phụ trách hội công nhân cứu quốc Nhà máy Dệt và nhà máy Tơ. Phụ trách tờ báo hàng ngày của quận VI (Mê Linh kháng chiến). Thường vụ huyện ủy Thanh Trì, Hà Đông. Ủy viên Ban phụ vận Bắc Bộ, ủy viên Đảng Đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ủy viên Ban Phụ vận Trung ương Đảng.
Sau 1954, hoạt động văn học gồm: Biên tập văn xuôi các tờ báo Văn học, Văn, Văn nghệ, Tác phẩm mới, Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ báo Nhân dân, Giám đốc quỹ Văn hóa Văn nghệ (Bộ Văn hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Viết văn Nguyễn Du, ủy viên Hội đồng văn học công nhân… Nhà văn đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Tác phẩm đã xuất bản: Cu Dũng (truyện ngắn, 1959); Anh công nhân mới khu gang thép (truyện, 1962); Lớp học (truyện ngắn, 1964); Mẻ gang đầu (bút ký, 1965); Chị Tư già (truyện, 1966, 1969, 1970, 1976); Cô giáo trường Na Pà (truyện, 1969); Ngày mai sắp đến (truyện ngắn, 1969); Con mèo rét (truyện ngắn, 1972); Ô cửa sổ (truyện ngắn, 1974); Người chị (truyện dài, 1976); Má (truyện ngắn, 1976); Ngôi sao đỏ (truyện ngắn, 1976); Tiếng gió (tiểu thuyết, 1976); Hạt chò chỉ (truyện dài, 1978); Đốm hoa tím (truyện ngắn, 1980); Người thợ máy Tôn Đức Thắng (truyện dài, 1981, 1987); Khút hát vườn trầu (truyện dài, 1982, 1986); Lẵng hạt ngọc (truyện ngắn, 1984); Hòn đảo một mình (tiểu thuyết, 1984); Cái tát (truyện ngắn, 1990); Rừng đước (truyện dài, 1992); Chân dung văn học (nghiên cứu, chủ biên, 1992); Săn đuổi một tia chớp (truyện ngắn, 1993); Nguyễn Công Hoan, nhà văn nhà hiện thực lớn (nghiên cứu, 1993); Hồi (tiểu thuyết, 1995); Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (nghiên cứu, chủ biên, 1995).
Ngoài ra còn viết một số kịch bản điện ảnh: Nhà văn của những người cùng khổ (1994, 1995); Mặt bằng yên tĩnh (1996); Nguyễn Thị Minh Khai (1996).
Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 (ký Kỷ niệm về Khu Đông); Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 (truyện Nắng); Giải nhất giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980 – 1984) (tiểu thuyết Hòn Đảo một mình).
Tạp chí Nhà văn số tháng 8.2011, nhà văn Xuân Cang đã viết:
“Trong tất cả những sự cố lìa tan, Lê Minh là người chia sẻ, gánh đỡ. Vị thế ấy vừa do hoàn cảnh, vừa do thời thế tạo nên. Trong suốt những năm gia đình tán tác vì cách mạng, người bị tù đầy, người bị bắt bớ, người thầm lặng ra đi, người hy sinh vì bom đạn giặc, cô gái nhỏ duy nhất trong nhà là người an ủi, lo toan. Những phẩm chất của người “cứu vớt thời lìa tan” – theo cách nói của Kinh Dịch – lần lượt hiện lên. Những năm bản thân gặp nạn “Nhật ký người mẹ“, Lê Minh lấy việc giữ gìn sự chính đáng (lợi trinh) làm phương châm xử thế, không gây chuyện ồn ào cầu cứu ai, biết rằng cái đúng đắn sẽ trở lại. Những ngày tháng làm tổ trưởng văn nghệ sĩ đi “lao động cải tạo” không khác nào qua sông lớn (lợi thiệp đại xuyên), lo giao thiệp với nhà máy – lại là những công nhân xưa kia bà đã đào tạo họ thành đảng viên – để ổn định tình hình, lo cho đời sống sức khỏe mọi người trong tổ, phát hiện kịp thời các khó khăn, che chắn cho từng người. Những năm nhà văn Nguyễn Công Hoan gặp nạn “Đống rác cũ“, Lê Minh đã thực sự “vượt sông lớn” để cứu tác phẩm của cha”.
“Những nhân vật hiện hình như chính tôi đã trong cuộc, dù bối cảnh tiểu thuyết thuộc một thời kỳ cách xa thế hệ chúng tôi lắm. Nhưng sao từ sâu kín tâm khảm, những nhân vật tự nó cứ thức dậy bám riết lấy tôi, diễn những cảnh đời ngay trước mắt tôi, không vội vã, không khoa trương mà như thường tình, như mộc mạc, như đương ở ngoài đời kia. Chỗ thì vạch chân tơ kẽ tóc cho mà thấy, chỗ thì thoáng lướt cho mà hiểu. Như bảo rằng hãy nhìn kỹ đi, để mà nhận diện, để kịp nghĩ ra, để mà biết giật mình, để bật cười phá, để mà giận căm, mà phỉ nhổ, mà xót thương đến phải thổn thức.(Nguyễn Công Hoan nhà văn hiện thực lớn – Nxb Hội Nhà văn – Hà Nội, 1993, tr. 98-100).
Đây không đơn thuần là những lời của một người con gái nói về một người cha. Đây là tiếng nói dõng dạc, đanh thép của một người bảo vệ chân lý, một người “cứu vớt” thời lìa tan, trong nền văn học nước nhà”.
Tôi không dám phân tích đánh giá sự nghiệp sáng tác của bà, vì tôi đã và luôn luôn là người học trò nhỏ của bà. Tôi chỉ có mong muốn các nhà chuyên môn hãy đặt nhà văn Lê Minh đúng vị trí xứng đáng với bà:
Lê Minh – nhà văn của giai cấp công nhân thời kỳ đấu tranh cách mạng và xây dựng xã hội mới.
Lê Minh – một nhà văn chân chính!
Hà Nội, 26.8.2012
Nguồn: Vanvn.net