Bộ VH-TT-DL vừa ra quyết định công nhận Lễ hội làng Diềm – Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Hát quan họ trong Lễ hội làng Diềm

Hát quan họ trong Lễ hội làng Diềm

Lễ hội làng Diềm là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất diễn ra trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng âm lịch.


Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, các cụ trong làng đã phải chuẩn bị tế lễ từ chiều hôm trước tại Đền Vua bà và đình làng, buổi tối tổ chức hát quan họ tại Đền Vua bà. Sáng ngày hôm sau (tức ngày mùng 6 âm lịch) là ngày chính hội được tổ chức ở Sân vận động của làng bao gồm các hoạt động: Màn trống hội, diễn văn khai mạc lễ hội, lễ dâng hương, và đặc biệt là màn rước tượng Vua bà ra Đền Cùng Giếng Ngọc, sau đó lấy nước tại Giếng Ngọc và rước tượng Vua bà về làm lễ tại Đền Vua bà.


Bên cạnh đó là các hoạt động văn hoá thể thao diễn ra sôi nổi như: văn nghệ chào mừng, đồng diễn dưỡng sinh, múa lân sư tử, hát giao lưu Quan họ với các làng bạn, có các trò chơi dân gian như: cây đu, cờ tướng… Buổi tối tổ chức hát quan họ tại sân khấu và hát canh tại Đền Vua bà kết thúc lễ hội.


Cùng với Lễ hội làng Diềm – lễ hội thủy tổ quan họ Bắc Ninh, 14 di sản phi vật thể khác cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong dịp này. Cụ thể: Hội đua bò Bảy Núi, An Giang; Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Tịu siằng thun boaù liu), Bắc Kạn; Lễ hội làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh; Nghề gốm Phù Lãng, Bắc Ninh; Nghề chạm khắc gỗ Phù Khê, Bắc Ninh; Nghề gò đồng Đại Bái, Bắc Ninh; Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông, Hà Giang; Hát Trống quân làng Bùi Xá, Bắc Ninh; Hát Trống quân, Hải Dương; Lễ hội Đền Hát Môn, Hà Nội; Lễ hội Đền Và, Hà Nội; Nghệ thuật Chiêng Mường ở Hoà Bình, Hoà Bình; Mo Mường ở Hoà Bình, Hoà Bình; Hát Sấng Cọ (hát Ví Lưu Tam) của người Sán Chay, Thái Nguyên.

 

Theo Mai An – SGGP