Trong không gian cổ kính, trầm mặc của Khu di sản văn hóa Văn Miếu-Quốc Tử Giám (TP Hà Nội) đêm cuối tuần (4-3), Lễ hội Áo dài với chủ đề “Áo dài của chúng ta” đã thu hút đông đảo công chúng tham gia…
Những tà áo dài đủ sắc màu, hoa văn được trình diễn thướt tha bởi không chỉ các hoa hậu, người mẫu, mà còn cả các nghệ sĩ tài năng một thuở, người khuyết tật, trẻ em và khách quốc tế…
Áo dài “kể chuyện”
Với cách phối màu 3D trên tà áo dài đem lại cảm nhận về những lớp lang trong ngoài, nổi bật trên đó là những bông mai vàng khiến đêm se lạnh của xuân Hà Nội bỗng trở nên ấm áp, tươi sáng và nồng nàn, bộ sưu tập (BST) áo dài Hoa mai của nhà thiết kế (NTK) Nhi Hoàng mang đến một nét đẹp rất Việt Nam. Cách phối màu độc đáo của NTK Nhi Hoàng khiến công chúng gợi nhớ tới những chiếc áo “mớ ba mớ bảy” của các bà, các chị thuở xưa.
Trong phần trình diễn BST Hoa phù dung của NTK Ngọc Hân-Hoa hậu Việt Nam 2010-có sự tham gia của NSND Minh Châu sải bước cùng các gương mặt nổi bật của làng người mẫu Việt Nam. Thêm một nét đặc biệt của phần trình diễn này, đó là việc bên cạnh các người mẫu tỏa sáng với dáng dấp ngọc ngà, còn có những người mẫu khuyết tật với vẻ đẹp rạng ngời đến từ nghị lực sống của chính họ. Góp vào phần trình diễn của các “nàng” phù dung là thanh âm, giai điệu từ giọng hát và ngón đàn của nghệ sĩ pi-a-nô Phó An My, với nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” khiến khán giả xúc động trước những gì được chiêm ngưỡng trên sân khấu.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả sau phần trình diễn trong BST Hoa phăng của NTK Vũ Trần Đức Hải, NSƯT Kim Tiến vui vẻ nhận xét: Lễ hội đã hội đủ tất cả những gì mà sàn diễn thời trang thế giới coi là nhân văn, hiện đại nhất, khi những người mẫu khuyết tật, những người mẫu cao niên đã cùng tỏa sáng.
Góp mặt trong BST Hoa cúc của NTK Quang Huy, NSND Như Quỳnh dường như lại mang đến cho các người mẫu trẻ những trải nghiệm về vẻ đẹp đằm thắm nhưng cũng không kém phần cao sang, quyền quý như lâu nay đã gắn với tên tuổi của bà-người vốn được coi là một trong những nhan sắc đằm thắm nhất của màn ảnh Việt thế kỷ trước. Còn ở BST Hoa tuy-líp của NTK Chula đến từ đất nước Tây Ban Nha có phần trình diễn của Đại sứ I-ta-li-a tại Việt Nam-bà Celilia Piccioni, đã cho thấy cách hiểu của một NTK ngoại quốc đối với bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Những bộ áo dài của Chula đã khiến người ta thấy một sức sống tươi mới, hiện đại, hội nhập, trẻ trung và mang nhiều tính thể nghiệm…
Một sự chờ đợi đặc biệt với đông đảo khán giả, đó là màn trình diễn BST Hoa lily của NTK Minh Hạnh. Những nhành hoa lily được NTK Minh Hạnh thực hiện in bằng công nghệ cao trên chất liệu hiện đại của tà áo dài là bức tranh do tự tay NSND Trà Giang vẽ cách đây 3 năm. Và trong đêm trình diễn, “chị Tư Hậu” xuất hiện quý phái, sang trọng trong bộ áo dài đen nhưng vẫn toát lên vẻ vui tươi ngày xuân với những đóa hoa rực rỡ… Trước khi ra sân khấu, ngồi ở hàng ghế “cánh gà”, NSND Trà Giang rơm rớm nước mắt nhớ lại niềm vui sướng khôn tả khi lần đầu tiên được cha mình dẫn đi may áo dài. Khi đó, Trà Giang mới 19 tuổi, là người con miền Nam tập kết ra Bắc, đỗ vào Trường Điện ảnh Hà Nội. Rồi khi bộ phim “Chị Tư Hậu” được đưa đi dự Liên hoan phim quốc tế ở Mát-xcơ-va lần thứ III năm 1963, nghệ sĩ Trà Giang lúc bấy giờ trong hành trang đi “thi đấu” đã mang 7 bộ áo dài trong va-li, với ý nghĩa mỗi ngày xuất hiện trước giới điện ảnh và công chúng quốc tế sẽ diện một bộ áo dài để quảng bá vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam. NSND Trà Giang kể lại: “Ngày đó, tóc tôi dài, đen óng ả, nên mặc áo dài rất đẹp. 7 ngày xuất hiện trước bạn bè quốc tế và công chúng là 7 bộ áo dài khác nhau. Hồi đó, chúng tôi đã được các thầy chỉ bảo, là diễn viên phải luôn đẹp trước công chúng. Nên mỗi khi chúng tôi xuất hiện với bộ áo dài, đều thu hút được mọi ánh nhìn, nhất là các nhà báo quốc tế mời phỏng vấn, chụp ảnh. Họ trầm trồ: “Ồ, nữ diễn viên Việt Nam đẹp quá!”.
Vẻ đẹp Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam từ lâu đã gắn liền với tà áo dài truyền thống-đó là câu chuyện kể không bao giờ kết thúc với những giá trị văn hóa, lịch sử nối dài từ xưa đến nay. Vì thế, trong chương trình, những tà áo dài với tinh thần mới phản ánh các giá trị mới của đời sống xã hội đương đại, đã được 19 NTK kể lại bởi những câu chuyện qua mỗi loài hoa.
Tôn vinh áo dài Việt, bản sắc Việt
Đây là lần thứ hai Lễ hội Áo dài được tổ chức tại Hà Nội, chọn không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám để trình diễn. Còn ở TP Hồ Chí Minh, nét văn hóa mặc trang phục áo dài truyền thống đã diễn ra khá phổ biến trong hoạt động thường nhật của nhân dân. Ở nhiều cơ quan nhà nước, điểm văn hóa, cơ quan cấp quận, huyện, trường học đã quy định nữ nhân viên mặc áo dài trong thời gian làm việc. Lễ hội Áo dài lần thứ ba-năm 2016 được tổ chức gắn với tuyên truyền, vận động phụ nữ thành phố mặc áo dài đã tạo nên sự lan tỏa rộng khắp. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh) cho biết: Các hoạt động của Lễ hội Áo dài lần thứ ba được mở rộng, phong phú nhằm tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa công chúng với các nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài của Việt Nam và quốc tế. Ban tổ chức sẽ nỗ lực xây dựng Lễ hội Áo dài thành sự kiện định kỳ hằng năm, với quy mô ngày càng lớn hơn và xem đây là một điểm nhấn văn hóa đặc sắc nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Từ bước đột phá táo bạo kiểu áo dài “Le Mur” do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939, đến nay vẻ đẹp không biên giới của tà áo dài Việt Nam đã trở thành bản sắc, biểu trưng của phụ nữ Việt Nam khi sải bước trên các con phố rộng lớn ở Pháp, Mỹ, Anh, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Nhật Bản… Áo dài cũng là bộ trang phục không thể thiếu của rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Theo NTK Ngọc Hân, áo dài hiện nay đã gần gũi hơn và trở thành xu hướng thời trang mạnh mẽ. Đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều phụ nữ đã lựa chọn cho mình và con gái bộ áo dài phù hợp trong sự cách tân, biến tấu tà áo vạt ngắn mặc cùng quần ôm hoặc quần jeans, tạo sự năng động khi đi lễ đầu Xuân, chúc Tết, đi làm… Sự phong phú của các mẫu áo dài thời gian vừa qua cũng được thể hiện trên chất liệu và những họa tiết in tinh xảo. “Những NTK như chúng tôi luôn có trách nhiệm, có tâm huyết để dù cách tân đến đâu cũng vẫn giữ gìn được thuần phong mỹ tục, hình ảnh, bản sắc của áo dài Việt Nam”-NTK Ngọc Hân chia sẻ.
NTK áo dài hàng đầu Việt Nam-Minh Hạnh cũng lý giải về những nỗ lực của mình cùng đồng nghiệp trong việc đưa áo dài đến với công chúng trên thế giới, rằng chiếc áo dài truyền thống là di sản dành cho các NTK thời trang Việt Nam. Nó bao hàm những giá trị của lịch sử, chính vì thế các “hậu duệ” hôm nay cần trân trọng và làm cho giá trị đời sống của chiếc áo dài lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn bằng sự sáng tạo của mình, bằng trái tim chân thành của một người được sống trong di sản và sống bằng giá trị của di sản. NTK Minh Hạnh cho rằng, với vị thế của chiếc áo dài hiện nay trong đời sống của người dân Việt và ấn tượng sâu sắc của áo dài trong mắt người nước ngoài, Lễ hội Áo dài được tổ chức ở hai thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) chính là chiếc cầu nối truyền đi thông điệp về giá trị tiếp biến của cuộc sống dành cho thời đại.
Theo Vương Hà , Trung Kiên – QĐND