LỆ CHI VIÊN – VẢI MÙA ĐẦU

 

Truyện ký của Trần Vân Hạc.

 

Ông giáo Hoàng cẩn trọng nâng mâm vải chín dâng lên ban thờ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Đây là những quả vải đầu tiên chín đỏ trên đất Lệ Chi Viên, kể từ năm 1442 đến nay. Nơi đây gần 600 năm trước đã xảy ra án oan thảm khốc đen tối cả đất trời Việt Nam: trung thần Nguyễn Trãi cùng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và ba họ bị tru di vì những âm mưu đen tối tranh đoạt vương quyền và hãm hại trung thần.

Không chỉ với riêng ông giáo Hoàng, mà với tất cả thành viên trong đoàn về Lệ Chi Viên – Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh ngày 3.5.2012 chuẩn bị cho lễ động thổ nhà tiền tế, sẽ không bao giờ quên cái ngày trọng đại này, khi được chứng kiến và thưởng thức những quả vải đầu tiên sau gần sáu trăm năm bị thế lực phong kiến hủ bại tàn phá đến tuyệt diệt. Ông giáo Hoàng nghẹn ngào không nói nên lời, đôi mắt đã nhăn nheo vì tuổi tác rưng rưng đôi giọt lệ. Ông chắp tay thầm khấn vái:

– Kính thưa hương hồn hai Cụ, con xin thay mặt cho “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, xin dâng lên hai Cụ cùng ba họ những quả vải đầu tiên sau gần sáu trăm năm vắng bóng trên mảnh đất oan khốc dậy cả đất trời này. Kính mong các cụ cùng ba họ về thụ lộc và chứng cho lòng thành của con cháu…

Ông giáo Hoàng bồi hồi nhớ lại chặng đường gian khó gần hai mươi năm bền bỉ không quản tuổi cao sức yếu vì bệnh tật và những định kiến hẹp hòi, đi gõ cửa vận động tổ chức hội thảo minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và quyên góp xây dựng ba ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, Trần Phú, Thanh Trì, Hà Nội; ở làng Hới, Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình và nơi đây – Lệ Chi Viên, Gia Bình, Bắc Ninh. Trong ông bỗng hiện về những ký ức mãi còn tươi rói. Những ngày còn dạy học ở Tây Bắc, mỗi lần dạy cho học sinh về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, lòng ông lại cồn lên nỗi xúc động đến nghẹn lòng, nhiều tiết ông vừa dạy vừa gạt nước mắt. Ông kính trọng đức độ cùng tài năng của người anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn. Ông yêu kính tài năng cùng phẩm hạnh của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Mỗi lần nghĩ đến cảnh Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ bị tru di, là lòng ông đau như dao cắt. Ông tự nhủ lòng: phải huy động mọi lực lượng xã hội trả lại chân giá trị cho những người anh hùng dân tộc đã xả thân vì nước. Ông chợt nhớ lời dạy của người cha kính yêu thuở sinh thời:

– Cây có gốc, sông có nguồn, biết tri ân những người có công với nước mới là cái đạo làm người…

Ông một mình lặn lội đi hết Thái Bình đến Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội… gặp gỡ hàng mấy trăm người. Bệnh mãn tính, ngày nào ông cũng phải tiêm thuốc, có lúc nặng quá phải nằm viện, thế nhưng tìm được một nhà tài trợ là ông không quản đường xa vất vả, có lúc phải trốn viện đi gặp gỡ. Thế rồi trời không phụ ông, năm 2002 hơn ba trăm nhà khoa học, sử học, nhà văn… đã cùng ông tổ chức cuộc hội thảo khoa học lớn tại Xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội. Những tiếng nói của lương tri cất lên xé bức màn đen của lịch sử, trả lại chân giá trị cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Từ Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu; Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Trung Kiên; Hội sử học; Viện Hán Nôm… đến những người thương binh, bệnh binh của tổng công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình, hay tập đoàn T&T, những nhà ngoại cảm và bao nhà hảo tâm trong cả nước đã khâm phục cái tâm trong sáng của ông mà không tiếc công của giúp ông xây đền, dựng tượng hai Cụ. Đúng như lời ông vẫn thường cầu xin trước bài vị hai Cụ:

– Kính mong các Cụ phù hộ cho con gặp những người tốt, chung tay cùng con. Chúng con xây đền, dựng tượng hai Cụ, không chỉ là sự tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước, mà còn để muôn đời con cháu soi mình vào tấm gương trung hiếu tiết nghĩa của hai Cụ để biết sống đúng với đạo làm người.

Giờ đây ba ngôi đền khang trang đã được dựng lên do đóng góp của các nhà hảo tâm trong cả nước luôn ngào ngạt hương thơm, mỗi khi thắp nén hương trầm trước ban thờ hai Cụ, mỗi người thấy lòng trong sáng hơn và như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Các địa phương vinh dự có đền thờ hai Cụ đã thành lập “Hội khuyến học” mang tên “Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ” nhắm mục đích khuyến học, khuyến tài. Những ngôi đền không chỉ là nơi thờ cúng, tôn vinh các vị anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đại nghĩa của dân tộc mà còn là những địa chỉ văn hoá lành mạnh.

Lệ Chi Viên được ông giáo Hoàng dành tâm sức hơn cả, ngoài hậu cung đã được xây dựng, còn có tượng đài “Giọt lệ” bằng đá hoa cương đỏ và tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tạc bằng đá trắng nguyên khối do các nhà hảo tâm cung tiến, hài hòa trong một quần thể di tích. Lệ Chi Viên đã vinh dự được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố” ngày 15.9. 2010. Ông giáo Hoàng thầm mong đến một ngày không xa, Lệ Chi Viên sẽ trở thành khu di tích cấp quốc gia, xứng với tầm vóc của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và tài đức của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Đã bao năm ông nung nấu ý định khôi phục bằng được vườn vải. Vườn vải xum xuê lúc lỉu quả chín trong quá khứ sẽ được hồi sinh, dẫu hôm nay mới trồng được hơn hai trăm cây và đã có những quả chín mùa đầu. Những quả vải ngọt lành không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân hiền lành chất phác nơi đây, mà hơn thế, đó là lời nhắc nhở cho mai sau nhớ về nguồn cội. Chỉ ông mới thấm thía vị ngọt của những trái vải mùa đầu này hơn ai hết. Bởi ông đã từng cùng các cán bộ, nhân dân xã Đại Lai đã trồng ba trăm cây vải được chiết từ cây vải tổ, náo nức đợi chờ rồi phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã, những cây vải úa vàng và chết dần làm ông như đứt từng khúc ruột nhưng ông không nản chí. Điều kiện tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng sau bao năm vật đổi sao dời không thích hợp chăng? Được sự tư vấn của những chuyên gia trồng trọt, ông cùng bà con Đại Lai âm thầm gieo hạt để cây có bộ rễ vững chãi và có tuổi thọ lâu bền, rồi ghép cành và hôm nay sau hơn nghìn ngày thấp thỏm, chờ đợi, công sức của ông và bao người đã dâng mùa trái ngọt. Ông thầm biết ơn những người có tâm đã sát cánh cùng ông vì việc nghĩa. Ngay bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, trong một lần tiếp ông gần đây đã chân thành khâm phục cái tâm trong sáng, hết lòng vì văn hóa dân tộc của ông và hứa sẽ cùng các cơ quan, ban ngành trong tỉnh huy động các nguồn lực xã hội chung tay cùng ông. Còn nhà doanh nhân trẻ thành đạt họ Cao, người con của quê hương Bắc Ninh, người đã cung tiến xây dựng nhà tiền tế chân thành:

– Ông giáo Hoàng và các bác đây không phải là người họ Nguyễn, cũng không phải quê Bắc Ninh mà còn hết lòng xây dựng khu di tích Lệ Chi Viên thì cớ sao những người con của Bắc Ninh và họ Nguyễn lại thờ ơ cho được.

Ông thầm cảm ơn người vợ thân yêu – người con của đất Kinh Bắc dịu hiền, đảm đang, chung thủy cùng các con đã cảm thông, chia sẻ và sát cánh bên ông, giúp ông yên lòng vì dồn tâm lực cho việc nghĩa.

Nắng mùa hạ ươm vàng trên những bông lúa đã uốn câu tỏa hương thơm dịu. Vườn vải sau cơn mưa xanh biếc, những búp non mơn mởn vươn lên đón ánh mặt trời, những chùm vải đầu mùa căng mọng đung đưa trong gió. Xa xa dãy Thiên Thai mình rồng chín khúc, dưới chân núi là đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, dòng sông Thiên Đức gợn muôn sóng vàng, phía xa kia là Côn Sơn, là đền thờ Cao Lỗ Vương và bến Bình Than năm xưa vang lên lời thề “Sát Thát”… Ông giáo Hoàng chợt mỉm cười khi nghĩ tới ngày con đường du lịch tâm linh – sinh thái được hình thành, du khách được đi trên con đường xưa ông cha đã đi và anh dũng hy sinh, con đường oan khuất, nơi mỗi hòn đất, thớ cây, ngọn cỏ và hoa trái đều mang hồn non nước, được sống trong bầu không khí hào hùng của lịch sử dân tộc, tìm về cội nguồn bản ngã, để rồi biết yêu thương từng ngọn lúa, bờ tre, biết sống nhân ái, khoan hòa và cống hiến tâm sức của mình cho quê hương, vì ngày mai tốt đẹp hơn.

Hương đã tàn tự lúc nào, ông giáo Hoàng quay lại nhìn và không cầm được nước mắt, những người trong “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” cùng các cán bộ và bà con xã Đại Lai thành kính đứng sau ông tự lúc nào, trên khuôn mặt trang nghiêm ngời lên niềm tin yêu và hy vọng. Ông chợt mỉm cười vì biết rằng các cơ quan, ban ngành và những người hảo tâm trong cả nước luôn sát cánh bên ông. Ngoài trời nắng như rót mật, gió đồng thơm thơm mùi lúa chín, đâu đây trong vòm xanh, tiếng tu hú ấm cả một vùng quê yên ả. Trong làn khói hương mờ ảo, ông giáo Hoàng thấy hai Cụ như thoáng mỉm cười!

 

Lệ Chi Viên ngày 3.5.2012

Exit mobile version