VI THUỲ LINH

LÊ BÁ THỰ VÀ “BỘ PHIM” TUỔI THƠ GIÀU CẢM XÚC

          

                                         Dịch giả Lê Bá Thự và nhà thơ Vi Thùy Linh            

      Tập hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi (NXB Hội Nhà văn, 2018) của nhà văn dịch giả Lê Bá Thự (Sinh năm 1942) là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của ông. Với tôi, nhà văn dịch giả Lê Bá Thự – một sứ giả văn hóa với nhiều đóng góp trong cuộc đời mình, dành thời gian chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học (đa thể loại) của văn học Ba Lan sang Việt Nam, đã là một nhà văn từ lâu. Lao động nghiêm túc, câu chữ chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng chú thích, lối dịch chuẩn xác mà xúc cảm – những điều đó đã xứng đáng coi Lê Bá Thự là một nhà văn đích thực.

Ở tuổi 76, ông in tác phẩm văn xuôi đầu tiên. Sự chuẩn bị chu đáo của vợ chồng ông, nỗi hồi hộp và mong ngóng của ông đến ngày ra mắt sách (tổ chức tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu sáng 12/9/2018), khiến tôi rơi vào phức cảm. Vừa sốt ruột cho mình gần 5 năm chưa xuất bản sách vì bận việc gia đình. Vừa xúc động bởi trải 22 năm văn chương, đã chứng kiến nhiều nghịch cảnh, thật – giả của giới cầm bút, người viết văn – thơ mang danh nhà văn nhà thơ thì nhiều, mà văn – thi sĩ đích thực thì ít; nên Lê Bá Thự, một người làm văn chương tử tế như lối sống của ông, thật đáng trọng.

Cầm cuốn Tôi và làng tôi, chợt nhớ tác giả phim tài liệu nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, đạo diễn NSND Trần Văn Thủy, người xuất phát là một quay phim chiến trường thời chống Mỹ, đã cùng phim của mình đi nhiều nước trên thế giới, đã làm phim và viết sách ở nước ngoài, có một tập tùy bút đầu tiên xuất bản ở Mỹ trước khi in ở Việt Nam. Nếu đi hết biển. Nếu đi hết biển thì đến đâu? Đi khắp biển khắp châu lục, để về làng của mình.

Cùng thời Trần Văn Thủy, nhưng Lê Bá Thự sinh ra và lớn lên ở một làng nghèo Thanh Hóa, năm 1963 đỗ cao vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được chọn đi học nước ngoài. Sau một năm học tiếng Nga, ông sang Ba Lan, ngành học cũng được Nhà nước chỉ định là Trắc địa – Bản đồ tại Đại học Bách khoa Warszawa, tốt nghiệp Thạc sĩ năm 1970. Về nước ông là giảng viên Đại học Mỏ – Địa chất 2 năm. Tình yêu văn chương, nghệ thuật từ thuở bé đã dẫn dắt ông đến với nghề dịch văn học, thành nghiệp cả đời. Ông là sứ giả văn hóa Ba Lan từ khi làm thuyết minh nhiều bộ phim truyện Ba Lan thập kỷ 70 thế kỷ trước, vừa dịch vừa đọc. Nghề ngoại giao lại chọn ông để thêm một “cán bộ đi sứ” sâu sắc và đam mê văn hóa. Được trở lại Ba Lan cùng gia đình trong vai trò Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam (1996 – 2000), ông càng như cá gặp nước khi tích nạp được vốn sống, sự hiểu biết. Mỗi chuyến đi của ông, hành lý chủ yếu dành cho sách, chứ không phải là tranh thủ mua bán hàng hóa để làm giàu. Đến bây giờ ông vẫn vậy.

Ông già Lê Bá Thự không cho mình già. Ông vẫn nuôi trong mình chú bé Lê Bá Thự. Trí nhớ suy giảm, thậm chí thất lạc theo thời gian, nhưng chú bé Lê Bá Thự qua 76 năm sống trên đời vẫn giữ nguyên vẹn, thật thà, thành kính, thiết tha tình cảm và ký ức về làng Nguyệt Lãng. Không chỉ là một làng quê trên địa lý thuộc xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa mà cái làng như vầng trăng đang trôi ấy là niềm tự hào để ông đưa vào thi ca. Những bài thơ dung dị, đầy hình ảnh được đan xen nhuần nhuyễn trong những trang văn nhiều mỹ cảm và nhân hậu. Là con người, yêu ghét là thường. Lê Bá Thự viết bằng danh dự nên đề cao sự trung thực của hồi ức, song là trung thực của một tâm hồn đa cảm bác ái. Không có cay nghiệt hằn học mai mỉa gằn hắt với ai. Những nhân vật trong hồi ức của ông từ người hàng xóm đến bác phó cối, những nông dân già – trẻ đến bạn bè đều được nhớ gắn với các kỷ niệm trò chơi, lao động. Lê Bá Thự đã giữ hộ nhiều người ký ức thơ ấu bởi nhiều chuyện kể có sự đồng điệu với đông đảo độc giả sống qua thời chiến tranh, bao cấp. Có thể coi hồi ức Tôi và làng tôi là một bộ phim điện ảnh giàu tính tự sự, trữ tình. Ở đó, thoại mang đặc sản phương ngữ xứ Thanh. Tác giả nâng niu từng thức quà quê từ quả cây đến trà xanh pha bằng nước mưa, củ khoai, giỏ cá. Đâu phải do trí nhớ tốt, nhớ được lâu từng chuyện cụ thể, đó là sự sống kỹ, sống tận tình với người thân, họ hàng, làng xóm. Những đoạn tả quà quê, cách làm nông cụ, kể cả việc ủ phân đều viết bằng giọng ấm áp, đậm chất tuỳ bút, một giá trị nổi bật của tác phẩm.

Là con trai trưởng, con trai duy nhất của bố mẹ, cậu bé Thự tự nguyện và được giao cùng mẹ đảm đương nhiều công việc tháo vát nhanh nhẹn, sẵn sàng hy sinh, cả với bạn bè, người cùng làng. Dưới Thự là 4 cô em gái, nên Thự dù gầy nhỏ cũng vẫn luôn nhận trách nhiệm bảo vệ các em. Cậu học giỏi, bơi giỏi, bắt cá giỏi, được gọi là “con rái cá” làng Nguyệt Lãng. Thự rành việc nhà nông, làm các dụng cụ sinh hoạt, cả các động tác kỹ thuật lẫn các trò chơi phổ biến, như đánh khăng mà quê ông gọi là đánh khẳng, luật chơi đu đơn, đu đôi.

Thự là nỗi chờ mong của cha mẹ nên người mẹ thôn quê đã chọn tên của ông quét rác chợ “cùng đinh” để không “ma nào” bắt con mình. Chi tiết này thật đắt: Mỗi lần mẹ dắt cậu bé Thự về thăm ông bà ngoại, đều qua bãi tha ma, bắt buộc phải qua đường này. Trước khi đến đây, bà đi giải và lấy nước giải xoa khắp mặt mũi chân tay của con trai để ma… sợ… mà không bám theo thằng cu Thự. Cu Thự lúc thiếu niên đã là thầy giáo dạy bình dân học vụ; lớn lên thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thường xuyên là một trò xuất sắc. Ông là Bí thư Đoàn (1960 -1963) của trường cấp 3 Lam Sơn nổi tiếng nhất xứ Thanh. Từ trường làng, trường huyện ra trường tỉnh, Từ Thủ đô Việt Nam sang Thủ đô Ba Lan, Lê Bá Thự không khi nào nhòa nhạt trong lĩnh vực của mình. Xa quê quá nửa đời người, sống ở Thủ đô gần nửa thế kỷ, nói tiếng Ba Lan như tiếng Việt, Lê Bá Thự vẫn nhớ nguyên tập quán, từ vựng địa phương, mỗi lần về Thanh vẫn nói giọng thổ âm Thanh Hóa. Tình yêu làng ấy chính là yêu sự sống, yêu cái đẹp để ông trải tình ra những cuốn sách mà sự nhuần nhị về ngôn ngữ đã biểu cảm qua ranh giới châu lục văn hóa. Chỉ tiếc, “Nhà quay phim – Đạo diễn” Lê Bá Thự trong bộ phim của mình hơi đơn điệu về điểm nhìn, động tác máy quay có nghĩa là ông để cái tôi kể chuyện chiếm lĩnh gần hết mà không đổi điểm nhìn, đổi góc quan sát đan xen và các đoạn thoại để có được sự đa dạng và phong phú của các cỡ cảnh và trạng thái tiếp nhận của người xem. Từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, dấu ấn Lê Bá Thự không chỉ ở thành tựu qua gần ba chục tập sách dịch từ tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Ba Lan nổi tiếng (tong đó có 4 nhà văn và nhà thơ đoạt giải Nobel) đoạt nhiều giải thưởng quốc gia, được đồng nghiệp Việt Nam, Ba Lan trân trọng, độc giả hai nước biết đến mà ông còn là một người thật giàu có khi đông bạn bè, độc giả ở nhiều nước. Ông lại rất sang khi có người vợ đẹp, văn minh, rất mực chiều hiểu và hy sinh cho chồng – một hoa khôi phố Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội – cô giáo dạy Sinh học cấp 2 Phạm Thu Nga (1951) đã chấm ông 46 năm trước. Chàng trai tỉnh lẻ đã thắng nhiều vệ tinh bóng sáng choáng lộn hộ khẩu Hà Nội đeo đuổi Nga. Tình yêu làng, yêu mẹ, yêu tuổi thơ của Lê Bá Thự tràn chảy qua 29 tác phẩm như 29 trường đoạn phim của gần 300 trang sách mà vẫn chưa muốn kết, không thể kết. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Đây là một cuốn sách quý. Rất quý. Nó như một bảo tàng nhỏ, một bảo tàng riêng của Lê Bá Thự, lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê những năm 50 – 60 thế kỷ 20. Đó là bầu khí quyển trong vắt, bầu khí quyển nông dân mà ta ngỡ chỉ có thể tìm thấy ở nước Thiên Đàng”.

Hai lần nhận được Huân chương Công trạng do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012, 2017, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan, “Người Ba Lan” Lê Bá Thự cứ vài năm lại trở lại Ba Lan. Hai con trai của ông, Lê Bá Hoàng (1974 ), Lê Bá Long (1976) đã sống, học tập và hiện vẫn làm việc tại Ba Lan. Ông bà chỉ thiếu thốn dai dẳng, khát khao kéo dài: chưa có cháu nội, vì 2 con trai ngoan nhưng không nghe lời bố mẹ giục giã mà cưới vợ.

“Người Ba Lan” ấy đi khắp nơi chỉ để về và yêu làng Nguyệt Lãng, nơi ba người em gái ông đang sống, còn một cô ở tỉnh lỵ. “Yêu biết bao cái tên đẹp làng tôi/ Làng Nguyệt Lãng một vầng trăng đang trôi / Cây đa giữa làng như trong thần thoại / Nơi chú Cuội ngồi – điểm hẹn lứa đôi… /Đêm nay trên làng tôi trăng vẫn trôi/ Nhưng cây đa giữa làng đã chết rồi / Ngồi ngắm trăng suông nhớ về kỷ niệm / Vắng cây đa trống vắng một khoảng trời”

Trên bầu trời văn chương Việt Nam, trên đám mây bay qua những ngôi làng, nhiều ngôi làng nổi tiếng được lưu vào văn – sử, vừa có thêm tên làng Nguyệt Lãng của Lê Bá Thự. Ông vừa ra mắt tập truyện ngắn dịch Ở xứ vàng (NXB Phụ nữ) của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel năm 1905 – Henryk Sienkiewicz (1846 – 1916). Chưa đầy nửa năm, Tôi và làng tôi chuẩn bị tái bản, in kèm lời bình của bạn nghề nổi tiếng. Cần lắm những cuốn sách, những trang văn đầy chất thơ tình tự làng quê, tình tự ký ức để cứu rỗi thực tại đầy bất an, mất mát và một tương lai ngóng dĩ vãng như nguồn an ủi, đặc ân.

 

                                                                                               Báo Lao động cuối tuần – 4.1.2019