Xuất hiện nổi trội khoảng mươi năm gần đây, Lê Bá Thự đã tỏ ra là một dịch giả rất giỏi chọn sách để dịch, có thể nói anh đã chọn, đã đáp ứng đúng và trúng những nhu cầu tinh thần của xã hội. Chỉ trong vòng chục năm qua, anh đã dịch 7 tiểu thuyết, có cuốn gần ngàn trang, đều là những tiểu thuyết hay, được bạn đọc mến mộ, có cuốn được tái bản tới bảy lần.

Dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự

Xã hội Ba Lan tuy ở một châu lục khác, nhưng lại có những vấn đề giống ta, cũng gặp những khó khăn thời bao cấp như ta, nên khi chuyển ngữ sang tiếng Việt chúng cũng đáp ứng được những vấn đề đương đại của độc giả Việt Nam. Pharaon của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Ai Cập cổ đại, có sự hấp dẫn bởi khung cảnh hoành tráng của lâu đài điện các cổ xưa. Đó là tác phẩm dịch “mở hàng” cho thương hiệu Lê Bá Thự. Nhưng ngay sau cuốn đó, anh nghĩ ngay tới những vấn đề xã hội đương đại của Ba Lan cũng chẳng khác Việt Nam là mấy: Thí dụ vấn đề Hoang thai (cũng là tên tiểu thuyết của Dorota Terakowska), người phụ nữ Ba Lan xưa cũng hổ thẹn khi bị sa vào trường hợp ấy, chỉ tìm cách phá thai. Nhưng ở xã hội đương đại, đã xuất hiện một cách ứng xử khác. Nhân vật nữ chính đã thương yêu, bảo vệ thai nhi của mình  với tình yêu của người mẹ, ngẩng cao đầu mà sống giữa xã hội, coi thai nhi như người bạn tâm giao, giúp mình nhận biết thế giới. Đó chính là cách nhìn mới, khác xưa, của tuổi trẻ Ba Lan đương đại với vấn đề này.

Ở đề tài người phụ nữ, Lê Bá Thự đã làm một vệt dịch 3 tác phẩm viết về thiên chức người phụ nữ. Tác phẩm thứ hai là Xin cạch đàn ông! của Katarzyna Grochola, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết này đã chứng tỏ bản lĩnh và nghị lực của người phụ nữ Ba Lan đương đại. Bị chồng bỏ, chị vẫn làm tốt công việc xã hội với tư cách là một nữ nhà báo. Chị càng thêm nhiều kinh nghiệm khi tư vấn, góp ý cho các bạn gái về tình yêu và hôn nhân mà tòa soạn báo đã giao cho chị. Chị nuôi con gái ăn học đến nơi đến chốn. Ngay cả việc xây nhà mới cho mình, chị cũng làm được, một công việc xưa nay chỉ dành cho đàn ông. Cuốn thứ ba là Quà của Chúa (của Dorota Terakowska): Tình yêu thương của người phụ nữ được trải rộng với một tầm nhìn thật nhân văn, cao quý, kêu gọi mọi người hãy chăm sóc yêu thương những đứa trẻ tật nguyền. Người mẹ trong tác phẩm này đã thực thi thiên chức của phụ nữ một cách tuyệt vời, không chê vào đâu được. Dưới cánh thiên thần rượu (tiểu thuyết của Jerzy Pilch) lại là một tác phẩm chọn đúng và trúng như trên, khi chuyện uống rượu, nghiện rượu và cai rượu đang là mối quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi gia đình. Tác hại của nghiện rượu thì ai cũng biết, nó hủy hoại sức khỏe của con người, làm tan vỡ nhiều gia đình đáng ra phải rất hạnh phúc!

Đến Cô gái không là gì(*) của Tomek Tryzna thì Lê Bá Thự không chỉ quan tâm đến đề tài và những vấn đề xã hội, mà anh dấn sâu một bước có tính học thuật, giới thiệu cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại thật sự đầu tiên của văn học Ba Lan. Trong môi trường văn học Việt Nam, chúng ta cũng đang cần đọc những tác phẩm hậu hiện đại của thế giới để bàn thảo, để nghiên cứu, để biết người, biết mình. Đây hẳn là một cuốn sách bổ ích cho những người cầm bút ở nước ta. Cô gái Không Là Gì còn là một trong 6 cuốn sách đọc bắt buộc với học sinh lớp III (tương đương với lớp 9 Việt Nam) các trường trung học Ba Lan trong niên học 2012-2013. Ngoài giá trị văn học, đây lại là một cuốn sách tham khảo bổ ích cho những người làm công tác giáo dục. Trong sự kiện Ngày Văn học châu Âu, tổ chức vào 17 – 18/5/2013, Đại sứ quán nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam đã đặc biệt giới thiệu cuốn  sách này tại Hội trường Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Ba nữ sinh tuổi mười lăm là ba nhân vật chính của cuốn sách hấp dẫn này.  Theo người dịch, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu mà lắm khi có vẻ như chúng là hai trong một.

Tôi hoàn toàn đồng tình khi cho rằng, tính giáo dục chủ yếu của tác phẩm là phê phán lối sống buông thả, học đòi của cô gái tuổi mới lớn đã từng bước đánh mất mình. Nhưng bề sâu của tác phẩm vẫn cần nhận định bổ sung về mối mâu thuẫn trong quan niệm sống của hai thế hệ. Tôi đã để ý và lấy làm thích thú khi thấy tác giả và dịch giả rất thành công  trong miêu tả và khám phá những bí ẩn trong tâm lý nhân vật thuộc lứa tuổi mười lăm, có nhiều tình tiết sinh động, đúng với tâm sinh lý và ngôn ngữ của lứa tuổi này, lứa tuổi dễ ảo tưởng, dễ chịu ảnh hưởng cả cái tốt lẫn cái xấu…

Dịch giả Lê Bá Thự ngày càng tỏ ra thâm hậu qua 22 tác phẩm văn học Ba Lan đủ các thể dạng khác nhau mà anh đã dịch (Ngoài tiểu thuyết Lê Bá Thự còn dịch hàng trăm truyện ngắn, truyện vừa, truyện cười, thơ…). Khi dịch cuốn tiểu thuyết này tôi biết anh  đã phải vượt qua hàng rào ngôn ngữ của những suy tư, ảo giác để chuyển tải chuẩn xác tính cách, tâm lý của lứa tuổi này. Qua mỗi thể dạng anh tìm cách nắm bắt và thể hiện, vốn ngôn ngữ Ba Lan của anh dường như lại giầu có thêm nhiều.

Ngoài tiểu thuyết dịch giả Lê Bá Thự đã in tới sáu tập truyện ngắn, đó là những tập truyện ngắn hay, tính cặp nhật cao, phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người Ba Lan. Đọc những tập truyện ngắn này người đọc biết được, hiểu được người Ba Lan đang sống như thế nào, đang  vui , buồn, đang trăn trở, phê phán ra sao. Hai tập truyện ngắn in gần đây nhất – Ban công lên trời của Tomasz Jastrun  (2012) và Con voi của Slawomir Mrozek (2013) cho thấy rõ điều này. Đặc biệt tập truyện trào phúng Con voi vừa in đã thẳng thừng phê phán thói hư, tật xấu, nạn tham những đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Lê Bá Thự còn là một địch giả giỏi dịch truyện cười. Truyện cười anh dịch dí dỏm, thông minh, giầu trí tuệ và răn đời tinh tế. Trên báo điện tử VanVn.net, chùm truyện cười của Lê Bá Thự dịch luôn luốn đứng ở vị trí cao  có nhiều người đọc nhất.

Có thể nói, các tác phẩm Lê Bá Thự đã chọn dịch – những món ăn tinh thần, cụ thể là sách, cho thấy, anh quả là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật.


(*) Tiểu thuyết của Tomek  Tryzna, Lê Bá Thự dịch, Phương Nam Book – Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành quý II năm 2013.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version