Một con người dễ gần

Lê Bá Thự là dịch giả, điều đó ai cũng biết. Nhưng đời thường thì ít người biết rằng Lê Bá Thự còn là một là một người sống rất khiêm nhường, chân thành và lặng lẽ.

Tôi gặp Lê Bá Thự  lần đầu tiên vào mùa đông năm 2002. Tôi mời Nhà thơ Bằng Việt và bạn bè đi uống bia ở một nhà hàng bia trên phố Nguyễn Chí Thanh. Cùng đi với Bằng Việt có một người dáng nhỏ nhắn, đầu hói. Anh Bằng Việt giới thiệu với tôi: Đây là anh Lê Bá Thự, nguyên bí thư  thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.

Chúng tôi quen nhau rất nhanh. Anh cho tôi biết anh người Thanh Hóa. Thế là tôi có thêm một đồng hương xứ Thanh. Anh tặng tôi tập thơ Hoa giẻ. Tôi được anh giới thiệu đó là tập thơ đầu tay của anh. Trông anh hiền lành chất phác và ít nói. Nhà thơ Bằng Việt nói: – Lê Bá Thự sống rất chan hòa với bạn bè. Thi thoảng không bận, Lê Tuấn Lộc cứ đến đây, mình quen chủ nhà hàng này.

Tôi không nghĩ rằng buổi gặp nhau lần đầu đó lại là cái duyên để rồi anh em chúng tôi quen thân nhau đến tận bây giờ, khi anh đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc, đầu hói nhiều hơn. Khi bạn bè gặp nhau anh ít nói về mình và thường là lặng lẽ. Thi thoảng, anh cầm theo phong kẹo sô cô la hay một cuốn sách mới dịch nào đó để tặng tôi và bạn bè.  Những khi đó, chúng tôi thường nói với nhau về quê hương xứ Thanh với những bóng dáng bạn bè thân thuộc: Nhà thơ Văn Đắc, nhà thơ Mạnh Lê, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh,  nhà văn Đặng Ái…

Những ngày xưa, anh em chúng tôi chưa quen biết nhau, tôi hiểu về Ba Lan rất ít. Về Ba Lan, tôi hiểu lờ mờ như những quốc gia khác ở Châu Âu mà thôi, như Áo, Hung, Bungary, Tiệp Khắc… Tôi hiểu có một Ba Lan với thủ đô Vác sa va, có trái tim Sôpanh và những nhà thờ có tháp chuông cao vút. Tôi chỉ biết Ba Lan qua bài thơ Em ơi …Ba lan của nhà thơ Tố Hữu, cái thuở tôi đang còn ngồi ghế nhà trường với những câu thơ hay theo tôi đến tận bây giờ:

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

Anh đi nghe tiếng ngày xưa vọng

Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn

Lê Bá Thự “Đại sứ văn hóa” của Ba Lan tại Việt Nam

Năm 2008, tôi đến Cracop, cố đô của Ba Lan, theo giới thiệu của Lê Bá Thự. Khi tôi đi Ba Lan, anh đã giúp tôi các thủ tục cần thiết và dặn dò những điều cần lưu ý khi đến Ba Lan.

Rất tiếc tôi không đến được Vacsava để vái lạy trước tượng nhạc sỹ thiên tài Sôpanh. Nhưng bù lại, tôi đã được đọc thơ Tố Hữu Em ơi Ba lan, để rồi, khi tôi đọc câu cuôi cùng của bài thơ Em ơi… Ba Lan:  …Ca ngàn năm Ba Lan, Ba lan…thì giai điệu rất nhạc của bài thơ đã được khán giả là những thợ mỏ Ba Lan vỗ tay nhiệt liệt, cho dù tôi đọc bằng tiếng Việt. Cái đêm cuối cùng trước khi rời cố đô Cracop của Ba Lan, trong hầm mỏ muối Wieliczka, trong ánh đèn nê ông sáng xanh lung linh, nghe tiếng nhạc valse du dương, tôi nhớ đến dịch giả Lê Bá Thự và thầm cảm ơn anh, bằng những tác phẩm dịch tuyệt vời đã được Việt  hóa của anh, anh đã làm cho tôi càng thêm yêu Ba Lan.  Phó thủ tướng Vũ khoan đã từng nói một câu rất hay: Mọi quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thường bắt đầu bằng mối quan hệ cá nhân. Khi chơi thân với anh Lê Bá Thự, tôi hiểu điều đó sâu sắc hơn. Nếu không có Lê Bá Thự, chắc tôi cũng chỉ hiểu Ba Lan lờ mờ mà thôi. Như thế đủ biết, văn hóa có tác dụng mạnh mẽ như thế nào đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người và  tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Tôi biết đến Ba Lan thơ mộng và tươi đẹp như một cải gì phảng phất của hiệp sỹ, của một thời quí tộc Ba Lan… Nhưng khi đọc những tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ Ba Lan do Lê Bá Thự dịch, tôi được biết một Ba Lan có nền văn học rực rỡ, tài hoa và trí tuệ với bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel, cho dù đất nước này chỉ có chưa đầy 40 triệu dân, diện tích ngang bằng Việt Nam.  Mối quan hệ giữa tôi và Lê Bá thự còn cho tôi một bài học rằng, để một dân tộc này hiểu được nền văn hóa của một dân tộc khác, vai trò của người dịch  giả quan trọng biết nhường nào.

Gia nhập Hội Nhà văn Lê Bá Thự là một…cây cười chưa lộ diện”

Lê Bá Thự muốn vào Hội nhà văn Việt Nam. Anh hỏi ý kiến tôi. Tôi bảo anh: Thơ anh cũng hay, nhưng thế mạnh của anh là dịch thuật, vì anh đã có nhiều dịch phẩm có giá trị, rất bề thế, được bạn đọc tìm đọc, anh lại đang là một dịch giả văn học Ba Lan có uy tín, cho nên anh nên xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam qua con đường dịch thuật. Và anh đã làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam bằng kênh văn học dịch. Gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 thì năm 2005 Lê Bá Thự đã được mời vào Hội đồng văn học dịch của Hội và sau đó làm Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam đến năm 2015. Điều này khẳng định uy tín dịch thuật của anh.

Tôi rất thích những truyện cười Ba Lan do Lê Bá Thự dịch. Đọc những tập truyện như  Cười quanh năm, Năm châu cùng cười, Hành tinh cười… thì tôi lại còn được biết, người Ba Lan dí dỏm, hài hước và tinh tế chẳng khác gì người Việt chúng ta. Đọc những truyện cười do anh chuyển ngữ lắm khi tôi cứ ngỡ đây là những truyện cười Việt Nam thật sự. Vì đó là những truyện cười Ba Lan đã được anh “Việt hóa” tài tình tới độ người đọc không còn nhận ra được đó là những truyện cười nước ngoài. Đọc truyện cười Lê Bá Thự dịch ta dễ dàng nhận ra “một tạng cười Lê Bá Thự” và  “một hóm hỉnh Lê Bá Thự”. Và tôi có thể khẳng định rằng, Lê Bá Thự hiền lành và ít nói trong đời thường, nhưng thực ra anh là một “cây cười chưa lộ diện”

Lê Bá Thự – Nhà thơ hồn xứ Thanh

Trong một bài báo, tôi không thể giới thiệu Lê Bá Thự đầy đủ như một tác giả, vì ông rất đa dạng, đa tài, nhưng có một mảng không thể không nói tới là thơ của Lê bá Thự. Ngoài dịch thuật là mảng nổi trội nhất và bề thế nhất ( Ông đã có 26 tác phẩm văn học dịch từ tiếng Ba Lan), người ta vẫn gọi ông là nhà thơ Lê Bá Thự. Đã có nhiều báo và nhiều nhà thơ đã giới thiệu về thơ Lê Bá thự, như báo Văn nghệ, báo Thanh niên, báo Phụ nữ, báo Người Hà Nội vv…Lê Bá Thự in nhiều thơ trên báo chí, nhưng có hai tập thơ đáng chú ý là  tập thơ Hoa giẻ và tập thơ Đi về ngày xưa. Đặc biệt tập thơ Đi về ngày xưa . Tên của Tập thơ đã đủ nói lên nội dung tập thơ rồi. Đi về ngày xưa, chính là đi về với những kỷ niệm xưa của Xứ Thanh, của huyện Thiệu Hóa quê anh.

Những bài thơ trong tập:  Đi về ngày xưa, Tình xưa, Nơi  sông Chu sông Mã, Vợ tôi, Với bạn đồng môn, Cô láng giềng, Mùa đom đóm mở hội, Cây đa làng tôi, Dáng xưa, Áo tơi vv…rất quê choa, rất nông dân, rất quê mùa và rất Xứ Thanh. Tập thơ có 47 bài thì đã có 37 bài viết về kỷ niệm xưa, mối tình cũ hoa giẻ và Xứ Thanh thuở thiếu thời.

Theo Lê Tuấn Lộc – Hồ Linh Đàm, xuân Bính thân 2016

Exit mobile version