Dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự và Nhà xuất bản Phụ nữ vừa ấn hành cuốn sách khá đồ sộ Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết. Sách gồm hai tập, tập I dày trên 400 trang và tập II dày hơn 300 trang, giấy tốt, bìa đẹp, 100 ảnh màu minh hoạ.
Trong suốt 25 năm làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) – tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan. Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa, đã được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận, bài viết của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Vi Thuỳ Linh, Đoàn Ánh Dương, Trần Thị Trường, Trần Hoàng Thiên Kim, Phan Hoàng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vân Đình Hùng, Phi Dao, Thiên Ân, Trần Hoàng Hoàng vv… Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí, hàng loạt bài bút kí, hồi kí. Người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị và xúc động khi đọc “chùm” 101 truyện cười đặc sắc, các bài Tôi là một nhân chứng, Con rái cá làng Nguyệt Lãng, Khám phá miền Tây sông nước, Gặp người xứ Thanh ở Ba Lan, 6 truyện ngắn hay, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa ( được gọi là “sách trong sách”).
Dịch giả Lê Bá Thự (thứ 3 từ bên trái sang) trong lễ trao Giải thưởng Văn học Hà Nội 2014
Phần lớn những tác phẩm văn chương Ba Lan mà ông chọn để dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách giá trị, được các nhà bình luận văn học đánh giá cao, được bạn đọc Ba Lan mến mộ. Có thể nói, Lê Bá Thự đã “chọn đúng và chọn trúng” tác phẩm để dịch, đã “dịch đúng và dịch hay” theo tiêu chí dịch thuật của ông. Điều đó khiến ta càng thêm vũng tin, ông là “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật. Lê Bá Thự vẫn thường nói “Tác giả viết những gì mình biết, còn địch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khổ của người dịch là ở đó. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó. Tác giả viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì và đề tài gì thì người dịch cũng dịch đúng và dịch hay”. Ông cho rằng, “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên bản (bản gốc) bằng ngôn ngữ khác”. Làm việc theo quan niệm như vậy, ông đã gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường dịch thuật của mình. 26 đầu sách dịch đã in của ông là những thành tựu văn học chứng minh điều này. Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học năm 2014. Trước đó ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng khác như: Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (năm 2010); tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008) cho những truyện dịch hay nhất năm đã in trong tạp chí này; giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)… Điều quan trọng là nhiều tác phẩm dịch của ông đã được tái bản, được bạn đọc mến mộ, tìm đọc. Đó là phần thưởng vô giá cho dịch giả.
Đại sứ Ba Lan gắn Huân chương Công trạng cho dịch giả Lê Bá Thự
Để ghi nhận công lao đóng góp của ông, ngày 3 tháng 5 năm 2012, tại Hà Nội, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, ngài Roman Iwaszkiewicz, thay mặt Tổng thống Ba Lan, đã trao Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho dịch giả Lê Bá Thự, về những đóng góp của ông trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường sự hợp tác và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc Ba Lan – Việt Nam.
Trong bài mở đầu bộ sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết, nhà thơ dịch giả Nguyễn Quang Thiều viết: Trong 25 năm lao động, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm dịch đồ sộ. Con người ông lúc nào cũng ngập tràn cảm hứng sáng tạo và một thái độ làm việc nghiêm túc. Dấn thân vào con đường dịch thuật văn học là ông đã chọn một con đường quá nhiều thách thức… Ông dịch những cuốn sách chứa đựng những tư tưởng lớn cùng với những khám phá phức tạp nhất và sâu nhất về con người của nền văn học Ba Lan, một trong những nền văn học lớn của nhân loại. Những cuốn sách dịch của ông cần thiết cho bạn đọc ở nhiều lĩnh vực. Bạn đọc thông qua những tác phẩm của các nhà văn Ba Lan để hiểu sâu hơn về một dân tộc nhưng cuối cùng và quan trọng hơn là để hiểu sâu về nhân loại. Và khi ta hiểu sâu hơn về nhân loại nghĩa là ta hiểu sâu hơn về chính con người ta.
Theo Hoàng Long