Lau lách chiều trắng xóa

Truyện ngắn dự thi của Đinh Phương

 

Tân Hợi, năm thứ 2, Minh Hồng Vũ thứ 4 tôi mơ giấc mơ về ngai vàng. Lúc ấy, có nhiều sự kiện nhưng lại chỉ có một vài con số được ghi lại, số ít người được nhắc đến. Tôi hay Lê đều không buồn vì điều ấy. Chúng tôi yêu nhau, bám vào những mảnh kí ức của riêng mình để tồn tại. Trong đó có những kí ức về vua:

Sau ngày quân Chiêm Thành đánh vào kinh thành Thăng Long lần thứ nhất, vua về, trời đất xanh xanh, đỏ đỏ. Mưa lất phất bay. Những cơn mưa từ quá khứ xé toạc tấm rèm che kiệu vua. Chúng tôi chen chân trong dòng người xô đẩy, chen lấn xem mặt vua. Vua mệt mỏi, già nua sau những ngày chạy trốn sang Đông Ngàn. Ngài gật gù giữa giấc ngủ chập chờn hư ảo. Thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc đưa tay vuốt râu mà có cảm tưởng đang nâng rượu độc. Quân, quan, tì thiếp đi phía sau hỉ hả vui mừng vì thoát được nạn ngoại bang trong gang tấc. Vua nhìn con dân xa lạ, không còn nhận ra con dân của ngài nữa. Ngài đã bỏ ba lần chống quân Nguyên Mông anh hùng sang một bên để giữ lấy bình yên cho riêng mình trước quân Chiêm Thành.

Lê nhìn vua mãi chán quay sang tôi bảo Lê chẳng thích làm vua. Chỉ cần chỗ nào dựng được nếp nhà nho nhỏ rồi hai đứa cày cấy nuôi nhau. Tôi quay sang, Lê mờ nhạt, hư ảo. Khoảng tím nhờ nhờ trước mặt báo hiệu điều chẳng lành. Số phận như chiếc lá mỏng rơi giữa dòng nước lũ.

Tôi sinh ra nơi một con sông vô danh Đại Việt. Gió cuốn những ước mơ năm mười lăm tuổi trắng ngần của mẹ thả lênh đênh trên sóng. Gió biến nỗi ô nhục của mẹ thành tiếng u u hờn trách vang vọng, lang thang trên mảnh đất đầy bất trắc này. Gió có lúc là bạn đồng hành, thoáng thay đổi thành kẻ phản bội. Cứ lần lần luân chuyển từ thái cực này sang thái cực khác không biết sao mà bắt. Càng đi về phía kinh thành Thăng Long gió càng nhiều. Tiếng u u cũng đậm nét, tuồng như chỉ cần đưa tay ra là nắm được. Người già sống trong kinh thành lâu nghe cũng lắc đầu không phân biệt được tiếng vọng ấy của bên này hay bên kia, người Việt hay người Chiêm.

Gió biến tiếng u u của muôn người chết vì chiến trận tràn ngập vào hoàng cung. Những con người sống trong ấy chống lại nỗi tuyệt vọng bằng cách không nguôi nhớ lại quá khứ. Ba lần vinh quang tột đỉnh được hậu thế nhắc đến liệu có đại diện, che giấu được cho tất cả? Nó có ích với cái gì đã chết, còn cái đang sống thì không. Nụ cười gượng gạo thoáng xám, dấu hiệu tàn phai của một vương triều rực rỡ. Họ hiểu rõ hơn ai hết vinh quang của nhà Trần chỉ còn là hồi ức lưu cữu rêu xanh.

Nhiều lần nằm nghe gió thổi, tôi thường hỏi mẹ.

– Mẹ ơi gió từ đâu đến?

Mẹ im lặng, tôi nằm gối đầu lên đùi mẹ, tay mẹ đan trên mái tóc dài rối bù. Từng nhịp chậm chạp cuốn quanh những lọn tóc tỏa ra mùi hoi hoi của bùn. Ánh mắt mẹ trong đêm xa xăm giống vì sao sắp rụng. Loài cú về đêm không ngủ để săn mồi, mẹ thức nhìn tôi thật lâu, mường tượng khuôn mặt và thở dài. Cái đêm mẹ – người cung nữ xinh đẹp vừa bị bắt vào cung – bị biến thành đàn bà cũng đầy gió. Mẹ, con mồi bị săn đuổi tận cùng bởi gã thợ săn xa lạ – một viên tướng ngạo nghễ đến từ bên kia biên giới. Hắn ngắm nghía, chờ đợi và hành quyết. Hắn đưa mẹ đến tận cùng đau đớn và thỏa mãn. Ngọn gió đen cuồn cuộn sắc nhọn đâm xoáy vào nơi thiêng liêng nhất cuốn đi tất cả. Mẹ bị ném phũ phàng xuống dòng sông thuở nhỏ đã tắm táp, nô đùa, nuôi dưỡng tình yêu với người tráng đinh Đại Việt làng bên cùng những tiếng cười khả ố và lời cợt đùa quái ác: “Mày mà có thai. Nó sẽ làm vua đấy!”.

Da thịt lõa lồ hoang tàn, lật úp, chạm làn nước đen lạnh buốt. Một mầm sống miễn cưỡng lai tạp của hận thù gieo vào chờ ngày sinh ra. Cái ngày vinh quang mơ màng ảo tưởng. Giá lúc ấy mẹ chết đi, bay lên như nắng ngày khải hoàn buông vàng cung cấm thì tốt biết mấy.

Vậy mà mẹ vẫn sống, lay lắt ngồi gỡ những kí ức tốt đẹp nhất của mình ra rồi tết lại. Hết ngày này sang ngày khác. Năm này qua năm khác. Kí ức tết mỏng dần cuộn lại chẳng bằng ngón tay út. Tôi sinh ra không đủ chín tháng mười ngày. Lần đầu tiên nhìn rõ vô số nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ…

– Con phải làm vua! Vua nước Chiêm Thành!

Trăng hôm mẹ muốn tôi làm vua rất đỏ. Ánh sáng tỏa xuống đỏ lịm khoảng trống trước nhà, xuyên qua cả những lỗ thủng trên mái dọi xuống bằng quả trứng gà, trứng vịt. Tôi chạy trốn. Càng trốn càng đỏ tợn tạo. Đêm ấy giữa sự sợ hãi tôi mơ về ngai vàng. Ngai vàng có tai, mũi, mồm, có chân vừa chạy trốn vừa sủa giống chó, thỉnh thoảng khi người đuổi lơi lỏng lại quay rình cắn.

Tỉnh dậy, nằm chong chong giữa không gian đỏ ối đã chuyển sang hồng nhạt khi về sáng, tôi nghĩ, nó chẳng đáng để đuổi theo, có gì hay đâu, chẳng hơn gì con chó, thịt có khi không ngon bằng thịt chó lão Đả điên gần bến đò thỉnh thoảng vẫn bắt trộm, đập chết, làm thịt mời tôi ăn. Vậy mà mẹ lại bắt tôi ngồi lên nó.

Bước khỏi nhà, từ nhà ra đến cánh cổng vô hình là mười bước, phu kiệu đợi vua ở quãng chín, giữa tám và mười. Tha thẩn tôi đi tìm Lê. Mỉm cười nhìn mặt trời đứng ở đằng xa, sắc áo trắng đan hồng chưa dám vào chầu. Lê hay vẽ người ở cổng kinh thành. Mặc nắng và mưa, ngày lẫn đêm. Mặc cả có tôi hay không. Nhiều lúc thoáng buồn tôi không khỏi chạnh lòng. Nếu tôi làm vua tôi sẽ dựng ngay cổng kinh thành một tòa nhà lớn hơn quán ăn lớn nhất kinh thành để Lê thích vẽ lúc nào thì vẽ. Có hàng đàn thị nữ, thái giám hầu hạ.

Mải đi, mải nghĩ, giật mình tôi đã ở cổng kinh thành từ lúc nào. Phía bên kia đường Lê ngồi xổm, dừng vẽ, quệt quệt tay vào mũi nhìn tôi mỉm cười, má lúm đồng tiền đỏ lựng, xong lại cúi xuống chăm chú. Hình người giống hình nhân thế mạng mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn mua đốt, mặc long bào có mấy con rồng đang bay, rồng giống giun đất, đội long bào như cái nồi đồng nấu cơm, vẫn còn thiếu đôi chân. Mặt thiếu đôi mắt. Lê vẽ chân đang chạy, vẽ mắt đang nhìn. Đắn đo, nghĩ ngợi thế nào lại xóa nhòa mắt đi. Vẽ rồi xóa đi mấy lần vẫn chưa ưng ý. Đoạn xương cánh tay của ông Lao, Lê vẫn dùng để vẽ hết nâng lên lại hạ xuống. Mặt Lê lấm chấm mồ hôi, quần áo dính đất vàng khè, mỗi chuyển động của Lê đều làm bụi bay tứ tán xung quanh. Có cơn gió khe khẽ thổi qua, tóc hai bên thái dương và tóc mái Lê bay bay xuôi theo gió.

Sáng sớm thức dậy, Lê thường ra đây ngồi vẽ.

Tôi thương Lê biết ngần nào. Nếu tôi làm vua chắc chắn Lê sẽ làm hoàng hậu. Tôi yêu Lê như nước dòng sông vô danh chảy mãi không bao giờ cạn. Thứ tình yêu của tuổi mười sáu giãn cách bởi hết đợt binh đao này đến đợt binh đao khác. Lần quân Chiêm đánh vào Thăng Long thứ nhất, tôi dắt tay Lê lẫn vào dòng người đen đỏ chạy trốn khỏi cổng kinh thành. Chạy càng nhanh càng tốt, càng táo tợn càng tốt. Chúng tôi chạy chậm hơn bởi tầm nhìn bị nước cản, bùn nhão quánh đặc níu chân. Có một phần ba số người trong đoàn gồm người già, trẻ con không chạy được đã bị quân Chiêm bắt kịp. Tiếng than khóc ai oán lẫn vào mưa. Dòng nước đỏ từ dưới chân đỏ lên ngập mắt cá chân. Dù Diêm Vương cho mở cửa địa ngục thì cũng không thể có nhiều máu đến thế. Anh hùng lẫn vào thảo khấu. Người lương thiện bị nhầm với lưu manh, cướp cạn. Quan quân lẫn với dân đen, tù tội. Ai ai cũng lo cho bản thân mình. Gồm tính mạng, của cải, người thân. Phải sống để tiếp tục lay lắt chìm nổi, bôn ba. Không có lời kêu gọi ở lại kinh thành chống giặc. Chẳng đắn đo gì khi dắt díu nhau đi trốn, đạo lí trung quân để lại cho con cháu đời sau.

Ở lần chạy trốn thứ hai tôi vẫn nhớ ông Lao, cha Lê đã bị dẫm chết thế nào dưới dòng thác người ùn ùn từ kinh thành ra. Lúc đó, ông thấy chiếc nhẫn ngọc xanh mà ai đó đánh rơi, ông cúi xuống, người từ phía sau xô lên, xô mãi. Ông ngã vập úp xuống đất. Dòng thác chân vẫn ầm ập tiến qua không ngừng nghỉ. Dừng lại là chết, là phải đối mặt với giống người đen đủi, man rợ đến từ bên kia biên giới có nhiều nét giống tôi, là đầu nhìn thấy thân nằm dưới đất. Ông Lao chẳng kịp kêu, bị nuốt chửng. Hình ảnh đập vào mắt tôi và Lê khi cố ngoái lại là phút cuối cùng của cuộc đời ông. Chết mà mồm cứ ngáp ngáp như con cá mè mắc cạn trên bờ. Lão Đả nghe tôi kể, cười hức hức, vỗ đùi bảo rằng lúc ấy dứt khoát ông Lao chửi vua. Tôi nửa tin nửa ngờ, tin vì ông Lao là người của những câu chuyện quá khứ và mất niềm tin vào hiện tại. “Cái hồi…”. Chuyện của ông bao giờ cũng bắt đầu như thế và sau đó bao giờ cũng là chuyện cha ông theo vua Trần Anh Tông vào đất Chiêm Thành như vào chỗ không người… chuyện Chế Chí thần phục Vua… Rồi chuyện ông theo tướng A Song đánh bại Chiêm Thành ở cửa biển Dĩ Lý ra sao… Kết thúc, bao giờ ông cũng ôm mặt hức hức nói trong nước mắt: Thế mà bây giờ… Còn ngờ, vì chưa bao giờ tôi thấy ông Lao buông lời chửi vua cả…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Tôi và Lê bị dòng người ngựa đẩy đi từ sáng sớm, phải đến chập tối mới quay lại được. Ánh trăng lành lạnh trải con đường quen ngày ngày chúng tôi vẫn chạy nhảy, nô đùa. Bóng hai đứa nham nhở chụm lại che xác ông Lao héo rũ, khô cắt như con chuột chết nằm trên đường cái quan bị chân người, ngựa, bánh xe nghiến qua. Máu trộn lẫn với đất cát nắng gió tháng năm hong khô từ lúc nào. Người kinh thành về sau nghe chuyện đều chê trách ông Lao tham lam. Tôi không thế. Tôi nghĩ cha Lê là anh hùng. Chỉ có anh hùng mới dám lấy cái mình muốn trong lúc nguy cấp mà không sợ sệt, lo lắng. Chỉ có anh hùng mới chết dễ dàng thế.

Lê bảo: “Cha em chết khổ quá.”

Tôi đáp: “Máu thịt lẫn vào giày dép người kinh thành thì biết đâu mà tìm.”

Lê vụt chạy đi kiếm đâu được cành cây khoanh hình người ông Lao lại. Hình lật úp khum khum giống chiếc lá xanh bị người ta bẻ từ trên cành ném xuống. Tôi chạy lại phía rìa tường thành tìm kiếm. Lúc sau chạy lại, chỉ kiếm được hai mảnh bát vỡ. Một mảnh đưa Lê, một mảnh tôi cầm, chiếc áo cũ của ông Lao trải để bên cạnh. Xương cốt, thịt thà, đất cát trộn thành từng tảng dày hơn đốt ngón tay. Cậy lên từng mảng, từng mảng. Đầu mất, còn lại thân mình bết trong quần áo không phân biệt được đâu là cổ, ngực, chân, tay. Chiếc nhẫn không tìm thấy, nó lăn đi góc nào hay bị người ta lấy mất.

Trong lúc cậy xương thịt ông Lao, Lê không khóc. Lê đếm những ngờ vực của đời con gái thả xuống dòng sông vô danh nơi tôi và Lê sinh ra. Nước mắt bị nước sông lấy hết rồi. Cái còn lại chỉ là nhan sắc. Mà người đàn bà có đẹp đến mấy mà không biết đến nước mắt, đến đa đoan trên mảnh đất Đại Việt này cũng vất đi.

Mẹ tôi cũng thế. Lần cuối cùng mẹ khóc, nước mắt dành cho người tráng đinh Đại Việt làng bên ngày chia tay trên triền đê xanh ngăn ngắt giống cỏ mền chầu tiếp giáp hai làng. Chẳng dám cầm tay, dặn dò trước bao mắt nhìn. Người ấy mang theo nước mắt của mẹ, gói vào lòng vào dạ ra đi, sương bám trắng trên mái tóc xanh của tuổi mười bảy. Trận Đồ Bàn nước mắt ấy cùng máu nhuộm đỏ đất Chiêm. Đỗ Lễ can ngăn không thành bị mặc áo đàn bà. Vua Trần Duệ Tông trúng tên tử trận. Các tướng Nguyễn Lạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh cũng tử trận. Ngự Câu vương Trần Húc bị bắt đầu hàng Chế Bồng Nga được gả con gái. Đỗ Tử Bình, Lê Quý Ly, thượng hoàng Trần Nghệ Tông đều được nhắc đến qua lời của người chép sử. Chỉ có người tráng đinh của mẹ tôi cùng bao người phụ nữ khác là vô danh nằm lại cô đơn, lạnh lẽo nơi đất người để chờ hóa thành cát bụi chuyển thai kiếp khác. Bao nhiêu cuộc chiến từ cổ chí kim trên cái xứ sở nghèo nàn này đều thế. Người quan trọng nhất làm nên cuộc chiến bị lãng quên.

Lê lấy cạnh sắc của miếng bát vỡ tỉ mẩn cạo hết thịt trên cánh tay ông Lao rồi giữ lại xương bên mình không để lẫn vào đám xương thịt kia. Tôi hỏi Lê giữ lại làm gì Lê không nói. Ánh mắt đỏ sọng, hận thù. Buộc túm đống xương thịt khoác lên vai đứng dậy. Tôi không dám hỏi gì thêm, nắm chặt tay Lê mà chạy mặc cái đói dày vò. Chúng tôi chạy suốt đêm, chạy theo tiếng khóc lóc, nỉ non cùng ánh đuốc xa xa phía trước. Cũng may quân Chiêm Thành sáng sớm hôm sau mới vào đến kinh thành.

Khuya ấy, khi đến được nơi dừng chân Lê không ngủ mà thức mài xương. Tiếng quèn quẹt, quèn quẹt giống tiếng nghiến răng khi ngủ, giống tiếng cạo cháy nồi, giống cả tiếng nghiến răng vì tức giận. Trăng mưng mủ xanh lè đổ bóng, chưa lần nào trong đời tôi thấy trăng xanh.

Vừa lúc tôi định sang đường, tiến lại phía Lê thì có kiệu của vua từ trong kinh thành đi ra. Kèn trống vang trời. Bốn đứa trẻ hai trai, hai gái ghẻ lở khắp người khóc ré lên, đái ra quần ôm chặt lấy chân người đàn bà mặt xanh lét, tóc bạc xóa khi đang vào thành. Dấu hiệu của đói và lo lắng. Mấy lần chạy trốn tôi cũng thoáng thấy mái tóc ấy trong đám hỗn loạn. Họ hẳn là một gia đình, chẳng lần nào thấy người đàn ông, hẳn ông ta đã chết trong vô vàn trận chiến lớn nhỏ mà người Việt lẫn người Chiêm có thể nghĩ ra. Mấy đứa trẻ kia rồi sẽ chết vì hòn tên, mũi giáo như cha hoặc sống lay lắt vì đợi chờ, trốn chạy như mẹ.

Cấm vệ quân xô tôi ngã dúi dụi về một bên khi đang quan sát mấy mẹ con chưa kịp chạy vào. Định chửi, nghĩ chẳng được gì lại thiệt vào thân nên thôi. Phía bên kia đường Lê bị hai cấm vệ quân vây lấy, kéo dậy khi đang mải vẽ. Một người râu quai nón giằng khúc xương cánh tay của ông Lao ra khỏi tay Lê, bẻ gẫy vứt chỏng chơ hai khúc trắng hếu dưới đất. Tiếng cấc khô khốc vang lên kèm tiếng rú đau đớn giữa không trung. Hồn ông Lao nhập trong khúc xương vặn vẹo thành hai miếng. Gió cuốn bay lên còn nhìn rõ khuôn mặt nhăn nhúm chậm chạp lẩn vào tán cây. Người cấm vệ quân mắt trắng dã cầm giáo chĩa vào ngực Lê. Lê cúi nhanh xuống nhặt khúc xương có đầu nhọn định đâm vào ngực mình thì bị giáo chọc vào tay ngăn lại. Tay Lê tóe máu, cơn đau không đến từ vết thương. Lê muốn chết mà không được.

Người ta hỏi Lê vẽ gì trên đất?

Lê bảo vẽ vua.

Mắt đâu.

Vua không có mắt.

Lê trả lời gọn lỏn không mảy may run sợ. Người ta quát tháo, trói chặt, chờ xử. Người ta khép Lê vào tội khi quân. Hai người cấm vệ quân túm lấy Lê xềnh xệch kéo đi, hướng khuất tầm mắt vua. Người chết thường linh thiêng. Mảnh đất ngàn năm này linh thiêng được vì thế. Tôi là người sống, tôi không linh thiêng. Tôi chạy theo bóng Lê trong khi người ta dẫn Lê đi. Tôi gọi tên Lê khản giọng. Mệt nhoài, ngã xuống, lại đứng dậy đuổi theo. Nắng cản tôi lại. Đầu đau nhói.

Lê ơi! Lê…

Bóng Lê vun vút.

Trước khi lẫn vào đám quan binh đầy ứ, Lê ngoái lại nhìn tôi. Lê yêu tôi, tin tôi. Tôi biết. Tình yêu của tuổi mười sáu kèm nghĩa khí. Tuổi mười sáu là tuổi sẵn sàng biến mất cho điều mình tin tưởng nhất. Lê trở thành anh hùng không chính sử. Chẳng ai nhắc tên Lê nữa ngoài tôi cùng bóng ma đã chết của ông Lao.

Tôi lầm lũi trở về nơi thấy Lê lần cuối cùng. Hình vua vẫn còn trơ trơ trên đất. Dấu ngựa, dấu người hằn in. Tôi vẽ mắt cho vua, vẽ thế nào cũng không vừa ý, nước mắt rơi xóa đi. Chiều lả xuống sau lưng, không ra đỏ, không ra xám, chiều đầy nước mắt. Lê không còn bên tôi nữa. Lần gặp nhau này là lần sau chót. Tình yêu tuổi mười sáu không bền như trời đất mà lung lay, biến đổi khôn lường. Ba lần tôi cùng Lê chạy khỏi kinh thành. Ba lần chúng tôi cùng về bên nhau. Thế mà giờ đây cách xa biền biệt biết bao giờ gặp?

Mảnh xương ông Lao vẫn còn máu Lê, tôi lấy cắt dọc cánh tay. Máu ri rỉ chảy, tuổi mười sáu hòa cùng nhau. Máu chảy dọc hình vua thành hình đất nước. Đất nước binh đao chinh chiến từ Bắc vào Nam, đời này qua đời khác…

Tay tôi xiên xẹo, vẽ đủ thứ bằng máu và nước mắt. Cuối cùng vẽ Lê. Lê đẹp lắm. Vẽ mãi mà không giống. Trăng đã xuống. Tôi vẽ Lê trong trăng. Gió thổi ào ào, tôi vẽ Lê trong gió. Mẹ đến, tôi nhìn mẹ vẽ Lê. Mẹ không giống, mẹ đầy tham vọng. Lê của tôi thuần khiết như sương sớm. Xóa hình Lê đi vẽ lại, mẹ vẫn còn trước mặt. Mẹ không phải Lê. Lão Đả điên đến. Mắt tôi hoa lên, gục xuống trong tay lão.

Lão nói với mẹ: “Máu người không phải nước lã.”

Mẹ đáp: “Vậy mà nó vẫn cứ chảy.”

Buổi sáng tháng sáu đói dài đói rạc, mẹ đi từ rất sớm. Mỗi lần người Chiêm tràn qua là mỗi lần bà có thêm nhiều vàng, bạc trang sức cùng quần áo mới. Về mẹ kể, giọng ráo hoảnh:

Người ta đem cái Lê ra chém đầu giữa chợ. Không có cũi đóng, cùm đeo. Không có quan xét xử, giờ ngọ ba khắc, chỉ có hai người lính một mắt trắng dã, một râu quai nón mỏi mệt ngáp dài ngáp ngắn giong ra giữa chợ chém rồi bỏ về uống rượu. Không có cái nhìn tiếc thương. Chỉ có xác người chết. Vài người còn sống thì cố gắng lê lết về phía những nhà giàu chờ cơ may xin được cái gì bỏ vào mồm. Dân các lộ ùn ùn đổ đến chật kinh thành. Cái chết của nó rơi vào giữa nạn đói không khuấy động được không gian ngột ngạt, tù túng. Chiếc nhẫn ngọc xanh từ trong mồm rơi ra nhưng không ai dám nhặt.

Mẹ không cho tôi đi xem chém đầu Lê. Mẹ trói hai tay, hai chân tôi lại. Bảo anh hùng chớ lụy ải mỹ nhân. Mẹ bảo tôi phải làm vua. Tôi cầu xin, mẹ không nghe. Mẹ muốn tôi làm vua. Tôi yêu Lê. Mẹ bảo Lê chết rồi thì yêu đương gì. Tôi không tin. Tôi chờ cùng mẹ.

Một năm…

Hai năm…

Mất thêm mười một năm nữa.

Tôi đưa ngón tay cái bị trói mười một năm tê dại mất hết cảm giác lên miệng nhai. Tôi không còn mười sáu, có còn chỉ riêng Lê. Tôi nhai cả kí ức của mẹ lẫn kí ức của tôi về Lê. Kí ức đắng của mẹ, ngọt của Lê. Nhai mãi, nhai hết tôi muốn nôn ra. Nôn hết cả quá khứ, hiện tại, tương lai tanh nồng, mặn chát và đỏ ối.

Ba lần quân Chiêm vào kinh thành Thăng Long mẹ không chạy trốn, ý còn chờ…

Mi không được phản bội – Mẹ tôi hét lên.

Phản bội cái gì? Trận Hải Triều vừa kết thúc, thủ cấp Chế Bồng Nga được chở về Bình Than báo tin chiến thắng. Tôi phải sống cuộc sống của tôi chứ, sao mẹ lại bắt tôi sống cái cuộc sống của mấy chục năm trước đây? Tại sao bà cứ bắt tôi bám theo cái lời khả ố của kẻ mà tôi đang mang dòng máu trong mình? Bám theo cái mục đích làm vua Chiêm Thành viển vông thì tôi làm sao làm được. Chiến thắng của người đàn ông đã sinh ra tôi không thuộc về tôi. Chiến thắng của cái đất nước đã nuôi tôi lớn lên cũng không thuộc về tôi.

Tôi yêu Lê, tôi chỉ thuộc về Lê.

Tôi ra bờ sông sau khi mẹ chết. Lão Đả điên tóc trắng phau phau. Lão bảo ngồi đợi tôi mười một năm nay. Tôi tin. Lão hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tùy lão.

Lão xuôi dòng sông vô danh nơi tôi sinh ra, chợt nhớ tới mong ước của Lê về một nếp nhà nho nhỏ. Tôi thả hình bóng Lê mười sáu vẹn nguyên xuống dòng sông vào ngày cuối xuân nhiều gió.

Hai bên bờ là cánh đồng vừa gặt xong, trơ gốc rạ và chân nhiều đứa trẻ tróc lở, còi cọc liên tục di chuyển từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác. Mộ người Việt lẫn mộ người Chiêm, cũ lẫn mới. Cái chết hiện diện cùng nhau trong những nắm đất phù sa Đại Việt. Nhìn lại phía kinh thành. Lau lách hóa cờ trắng xóa buổi chiều.

Đ.P

Nguồn: VNQĐ

Exit mobile version