ĐỖ THÀNH DƯƠNG

Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, chú em cùng trường người Nghệ An gọi điện thoại hồ hởi: ‘Anh có ăn giò me không, ở ngoài quê mới gửi vào, em đem đến cho anh nhé?’.

Vốn tính không thích ăn đồ chua, tôi vội từ chối: “Cảm ơn em! Nhưng mà me chua lắm, anh không ăn đâu!”. Chú cười khùng khục qua điện thoại: “Không phải giò me là làm bằng quả me đâu!”.

Đồng âm phương ngữ – toàn dân

Lúc sau, chú mang đến cân giò, không phải làm bằng quả me, mà bằng… thịt bê. Hóa ra ở vùng quê chú ấy, con bê được gọi là con me và giò bê gọi là giò me!

Lần giở từ điển, tôi mới biết có nhiều từ me đồng âm, trong đó, quen thuộc nhất, me là “loại cây thân gỗ, lá kép lông chim, quả dài, có vị chua, ăn được”.

Ngoài ra, còn có những từ me khác với các nghĩa: dùng để xưng gọi tương tự như “mẹ” / “người đàn bà Việt Nam vì tiền mà lấy người phương Tây thời trước (hàm ý coi khinh)” thì gọi là “me Tây, me Mỹ”/ “đánh me” là một kiểu đánh bạc thời trước / “canh me” là canh chừng, trông chừng / “con me” là con bê…

Hiện tượng đồng âm giữa từ toàn dân và từ địa phương (phương ngữ) gây ngộ nhận khi giao tiếp như trên trong từ vựng tiếng Việt đã dẫn đến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Như câu chuyện anh chàng Bắc Bộ đến chơi nhà bạn ở xứ thần kinh, thấy con chó to lớn bất ngờ xồ ra nhe răng dữ tợn, sủa ầm ĩ, hoảng quá hét toáng lên.

Cậu bạn gia chủ lại thư thả đi ra, điềm nhiên cười bảo: “Con chó không có răng mô!”. Anh phản đối: “Nó cắn ầm ĩ, nhe răng tùm lum như thế mà ông lại bảo không có răng?”.

Hóa ra trong phương ngữ miền Trung, “răng” có nghĩa là “sao”, đồng âm với từ “răng” toàn dân chỉ “phần xương cứng, màu trắng, mọc trên hàm, dùng để cắn, giữ và nhai thức ăn”.

Còn từ “cắn” thuộc phương ngữ miền Bắc mà anh dùng thì đồng nghĩa với từ toàn dân “sủa” và đồng âm với từ “cắn” toàn dân với nghĩa “giữ và siết chặt bằng răng hoặc giữa hai hàm”.

Đồng âm thuật ngữ – toàn dân

Thêm một chuyện khác, vào mùa hè năm 2002, trường tôi chở học sinh đi tham dự Festival học sinh dân tộc thiểu số ở Pleiku trên chiếc xe cà tàng 45 chỗ, sau chuyến đi ấy về là xe “nghỉ hưu” vì đã hết niên hạn sử dụng.

Xe qua trạm kiểm soát ở ranh giới giữa hai tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk, thấy cạnh đường chính có con đường khác song song, treo tấm biển “Đường dành cho xe quá khổ, quá tải”. Bé gái nhà tôi năm ấy lên 10 cũng đi theo đoàn, buột miệng: “Đường ấy dành cho xe quá nghèo khổ, như xe của mình đây hả ba?”.

Cả xe bật cười vì thắc mắc ngây thơ của cháu. Ở đây đã diễn ra trường hợp nhầm lẫn giữa hai yếu tố / từ đồng âm “khổ” trong từ khổ cực, nghèo khổ với “khổ” trong từ khuôn khổ và quá khổ, quá tải là thuật ngữ chuyên ngành giao thông.

Về thuật ngữ, còn có nhiều từ khác đồng âm dễ gây nhầm lẫn như “chân vịt” tàu thủy đồng âm với “chân vịt”, một bộ phận của con vịt – loài thủy cầm mỏ dẹp, chân ngắn quen thuộc.

Hoặc như từ “cánh gà” sân khấu đồng âm với “cánh gà” – bộ phận của con gia cầm mỏ nhọn quen thuộc, nguyên liệu chính của món cánh gà chiên nước mắm thơm phức đậm đà, khoái khẩu.

Hoặc “con chuột” cơ bắp tay (brachii) lại đồng âm với “con chuột” mõm nhọn, đuôi dài. Từ này còn đồng âm với “con chuột” máy tính; và còn nhiều từ đồng âm dễ gây nhầm lẫn khác như “con sò” trong máy khuếch đại âm thanh (amply) với “con sò” là loài trai biển.

Ngẫm ra, tiếng Việt mọi vùng miền trên đất nước ta tiềm ẩn bao điều thú vị, góp phần tạo nên vốn ngôn ngữ đặc sắc, những nét văn hóa độc đáo, phong phú.

 

Nguồn Báo Tuổi Trẻ

Dương Thanh đăng bài