Nhà văn Larry Heinemann
Huế, buổi sáng tháng 3/2012. Diễn đàn văn học Việt – Mỹ sắp kết thúc. Một người đàn ông trạc độ tuổi trên 60, mái tóc dài bạc trắng đứng thất thần, đơn độc ở một góc sảnh khách sạn. Những dòng nước mắt lặng lẽ tuôn trên khuôn mặt hồng hào và phúc hậu của ông. Tôi đến cạnh, đặt tay lên vai ông: “Ông sao thế, Larry?”. Larry quay sang tôi, sự đau đớn trên khuôn mặt ông làm tôi thảng thốt: “Tôi sắp trở lại nghĩa trang Trường Sơn. Tôi sẽ đi thăm mười nghìn ngôi mộ. Mười nghìn ngôi mộ, cô có biết không?”
“Mười nghìn ngôi mộ, cô có biết không?”. Ông tiếp tục hỏi, đôi mắt xanh thẳm nhìn xoáy vào tôi. Hai bàn tay chắc nịch đặt trên vai tôi. Những giọt nước mắt lăn, lăn mãi.
“Cố gắng lên, Larry, ông sẽ bình an thôi mà”. Tôi vỗ về ông, nhưng biết rằng mình đang nói dối. Larry Heinemann chưa bao giờ bình an trong suốt 44 năm nay, kể từ khi ông rời cuộc chiến Việt Nam vào năm 1968. Những cơn ác mộng về thời gian ông tham chiến cùng Sư đoàn bộ binh số 25 tiếp tục là những con rắn quẫy đạp trong cơ thể ông, nhả nọc độc, không cho phép ông thanh thản.
Năm 2010, khi sang Việt Nam để ra mắt tiểu thuyết Chuyện của Paco, do dịch giả Phạm Anh Tuấn chuyển ngữ và nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành, Larry đã dặn tôi rất kỹ: “Cô đọc sách và cho tôi biết cảm nhận nhé. Tôi cũng nhờ cô theo dõi văn đàn, nếu có ai phản hồi gì về Chuyện của Paco ở Việt Nam, mong cô cho tôi biết ngay. Tôi rất hồi hộp chờ đợi phản ứng của các độc giả Việt Nam, nhất là những nhà văn người lính Việt Nam”.
Tôi đã nâng niu Chuyện của Paco từ đó đến nay, và đã mua cả phiên bản tiếng Anh gốc của nó để đọc và suy ngẫm, để chia sẻ phần nào nỗi đau và tâm sự của Larry. Mỗi lần đọc, tôi lại bật lên tiếng chửi đổng hoặc lặng lẽ rơi nước mắt. Với giọng văn giận dữ, nổi loạn và vô cùng cay nghiệt, Larry Heinemann đã khắc họa lên cái thế giới ngồn ngộn, phức tạp, đau đớn của Paco Sullivan, một người lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, đã bị thương nặng, và đã suýt chết. Paco trở về Mỹ, lang thang như một bóng ma và tìm đến một thị trấn nhỏ bé có tên gọi là Boone, làm công việc rửa bát để sống qua ngày. Nhưng những hồn ma của chiến tranh vẫn bám riết lấy Paco và những mối quan hệ mơ hồ của Paco ở thị trấn Boone được thuật lại một cách trần trụi, khốc liệt và đau đớn nhất qua lời kể của những hồn ma đó.
Larry Heinemann đã mất tám năm trời ròng rã để thai nghén và khai sinh ra Chuyện của Paco. Với tiểu thuyết này, ông đã đánh bại Tony Morison – nhà văn Mỹ được giải Nobel năm 1992 – để giành Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ năm 1987. Chuyện của Paco đã chấn động văn đàn Mỹ và châm ngòi cho những cuộc tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Dường như, chiến tranh đã chọn Larry Heinemann và bắt ông phải viết về nó. Larry tâm sự với tôi rằng, trước chiến tranh, ông chưa từng có mong muốn trở thành nhà văn. Năm 1968, ông giải ngũ, trở lại trường học, và chẳng biết mình muốn làm gì. Tham gia một lớp học viết văn, đêm đầu tiên đến lớp, ông trải lòng rằng mình vừa trở về từ cuộc chiến, và muốn viết về nó. Rồi thầy giáo tìm gặp ông ngay sau đó, trao cho ông hai quyển sách Trường ca Iliad và Chiến tranh và Hoà bình. Thầy bảo ông rằng: “Muốn viết về chiến tranh, hãy đọc hai quyển sách này”. Và Larry đã nghiền ngẫm hai quyển sách ấy, rồi lùng sục và đọc tất cả những tác phẩm văn học viết về chiến tranh mà ông có thể chạm tay tới. Ông dành một năm trời để ngấu nghiến các tác phẩm văn học Mỹ, Anh, Đức, Nga…, vừa đọc vừa nghĩ: “Làm thế nào mình có thể viết hay hơn thế này được?”
Thú nhận rằng mình “chưa bao giờ là một học sinh giỏi”, Larry Heinemann cũng tập trung nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình trước khi thực sự bắt tay vào sáng tác. Ông học từ những quyển sách văn phạm tiếng Anh, từ những những quyển từ điển dày cộp nhằm hoàn thiện ngữ pháp, chính tả và cách ngắt câu. Ông ý thức rằng: “nếu cách kể chuyện không hấp hẫn, chẳng ai sẽ đọc nó cả”. Sau tám năm trời ròng rã, ông mới viết xong quyển tiểu thuyết đầu tay mang tên Close Quarters (Giáp lá cà), về chủ đề chiến tranh Việt Nam. Quyển tiểu thuyết thứ hai Paco’s Story (Chuyện của Paco), cũng về chiến tranh Việt Nam, hoá ra chẳng dễ hơn chút nào, và ngốn mất 8 năm tiếp theo của cuộc đời ông. Với tiểu thuyết này, ông trăn trở để thực hiện một cú đột phá trong cách sáng tác, để vượt qua cái bóng của quyển tiểu thuyết thứ nhất.
Và ông đã thực sự thành công. Mỗi lần đọc Chuyện của Paco, những dòng máu đỏ tươi, nóng hổi ứa sang tôi từ những trang sách. Chữ của Larry cuốn xiết tôi đi. Tôi nếm thấy vị tanh tưởi và đắng ngắt của chiến tranh, vị mặn của máu và nước mắt. Tôi cảm thấy những nỗi ê chề và nỗi đau sâu thẳm của nhân vật như những mũi dao xoáy vào da thịt. Khi tôi hỏi ông Larry về cảnh lính Mỹ hãm hiếp tập thể một người con gái Việt Cộng trong tiểu thuyết này, Larry đăm đắm suy tư: “Hậu quả của một cuộc chiến luôn luôn xấu xí. Chẳng có một ngoại lệ nào cả. Sự xấu xí đó không thể chối bỏ được và chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ “kinh hoàng”. Đó là những giây phút trong cuộc đời một người lính mà chúng tôi phải nhớ, bị ám ảnh, và thật buồn là chúng ăn sâu vào da thịt chúng tôi. Tôi viết về vụ lính Mỹ hãm hiếp một cô gái Việt Cộng vì tôi muốn viết một câu chuyện về số phận con người khác với các nhà văn khác, và liệu việc hãm hiếp hoặc giết người ấy có xảy ra hay không, điều đó không quan trọng. Sự thật là, thỉnh thoảng vẫn có người buộc tội tôi là kẻ hiếp dâm, hoặc họ buộc tội tôi đã thực hiện tội ác chiến tranh, và đã giết cô gái ấy. Tôi xem những ý kiến buộc tội ấy là lời khen ngợi dành cho tác phẩm của tôi. Vụ cưỡng hiếp, tất nhiên là một điều khủng khiếp, và tôi nghe kể rằng những việc như thế đã thực sự xảy ra…”
Chắc chắn rằng Larry đã phải sống lại, đã phải vắt mình cho sự sáng tạo, và đã phải đau đớn tột cùng để viết ra những điều thật đáng kinh tởm trong Chuyện của Paco. Nhưng đáng buồn thay, ông vẫn phải trả giá cho sự bộc trực và thẳng thắn của mình. Có một lần, khi ông trình bày tác phẩm ở trường đại học Wisconsin, một giáo sư sử học đã tuyên bố: “nếu tôi gặp Larry Heinnemann ở sân bay trước đó, tôi đã nhổ vào mặt hắn”. Chính vì Larry đã viết về chiến tranh quá thật, quá sống động, người ta hoàn toàn tin rằng ông chính là một trong những tên lính Mỹ đã cắt tai những người lính Việt Cộng rồi xuyên thành từng chùm để làm đồ chơi và đồ trang trí. Người ta tin rằng ông là người đã cứa cổ những người lính cộng sản, cười hả hê khi máu phọt ra. Người ta tin rằng ông là một trong những tên lính đã thay nhau hãm hiếp một người con gái một cách man rợ, và giết chết cô ấy một cách không thương tiếc, như trong Chuyện của Paco. Vì thế, người ta tin rằng, ông xứng đáng được “nhổ vào mặt”.
Nhưng Larry không hề nao núng. Trong một lá thư điện tử gửi cho tôi gần đây, ông viết: “Chiến tranh quyết định phong cách viết của tôi; tôi không bao giờ né tránh những câu chuyện có thể làm người khác tức giận, chỉ vì họ không thể đối đầu với chủ đề nào đó. Người ta thường bàn về cách viết lỗ mãng của tôi, điều đó cũng tốt thôi. Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng không bao giờ được bỏ qua một điều gì cả.”
Larry Heinemann cho tôi biết rằng tuy trở về từ cuộc chiến 44 năm rồi, không ngày nào trôi qua mà ông không nghĩ về nó. Ông đau đớn thú nhận rằng ông “là kẻ đồng loã với một tội lỗi lớn”. Vào năm 1990, khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên, ông đã đem theo những huân, huy chương, phù hiệu mà ông đã nhận được từ quân đội và chính phủ Mỹ. Ông muốn để chúng lại Việt Nam và Nghĩa trang Trường Sơn là địa điểm mà ông đã chọn. Trong một giây phút rất riêng tư, ông tìm thấy mộ của một người lính Việt Cộng sinh cùng năm với ông và hy sinh năm 1968. Ông đã đứng lặng ở đó hồi lâu, nghĩ về cuộc đời của cả hai người, rồi lặng lẽ đặt tất cả huân, huy chương, phù hiệu của ông lên nấm mộ đó.
Trong lần trở lại nghĩa trang Trường Sơn gần đây, vào tháng 3/2012, ông lặng lẽ đi giữa những hàng mộ trắng, và chìm đắm trong một nỗi buồn và nỗi đau khổ vô tận. Ông thì thầm trò chuyện với những con người đã ngã xuống như thể họ là những người bạn của ông. Khi thăm thành cổ Quảng Trị, trời ẩm ướt, lạnh lẽo, mưa dai dẳng. Ông nói với tôi sau này: “Tôi thề rằng tôi có thể cảm thấy những tiếng thét và từng nỗi đau từ từng ngọn cỏ, từng thớ đất”. Nhưng không chỉ ở đây, trên mảnh đất Quảng Trị mà Larry mới nghe những tiếng thét và thấm thía được nỗi đau: nhiều đêm, ông vẫn phải trải qua những cơn ác mộng kinh hoàng, mà không bằng cách nào ông có thể thoát khỏi chúng.
Những người bạn của Larry biết rằng bóng ma của chiến tranh không những không buông tha ông, mà còn bám chặt lấy gia đình ông. Anh trai của Larry đã tham gia chiến tranh và đã tự tử khi trở về nhà. Em trai út của Larry, có tên là Philip, cũng bị điều động đến Việt Nam, chiến đấu gần khu quân sự dọc sông Đông Hà. Năm 1971, Philip trở về nhà, và cãi nhau với Larry kịch liệt, vì không bất đồng quan điểm về chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1983, hai anh em không thể nhìn mặt nhau nữa, và không hề nói chuyện với nhau trong 10 năm nay. Gần đây, vào ngày 27/3/2012, Philip chết vì viêm phổi tại một trại chăn ngựa. Larry đã đến nơi ở của em trai ông, và suy sụp khi biết rằng Philip đã sống một cuộc đời vô cùng nghèo khó. Tất cả tài sản của em ông là một chiếc giường, một cái ghế, một chiếc Ti vi và vài bộ quần áo. Em ông đã không thèm đòi tiền trợ cấp từ Hội cựu binh Mỹ để đền bù cho những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Cái chết của Philip đã làm Larry rơi vào vực thẳm của sự trầm cảm. Tôi biết dù hai anh em đã cãi nhau kịch liệt và không nhìn mặt em, Larry đã yêu em trai của mình với tất cả trái tim. Thật đau đớn cho ông, chiến tranh Việt Nam đã chia rẽ hai anh em trong cuộc sống, và trong cả cái chết.
Larry nói với tôi rằng, niềm an ủi lớn nhất của đời ông là những đứa con. Chúng lớn lên ở một nước Mỹ đầy bạo lực, nhan nhản các vụ bắn giết và ai ai cũng có quyền sở hữu súng ống. Nhưng Larry nhất quyết không để một khẩu súng nào lọt vào nhà ông. Ông chú trọng việc nuôi dạy con sao cho chúng biết quan tâm, sẻ chia với người khác, và quan trọng hơn cả là không sử dụng bạo lực. Ông đưa các con ông đến Việt Nam, để chúng trân trọng con người, văn hoá, món ăn và âm nhạc của một đất nước đã trở thành máu thịt của ông.
Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi khuôn mặt ửng đỏ vì xúc động của Larry, khi chia tay tôi vào tháng 3 vừa rồi ở Huế. Ông bảo rằng giờ đây, mỗi khi đặt bút viết về chiến tranh Việt Nam, ông đau đớn không chịu nổi. Vì thế các tiểu thuyết gần đây của ông sẽ không đề cập đến chiến tranh Việt Nam nữa. Rồi ông đọc những câu thơ đã viết tặng cháu của mình: Sau đây, mùi trẻ thơ/ của tóc Clementine/ sẽ ấm môi tôi/ khi tôi hát những lời ru cháu./ Không còn trông xuống nữa, chiến hữu ơi/ trông xuống nơi chỉ toàn thịt nát xương rơi/ Không còn như thế nữa. (Clementine I, bản dịch của Nguyễn Chí Hoan).
Chuyện của Paco đã được tái bản nhiều lần trên đất Mỹ, được phát hành đến nhiều quốc gia và được bạn đọc thế giới đón nhận. Bây giờ, cầm bản dịch tiếng Việt của nó trên tay, đọc con số phát hành 1.000 cuốn, tôi chợt cảm thấy chạnh lòng. Không biết ở Việt Nam, những ai đã thực sự đọc Chuyện của Paco để cảm nhận được vẻ đẹp nhân bản của nó, để thấm thía được gan ruột của một cựu chiến binh, một người đã phải trả giá bằng cả cuộc đời mình cho một năm tham chiến ở Việt Nam, và vẫn đang phải tiếp tục trả giá?
Nguồn: Văn nghệ