Trên thế giới có không ít tự truyện, thậm chí cả tiểu thuyết khai thác phần “bếp núc” âm thầm thậm chí đến cô độc trong lao động nhà văn (LĐNV). Ở Việt Nam ta cũng đã có những cuốn tiểu luận về nghề như của Ma Văn Kháng.


Tuy nhiên, LĐNV chưa bao giờ là công việc dễ dàng, có phần âm thầm và cực nhọc, ngay cả trong thời công nghệ. Nhân ngày quốc tế lao động 1-5, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết cho một câu hỏi chung về những thách thức của việc cầm bút hôm nay.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Nhà văn luôn luôn bí ý tưởng mới


Thời nay, có quá nhiều đề tài để nhà văn có thể khai thác, chỉ có điều anh có đủ tài viết được không. Nhà văn luôn luôn bí về ý tưởng mới, làm sao để thể hiện điều mình suy nghĩ, chuyển tải một cách có cá tính, có dấu ấn cá nhân mới là khó. Văn chương giờ khá thu hẹp về người đọc. Đôi khi có những cuốn sách văn học in 1.000 bản mà thấy chạnh lòng cho nhà văn. Tất nhiên, nhà văn thích thì vẫn viết, day dứt thì vẫn viết thôi. Bản thân tôi coi viết văn là một lao động tự thân, giữ thói quen viết thong thả chả có gì phải sốt ruột và nhất là vẫn viết tay chứ không dùng máy tính. Thật ra viết được bằng máy tính nhanh hơn nhưng có lẽ cái tạng tôi nó viết thế mới hợp và chậm cũng có cái hay của nó.

Lao động nhà văn: Âm thầm và cực nhọc

Nhà văn Y Ban: Công nghệ tiện ích dẫn đến sự lười biếng trong tư duy


Trước đây, lao động của nhà văn nặng nhọc lắm. Đa số nhà văn thời trước mới bước vào nghề đều phải viết giấu giếm, xấu hổ vì nghề viết còn mông lung, xa xôi. Năm 1989, tôi ở cùng bố mẹ ở Khu tập thể Trường Y Nam Định, thường phải cố đợi bố mẹ ngủ mới dám viết, trong ngọn đèn yếu ớt và đàn muỗi vo ve quanh mình. Bố tôi làm nghề y thấy tôi vốn gầy gò lại đêm hôm viết lách thế thì chỉ sợ ho lao sớm.

Thời đó, cũng không có công cụ tra cứu nhiều, nên tôi thấy nhà văn thường phải đọc kỹ về các lĩnh vực mình đề cập tới. Kiến thức nền tảng là vô cùng quan trọng với đa số tác giả thời ấy. Nay, công nghệ phát triển tiện lợi khiến cho việc viết lách dễ dàng hơn, chưa kể “cái gì không biết là tra google” dễ dẫn đến sự lười biếng trong tư duy, lao động sáng tạo của người viết. Còn thấy nhiều tác phẩm na ná nhau, thậm chí có cả sự lấy cắp ý tưởng thông qua việc “tham khảo” từ internet.

Dù là viết hay hay dở nhưng mỗi tác giả cần luôn là một hằng số với nét riêng không thể trộn lẫn của mình. Con đường mà nhà văn tự khai phá mới là con đường có nhiều hoa thơm cỏ lạ…

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn: Năng khiếu không đủ bảo hiểm đường đi của nhà văn


LĐNV tập trung ở điểm trước và trong khi viết tác phẩm. Trước khi viết, nhà văn thường phải tích lũy, từ tri thức đến vốn đời sống. Không hiếm người viết tự “ăn” dần mình vì đã lờ đi việc đọc sách vở, việc nghiền ngẫm cõi nhân gian mà anh ta đang có mặt, thậm chí, cả việc lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ nội tâm của mình. Mươi năm trở lại đây, nhiều chủ nhân giải Nobel văn học đồng thời là giáo sư đại học, nghĩa là ngoài sáng tác, họ còn nghiên cứu, dịch thuật. Nỗ lực xây dựng căn nền hiểu biết rộng rãi, chắc chắn của họ hoàn toàn khác với cái mà văn nhân Việt rất hay dựa dẫm vào là năng khiếu. Tôi không tin chỉ với vốn năng khiếu lấp lánh nào đó có thể bảo hiểm đường đi lâu dài của nhà văn.

Trong khi viết, mỗi nhà văn đều sẽ có một bộ “quy tắc” lao động riêng. Các nhà văn lớn đa phần lao động vất vả, nghiêm cẩn đến từng câu từng chữ. Tôi e là một vài nhà văn trẻ hiện nay đã bị sự câu thúc của thị trường sách vở, bị vẻ râm ran của văn đàn chèo kéo nên cứ viết nhanh, in vội. Danh hiệu nhà văn đôi khi còn nằm ở những tác phẩm để trong ngăn kéo. Còn nếu không thế, sẽ thuộc về cái cách anh ta chống lại sự nhạt nhòa, thường thường bậc trung của mình như thế nào.

Nhà văn Lưu Sơn Minh: Lao động nhà văn là độc lập và hoàn toàn cô độc


Viết văn chưa bao giờ là một công việc nhẹ nhàng. LĐNV là một thứ lao động độc lập – chính xác hơn là hoàn toàn cô độc. Tôi chỉ viết khi cảm thấy mình thực sự muốn viết, thực sự bị tác phẩm và nhân vật thôi thúc. Thà như thế còn hơn ngồi viết một cách máy móc để tạo ra những sản phẩm thuần túy vì “cứ đến giờ nhất định là phải ngồi vào viết”. Tôi không tin vào những thứ cảm hứng “đến vào đúng giờ quy định”.

Thời đại này, nhà văn có thể dễ dàng dập xóa hay sửa chữa một văn bản chứ không khổ sở vất vả như trước. Ngoài điều đó ra, chẳng có gì khác biệt cho lắm khi nói về lợi thế của nhà văn trẻ. Yếu tố thời cuộc luôn ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm và đề tài của người viết. Tôi cũng không thấy việc nhà văn trẻ sa vào “thời sự hóa” tác phẩm có nguy cơ gì nếu tác phẩm mà họ viết ra vẫn ổn…

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Giữa bộn bề lựa chọn, nhà văn rất dễ mất phương hướng


Đã là nhà văn thì thời nào cũng có áp lực. Và song song với áp lực luôn là cơ hội. Thời trước bom đạn, loạn lạc, li tán khiến nhà văn phải sống trong sự vận động bất thường ấy. Nhưng đó cũng là những trải nghiệm quý cho ngòi bút, là chất xúc tác cho những sáng tác cho sáng tạo. Còn hôm nay, nhà văn được tận hưởng nhiều tiện ích do thời đại mang lại nhưng giữa bộn bề của những khủng hoảng lựa chọn nhà văn cũng rất dễ mất phương hướng. Tác động lớn nhất là sự phân hóa ghê gớm trong bạn đọc. LĐNV trong tương quan của xã hội thời nào cũng cực nhọc như nhau.

Cá nhân tôi thì thấy khó nhất là về thời gian để viết. Chúng ta có quá nhiều chức trách, bổn phận phải gánh trên vai. Việc viết nhiều khi bị băm xẻ bởi những thứ ấy.

Theo Thi Thi – Hà Nội mới