Sáng 8/8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ XII nhiệm kì 2015-2020. Đại hội ghi nhận sự tham gia của 335 hội viên và dự kiến kết thúc vào chiều 9/8.


Đoàn chủ tịch và thư kí của đại hội

Những thành tựu, bài học từ nhiệm kì cũ

Đây là đại hội được mong chờ bởi theo kế hoạch, đại hội đáng lẽ đã diễn ra từ năm 2016. Tính đến tháng 12/2016, Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) có 644 hội viên. Trong nhiệm kì cũ, hội đã phát triển thêm 161 hội viên mới.

Trong nhiệm kì cũ, hội tập trung vào các hoạt động sau: mở trại sáng tác; tổ chức hội thảo, toạ đàm, kỉ niệm (trong đó nổi bật là Hội nghị những người viết văn trẻ lần hai sau 22 năm gián đoạn); tổ chức xem phim, kịch có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học; tổ chức dã ngoại, thực tế sáng tác; sinh hoạt chuyên đề (từ năm 2013 đến nay đã có 39 chuyên đề); trao giải thưởng cho 24 tác phẩm xuất sắc; hỗ trợ xuất bản, sáng tác; sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học nữ Hà Nội.

Thay mặt BCH đọc báo cáo tài chính, nhà thơ Bùi Việt Mỹ đã thông báo về việc đóng hội phí của hội còn rất ít người tham gia. Bởi 5 năm qua, HNVHN mới chỉ có 82 hội viên đóng hội phí. Các hoạt động đều chi theo kinh phí của Nhà nước.

Trong báo cáo trình bày tại đại hội, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, trong đó Ban chấp hành (BCH) đã thẳng thắn chỉ ra những việc chưa làm được cùng những khuyết điểm còn tồn tại như: công tác phát triển hội viên còn chưa nghiêm túc, chặt chẽ, còn theo số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng; định hướng giải thưởng chưa chuẩn xác, chưa chú ý đúng mức tới việc khuyến khích tác phẩm của các hội viên; BCH có lúc còn có biểu hiện tuỳ tiện, không đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; không ít hội viên nhiều năm không tham gia sinh hoạt hay đóng hội phí; chưa phát huy thế mạnh mối quan hệ công tác ra bên ngoài.

Việc kiểm phiếu kéo dài đến 18g30 ngày 8/8

Các đề xuất cho nhiệm kì mới

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa ra 7 kiến nghị, giải pháp trong việc nâng cao hoạt động sáng tác: mở rộng cơ chế giải thưởng hàng năm, cần có thêm giải thưởng cho văn học nữ, văn học thiếu nhi và tác phẩm văn học viết về Hà Nội; HNV sẽ xem xét đầu tư xuất bản cho các bản thảo chất lượng tốt của hội viên gửi về; tập trung xét giải cho các hội viên; duy trì các buổi sinh hoạt chuyên đề, tập trung phân tích các tác phẩm của các hội viên; tổ chức các buổi bổ trợ, phổ cập kĩ năng sáng tác các thể loại; vận động xã hội hoá tìm nguồn kinh phí hoạt động; đặt mục tiêu cho các chuyến đi thực tế để đảm bảo hiệu quả sáng tác.

Đa số các hội viên đều thống nhất với đề xuất giải thưởng của HNVHN nên trao cho các hội viên của hội để động viên hội viên sáng tạo. Và cần có hình thức kỉ luật của hội là khai trừ hội viên với các trường hợp đạo thơ, văn.

Đại biểu là nhà văn Phương Liên và Phương Nga cho rằng hội chưa chú trọng đến mảng văn học thiếu nhi nên trong nhiệm kì tới, HNVHN cần chú trọng đến mảng này để đảm bảo tính công bằng cho các thể loại.

Nhà văn Lê Đức Minh cho rằng rất cần thiết phải có các cuộc thi chuyên đề để nâng cao trách nhiệm sáng tác của các hội viên.

Dịch giả Lê Bá Thự đề xuất việc tăng số giải cho mỗi thể loại của giải thưởng HNVHN. Ông còn cho rằng cần xét cả các tác phẩm xuất sắc của các thành viên hội đồng chấm giải nếu các tác phẩm thực sự xuất sắc.

“So bó đũa chọn cột cờ”

Đại hội đa số thống nhất nhiệm kì 2015-2020, BCH HNVHN sẽ có 11 uỷ viên. Quá trình đưa ra danh sách hội viên khiến cho đại hội có nhiều ý kiến trái chiều bởi nhiều nhà văn không đồng ý với danh sách của BCH với các lý do như: ứng viên lớn tuổi, người không có mặt vẫn có trong danh sách hay BCH cũ đã xin rút nhưng vẫn có tên trong danh sách bầu cử.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNV Việt Nam cho rằng “Văn chương không như những ngành nghề khác, không phụ thuộc lứa tuổi, nhưng làm lãnh đạo văn nghệ rất khó. Cần lãnh đạo mà như không lãnh đạo và chọn được những người hết lòng vì hội”. Ông cũng mong HNVHN quan tâm đóng góp vào hoạt động chung của HNV Việt Nam trong thời gian tới.

BCH HNVHN làm việc không lương nhưng cần lựa chọn những người tâm huyết, có sức khoẻ, uy tín chuyên môn và có điều kiện thời gian. Đó là những yêu cầu ban đầu ghi trong bài học kinh nghiệm có trong báo cáo của đại hội. Đây là những yêu cầu xác đáng, tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn để lựa chọn người phù hợp bởi chính đại hội cũng ghi nhận những ý kiến trái chiều khi nghi ngờ BCH thiếu minh bạch trong việc đề cử ứng viên.

Đoàn chủ tịch đã giải đáp thắc mắc cho các hội viên cùng với sự tư vấn bầu cử từ đại diện Sở Nội vụ để thống nhất danh sách gồm 22 ứng viên có mặt và đồng thuận được đề cử. Từ danh sách này, đại hội sẽ bầu ra 11 uỷ viên BCH nhiệm kì 2015-2020.

Ban bầu cử được Đại hội biểu quyết gồm 21 nhà văn do nhà văn Nguyễn Thụ là Trưởng ban. Với số phiếu phát ra 335 phiếu, số phiếu thu về 335 phiếu, số phiếu hợp lệ 314 phiếu, số phiếu không hợp lệ 21 phiếu. Kết quả số phiếu bầu cử Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội khóa XII, nhiệm kỳ 2015-2020: 8 người có số phiếu bầu quá bán (căn cứ theo số phiếu hợp lệ là 314 phiếu) trúng cử vào BCH Hội Nhà văn Hà Nội.

Danh sách cụ thể như sau: nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là người có số phiếu bầu cao nhất (224 phiếu), nhà thơ Trần Hữu Việt (220 phiếu), nhà phê bình văn học Nguyễn Sĩ Đại (193 phiếu), nhà thơ Bùi Việt Mỹ (186 phiếu), nhà thơ Trần Quang Quý (176 phiếu), nhà văn Y Ban (172 phiếu), nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (169 phiếu), nhà thơ Trần Gia Thái (165 phiếu).

Như vậy, đại hội đã không chọn ra đủ 11 ủy viên như mong muốn, tuy nhiên với sự nhất trí cao của đại hội, các đại biểu đa số biểu quyết không bầu lại lần thứ hai.

Ngày mai, đại hội tiếp tục làm việc và bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội.

THU OANH

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version