Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

Gồm các truyện ngắn sau:

– Chợ ký ức

– Lặng yên sau cơn mưa

– Gió bên bờ vịnh

– Ngụ ngôn tháng Tư

– Tiếng rền của đá

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

Sinh ngày 7/4/1984 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Hiện đang công tác tại trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh

Tác phẩm đã xuất bản:

Ngụ ngôn tháng Tư – Tập truyện ngắn-  NXB Dân trí. 2019

 Linh mộc – Tập truyện ngắn-  NXB Dân trí. 2022

Giải thưởng:

+ Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Bình Định

+ Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

+ Giải Ba cuộc thi Thương nhớ miền Trung báo Thanh Niên

+ Giải Khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn Sống đẹp báo Thanh Niên

 + Giải Nhì cuộc thi Truyện và ký Tạp chí Hồng Lĩnh.

+ Giải C của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam + Giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII .

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh

Nhận định của nhà văn Uông Triều:

“Trần Thị Tú Ngọc viết văn chưa lâu nhưng nhanh chóng chứng tỏ mình là cây bút chuyên nghiệp. Văn của Tú Ngọc chắc chắn, vững vàng, đa dạng về đề tài, bút pháp, kể cả có những thử nghiệm mới mẻ. Pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo là một kiểu viết của Trần Thị Tú Ngọc, sự đan trộn này thường làm mới lại những câu chuyện truyền thuyết và vẫn neo bám vào hiện tại, nó giống như một bức tranh mờ ảo nhưng vẫn thấy được những đường nét của cuộc đời thực”

Nhân định của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là thử thách ngay cả với những nhà văn thuộc lực lượng vũ trang hay từng có những năm tháng sống đời sống quân ngũ, nhất là khi chiến tranh ngày càng lùi xa, và những trang viết về đề tài này ngày một dày lên theo năm tháng với những sáng tạo tìm tòi phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức từ người viết các thế hệ. Nhưng một điều đáng mừng là vẫn có những người viết trẻ dành tâm huyết cho đề tài.

Mỗi nhà văn có một cách đi thực tế khác nhau, nhưng với Trần Thị Tú Ngọc, có vẻ những chuyến xâm nhập vào đời sống thường lập tức trở thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm.

Nhân định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đã mang tới cho tôi một không gian bàng bạc, xa xăm, mộng mị nhưng cũng khiến tôi tìm thấy những vẻ đẹp xác thực của đời sống con người trong cách kể chuyện rất tài hoa và xúc động nao lòng. Chính vì cách đó mà tôi cảm thấy những người đã mất vẫn trở về trọn vẹn. Nghệ thuật đã thật sự làm sống lại những gì đã chết bằng quyền năng kỳ lạ của nó”

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc tâm sự:

Trong hiện thực cuộc sống vô cùng rộng lớn, mỗi nhà văn sẽ lựa chọn một số đề tài phù hợp nhất với thiên hướng của mình. Tôi vốn là một người hơi hoài cổ, vì thế ban đầu truyện ngắn của tôi chủ yếu viết về lịch sử. Khi mở rộng biên độ sáng tác, sự thật là chính bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi mình thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng, mảng đề tài đầy thách thức với người viết trẻ. Tôi nghĩ rằng đây là đề tài khó nhưng nếu càng theo đuổi, bạn sẽ càng phát hiện ra nhiều tầng vỉa vô cùng quý giá.

Khá nhiều bạn viết văn khi gặp gỡ đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi là một giáo viên địa lí. Tuy nhiên cần phải nói rằng chính sự am hiểu về chuyên môn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tạo bởi công việc này đòi hỏi phải có vốn hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế của mọi vùng đất trên thế giới. Những tư liệu và trải nghiệm tích lũy được đã để lại dấu ấn đậm nét trên từng trang viết của tôi.

LẶNG YÊN SAU CƠN MƯA

Lời bình của nhà văn Lê Hoài Lương:                          

“Có một thế hệ thứ ba sau chiến tranh yêu nhau, như Phương và Duy. Còn ông nội họ là những người của thời cuộc, dân hoặc người lính phía bên kia, trong một trận càn, một cuộc thảm sát ngôi làng có phía đối địch chiếm giữ. Tất cả được lưu lại từ những bức ảnh chân thực của người nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng.

Có người lính thực hiện mệnh lệnh của cấp trên một cách lạnh lùng, cuộc bắn giết.

Có người lính tìm cách cứu giúp dân lành. Có bức ảnh thành tác phẩm tố cáo tội ác chiến tranh. Có tác phầm không thể công bố vì phản ánh ý nghĩa ngược lại. Xét cho cùng, tới thế hệ thứ ba, những vấn đề hậu chiến, những nạn nhân của chiến tranh cũng âm thầm đọng lại. Như bà nội Duy, mất chồng, ba và bác Duy, các cô Duy, gia đình tan hoang, ly tán. Như gia đình Phương gần chết sạch sau trận càn.

Và tình yêu của Duy, Phương… Cả người nghệ sĩ nhiếp ảnh không muốn nhớ lại những gì đàng sau mỗi bức ảnh.

Viết về chiến tranh, về hậu chiến trong văn chương Việt rất nhiều. Truyện ngắn “Lặng yên sau cơn mưa” của Trần Thị Tú Ngọc vẫn tìm thấy một góc nhìn khác, một cách khai thác khác. Những bức ảnh thời sự chiến trường và số phận con người từ cái làng Mỹ Phụng, mấy chục năm sau.

Từng hồi ức, hiện tại cứ đan xen nhau, như những đoản khúc buồn. Những đoản khúc đầy nhạc tính, như tiếng đàn từ cây đàn kỷ vật cũ kỹ bập bùng giai điệu buồn. Như màu hoa tử đinh hương trong mưa. Như chứng nhân – người nghệ sĩ nhiếp ảnh lừng danh giờ bệnh tật, bao năm muốn chôn kín một vùng ký ức từ những bức ảnh đã công bố và không công bố.

Câu chuyện tình của hai người trẻ rồi sẽ có cái kết như một niềm hy vọng hay không, đó là câu hỏi còn để ngỏ. Nhưng cái “lặng yên sau cơn mưa”, cơn mưa mùa dai dẳng, cơn mưa thời cuộc còn âm thầm để lại di chứng khó phai nhòa trong mỗi số phận người, là cái day dưa còn lại từ một thiên truyện thật buồn, và đẹp. Vẻ đẹp của văn chương./.”

LẶNG YÊN SAU CƠN MƯA

Thành phố đã vào cuối mùa mưa. Những đám mây vắt kiệt mình suốt mấy tháng ròng than khóc. Đi giữa màn mưa rơi mù mịt Phương thấy càng thêm vô vọng, bao nhiêu nước đổ từ trời sao không xóa nổi tàn tích ngày qua.

Chiều hôm nay cô đến thăm nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thiên nơi căn nhà u tịch của ông. Bên dưới mái hiên bằng gỗ màu nâu sẫm, người nghệ sĩ danh tiếng lẫy lừng ngồi trầm tư ở đó, chiếc xe lăn xoay về phía giàn hoa tử đinh hương buông rũ trong mưa.

– Chồng tôi đã yếu đi sau lần bị tai biến vào năm ngoái – Vợ của nghệ sĩ Vũ Thiên vừa pha trà mời khách vừa nói với giọng trầm buồn – Từ đó ông từ chối mọi cuộc gặp gỡ với các nhà báo, người hâm mộ và cả những bạn hữu thân thiết trong giới nghệ thuật. Tôi biết cô đã đi một chặng đường xa để đến đây, thật sự rất lấy làm tiếc nhưng bây giờ ông ấy chỉ muốn được yên tĩnh.

Bàn tay Phương đang lần giở cuốn sách trước mặt bất chợt dừng lại. Nỗi băn khoăn nhanh chóng len vào giữa trang chín mươi ba, nơi có bức ảnh chụp một ngôi làng trong buổi hoàng hôn điêu tàn u ám. Nó lặng yên đứng đó chăm chú nhìn về phía Phương với vẻ thăm dò. Cố kìm giữ nỗi băn khoăn đang cựa quậy bằng cách gập cuốn sách, Phương mỉm cười bối rối:

– Cháu chỉ muốn xin một chữ kí trên bản sách đặc biệt này. Tuyển sách ảnh in màu số thứ tự 50 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thiên. Bác biết không, ngày đó chúng cháu cùng nhau xem nhiều lần đến nỗi thuộc lòng cả bố cục và đường nét từng bức ảnh.

Ngày đó chỉ mới cách đây chưa lâu nhưng Phương ngỡ như đã xa dằng dặc cả một đời người. Ý nghĩ về Duy bất chợt nhói lên khiến trái tim cô run rẩy. Người phụ nữ thoáng chút ngạc nhiên khi thấy vẻ xúc động đặc biệt của cô gái trẻ với cuốn sách của chồng mình. Bà nhìn cô với vẻ thông cảm:

– Cô có thể để sách lại đây. Khi nào chồng tôi khỏe hơn tôi sẽ nói với ông ấy viết lên đó lời đề tựa.

Phương ghi vài dòng vào tấm bưu thiếp nhỏ rồi đặt vào trong sách trước khi cáo từ để ra về. Trời vẫn lất phất mưa. Muôn vàn bông tử đinh hương rủ xuống lối đi chen nhau nở rộ, dưới làn nước rơi ướt đẫm từng chùm hoa tím sẫm lại phảng phất nét u buồn.

***

Trận gió chướng ngang qua thành phố âm thầm tiễn mùa đi. Cuộc luân chuyển của thời gian khiến người bình thản nhất cũng giật mình thảng thốt. Buổi sáng thức dậy thấy lá rụng thành lớp dày xao xác trước sân, bà nội Duy bấm đốt tay lẩm nhẩm bảo vậy là sắp hết năm, quay qua quay lại chẳng mấy chốc cũng hết một đời.

Nắng đổ xuống mái tóc bạc trắng của bà hắt sáng những vệt kí ức xa xăm ngày cũ. Bà bảo không hiểu sao sau mỗi lần đội khăn xô lên đầu, lúc mở ra lại thấy tóc bạc đi một ít. Những đám tang nối tiếp nhau cho tới khi chẳng còn sợi xanh nào nữa, kể từ đó đến giờ dằng dặc mấy chục năm.

Bà nội là người duy nhất trong gia đình Duy ở lại đây sau năm bảy lăm, mặc cho con cháu lần lượt dắt nhau sang xứ sở bên kia đại dương bằng ngả này lối nọ. Phần mộ của ông nội còn nằm đó giữa rậm rì cỏ dại, bà dứt áo mà đi sao đành.

Nhà bà nội có bốn người con, ba Duy là con út. Giữa những năm tháng biến động dữ dội nhất của gia đình, ba Duy hãy còn là một chàng trai trẻ, sinh viên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Rất lâu về sau ông mới sang Mỹ theo diện bảo lãnh, chấp nhận cảnh gà trống nuôi con khi kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi với một người phụ nữ da trắng nhập cư. Duy kế thừa hầu hết mọi thứ từ ba, bàn tay với những ngón dài thanh mảnh, đôi mắt ẩn chứa cái nhìn xa xăm, gương mặt phảng phất nét u buồn lưu lạc. Bao nhiêu năm sống nơi đất khách chưa bao giờ ba Duy thôi thương nhớ những gì đã mất. Trên căn gác nhỏ ở ngoại ô New Haven, ông vẫn còn giữ lại cuốn sách cũ úa vàng, tập vở chép nhạc phai màu mực cùng cây đàn guitar âm thanh lùng bùng như tiếng khóc.

Duy đã mang theo cây đàn này trở lại Việt Nam mùa hè năm ấy, khi hai viện nghiên cứu của hai nước có một dự án hợp tác chung về lĩnh vực văn hóa. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Duy tình cờ quen biết Lê Phương, phóng viên phụ trách chuyên mục “Góc nhìn cuộc sống” của tờ Thời báo. Một cô gái thông minh, đằm thắm, gương mặt yêu kiều với đôi mắt đen sâu thẳm như mặt hồ mênh mang nước.

***

Phương có sở thích đặc biệt với cà phê muối, nhạc Trịnh và những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Vũ Thiên. Hai thứ đầu tiên đối với Duy không có gì xa lạ. Hồi còn bên Mỹ, vào những buổi chiều vắng lạnh, Duy vẫn thấy ba ngồi trầm ngâm rất lâu bên ly cà phê đặc sánh, thỉnh thoảng lại ngân lên một giai điệu da diết đến lạ lùng, từng nhịp từng nhịp rơi xuống thổn thức cõi lòng như tiếng kinh cầu trong đêm mưa đổ. Ba Duy nói đó là bài hát thời sinh viên những năm đất nước còn chìm vào khói lửa, buồn bã nhưng đầy hy vọng, yêu đương say đắm mà khắc khoải cô đơn. Lúc nghe Lê Phương vừa đệm đàn guitar vừa hát mộc ca khúc ấy nơi quán cà phê nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ, những vọng âm cũ thức dậy trong Duy xao xuyến. Từ khi quen cô, Duy bắt đầu thích vị muối mặn mòi thấm vào ly cà phê đắng, đắm chìm trong giai điệu trữ tình của Trịnh và ngắm thời gian đọng lại trên những bức ảnh úa màu.

– Điều gì khiến em say mê tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Thiên đến thế – Duy nhìn Phương lật giở từng trang trong cuốn sách ảnh bản đặc biệt đánh số 50 mà cô sở hữu, ngạc nhiên vì những góc chụp sắc sảo đến không ngờ.

– Em cũng không biết nữa – Phương bất chợt trở nên trầm ngâm – Vũ Thiên là một phóng viên chiến trường hoạt động độc lập, nổi tiếng từ thập kỉ bảy mươi của thế kỉ trước vì ống kính chân thực giữa hai bên tham chiến. Tác phẩm của ông ấy đã chạm đến tận cùng nỗi đau đớn và niềm hy vọng của con người.

Duy vừa chăm chú ngắm từng bức ảnh vừa nghe Phương kể chuyện. Khi ngang qua trang chín mươi ba, nơi nghệ sĩ Vũ Thiên chụp một ngôi làng trong cảnh hoàng hôn tàn úa cùng với đoạn chú thích được in bên dưới, Phương vội quay mặt đi giấu giọt nước mắt vừa ứa ra. Khoảnh khắc ấy anh không thể ngờ rằng cả một phần quá khứ tăm tối, u buồn và cay đắng đã lạnh lùng thức dậy.

Làng An Phụng quê hương. Bao nhiêu năm đã qua rồi sao bức ảnh này vẫn khiến Phương xót xa đến thế.

***

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thiên nằm lặng im trong bóng đêm yên tĩnh. Một nỗi băn khoăn kì lạ xâm chiếm lấy căn phòng bé nhỏ của ông. Ông biết nó đến từ bức ảnh làng An Phụng trên trang chín mươi ba, cuốn sách ảnh đánh số 50, ấn bản đặc biệt với bìa bọc da khổ lớn.

Người sở hữu cuốn sách số 50 là phóng viên trẻ Lê Phương. Sở dĩ ông nhớ rõ về cô như vậy trong rất nhiều người hâm mộ tác phẩm của mình bởi vì cô đã đến đây khá nhiều lần. Vào các dịp lễ kỉ niệm đặc biệt, mọi tờ báo lớn đều muốn có bài phỏng vấn độc quyền với nghệ sĩ Vũ Thiên. Những bức ảnh chiến trường ngày ấy đã làm nên tên tuổi và sự nghiệp của ông, thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, đó là khoảng thời gian ông muốn lãng quên nhất trong suốt quãng đời cầm máy. Phía sau mỗi bức ảnh là muôn vàn nỗi tang thương đau đớn làm trái tim ông day dứt khôn nguôi.

Lê Phương là phóng viên duy nhất không hỏi bất cứ câu nào buộc nghệ sĩ Vũ Thiên phải nhắc về quá khứ. Điều đó khiến ông thật sự xúc động và thầm cảm ơn cô. Phương lắng nghe ông nói về những ngôi làng yên ả thanh bình, giây phút nụ cười rạng rỡ của đứa trẻ lọt vào ống kính, giọt nước mắt đoàn tụ trên sân ga hay cái vẫy tay từ biệt của đôi tình nhân trẻ tuổi. Để có được những bức ảnh giản dị đó là cả một hành trình vật vã vượt qua nỗi ám ảnh chiến tranh mà ai từng gánh chịu mới thấu hiểu.

Đôi khi, phần phỏng vấn tâm huyết về các sáng tác ấy lại không được duyệt đăng. Người ta đã quen với Vũ Thiên trên chiến trường, muốn nghe ông kể về máu và nước mắt.

– Cháu rất lấy làm tiếc – Cô gái rụt rè nói trong một lần tới nhà ông với gương mặt đượm buồn.

Lần đó Lê Phương không đến một mình, cô đi cùng với một chàng trai Việt kiều cao lớn, tóc nâu, đôi mắt màu xanh sẫm. Nghe anh nói chuyện, ông ngạc nhiên nhận thấy một thứ tiếng Việt chuẩn xác và trầm ấm vô cùng, tưởng như anh thuộc về xứ sở này trong từng nhịp thở. Khi Phương lấy máy ghi âm bắt đầu trao đổi với nghệ sĩ Vũ Thiên để bổ sung cho bài viết trên tờ Thời báo thì chàng trai xin phép đi dạo trong vườn. Trông anh có vẻ bồn chồn và buồn bã. Dường như chàng trai muốn hỏi ông điều gì đó nhưng cuối cùng đành im lặng. Kết thúc buổi làm việc, ông tiễn hai người ra về. Ngang qua bụi tử đinh hương tím biếc, chàng trai khẽ bảo: Nhìn những bông tử đinh hương này mới lạ lùng làm sao. Người ta bảo loài hoa này tượng trưng cho tình yêu đầu tiên, nhưng cũng là dấu hiệu của ly biệt. Sao trên đời này lại có loài hoa đẹp và buồn đến thế.

***

Duy còn nhớ lần đầu tiên anh mời Phương về nhà bà nội chơi, cô rất ngạc nhiên khi biết hóa ra gia đình Duy vốn là dân gốc lâu đời của thành phố, chỉ vì chiến tranh nên mới tản lạc khắp nơi. Bà nội Duy vui lắm, nhất định giữ cô lại ăn cơm tối, lại còn đòi tự mình xách làn đi chợ chọn mua bông súng với cá linh non làm canh đãi khách khiến cho chị giúp việc quýnh quáng cả lên. Bà lão gần chín mươi tuổi bỗng trở nên nhanh nhẹn minh mẫn lạ thường, kể cho Phương nghe là năm nào Duy cũng về Việt Nam thăm bà nhưng chỉ có lần này thấy vui vẻ nhất. Bà nội nắm tay anh và cô thật lâu, bảo rằng trông hai đứa tụi bây nội thương quá chừng.

Nghe câu nói phảng phất dự cảm lo âu, Duy cười xòa thấy bà cả nghĩ. Thành phố rộng lớn này mở ra những ngả đường bất tận để anh cùng cô rong ruổi bên nhau. Phương đã đánh thức trong anh những xúc cảm êm đềm nhất mà suốt thời thơ ấu sống cùng người ba cô độc anh chưa bao giờ có được. Anh cất cây đàn guitar rệu rã của ba vào ngăn tủ, bà nội cho tỉa hàng cây già lão trước sân, ánh nắng lọt xuống thềm rực rỡ. Nụ hôn đầu tiên của họ có hoa nắng rắc đầy trên mái tóc Phương.     

Thế nhưng không ai ngờ được rằng, ngay cả ánh bình minh cũng có khi thấp thoáng những tia u tối.

Rạn vỡ bắt đầu vào một buổi chiều thứ bảy, Phương ghé qua đưa tài liệu cho Duy. Cô thấy bà nội anh đang ngồi trước hiên lật xem cuốn anbum cũ, hai bàn tay khô héo dừng lại rất lâu nơi bức ảnh một người lính Cộng Hòa với đôi mắt xếch, hàng ria tỉa gọn gàng trên mép và chiếc nốt ruồi lớn nơi cánh mũi. Bà nói đó là ông nội Duy, ông mất lâu rồi trong chiến tranh.

Phương chăm chú nhìn bức ảnh rồi đột ngột lặng đi. Cô nhận ra gương mặt ấy rất giống với người lính đứng đầu tiên trong bức ảnh tư liệu về làng An Phụng của nhiếp ảnh gia Vũ Thiên. An Phụng chính là quê hương cô. Ông bà nội Phương cùng bốn người con trúng đạn chết trong trận càn mùa khô 1970 khốc liệt, căn nhà cháy rụi, ba Phương bị thương nặng nhưng may mắn sống sót vì nằm lấp dưới hai xác người. Những kí ức khủng khiếp năm mười hai tuổi ám ảnh ông suốt đời mãi không thôi.

Đúng lúc đó Duy mang cà phê từ trong nhà bước ra. Phương ngẩng đầu lên nhìn anh, dường như cả hai đều nhận thấy có một thứ gì đó vừa vỡ vụn. Chân dung ông nội Duy. Người lính cầm súng trong bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Thiên. Làng An Phụng giữa trận càn đẫm máu. Mọi thứ đan vào nhau như một tấm mạng nhện chằng chịt đến nghẹt thở.

***

Trên đời này có rất nhiều người mang gương mặt giống nhau. Người lính trong bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Thiên có thể là ông nội của Duy, cũng có thể là một người đàn ông khác. Thế nhưng những đường nét phảng phất giữa hai người khiến Phương cảm thấy tâm trí rối bời. Phương nhờ một người bạn bên Cục lưu trữ tìm kiếm những tư liệu về chiến dịch Bọ Cạp 1970, đối chiếu với thông tin cô chụp được trong kho kỷ vật của gia đình Duy, thầm cầu mong đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ.

Một tuần sau, bạn Phương gửi kết quả sang, tất cả hoàn toàn trùng khớp về họ tên, ngày sinh, cấp bậc, phiên hiệu đơn vị. Ông nội Duy là người tham gia trận càn năm đó vào An Phụng, cũng chính là người xuất hiện trong bức ảnh của Vũ Thiên, quần áo rằn ri, khẩu súng trên vai chúc xuống, phía sau là ngôi làng nghi ngút khói trong hoàng hôn đỏ thẫm máu người. Người bạn nhắn thêm rằng mặc dù tư liệu còn lại vô cùng ít ỏi, nhưng các nhân chứng khẳng định vào ngày hôm đó, trong khi một nhóm lính cố tình gây ra vụ tàn sát thì những người còn lại đã nỗ lực tìm cách bảo vệ dân thường. Điều đáng tiếc là không tìm được thông tin rõ ràng hơn về họ.

Phương lê bước về nhà, tưởng chừng như đôi mắt buồn rười rượi của ba trong bức ảnh trên bàn thờ đang lặng lẽ nhìn cô.

Ba Phương mất năm bốn mươi lăm tuổi sau một cuộc phẫu thuật, lúc đó Phương mới lên tám. Khi còn sống, ông hầu như không nhắc gì về những chuyện xảy ra trong quá khứ, tuổi thơ đói khổ, chiến tranh, cái chết hay nỗi bất hạnh chia lìa. Chỉ có một lần nào đó về thắp hương lên khu mộ gia đình, nghe Phương hỏi vì sao trên bia mộ ông nội, bà nội, bác hai, cô ba, chú út cùng rất nhiều người khác trong làng lại ghi ngày mất giống nhau, ba lặng đi rất lâu rồi khẽ nói:

– Sau này lớn lên con sẽ hiểu.

Đến tận bây giờ, Phương mới hiểu được cái bóng u ám của chiến tranh sẽ mãi phủ lên những phận người.

***

Đã lâu rồi Phương không ghé qua, hàng cây trước sân nhà thao thức trở mình trong cơn gió chướng. Bà nội thơ thẩn ra vào, kêu rằng sao dạo này thấy vắng quá chừng. Như cái hồi nhà còn đông người, chiều chiều tan chợ về nghe tiếng nô đùa chộn rộn muốn đau hết cả đầu, ấy vậy mà sau xiêu dạt hết rồi ngồi ngó lá rơi buồn chảy nước mắt. Ông nội Duy chết năm bảy hai vì sụp hầm chông của du kích, bác cả thắt cổ tự vẫn đợt thành phố cải tạo công thương. Hai người cô vượt biên thì một người mất tích trên biển, người còn lại sang đến nơi ổn định rồi lần lượt đưa ba Duy và tất cả con cháu còn lại trong nhà sang luôn. Bà một mình bám trụ suốt mấy chục năm cơ cực, cuối cùng cũng mua lại được căn nhà cũ của đại gia đình. Có nhà mà chẳng có người, lúc chiều tàn cứ thấy sao hoang lạnh.

Duy biết nói gì với bà giữa muôn vàn những mảnh vỡ ngổn ngang, anh và Phương chạm vào chỗ nào cũng thấy tay mình chảy máu. Vào những đêm rất lặng, bà lão nghe thấy tiếng đàn guitar của Duy trên gác, thảng thốt nhận ra những thanh âm rời rã như vọng về từ thuở xa xưa, khi người con trai út của bà rời khỏi trường đại học Văn khoa, băn khoăn giữa đi hay ở lại trong dòng chảy lịch sử đầy biến động.

Vậy là ngọn lửa ấm áp cô gái trẻ đó vừa mới thắp lên đã vụt tắt, nhìn cháu trai lặng lẽ đi về trong đơn độc, trái tim già lão của bà thắt lại. Nếu không còn có Phương bên cạnh, khi bà buông bỏ cõi đời này, sợi dây cuối cùng nối Duy với mảnh đất quê hương sẽ vĩnh viễn đứt lìa.

– Nói cho bà biết có chuyện gì đã xảy ra giữa cháu và Phương được không?

– Chẳng có gì đâu bà ạ – Duy nắm lấy bàn tay khô héo gầy guộc của bà an ủi – Cô ấy quá bận bịu với công việc và cháu cũng thế. Còn vài tháng nữa là dự án cháu tham gia tại Việt Nam kết thúc rồi.

– Sau đó sẽ ra sao?

Duy xoay mình nhìn mông lung ra bên ngoài cửa sổ để tránh ánh mắt chờ đợi của bà đang hướng về phía anh. Trời tiếp tục đổ mưa. Những cơn mưa trái mùa khiến thành phố buổi tan tầm ướt sũng. Một hôm nào đó Phương từng nói rằng nếu như mọi thứ có thể xóa hết bởi mưa thì chúng ta sẽ thấy lòng thanh thản biết bao nhiêu. Với thế hệ thứ ba sau chiến tranh, những gì còn lại không phải là hận thù hay đau xót mà là nỗi buồn vô hạn vọng lên từ sâu thẳm trái tim.

***

Qúa khứ bị đánh thức đã không chịu lặng im, khung cảnh rùng rợn xảy ra vào cái ngày hôm ấy cứ hiện về trong đầu nghệ sĩ Vũ Thiên như từng thước phim quay chậm. Giữa mùa khô năm 1970, trong chiến dịch lớn mang tên Bọ Cạp, một trung đoàn hỗn hợp trang bị vũ khí với hỏa lực mạnh nhất được lệnh đổ bộ xuống An Phụng, nơi họ nghi ngờ có nhóm Việt Cộng trú ẩn. Sau một ngày quần thảo, họ rút đi vào lúc hoàng hôn, để lại ngôi làng đẫm máu bị san phẳng thành bình địa. Vũ Thiên đứng ngược chiều với đoàn quân rồi bấm máy. Bức ảnh đó khi xuất hiện trên tuần báo đã tạo nên một đợt biểu tình phản chiến vô cùng dữ dội còn Vũ Thiên rất nhiều năm về sau vẫn còn nằm mơ thấy cảnh súng nổ và những xác người.

Lê Phương đã viết một câu hỏi riêng tư trên tấm bưu thiếp kẹp vào cuốn sách để lại xin chữ ký, cô muốn biết cụ thể hơn về một người lính tham gia trận càn năm 1970 nơi ngôi làng cũ của ba cô, người đó lại có liên quan với bạn trai cô bây giờ.

Nghệ sĩ Vũ Thiên trầm ngâm trước bức ảnh, mỗi gương mặt ở đó dường như đều đang nhìn ông trong thinh lặng. Dù còn sống hay đã chết, họ đánh dấu sự hiện tồn của mình giữa cõi đời bằng nụ cười, bằng ánh mắt, qua hành động dũng cảm hoặc thấp hèn, trái tim trắc ẩn hay lạnh lùng tàn bạo. Suốt quãng thời gian chiến tranh khói lửa, ông đã hoàn thành sứ mạng của một người phóng viên khi giữ cho những thời khắc đáng giá nhất không bị trôi vào quên lãng. Đối với ông quá khứ đã hoàn toàn khép lại, nhưng đối với những người khác, dư chấn từ cuộc chiến năm ấy vẫn còn. Bằng trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ, Vũ Thiên hiểu cô gái tìm kiếm điều gì ở phía sau.

***

Phương trở lại vào một buổi chiều trời đột ngột đổ mưa tầm tã.

– Biết phải nói gì trong lúc này đây – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thiên đáp lại những chia sẻ của Phương với ánh nhìn buồn bã. Ông nhờ vợ đẩy chiếc xe lăn lại gần cửa sổ, nơi có thể thấy giàn tử đinh hương ướt đẫm dưới mưa.

– Cháu rất xin lỗi vì đã làm phiền hai bác – Phương nghe thấy giọng mình dường như lạc đi – Ba cháu đã mất rồi, ông nội anh ấy cũng thế, làm thế nào để chữa lành vết thương trong quá khứ khi chính chúng cháu cũng không hiểu nổi vì sao mình rơi vào cảnh ngộ trái ngang này.

– Chắc hẳn cả hai đều thấy buồn lắm đúng không – Người vợ của nghệ sĩ Vũ Thiên khẽ hỏi.

Phương nghẹn ngào gật đầu. Ngày mai Duy sẽ rời khỏi Việt Nam, anh tha thiết mong được gặp Phương một lần nữa dẫu biết rằng giữa hai người có thể chỉ là khoảng lặng im vô tận. Nếu không xảy ra câu chuyện tình cờ này, họ còn định mùa thu tới chụp ảnh cưới ở Thiên An.

Nghệ sĩ Vũ Thiên quay sang phía vợ, bà nén tiếng thở dài, cẩn trọng mở ngăn tủ khóa kĩ lấy ra một chiếc hộp bọc nhung nhẹ nhàng đặt trên bàn. Ông lặng nhìn chiếc hộp đã phai màu như gặp lại một người bạn cũ, giờ lâu mới nói với Lê Phương:

– Đây là tất cả những gì diễn ra hôm ấy, xác chết, nhà cháy, những cách khác nhau để bắn giết dân thường. Nhưng không chỉ vậy, ở đó còn có những người lính chống lệnh chỉ huy, tìm cách cứu sống người bị thương, che chở cho trẻ em và phụ nữ thoát khỏi cơn cuồng sát. Bác chưa từng công bố những bức ảnh này, bởi nỗi sợ hãi rằng nó có thể dẫn đến tổn thương, đau khổ, mất mát và chia lìa dai dẳng khác. Bây giờ, cháu có thể mở ra xem nếu muốn tìm kiếm một điều gì đó rõ ràng hơn.

Người vợ của nghệ sĩ Vũ Thiên đẩy xe lăn đưa ông ra ngoài, để lại Lê Phương một mình trong căn phòng vắng. Cô ngập ngừng nhìn chiếc hộp. Không gian yên tĩnh đến nỗi có thể nghe thấy những cánh tử đinh hương rụng xuống ngoài hiên.

Quay vào phòng sau khi Phương ra về, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thiên thấy chiếc hộp vẫn còn nguyên vẹn trên bàn như lúc ban đầu. Cô gái đã không mở nó ra. Những điều cần hiểu, có lẽ cuối cùng cô đã hiểu.

Thành phố chiều hôm đó có hai người trẻ tuổi nghĩ về nhau trong yên lặng sau cơn mưa./.

T.T.T.N

Exit mobile version