Những nhân tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của thế giới khá nhiều. Có điều nó được “phân bổ” không đều. Có những dân tộc trong một vài thế kỷ không hề có lấy một văn nghệ sĩ có tác phẩm “trụ” được với thời gian. Ấy thế nhưng nghịch lý thay, có những gia đình mà ở đó, anh chị em sánh vai nhau, con nối nghiệp cha… và tài năng thì thi nhau nở rộ, thậm chí lứa sau còn rực rỡ hơn lứa trước. Chính vì thế mà tên tuổi họ thường xuyên được nhắc tới. Sau đây là một số trường hợp:
Nhà văn Thomas Man
Thế kỷ thứ XIX, ở nước Anh có một gia đình cả ba chị em gái đều là nhà văn. Hơn thế, còn là nhà văn tầm cỡ. Đó là ba chị em: Saclốt Brônti, Êmily Brônti và Anna Brônti. Bạn đọc Việt Nam từng được làm quen với người chị cả Sáclốt qua tiểu thuyết “Giên Erơ”, với Êmily qua tiểu thuyết “Đồi gió hú”. Đây là những kiệt tác văn chương thế giới.
Cũng trong thế kỷ thứ XIX, ở nước Pháp có hai bố con nhà văn Đuyma: Alếchxăng Đuyma (cha) và Alếchxăng Đuyma (con). Người bố được bạn đọc Việt Nam biết đến qua rất nhiều tác phẩm trứ danh được dịch sang tiếng Việt. Sách của Đuyma (con) được giới thiệu ít hơn, song chỉ với một cuốn “Trà hoa nữ” thôi, tên tuổi ông đã trở nên bất tử.
Ở Đức, trong thế kỷ XX có hai anh em đều là những nhà văn rất nổi tiếng. Người anh: Henrích Man từng được bầu là Chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức ở Béclin. Người em: Tômát Man đã được nhận giải thưởng Nôben về văn học.
Ở Nga, trong thế kỷ XX có hai bố con đều tham gia hoạt động nghệ thuật và đều trở thành những người tên tuổi: Đó là nhà văn, nhà thơ Côngxtantin Ximônốp và con trai ông, đạo diễn Ximônốp. Người bố từng được bạn đọc Việt Nam biết đến qua nhiều tác phẩm đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt, qua bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” do nhà thơ Tố Hữu dịch. Người con là một trong những đạo diễn có uy tín của nước Nga.
Tuy nhiên, trái ngược với sự may mắn trên, đã có không ít nhà văn lớn gặp phải sự bất hạnh trong gia đình.
Thi hào Nga A. Puskin là một ví dụ. Mặc dù sinh ra trong một gia đình thuộc dạng quyền quý, song suốt những năm dài tuổi thơ, ông dường như không mấy được sống trong vòng tay âu yếm của bố mẹ. Chính vì lẽ đó mà người ta nhận thấy hình ảnh người mẹ đã “vắng bóng” trong thơ ông. Trường hợp người bố của Puskin lại còn “ngán ngẩm” hơn. Chính Puskin đã viết rằng: Tính tình cáu gắt và thái độ hống hách của bố ông là nguyên nhân khiến hai bố con không thể nào ngồi nói chuyện với nhau được lâu. Có thời kỳ, bố của nhà thơ được chính quyền địa phương giao cho nhiệm vụ “giám sát” các hoạt động của con trai mình. Và trong một lần bị kích động, lợi dụng không có người làm chứng, ông này đã chạy từ trong nhà ra ngoài sân mà la lên rằng, chính Puskin “thằng con trai bất hiếu” đã đánh ông, đã “cố tình đánh cho ông chết”. Không ít lần ông ta nói với mọi người rằng Puskin là “đứa con quái dị”, là “thằng con suy đốn”.
Trường hợp của văn hào Nga Ivan Tuốcghênhép cũng bi đát không kém. Bà mẹ ông, do mâu thuẫn với các con, đã có những quyết định “trừng phạt” rất tai nghiệt. Vốn khá giả, là chủ của những trang trại lớn, nhưng khi các con bà rất lễ độ đề nghị bà trích cho họ một khoản thu nhập nhỏ bé nào đó để họ khỏi quấy rầy bà vì những chuyện vặt vãnh, bà này đã “bỏ ngoài tai”. Thái độ “độc đoán và chuyên quyền” của bà đã khiến Tuốcghênhép mất tự chủ. Ông giận thay cho người anh cả và thẳng thừng nói với bà mẹ rằng, việc bà đưa một người đã có vợ có con phải chịu nhiều thiệt thòi khó khăn (ý nói gia đình người anh trai) vào một tấn hài kịch như vậy là rất tàn nhẫn. Bà này không những không thay đổi mà còn ngày càng có những hành xử quái đản hơn. Theo Tuốcghênhép, mục tiêu duy nhất của mẹ ông là làm thế nào cho các con trai bị phá sản. Chính vì lẽ đó, trong bức thư cuối cùng gửi cho viên quản gia ở trang ấp của mình (viết trước khi mất), bà này đã ra lệnh cho viên quản gia phải bán toàn bộ dinh cơ đó “với một giá thật rẻ mạt hoặc thậm chí đốt nó đi nếu cần”. Quả là cách “trừng phạt” con cái thật tàn nhẫn.
Với thi hào Anh Gioócgiơ Bairơn, sự tình xảy ra thật vô lý. Bẩm sinh, ông có một cẳng chân bị teo. Đây là điều làm ông rất đau khổ, nhất là khi bị chúng bạn chế giễu. Ấy thế mà, hòa đồng cùng những kẻ chế giễu đó lại có cả… mẹ ông, người đã sinh ra đứa con khuyết tật kia! Điều này đã in sâu trong ký ức Bairơn, khiến sự mặc cảm và nỗi phất uất trong ông luôn chan chứa. Bairơn trong suốt cuộc đời mình đã viết hàng ngàn trang thơ, nhưng ta khó có thể đọc thấy ở đó những vần thơ ông thể hiện tình cảm của mình với mẹ.
Thật là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Sự đời không phải lúc nào cũng “nên thơ” như người ta tưởng
Nguồn tin: cand.com.vn