Giới thiệu tác giả.

Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn.

Gồm các truyện ngắn sau:

1. Người trốn bão.

2. Làng.

3. Buổi trời nhuốm đỏ.

4. Cây cảm xúc

5. Phóng sanh

Nhà văn Lê Thị Kim Sơn sinh năm 1986, quê quán ở Hoàng Hoá, Thanh Hoá, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai. Bén duyên với văn chương đã khá lâu nhưng Lê Thị Kim Sơn viết khá lặng lẽ, không thích ồn ào phô diễn, mỗi tác phẩm như một lời giãi bày, tâm sự giống như Sơn đã từng nói về trang viết của mình: “Lời ngắn quá lại chưa đủ ý, lời dài nghe chừng lê thê quá, như một cuộc dạo chơi bất ngờ cất tiếng thở dài muốn giãi bày cũng ai đó”.

Năm 2012, truyện ngắn Những nụ cười bị đánh cắp của Sơn được bình chọn Top mười truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ. Truyện ngắn Giấc mơ lơ lửng được bình chọn Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Sông Hương. Năm 2020 là một năm đầy bứt phá của Lê Thị Kim Sơn khi ra mắt bạn đọc hai tập sách là tập tạp bút Hoa nắng Tây Nguyên và tập truyện ngắn Hẹn yêu.

Lê Thị Kim Sơn viết truyện theo cảm xúc, không bị bó buộc, hay ám ảnh thiết chế kỹ thuật viết, nên đọc truyện của Sơn không bị khô cứng và sáo ngữ. Với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật, Sơn khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại, khiến người đọc chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư về những mất mát trong cuộc đời và giúp người đọc biết trân trọng hơn giá trị của tình yêu, cuộc sống.

LÀNG

Lê Thị Kim Sơn

Con đường sắt bắc ngang qua quốc lộ, cái đầu tàu cứ xình xịch, xình xịch nhịp nhàng buông tiếng, thả vào làng mạc xung quanh những ồn ào chốc lát, rồi bỏ mặc làng mạc phía sau, con tàu cứ mải miết chạy. Để mặc những lũy tre xanh lay động bóng nắng, để mặc đàn trâu ghếch cặp sừng đen bóng đứng trông. Đám trẻ con trốn ngủ trưa thôi không nhộn nhạo mà tản mác đi bày trò leo trèo phá phách, đến lúc này, nhìn kĩ lại cái con đường mà đoàn tàu vừa ngang qua có một lối vào làng dịu mát đến kì lạ. Đường nhỏ, quanh co những vết chân trâu dẫm hai bên rợp mát bóng tre, làng im ắng ngạo nghễ nhìn sự thay đổi từ xa xôi phố thị không chạm vào cội rễ của những nóc nhà yên bình nơi đây. Những ngôi nhà cổ từ trăm năm vẫn còn giữ lại, thách thức thời gian với vẻ đẹp kì lạ, những ngôi từ đường của các dòng họ lớn trầm mặc hơn với những biến cố thời gian. Nhưng nếu len vào sâu hơn nữa thì có thể nhận ra một sự thay đổi đang manh nha phá dần sự yên bình nơi đây, ngôi từ đường của dòng họ Lê đang được dỡ bỏ để tiếp nhận một sự giúp đỡ của một người trong họ thoát ly quê hương đi nước ngoài thành đạt về xây dựng lại. Những khối gạch đá xi măng bề thế đang dần khẳng định quy mô vật vã của ngôi từ đường lớn, làm nở mày nở mặt những người trong họ, và nó càng đẩy mạnh hơn mối ganh ghét ngấm ngầm của các dòng họ lớn khác trong làng.

Nhà nó là một gia đình nổi tiếng truyền thống và nề nếp vào bậc nhất ở làng. Bố nó luôn đạo mạo, uy nghiêm như một ông tướng với chức trưởng tộc của dòng họ Nguyễn. Mọi thứ trong gia đình đều phải tuân theo mọi sự sắp đặt có trên có dưới, cung kính và lễ nghĩa như một lẽ đương nhiên từ ngàn đời nay ở những gia đình truyền thống vậy. Mẹ và chị gái nó rất ít khi được bước lên nhà trên, gian thờ, luôn phải dọn mâm cho bố và nó ăn trước ở nhà ngang, còn mẹ và chị ăn sau ở nhà bếp. Nó lại là độc đinh, đứa chống gậy, cháu đích tôn và sẽ kế thừa chức trưởng tộc của bố nên ngay từ nhỏ, nó đã được rèn vào khuôn phép như một điều hiển nhiên. Việc nói chuyện trong gia đình dường như không có, bởi tất cả đều tuân theo sự sắp đặp của bố hết rồi, trong nhà chỉ có bố là người được nói, được quyết định tất cả mọi người có nghĩa vụ phải tuân theo, cấm bàn cãi. Nó thấy nó chị và mẹ nhưng là ba cái bóng nhợt nhạt xoay quanh bố, phục tùng bố một cách không điều kiện. Đấy là cái tôn ti, cái trật tự, cái phép tắc mà bố cố công gìn giữ đến khô quắt lại như một cái xác ve, những điều nghiền ngẫm của bố chỉ xoay quanh dòng họ, dòng họ và dòng họ thế thôi. Những thưa trình khúm núm, những cúng bái liên miên, rồi tra gốc tích, rồi họp hành tính toán bố đều rành rẽ để lên kế hoạch chu đáo. Một lời của ông tộc trưởng ban ra có sức nặng như thế nào nó không biết nữa, nhưng nó biết, cũng như nó cái mối dây ngoằn nghoèo những chi, những nhánh kia cũng có nhiệm vụ như ba mẹ con nó, phải hoàn thành cho được.

Nó với chị ở nhà dường như hai kẻ xa lạ, mà lại như là ông chủ và người hầu khi mà mỗi lần tắm rửa chị đều phải pha nước và tắm cho nó, tối đến còn phải căng màn, bê nước cho nó rửa chân. Chỉ khi cùng nhau đi học nó với chị mới có thể trò chuyện như hai chị em bình thường, cái sự bình thường ngột ngạt, vì chị vẫn phải khép nép trước nó nhưng dẫu sao đấy vẫn có thể là một câu chuyện giữa chị và em nó khác biệt với cách trò chuyện im lìm đưa mắt tìm nhau như khi ở nhà với bố. Chị có vẻ ngoài ngoan hiền nhu mì của một cô gái đức hạnh, một sự cam chịu đầy dịu dàng, với đôi mắt bồ câu đen láy, dấu dưới mái tóc bằng chằn chặn úp cong vào. Một suối tóc dài mượt, đen nhánh, một nét đẹp thuần túy không pha tạp, không có một chút đua đòi như tóc nhuộm, sơn móng tay, hay sơn môi như những đứa bạn cùng lứa vẫn thường lén lút. Cái nét đẹp của chị là của làng quê xưa cũ, bố muốn dấu chị, mẹ và nó ở trong những cái nếp ấy như lâu nay vẫn vậy, mặc cho ngoài kia sự đời thay đổi đến chóng mặt. Chiếc tivi treo nhà trên, chỉ có độc một việc là phát những bản tin thời sự, hết giờ thời sự là tắt chả ai trong nhà biết đến sự tồn tại khác ngoài những bản tin.

 Nhưng trong những cuộc nói chuyện với nó dường như chị dần hé lộ một sự nổi loạn ngầm, một điều khó có thể chấp nhận trong gia đình của nó. Nó biết, chị đã lén xem thêm tivi ở đâu, đã đọc thêm những quyển sách truyện ở đâu nhưng nó không mách bố, bởi đấy là một sự cần thiết đến vô cùng với chị và nó. Những điều mới mẻ ấy chỉ được trao đổi khi bước chân ra khỏi nhà, còn về đến nhà, nó và chị lại im bặt, ai vào việc của người nấy như một cái máy được lập trình. Khuôn khổ đến chóng mặt.

Chị cãi lại lệnh bố không chịu tắm cho nó khi chị lên lớp 9, một trận lôi đình thực sự trong sự im lặng đến cam chịu của mẹ khi bố nó lột hết quần áo, bắt chị quỳ lên vỏ mít và quất chị bằng roi mây. Nó cũng chỉ có thể im lặng nhìn cái cực hình đó diễn ra trong câm lặng, chị lì lợm không để rơi một giọt nước mắt, mặc kệ làn roi của bố trút vào người chị mong có thể ngăn cản được mầm mống nổi loạn đầu tiên trong gia đình. Đây là lần đầu tiên trong đời nó thấy nhà nó có sự to tiếng, có một tiếng nói khác ngoài tiếng nói của bố, ngoài tiếng dạ vâng của mẹ, của nó, đó là tiếng nói yếu ớt của chị. Nó im lặng biết không thể thay đổi ý nghĩ của bố về những việc phải làm của mẹ và chị, nó chỉ có thể lợi dụng buổi đi học để nói chị chỉ cần vào phòng và quay mặt đi để kệ nó tự tắm mà nghe giọt nước mắt của chị đắng ngắt tuôn trong cái gật đầu đau khổ.

Chị bỏ nhà đi ngay khi đám cưới gần kề, sự nổi loạn ngầm của chị đã làm vỡ tung sự yên ổn của ngôi làng nhỏ, chị bỏ đi vì quyết định cho chị thôi học và lấy con ông bí thư huyện. Chị còn muốn đi học, muốn vào đại học nhưng với bố con gái học hết 12 là đủ rồi, phải đi lấy chồng kẻo ế, nhưng nó biết lý do lớn hơn cả của bố chủ yếu là do cuộc hôn nhân này sẽ làm cho tiếng nói của dòng họ Nguyễn sẽ tăng lên đáng kể, rồi ngôi từ đường của dòng họ sẽ được giúp đỡ xây mới cho bề thế, hoành tráng hơn cả nhà họ Lê. Cái ngôi từ đường nhà họ Lê vừa hoàn thành được ba tháng đang là cái gai trong mắt của bố, ông gầm gừ tức giận, xét về lịch sử khoa bảng chỉ có họ Nguyễn nhà ông trong cái làng này đậu Tiến sĩ, họ Lê ấy có là gì mà so được. Xét cả về đường cách mạng, đường quan lộ của họ Nguyễn vẫn hơn hẳn, thế nhưng chả mấy ai thoát ly ra khỏi làng để làm lớn. Còn họ Lê, chỉ tuyền những thằng ít học, bỏ quê lên phố đi buôn đồng nát, gặp thời chúng nó phất lên, quay về trả ơn tổ tiên bằng cái từ đường tổ bố thì hỏi sao không cay. Bố lên tiếng từ chị, gạch tên chị ra khỏi gia phả của dòng họ sau những cuộc họp gia tộc liên tục để lên án về “vết nhơ của dòng họ” trong cái làng này. Một trận ốm làm ông gần như khắc nghiệt thêm với mẹ, nó và cái mong ước có thể vực dậy được ánh hào quang đang lụn dần của dòng họ trong ngôi làng.

– Bỏ kì thi Đại học để cưới Diên – mệnh lệnh của bố một lần nữa vang lên trong căn nhà. Cưới nó xong mày có thể vào một trường Đai học danh tiếng hay đi du học thì tùy ý, nhà đó sẽ lo tất cho mày.

Diên thì nó còn lạ gì, khi đang học lớp 9 thì Diên đã nổi tiếng với thành tích cúp học ăn chơi không thua kém gì mấy đứa ở tỉnh, Diên đua đòi lên phố học cho bằng bạn bằng bè với mái tóc đỏ quạch, móng tay sơn đen sì, những bộ quần áo thì nếu không hở chỗ này thì cũng thiếu hụt chỗ kia. Cái mặt thì lúc nào cũng dặm đầy son phấn khiến nó chết khiếp luôn, đã vậy mới lớp 10 Diên đã có những thành tích đánh nhau dành bạn trai, bứt tóc xé áo, cào cấu đưa hẳn lên mạng để rồi những cái tin ấy bay từ phố về làng với tốc độ lan truyền khủng khiếp. Đám con gái làng nói về Diên thì vừa nể sợ, vừa tức tối, lại có chút ghen tỵ, đám con trai cũng chỉ dám chỉ trỏ xì xầm với nhau mỗi khi thấy Diên xuất hiện ở đầu làng với cái quần Jeans rách ngắn cũn cỡn. Có vài thằng đầu bò, thử buông lời trêu ghẹo, Diên quay thẳng người lại dạng chân, chống nạnh phun phèo cái bã kẹo trong miệng ra rồi cười khanh khách quay đi. Nói về Diên, đám trai làng lắc đầu lè lưỡi chả đứa nào có ý định chọc vào cái tổ ong vò vẽ ấy, nó thì lại càng không có ý định tiếp cận. Vậy mà giờ, nghe thật tréo ngoe.

– Nay qua nhà đó để bàn chuyện với tao.

Ngắn gọn và đơn giản kinh khủng, nó đưa mắt cầu cứu mẹ nhưng bà vẫn im lặng ngồi nơi xó cửa không dám đưa mắt lên nói nửa lời cho nó. Nó cắm mặt xuống đất, di di đôi chân vào những con kiến đang miệt mài nối hàng, nó không thể cất tiếng nói nào khác ngoài tiếng dạ. Mắt không nhìn lên, nó vẫn biết bố sẽ lại nhà thờ để thắp hương, khấn vái, kính cáo đã. Nó đưa mắt về phía mẹ, mẹ đã bỏ ra sân để băm chuối, từ ngày chị đi, lưng mẹ nó như còng xuống, cái dáng đi trở nên xiêu vẹo trước gió. Nếu còn chị, chị sẽ thay mẹ băm chuối, chị sẽ hái rau, nấu bếp, đời một người đàn bà sẽ chỉ chôn chân từ nhà ra đồng, từ đồng đến chợ, rồi từ chợ về nhà. Bình lặng và yên ổn. Đấy là sự bình lặng giả dối, nó hét lên trong đầu, chị đã nhìn thấy gì trong sự bình lặng này mà bỏ nhà đi? Chị nhìn thấy hết, nhìn thấy hết những cái khuôn mặt cắm xuống để dạ vâng, để chẳng thể cất mặt lên nói lại với bố một câu phản đối hay sao? Nó muốn nhìn thấy chị, nó muốn được đưa mắt ra nhìn chị, để đáp lại nó là một cái ánh nhìn xót xa nhưng yêu thương hết đỗi, thể nào rồi đến lúc cũng đi học chị sẽ an ủi nó, sẽ xoa dịu cho nó. Chứ mẹ thì đến một ánh mắt nhìn lên bố mẹ còn không dám, làm sao dám đưa mắt sang nhìn để an ủi cơ chứ. Nó lặng câm, lại tủ, bố sắp ra rồi, khoác thêm cái áo sơmi trắng cho vào quần tây cho chỉn chu rồi theo chân bố. Thế thôi, nó cũng chỉ là con kiến, một con kiến đi theo hàng ngũ, nó không dám lệch ra khỏi con đường mà bố đã vẽ sẵn cho nó.

– Trời, nhìn mày lúa quá đi, đi sang nhà bạn gái mà ăn mặc như đi cày thế hả?- Diên vừa nhai singum vừa quan sát nó, nó chả thèm đáp lời, im lặng là vàng đối với những đứa như Diên.

– Mày bị câm à ! Diên nói như quát, nó điềm nhiên nhìn ra cửa sổ, không thèm quay đầu lại, nó đang lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai ông bố.

– Chỉ được cái mã thôi con ạ! Rồi cũng chỉ là thằng đổ vỏ thôi. Diên thổi phù phù cái bong bóng kẹo cao su trong miệng, rồi sấn đến gần nó – Chà cũng xinh giai ra phết nhỉ? Nghe nói mày học cũng được nên ông bô nhà tao mới đồng ý chọn mày làm rể đấy.

Diên cười khỉnh rồi quay mặt đi, nó im lặng nhìn cái bộ dạng lắc lư của Diên mà muốn đấm cho một quả, sao lại có đứa con gái trơ trẽn và trác táng như Diên? Và rồi nó nhếch mép, nó nghĩ đến cảnh Diên loay hoay với chiếc váy cũn cỡn này trong chuồng lợn nhà nó, chả biết sẽ thành trò gì nữa.

– Bốn tháng rồi đó, cần phải có người hợp thức hóa chứ nhỉ? Diên nhăn nhở áp mặt vào nó, cái nhìn lẳng lơ và trơ trẽn đến không chịu nổi. Nó định dang tay ra, nhưng nó thu lại nó không có quyền phá hỏng sự sắp đặt của bố nó. Gió từ khung cửa rộng lùa vào, lùa cả tiếng cười hỉ hả của hai ông bố, hỉ sự, hỉ sự, chúc mừng anh. Tai nó lùng bùng, chúc mừng, chúc mừng gì chứ? Nó chỉ có thể câm lặng, nó chỉ có thể đứng im trong cuộc sắp đặt này, một trò cờ người ngớ ngẩn. Nó là thế thân của cái gì? Trong mắt bố nó là cái gì? Những câu hỏi khua lên hỗn loạn trong những bước chân đều đặn bước, bố trước, nó sau, không thể chệch được.

– Xin anh đấy, xin anh hãy từ chối đám cưới này hộ tôi, một mình tôi không thể bứt khỏi nó. Có thể tôi là đứa ăn chơi, là đứa hư hỏng, nhưng tôi yêu anh ấy, tôi không muốn bỏ anh ấy chỉ vì bố tôi muốn được.

Là Diên, là một đứa con gái hư hỏng đang nói với nó, hay là Diên đang đánh thức nó vậy. Nó và Diên không thể là hai quân cờ để đổi lấy thanh danh ảo cho hai ông bố, có phải vậy không? Nước mắt Diên là thật, khuôn mặt lẳng lơ trơ tráo hôm nào nay trở nên dịu lại với hai hàng nước mắt, với tiếng nức nở không giấu diếm của một đứa con gái cố gồng mình lên để chống lại những áp đặt cho mình. Còn nó, một thằng con trai có thể làm gì để thay đổi được chính nó, thay đổi được sự câm lặng đã bám rễ vào sâu trong nó như cội rễ lâu đời đây?

– Sao mày lại tát nó ngay trước mặt ông bí thư, mày có bị điên không? Tiếng bố nó rít lên theo làn roi đang vụt tới tấp vào nó, nó im lặng cắn răng chịu trận, trong ngôi nhà này mãi mãi sẽ là như vậy, bố luôn là chủ, luôn là người đưa ra mọi quyết đinh và sự trừng phạt. Không ai được phép cãi lại. Nó sẽ mãi câm lặng như vậy nếu mẹ không đột ngột chạy tới quỳ xuống ôm chặt lấy nó để che đòn trong tiếng nức nở không thành lời. Bố ngạc nhiên, giận dữ đến không làm chủ được mình mà lảo đảo vịn vào cột nhà, thái dương ông giật giật mạnh, những sợi gân xanh nổi lên chằng chịt. Từ ngày bước chân về nhà này mẹ chưa từng mở miệng cãi lại bố dù chỉ một câu, chưa bao giờ dám trái lại mọi phán quyết của bố dù nó có vô lý đến thế nào đi nữa. Nó cũng sững lại, ngạc nhiên đến vô cùng, ở cái nhà mà những người phụ nữ không được lên tiếng cũng có ngày buột ra những sự phản kháng, buột ra sự chống đối lại cái chuyên quyền thì thằng con trai như nó sẽ làm gì? Sẽ chỉ có thể dương mắt của mình lên để cam chịu, hay sẽ lại nín nhịn, lại tuyệt vọng đánh đổi mình lấy một ngôi từ đường không còn uy danh gì của dòng họ? Mọi dồn nén trong lòng dường như chỉ đợi có vậy để bung ra, vỡ òa trong cơn giận dữ khôn cùng. Nó thấy mình đứng thẳng dậy, giật thẳng cái roi mây ra khỏi tay bố, đẩy mạnh ông sang một bên để vực mẹ dậy, tiếng nó như từ xa lắm vọng lại “con không thể sống thế này, con sẽ trở thành người như bố mất, mẹ, con đi đây”…

Sức lực dường như cạn kiệt rồi, mọi cố gắng dồn nén để thoát khỏi căn nhà u ám dường như quá sức chịu đựng của một thằng con trai 18 như nó, nó nằm im trên sàn tầu chở hàng, nước mắt tràn ra, câm lặng đợi chờ một giấc ngủ vỗ về hay là do không còn chút hơi sức nào để mở mắt nữa. Biết bao nhiêu lần nó và chị cùng đám trẻ ở làng đã ra nhìn những chuyến tàu đó, nó muốn theo chân những chuyến tàu để đi xa. Những anh trai làng bên nhà họ Lê là những người hay rời làng đi bằng chuyến tàu đó, họ kể cho chị em nó về thành phố xa lạ, về những công việc, những con người ở nơi xa tít đó thay đổi họ như thế nào. Ngày ấy, chị nói với nó, nhất định sẽ có ngày chị theo những chuyến tàu để ra đi, cái khát khao của chị bộc lộ ngay từ những ngày thơ. Nó chỉ dám nắm chặt tay chị, nhìn những toa tàu dài rùng rùng chuyển động mà khiếp sợ, nó thích sự bình yên của những lũy tre xanh ở làng hơn. Vậy mà giờ đây, nó im lặng nhắm mắt, mặc tiếng ầm ầm rung chuyển của đoàn tàu. Mọi sự việc dường như một chuỗi không ngừng đan xen trong giấc ngủ mê mệt của nó, mẹ – người đàn bà lặng lẽ, cam chịu cả đời trong gian bếp lụp xụp, không dám bước chân đi xa khỏi nhà nếu không có sự đồng ý của bố, không dám nói nửa lời khi bố cất tiếng bỗng trở nên mạnh mẽ không ngờ khi xông vào che chở cho nó, chị – dù luôn cố tỏ ra cản đảm, dám cãi lại lệnh bố lần đầu tiên rồi cũng phải chọn con đường bỏ trốn khỏi nhà, giờ đến lượt nó cũng vậy, cũng chỉ có thể chạy trốn một cách thảm hại, không dám nhìn lại xem mẹ sẽ thế nào trong căn nhà cũ kĩ và cô quạnh đó. Và còn Diên nữa, Diên sẽ đối diện sao với cả làng, với chiếc ghế bí thư của ông bố và với cả tình yêu của Diên nữa? Ngày mai sẽ thế nào? Sẽ ra sao nó không biết nữa nhưng ít nhất nó sẽ tự chọn lựa cho mình một con đường của riêng mình, của chính nó để chịu trách nhiệm. Làng sẽ luôn ở đó, sẽ mãi ở đó với những nếp sống của riêng mình, nhưng ai có chắc là làng không thay đổi khi mà những người phụ nữ, những kẻ cam chịu đã bắt đầu tự nhận ra mùa xuân của riêng mình không phụ thuộc vào ai… 

Exit mobile version