Khi xe chúng tôi (gồm Thu Bồn, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh và tôi) về tới gần quê tôi Đức Tân-Mộ Đức, quốc lộ Một trải nhựa loang loáng ướt dưới nắng trưa. Tôi nói với anh Thu Bồn và chị Ý Nhi cứ về Đà Nẵng trước, tôi và Oanh sẽ về thăm nhà tôi quê tôi vài ngày.

Nhà thơ Thah Thảo (ảnh Internet)

Đã 21 năm rồi còn gì! Tôi rất cố gắng để huy động trí nhớ, chỉ sợ xe chạy vuột qua mất làng mình. May mà cây cầu Giắt Giây đang còn, dấu mốc tôi vẫn nhớ từ hồi nhỏ. Khi qua cầu, xe chạy thêm một đoạn nữa, tôi mới chịu dừng lại hỏi thăm. Gần như đúng chỗ con đường làng rẽ xuống nhà tôi. Thay mặt gia đình, đứa con lưu lạc sau 21 năm lại được về với “mái nhà xưa” sớm nhất, trước cả cha mẹ mình. Nhà tôi đây ư? Một mái nhà lợp tôn xa lạ và khá lụp xụp, lại đang có người ở. “Gia chủ tạm” tỏ ra sợ hãi khi thấy “gia chủ thật” về nhà. Nhưng tôi rất vui vẻ, trấn an họ, nói họ cứ ở, khi nào thầy má tôi về họ giao lại đất vườn cũng được (vì ngôi nhà đang tọa lạc ở đây không phải ngôi nhà cũ của gia đình tôi, mà do “gia chủ tạm” cất lên, cũng rất tạm bợ, để ở). Tôi không hỏi nhân thân, nhưng thấy họ cũng nghèo. Có thể họ là bà con với người chính quyền cũ, nên được phép “lấn chiếm”, và không ngờ giải phóng đến nhanh như vậy. Nhà tôi lúc trước chắc thuộc diện “nhà VC vô chủ”. Thôi cứ để họ ở thêm ít lâu. Tôi đi thăm bà con. Có gia đình vợ con ông anh con cô ruột ở bên kia sông. Cô ruột tôi đã mất trước giải phóng. Ông anh tập kết chưa về. Lại có gia đình với hai chị em con ông bác gần nhà tôi. Hai bà chị đều ở vậy qua 21 năm. Đêm đầu tiên được ngủ ở quê, nhưng không phải ở nhà mình. Tuy vậy tôi vẫn rất ngon giấc. Tôi chưa tới tuổi phải trằn trọc vì về quê mà không được ngủ ở nhà mình. Quê tôi rất ít thay đổi. Sau này cũng thế. Điều đó khiến tôi vừa buồn vừa mừng. Buồn vì như vậy quê mình vẫn nghèo. Mừng vì nếu “giàu loạng choạng” như nhiều nơi khác thì còn khốn khổ hơn. Con đường làng dẫn xuống nhà tôi sau 21 năm hình như không thay đổi, lầm lội khi mưa và loi thoi khi nắng.

Ở QUÊ NHÀ

Những cây cau đã trổ hoa

yêu thương xa lạ

nơi không khí biến ta thành lặng lẽ

dẫu muốn ồn ào biết ồn ào với ai

con đường mấy mươi năm mòn dần dưới chân người

chân trâu chân mưa

đường lầy thụt dẫn về yên tĩnh

ta đã có những con chuồn chuồn con cá con cua

ta đã có nỗi cô đơn ngọt ngào trẻ nhỏ

gần như một bức tường vô hình dựng lên

bao bọc tuổi thơ quê nhà mấy mươi năm xa cách

thỉnh thoảng ta về nhìn ngắm lại

phần đời đầu tiên con đường loang những vết bùn

nơi mùi hoa cau thơm đậm hơn

lúa xanh hơn dòng sông hiền hơn tất cả

hoàng hôn xuống như một người gánh rạ

gánh sắc vàng đang sẫm dần

Sáng hôm sau, đứa con ông anh đưa tôi và Oanh lên Đức Hiệp quê má tôi để thắp hương cho ông cậu ruột-người cậu đã lấy thân mình che đạn cho thầy tôi trong vụ ám sát nổi tiếng hồi mới hòa bình, lúc Quảng Ngãi đang chuyển giao chính quyền. Thầy tôi sống nhưng cậu tôi chết. Bấy giờ má con tôi đang ở miền Bắc, và tôi sắp đi học bên Trung Quốc. Tôi nghe tin này qua Đài tiếng nói Việt Nam. Hà Nội lên án vụ ám sát đê hèn. Kẻ ám sát, về sau tôi mới nghe kể, hình như là người cùng làng cậu tôi. Qua thời gian, thấy không yên nếu ở quê, hắn đã trốn vào Sài Gòn, mai danh ẩn tích. Nhưng du kích Đức Hiệp thề phải xử hắn để trả thù cho cậu tôi, một người vốn rất tốt với dân làng, sống hào hiệp và ngay thẳng. Cuối cùng, du kích Đức Hiệp đã làm được điều đó. Sau vụ bị ám sát hụt, thầy tôi được Trung ương điều ra Bắc, do trước đó cấp trên chỉ định thầy tôi ở lại hoạt động bí mật. Thầy tôi tập kết theo chuyến tàu Ba Lan cuối cùng. Ông ra Bắc lúc tôi đang học bên Khu học xá Nam Ninh-Trung Quốc.

21 năm mới về lại quê, sau khi đã lang thang qua Trường Sơn, qua đồng bằng sông Cửu Long, qua chiến tranh, tôi có cảm giác mình đã trưởng thành. Dù vẫn khá hồn nhiên, hơi ngơ ngác. Bà con tôi ở quê hẳn nhiên là vui khi thấy tôi về. Lúc rời quê tập kết, tôi là một đứa bé con gầy nhẳng, học lớp 1 ở trường làng. Khi về, đã là “anh giải phóng quân” tốt nghiệp đại học, cao 1m7, có thâm niên 5 năm ở chiến trường. Còn gì hơn nào! Nhưng thú thật, tôi chả cảm thấy chút gì “tự hào” kiểu như vậy. Tôi vẫn thế, gầy nhẳng, như hồi còn nhỏ, chỉ khác là đã…làm thơ. Đúng, hồi nhỏ mình đâu có biết làm thơ là gì. Mình đâu phải “thần đồng thơ”. Mình chỉ là đứa trẻ nhà quê, thích nghịch chơi với những con chuồn chuồn con cá con cua…

Hai bà chị làm thịt vịt đãi tôi và Oanh, “thịt vịt ăn mát, tránh phong”. Thế là liên hoan mừng sum họp. Hai hôm sau, tôi với Oanh ra thị xã Quảng Ngãi, trước lúc về Đà Nẵng. Ở Quảng Ngãi, tôi gặp Vũ Doanh Dzụ-nhà nhiếp ảnh-bạn của Oanh hồi ở chiến khu. Dzụ rất tươi vui hồn nhiên, đang ở một cái nhà loàng xoàng hình như thuộc diện “nhà vắng chủ”. Lại gặp BS Phan Tư A, một tay còn hồn nhiên hơn cả Vũ Doanh Dzụ, đang tiếp quản bệnh viện Quảng Ngãi. Phan Tư A mời tôi và Oanh ăn cơm gia đình, rất thân tình. Trong bữa ăn, A nhắc nhiều tới Bùi Minh Quốc và những anh em văn nghệ khu Năm. Có vẻ Phan Tư A gần với văn nghệ hơn là với ngành y.

Không bao giờ mình biết trước số phận mình. Năm 1954, lần đầu tôi từ quê ra thị xã Quảng Ngãi, dù làng tôi chỉ cách thị xã 16 km. Lần đầu tôi được nhìn thấy… đèn điện sáng. Tôi ra thị xã xem Hội mừng Hòa bình thắng lợi của tỉnh Quảng Ngãi. Tổ chức ngay sân vận động Diên Hồng. Tôi cũng không ngờ, 35 năm sau tôi lại được về ở sát sân vận động này. Cứ như một tình cờ. Và ở đó tới 25 năm rồi. Đây chính là nơi, có lẽ, tôi đã và sẽ ở lâu nhất trong cuộc đời mình. Tôi vẫn nói mình là “dân ca ba miền” do sinh từ miền Trung, lớn lên và học hành ở miền Bắc, vào chiến trường Nam Bộ. Nhưng cuối cùng, chính miền Trung, sau nữa, chính quê hương Quảng Ngãi, mới là nơi tôi ở lâu nhất. Chẳng biết thế là may hay rủi, vì nhiều người phải xa quê, ly hương mới thành đạt, còn mình thì lang thang chán rồi lại về quê. Nhưng biết làm sao!

Có một nhà hàng (Ba Tàu) ở Anh chuyên kinh doanh món “bún mắng, cháo chửi”, rất đông khách, đã tuyên bố sẽ “nâng cấp” nhà hàng theo hướng lịch sự hơn. Lập tức, họ bị khách hàng quen của họ phản đối quyết liệt: “Tôi sẽ rất thất vọng nếu được phục vụ tốt” (theo báo điện tử “Một thế giới”). Chẳng lẽ tôi cũng thế, tôi cũng rất thất vọng, nếu được đối xử thân tình, được bao dung và thấu hiểu ư? Chắc chắn không phải như vậy.

Ngày đầu tiên tôi ra Đà Nẵng, đã gặp Nguyễn Công Khế và bạn bè tranh đấu của Khế. Lúc đó, Khế là một thanh niên đầy nhiệt huyết, rất hồn nhiên. Tôi, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai chơi với Khế và bạn bè Khế rất thân thiết. Qua đó, chúng tôi lại phát hiện ra những người bạn chung. Tình anh em giữa tôi, Oanh, (do Mai đã mất năm 1991) và Khế vẫn tốt đẹp cho tới bây giờ, vì chúng tôi chơi với nhau chỉ đơn thuần về tình cảm, và chỉ ủng hộ nhau trong công việc, những việc mà chúng tôi nghĩ là tốt, nên làm. Khi Nguyễn Công Khế cùng Đặng Thanh Tịnh-bạn thân của Khế, chơi thân với tôi từ sau giải phóng-sáng lập tờ Tuần Tin Thanh Niên, tôi đã nhiệt tình tham gia ngay từ đầu. Tôi viết báo cũng tạm, vì làm nghề này đã có thâm niên, nhưng tôi tham gia vì anh em quí nhau, vậy thôi. Tôi rất thích thú, do ngay từ đầu, Tuần Tin Thanh Niên đã mời được những nhà báo lừng danh như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhà báo Trần Bạch Đằng… cùng hiện diện trong Hội đồng biên tập. Có thể ông Trần Bạch Đằng đã “đánh” tôi trong vụ bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”, nhưng ông là nhà báo giỏi, viết rất có nghề. Còn với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thì đó là một nhân cách lớn, một nhà báo kiệt xuất mà tôi luôn ngưỡng mộ, từ hồi tôi còn ở chiến trường Nam Bộ. Giá như cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn sống, nếu ai hỏi linh mục Nguyễn Ngọc Lan viết báo thế nào, hẳn ông Thiệu sẽ trả lời chính xác nhất. Dù sao, tôi tin trong câu trả lời, ông Thiệu chứng tỏ được mình là người quân tử. Đơn giản, vì hồi ấy, linh mục Lan với những bài báo sắc lẻm của mình, đã không ít lần khiến TT Thiệu phải choáng váng. Thanh Niên là tờ báo tôi vẫn chung thủy với nó cho tới ngày nay. Cho tới lúc nó vẫn chung thủy với lý tưởng và mục đích ban đầu của nó. Làm báo ở nước mình cực khó. Và tôi không bao giờ là người cực đoan. Nhưng tôi cảm nhận được cái khó này qua từng bài viết của mình. Thậm chí, qua từng câu chữ. Nhưng như thế lại có cái hay. Việc gì dễ quá cũng khiến ta hoặc là chán, hoặc là lười. Thiếu áp lực, thiếu những rào cản, nhiều khi người làm thơ làm báo cũng cảm thấy như thiếu một cái gì. Tự vượt mình, và vượt qua những rào cản từ bên ngoài, điều đó thực ra là tốt cho người viết. Năm 2014 này, tôi tròn 45 năm… nói láo. Tức là 45 năm viết báo, bắt chước theo cách nói khá tếu táo của nhà văn Vũ Bằng. Ông có cuốn sách Bốn mươi năm nói láo xuất bản ở Sài Gòn hồi chiến tranh, kể về những tháng năm làm báo của mình. Vũ Bằng là một nhà văn lớn, và là nhà báo xuất sắc, đầy cá tính. Sau giải phóng, nghe nói ông mất rất âm thầm ở Sài Gòn. Từ hồi ở R, tôi đã được đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng in nhiều kỳ trên tạp chí Văn. Tôi mê mẩn với những hồi ức của Vũ Bằng về Hà Nội, về món ngon Hà Nội. Về cách sống, nếp sống của người Hà Nội phong lưu ngày xưa. “Tháng tám heo may, chim ngói bay về”-đoạn văn này của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai thật thăng hoa. Theo tôi, những nhà tu thư nên đưa đoạn văn này vào sách giáo khoa cho học sinh trung học cơ sở đọc. Vì nó hay một cách hoàn hảo. Vậy thôi. Cũng nghe nói, sau khi Vũ Bằng mất rất lâu, người ta bỗng phát hiện ra ông thuộc một nhánh của quân báo VC. Té ra, ông là “VC” từ lúc ở Sài Gòn, mà không ai biết. Dĩ nhiên, trừ người thuộc “đường dây” mà ông tham gia. Vũ Bằng đã được truy tặng huân chương kháng chiến, truy tặng giải thưởng văn học Nhà nước. Huân chương thì thuộc về công trạng tham gia kháng chiến. Nhưng giải thưởng Nhà nước về văn học là tặng cho nhà văn Vũ Bằng với những tác phẩm để đời của ông, chứ không phải tặng vì ông là quân báo Cách mạng. Điều này phải rạch ròi. Ví dù không tham gia quân báo, Vũ Bằng vẫn là nhà văn lớn. Trong một lần gặp gỡ với một nhà văn Hàn quốc đang chống chọi với căn bệnh ung thư và đã dịch Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng ra tiếng Hàn, in ở Hàn Quốc, anh nói với tôi: “Tôi mê văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, và tôi đã quyết học tiếng Việt để dịch nó ra tiếng Hàn”. Dĩ nhiên, anh đã phối hợp với một chuyên gia tiếng Việt là người đồng hương của mình để dịch cuốn sách này. Anh nói với tôi là độc giả Hàn quốc rất thích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Đó là một thông tin bất ngờ, không chỉ với tôi, mà còn với nhiều người. Vì độc giả Việt khi đọc Thương nhớ mười hai đều rất thích, nhưng với độc giả các nước khác? Nay thì đã có câu trả lời. Với nhà văn hay nhà thơ, quan trọng nhất là tác phẩm, chứ không phải những chuyện bên lề, dù những chuyện này có hay tới đâu. Nam Cao đã từng lấy Vũ Bằng làm nguyên mẫu cho một truyện ngắn nổi tiếng của mình, truyện “Đôi mắt”. Nhưng đó vẫn không phải là Vũ Bằng, mà chỉ là “Hoàng”, nhân vật của Nam Cao. Người ta đã nhầm về Vũ Bằng bao nhiêu năm như vậy. Chỉ có tác phẩm mới cứu được Vũ Bằng, mới thanh minh được cho ông, chứ không phải vì ông là quân báo VC.

Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.

Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý lắm, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ. Nhiều năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình. Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng giác cảm khác. Khi đọc những tác phẩm của người khác cũng vậy. Có người gọi, đó là quá trình đọc lại, và khi đó, mới đúng là đọc.

THANH THẢO (nguồn: Tạp chí Thơ-HNV)