Huỳnh Trọng Khang

Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc được ấn hành lần đầu năm 1966 với lưu ý nhỏ: không bao giờ tái bản.


Sách do Công ty sách Dân Trí và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: T.K.

Năm 1999, rồi đến năm 2002, năm 2012, tác phẩm này lần lượt được những nhà xuất bản khác nhau tái bản trong sự đón chào của độc giả.

Điều gì khiến cho cuốn sách mà cha đẻ của nó muốn “không bao giờ tái bản” cứ trở đi trở lại như vậy?

Điều hấp dẫn ở tác phẩm có lẽ xuất phát từ việc Bình Nguyên Lộc không muốn làm cái công việc lớn lao thâu tóm hết một Sài Gòn hoa lệ.

“Gã” Bình Nguyên Lộc, bằng những bước chân lang thang của mình, đi để có cái nhìn tiệm cận vào một Sài Gòn thân quen càng tìm hiểu càng thấy lạ lẫm.

Bình Nguyên Lộc mở đầu sách bằng bài tạp bút Những hàng me Sài Gòn.

Những hàng me Sài Gòn ấy phong kín cái không gian để bước chân lang thang trở thành những bước tái khám phá một Sài Gòn tưởng chừng đã bị soi tỏ đến mức trở thành mòn cũ.

Trong cái hữu hạn của không gian ấy, bắt buộc Bình Nguyên Lộc có cái nhìn thấu đáo, soi vào góc khuất, những tiểu tiết tưởng chừng chỉ là hạt bụi nơi ngõ hẻm nào đó giữa Sài Gòn, chờ một cơn gió thổi qua để bay lên, vương vấn nơi tròng mắt của những lãng khách trót nặng tình với đất Sài Gòn, như cái âm thanh của tiếng rao:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc

Dốc nào trượt bằng dốc Nam Vang

Một tiếng em than, ba bốn đôi vàng anh không tiếc

Lấy được vòng vàng em chẳng thèm biết tới anh.

Mấy câu nửa đùa nửa thật mà sao cái tâm tình trong đó nặng trĩu, đậm chất Nam Bộ như cái phong vị ngôn ngữ mà Bình Nguyên Lộc trải ra trong những trang viết của mình. Như một thứ đặc sản của một phương Nam gửi đến bạn đọc cả nước.

Từ những hàng me đến sông Ông Lãnh. Từ ngôi mả cũ bên đường đến những con phố. Thông qua những bài viết của mình, Bình Nguyên Lộc dựng lên một Sài Gòn có thiên nhiên, một Sài Gòn có lịch sử, một Sài Gòn có văn hiến.

Đó là một thành phố đang trong tiến trình đô thị hóa với những vận động ào ạt trên đà phát triển của những người đang sống. Nhưng đồng thời, nó cũng thể hiện, báo hiệu sự tồn tại khác, tồn tại của những người đã khuất, sự hiện hữu của thánh thần.

Đời sống tâm linh quyện vào đời sống vật chất. Sài Gòn dưới ngòi bút của Bình Nguyên Lộc như tồn tại giữa những lằn ranh.

Rằng giữa những tòa nhà cao tầng đang xây dựng kia, chỉ cần rẽ vào một con ngõ nào đó là bắt gặp một ngôi chùa cổ, một góc bia xưa, và cả hoàng kim một thuở bỗng hiện về rõ nét.

Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc trông sao mà mỏng manh.

Quyển sách được in nằm ngoài ý định của tác giả ấy, lạ thay, lại mang một sức nặng thời gian, sức nặng của cái ngôn ngữ bản địa đang dần biến thành tử ngữ.

Sự hiện diện dày đặc những chú thích cắt nghĩa phương ngữ trong sách khiến tác phẩm của Bình Nguyên Lộc thoát ra khỏi những tản mạn tuyển chọn lại từ những bài từng đăng báo.

Chắc chắn tác giả cũng không ngờ tới rằng những bài viết nhỏ của mình rồi sẽ thành nơi lưu trữ ký ức của một Sài Gòn xưa.

Một Sài Gòn đang dần trở thành quá vãng trong chính sự tồn tại hiện thời của nó.

Tập sách kết thúc bằng bài Vắng bóng bia đá thì còn bia miệng như một sự khẳng định của chính tác giả.

Sài Gòn có lẽ chẳng còn như trong ký ức của ông, nhưng huyền thoại về một Sài Gòn, thứ hồn cốt của nó sẽ không bao giờ biến mất.

TTO

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version