Năm 2015, ngành công nghiệp xuất bản sách ở Mỹ trải qua không ít biến động. Sách tô màu dành cho người lớn đã dần biến mất khỏi các kệ sách. Bộ sưu tập những truyện ngắn mới của tác giả Lucia Berlin – người đã mất từ cách đây 11 năm bỗng trở nên đắt khách và có tên trong danh sách những ấn bản chạy nhất của New York Times. Một điều khá thú vị, ngoài việc có không ít các tác giả trẻ thành công thì nhiều cây bút tên tuổi cũng có những màn tái xuất ấn tượng.
Khi số lượng sách bán ra đạt 6 con số đã có thể trở thành hiện tượng thì ngôi sao 23 tuổi của YouTube – Connor Franta đã làm được điều đó một cách không mấy khó khăn khi cuốn sách A Work in Progress của anh đã bán được hơn 200.000 bản. Được phát hành từ tháng 4-2015, cuốn sách này đã lọt vào danh sách những tác phẩm bán chạy nhất của New York Times (16 tuần) và Publisher’s Weekly. Franta cũng tiến hành tour quảng bá cho cuốn sách tại hai thị trường lớn là Anh và Mỹ.
Connor Franta và A Work in Progress – cuốn sách đang gây sốt đối với độc giả trẻ
Tuy nhiên, trong danh sách những tác giả đột phá nhất năm 2015 tại Mỹ, cái tên được xem là thành công nhất phải là Paula Hawkins với cuốn tiểu thuyết viễn tưởng The Girl on the Train. Ra mắt vào tháng 1-2015, cuốn sách này hiện đã bán hết hơn 1,5 triệu bản, đứng thứ nhất trong danh sách những tiểu thuyết viễn tưởng ăn khách nhất của New York Times ngay sau khi ra mắt và duy trì vị trí rất cao trong 16 tuần liên tiếp. Cuốn sách cũng được Disney chuyển thể thành phim, dự kiến được phát hành vào năm 2016. The Life-Changing Magic of Tidying Up của tác giả người Nhật Marie Kondo cũng thành công không kém khi từng được phát hành tại hơn 30 thị trường quốc tế và bắt đầu xuất hiện tại Mỹ vào năm 2014. Tính riêng năm 2015, cuốn sách này đã bán hết hơn 957.000 bản. Ta-Nehisi Coates với cuốn tiểu thuyết Between the World and Me ngoài giải thưởng sách quốc gia 2015 tại Mỹ, cũng tiêu thụ hơn 200.000 bản.
Một điều khá thú vị, bên cạnh những tác giả trẻ gây nhiều chú ý thì không ít những nhà văn tên tuổi, trong đó có tác giả từng giành giải Pulitzer – Gregory Pardlo hay trường hợp của Eileen Myles, Maggie Nelson… cũng tạo sự thu hút trên thị trường sách trong năm qua. Cuốn The Argonauts của nhà văn sinh năm 1973 Maggie Nelson nhận được nhiều khen ngợi tích cực từ các nhà phê bình, đồng thời bán hết hơn 10.000 bản. Một cái tên cũng gây nhiều chú ý đó là trường hợp của Elena Ferrante – bút danh của một tác giả giấu tên người Italia với 290.000 bản sách đã bán ra trong thập niên qua mà phần lớn trong đó là vào năm 2015. Marlon James – tác giả của cuốn A Brief History of Seven Killings, sau khi nhận giải Man Booker Prizer hồi tháng 10 cũng bán thêm được 5.500 bản.
Theo Nguyễn Văn – Sài Gòn giải phóng
Có thể bạn quan tâm