Đọc “Cổ tích cho đàn ông”, NXB Văn Học 2008 – Tập truyện ngắn của Thuỳ Linh

Tôi có ấn tượng về Thuỳ Linh từ những năm 90 khi đọc truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi” được giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (1993 – 1994). Bẵng đi có đến hơn 10 năm giờ tôi cầm trên tay tập truyện ngắn mới in dầy dặn của chị. Tập “Cổ tích cho đàn ông” với 14  truyện ngắn hay, bình dị xúc động mang tính nhân văn sâu sắc, phảng phất hương vị của Pautopsky, một chút lãng mạn của Lecmatop và những cảnh đời dằn vặt, chua xót, đượm buồn của Sê-khốp… Những truyện ngắn như thế không có nhiều trong làng truyện ngắn Việt Nam.
Văn Thuỳ Linh đẹp, mượt mà, gợi cảm. Chị có vốn sống phong phú, sâu sắc về nhiều mặt. Cái mạnh ở chị là sự phân tích, phát hiện về tâm lý, tính cách nhân vật. Chuyện của Thuỳ Linh sống động, bình dị mà sâu lắng, đậm chát vị muối đời.
Hai truyện ngắn “Trời mưa bong bóng” và “Súc sắc, súc sẻ” là những bi kịch cuộc đời. Nhân vật chính của truyện là những người dưới đáy xã hội: có người mất lòng tin ở cuộc đời, có kẻ nghiện rượu tự huỷ hoại đời mình và những cảnh đời khác đau đớn, xót xa… Tất cả đã được Thuỳ Linh phân tích bằng một cách nhìn nhân ái, bao dung, hướng thiện với những nhận xét sắc sảo, hóm hỉnh. Đoạn kết về người bố chán nản, tuyệt vọng muốn buông xuôi tất cả, khi gặp lại đứa con bé bỏng gọi tiếng “cha” yêu thương đã làm anh tỉnh ngộ hướng về cuộc đời sắp tới khác hơn.
Hai truyện “Một ngày” và “Đừng rung cây mùa lá rụng” có lẽ là những kỉ niệm, tâm tư riêng của Thuỳ Linh nghĩ suy về tình yêu, hạnh phúc. Trong trạng thái mộng du, lãng đãng lúc xa lúc gần, lúc mê đắm, lúc tỉnh táo, cô đơn của nhân vật nữ trong truyện phải chăng đó là những suy nghĩ, phát hiện “lạ”, rất riêng của Thuỳ Linh về tình yêu? Để đến được cội nguồn hạnh phúc ta sẽ được gì và mất những gì, đã mấy ai hiểu được? Quan niệm về tình yêu của Thuỳ Linh hơi cổ điển, bảo thủ khi Thuỳ Linh muốn có một tình yêu đích thực không màu mè, giả dối. Một tình yêu chân thành, luôn trân trọng, khám phá lẫn nhau để nâng người mình yêu sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Một tình yêu như thế liệu có hiện hữu trong nhịp sống hiện đại, hối hả của thế kỷ 21 này?
Hai truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” và “Cánh gió đầu đông” là những câu chuyện phức tạp, đa chiều. Các nhân vật trong truyện có tính cách mạnh, dữ dằn, quyết liệt trong cuộc vật lộn, tranh đấu mưu sinh khắc nghiệt. Kết quả hai truyện đều nặng nề, bi thảm. Tôi không thích cách giải quyết trong 2 truyện, nó có một cái gì dửng dưng, lạnh lẽo, làm đau buốt trái tim người đọc. Hai truyện trên chứng tỏ Thuỳ Linh là một người có bản lĩnh, quan sát sắc sảo. Chị đã nhìn thấu tận đáy cái xấu, cái tốt, cái mạnh, cái yếu trong trái tim con người ở những hoàn cảnh đặc biệt.
Chuyện “Cổ tích cho đàn ông” mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, nên thơ trong mỗi con người. Nhiều khi do vô tình ta không nhận ra những hạnh phúc tốt lành, dù nó ở quanh ta. Người đàn ông goá vợ phải nuôi đứa con bé bỏng trong truyện đã khát khao hạnh phúc biết chừng nào, nhưng anh đã không biết nghe “chuyện cổ tích” dành cho mình, vì thiếu tưởng tượng nên không hiểu được tình yêu âm thầm, sâu lắng của cô gái giúp việc. Hương vị Pautôpki phảng phất trong câu chuyện đáng yêu này.
Tôi đặc biệt thích, đánh giá cao truyện ngắn “Bóng câu qua cửa sổ”, Thuỳ Linh viết về một người xa Hà Nội từ khi còn là cô nữ sinh trường Đồng Khánh. Sau nhiều năm ở nước ngoài, bà trở về tìm gặp bạn bè cũ ở tuổi “tri thiên mệnh”, nhớ về những kỷ niệm xưa. Truyện đẹp như một bài thơ hoài niệm, có chút dư vị tê tái, xót xa. Nó ngân mãi trong lòng ta như tiếng đàn bầu trong đêm lạnh, cô đơn, đượm buồn.
Đọc “Bóng câu qua cửa sổ”, ta sẽ giật mình khi nhìn lại cuộc đời qua đi nhanh quá và bàng hoàng trước sự hời hợt, vô vị của mình. Ta sẽ thật sự tiếc nuối những gì thiêng liêng, đáng nhớ mà mình đã không trân trọng. Truyện viết giản dị, tinh tế mà sâu lắng lạ lùng. Đó là một trong những truyện ngắn hay hiếm hoi rất đáng đọc với những người lớn tuổi. Một truyện ngắn mỗi năm ở tuổi “xưa nay hiếm” cần đọc lại một lần.
Riêng với tôi, một biên kịch điện ảnh, truyện ngắn “Những người còn lại” có ấn tượng hơn cả. Toàn bộ bi kịch về một con người sống, chiến đấu trở về sau chiến tranh vì “nỗi ám ảnh dai dẳng của ký ức những ngày đẫm máu của cuộc chiến” khi cả tiểu đoàn anh đã hy sinh ở mặt trận Dốc Miếu, Quảng Trị, chỉ còn lại mình anh sống sót trở về, chính vì thế anh phải mang ký ức của hàng trăm đồng đội chất chồng trong tâm tưởng. Nó đã làm anh thành một kẻ tâm thần, mộng du, thần kinh phân lập kéo dài, dẫn anh đến cái chết… mà anh không sao thoát ra được! Một truyện ngắn đọc xong làm ta đau đớn, lặng dần đi với nỗi bi thảm khôn cùng. Tôi muốn chuyển “Những người còn lại” của Thuỳ Linh thành kịch bản phim truyện với cái tên “Chiến tranh”. Nếu đủ tài năng và có một ông đạo diễn giỏi có thể chuyển tải được trọn vẹn những suy nghĩ về chiến tranh mà Thuỳ Linh gửi gắm. Đó là nỗi đau tận cùng dai dẳng với khuôn mặt ghê rợn, biến ảo khủng khiếp của nó… điều ấy những thế hệ đi sau cần phải nhìn thật rõ.
Thuỳ Linh là người viết nghiêm túc, chỉn chu. Tôi tin chị viết tiểu thuyết sẽ hay với vốn sống dầy dặn và sự phân tích sâu sắc về tính cách nhân vật, cộng với lối xây dựng nhân vật chắc tay của chị. Thuỳ Linh có thuận lợi đang làm công việc sáng tác và biên tập phim, vì thế chị có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Mong chị có cái nhìn mới, tươi xanh và hiện đại hơn, điều đó sẽ bổ sung những gì còn thiếu trong những trang viết của chị.
Người đọc chờ đón một tiểu thuyết đầu tay và những truyện ngắn mới hay hơn nữa của Thuỳ Linh trong một tương lai gần…