“Làng họa sĩ” là cụm từ mà người ta hay nhắc đến khi nhắc tới Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội). Làng nằm ở nơi hợp lưu của những con sông: sông Hồng hòa với sông Đà tại Gót Nung, sông Hồng hợp lưu với sông Lô tại Ngã ba Hạc tạo thành tiếng sóng nước như tiếng ngâm bài “Ngã ba Hạc phú” nổi tiếng từ thời cụ thượng thư Nguyễn Bá Lân viết nên kiệt tác ấy.

Đường làng Cố Đô.

Triển lãm đầu tiên

Chúng tôi trở lại làng họa sĩ Cổ Đô vào một ngày giữa tháng 10, khi ngôi làng này có một sự kiện đáng nhớ: Lần đầu tiên tại Cổ Đô diễn ra một cuộc triển lãm mỹ thuật quy tụ tất cả những họa sĩ sinh ra từ quê hương Cổ Đô ở khắp mọi miền đất nước. Lấy tên chung là “Sắc màu quê hương”, cuộc triển lãm vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.

Có thể nói, đây là bảo tàng mỹ thuật làng đầu tiên và duy nhất của cả nước. Thành lập được Bảo tàng này là nỗ lực, công sức của nhiều người. Bởi bấy lâu nay, với kho tàng tranh đồ sộ, người dân Cổ Đô luôn mong muốn có một bảo tàng để trưng bày, giới thiệu tác phẩm, cũng là nơi chốn giao lưu đồng thời thắp lên những đam mê hội họa cho thế hệ trẻ. Sau nhiều năm, đến đầu năm nay (2016), Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Theo họa sĩ Nguyễn Ngọc Nho- Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô, cùng với việc xây dựng bảo tàng, CLB Mỹ thuật Cổ Đô được thành lập, tập hợp các hội viên yêu hội họa là người Cổ Đô khắp mọi miền đất nước.

Cuộc triển lãm “Sắc màu quê hương” do CLB Mỹ thuật Cổ Đô tổ chức đã quy tụ được khá đầy đủ những gương mặt họa sĩ làng Cổ Đô từ xưa đến nay, giúp công chúng hiểu hơn về vùng đất, con người và hội họa Cổ Đô.  Bước vào triển lãm, chiêm ngưỡng gần 300 tác phẩm tiêu biểu, giàu giá trị nghệ thuật, thuộc nhiều thể loại của 32 họa sĩ chuyên và không chuyên cho thấy đây là một cuộc chơi rất thú vị, tôn vinh và khơi gợi được những giá trị văn hóa của vùng đất. Đồng thời cũng là sự tiếp nối dòng chảy hội họa, mĩ thuật của các thế hệ đi trước.

Tác phẩm “Tiếng đàn bầu” của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt.

Ông tổ nghề

Về Cổ Đô lần này, gặp lại “họa sĩ thương binh” Nguyễn Ngọc Kũi vẫn thấy ông tràn đầy nhiệt huyết. Gặp lại họa sĩ Trần Hòa- người vẽ nhiều tranh cổ động có tiếng ở Việt Nam, vẫn thấy ông ăm ắp những dự định.

Hỏi về người đầu tiên vẽ tranh, cả hai ông đều khẳng định, họa sĩ Sỹ Tốt đã được dân làng Cổ Đô tôn xưng như “ông tổ nghề tranh” của làng. Thực tế, không ai rõ làng Cổ Đô có nhiều họa sĩ từ bao giờ, chỉ biết rằng người được tôn vinh nhiều nhất là họa sĩ Sỹ Tốt (1919-2002). Ông có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng như “Tiếng đàn bầu”, “Em nào cũng được hoa cả”, “Đan mũ”, “Lúa non buổi sớm”…

Nhắc đến cố họa sĩ Sỹ Tốt, cả làng Cổ Đô không ai là không biết. Ông không chỉ là “ông tổ nghề tranh” của làng Cổ Đô mà còn là một trong những tên tuổi của nền mỹ thuật Việt Nam. Nếu có dịp về với quê hương ông, hãy ghé thăm bảo tàng mỹ thuật “Sỹ Tốt và gia đình” để nghe kể những câu chuyện giản dị về ông.

Họa sĩ Sỹ Tốt họ Nguyễn, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc thôn Cổ Đô. Gia đình ông có 10 anh chị em, con cháu theo ngành mỹ thuật, trong đó có 6 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây (cũ). Trưởng thành trong vất vả, gian khó, nhưng ông sớm nuôi dưỡng tình yêu với hội họa. Những nét vẽ đầu tiên của ông đôi khi chỉ bằng những cục than ghi lại hình ảnh cánh đồng, ngôi đình, phong cảnh làng quê trên những nền sân, nền gạch…

Tác phẩm “Cho ngựa ăn” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Kũi.

Bước vào Bảo tàng “Sỹ Tốt và gia đình” ở làng Cổ Đô, chúng tôi sững người trước những bức tranh của Sỹ Tốt được gìn giữ cẩn thận. Những bức tranh gốc đượm màu thời gian, được treo kín trong ngôi nhà tầng khang trang. Bảo tàng gia đình này được xây từ năm 2005, với diện tích 140m2. Lần trước chúng tôi đến Cổ Đô, còn được trò chuyện với vợ của họa sĩ Sỹ Tốt- bà Nguyễn Thị Mộc…

Dấu ấn của họa sĩ Sỹ Tốt để lại đã được giới mỹ thuật Việt Nam thừa nhận. Nhưng trước khi trở thành họa sĩ, ông là một chiến sĩ. Năm 1946, ông tham gia quân ngũ thuộc Sư đoàn 316, trải qua nhiều chiến dịch như Tây Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Sau đó, ông theo học khóa đào tạo mỹ thuật kháng chiến ngắn hạn – khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1958-1963), đồng môn với các họa sĩ tên tuổi như Huy Oánh, Văn Đa, Quang Thọ, Thanh Ngọc…

Theo ông Nguyễn Huy Khôi- Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô, họa sĩ Sỹ Tốt thấu từng hơi thở của đất, trong âm ba sâu lắng của nhịp đời, của tiếng mo cau rơi, của sinh sắc muôn loài hoa đồng nội rồi tái tạo  bằng mồ hôi, nước mắt, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hút hồn người xem bằng sự sâu lắng dồn nén, rồi chợt bùng lên hòa quyện trong sắc màu biến ảo với bút pháp khoáng hoạt, khỏe khoắn và đầy tự tin.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Kũi.

Cổ Đô – làng cổ  anh hùng

Vùng đất Cổ Đô đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như Cổ Cẩm, Yên Đô, Cổ Sắt… Đến nay, Cổ Đô với những thăng trầm lịch sử của một vùng quê nghèo không còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ độc đáo như Đường Lâm, song, cái đẹp của vùng đất này là vẻ đẹp tiềm ẩn du khách rất nên trải nghiệm. Phía tây làng Cổ Đô là núi Lưỡi Hái và sông Thao, về phía Bắc có núi Tràng Lĩnh đất Tổ vua Hùng, về phía đông có núi Tam Đảo và ngã ba Bạch Hạc, về phía nam có núi Tản, sông Đà.

Trong làng còn ngôi đền nổi tiếng ở núi Cẩm Sơn, thờ một vị nhân thần đã mất tại Cổ Đô khi đang thực thi nghiệp lớn khôi phục lại nhà Trần. Làng cũng còn có đền thờ bà Công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng đời thứ 9 từ thành Phong Châu sang dạy cho dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Chính vì vậy, lụa Cổ Đô là lụa nổi tiếng dược dùng để tiến vua và được đi vào kho tàng ca dao cổ: “Lụa này là lụa Cổ Đô/ Chính tông lụa cống, các cô ưa dùng”.

Chợt thấy lòng mình lắng lại khi bắt gặp một cô bé đang cắm cúi nhặt những bông hoa đại trắng muốt bỏ vào giỏ chiếc xe mini nhỏ xinh bên cạnh ngôi đền thờ in hằn dấu thời gian với cổng tam quan được lấy nguyên mẫu từ kinh thành Huế ra. Khi chúng tôi hỏi đường vào làng, rất nhiều em bé đã bỏ dở giá vẽ, bảng màu của mình, nhiệt tình chạy trước dẫn đường.

Theo bước chân nhỏ bé và hồn nhiên của các em, chúng tôi khe khẽ chạy xe, chỉ sợ tiếng máy nổ làm khuấy động bầu không khí yên ả thanh bình với tiếng gà gáy, lợn kêu, tiếng bê non ọ ẹ bên vú mẹ, tiếng chú cún nhỏ đang ra oai với con mèo mun bằng giọng sủa ăng ẳng đáng yêu hơn là đáng sợ của mình từ những nhà ven đường gạch đỏ vẳng ra.

Họa sĩ Trần Hòa miệt mài vẽ tranh.

Để có được làng quê trù phú, yên bình như ngày nay, dân làng Cổ Đô đã kiên cường chống giặc trong suốt những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Khi thực dân Pháp mới vào đô hộ, đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt suốt 7 năm trời của đề đốc Trần Vàng.

Ông là một danh tướng thời Tự Đức nhà Nguyễn, từng đỗ cử nhân võ khóa Mậu Ngọ (1858) và được phong Tam nguyên đề đốc trấn giữ Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang. Đến khi cuộc kháng chiến của mình thất bại, ông tuẫn tiết với tuyên bố “Triều đình hàng chứ ta không chịu nỗi nhục đầu hàng”.

Đề đốc Trần Vàng mất đi nhưng khí tiết của ông thì vẫn sống mãi. Người đời còn lưu truyền câu ca: “Quân ai như quân Trần Vàng/ Đánh cho giặc Pháp kinh hoàng bao phen”. Tiếp nối gương sáng của Trần Vàng, Lãnh Tác, Đào Văn Vinh… người làng Cổ Đô đã tham gia cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và tòng quân chống Mỹ, đóng góp nhiều xương máu cho hòa bình của quê hương và đất nước Việt Nam. Vì truyền thống đánh giặc bất khuất của mình, Cổ Đô đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Làng họa sĩ” ven sông

Bước vào nhiều ngôi nhà trong làng, điều đầu tiên dễ nhận thấy “đặc sản” cây nhà lá vườn của họ chính là những bức tranh được treo trang trọng trong nhà. Tranh của hoạ sĩ nổi tiếng trong làng có, tranh của con cháu trong nhà tập vẽ có, và cũng có cả tranh của chính những người nông dân hễ buông tay cày là lại cầm lấy cây cọ để vẽ nên những bức tranh chan chứa tình yêu quê hương, đất nước.
Sau họa sĩ Sỹ Tốt, Cổ Đô có lớp kế tiếp, thành danh, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam như: Sỹ Thiết, Trần Hòa, Giang Khích, Ngô Bình Thiểm, Sỹ Tuấn, Huỳnh Mai, Nguyễn Ngọc Thạch… Từ những lớp dạy hội họa miễn phí do họa sĩ Sỹ Tốt mở ra và được các thế hệ nối tiếp duy trì đến nay…

Hữu Thái – Hòa An – Đại đoàn kết

Exit mobile version