Trên hành trình Nam – Bắc theo Quốc lộ 1A, khi ngang qua miền đất đầy nắng gió Phan Rang, quan khách đều nhìn thấy ngọn Tháp Chàm cao ngất ngưởng ngự trị trên đồi cao rất uy nghi, trầm mặc dấu thời gian. Tháp Chàm Po Klong Garai (Sinhavaman III), là nơi thờ vị vua minh quân của Vương quốc Champa (Chiêm Thành) cổ xưa.

1. Tháp Poklong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) cách trung tâm thành phố khoảng 9 km về phía Tây Bắc trên đường lên Đà Lạt. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời kỳ cai trị của vua Shihavaman, tên Việt là Chế Mân) để thờ vị vua huyền thoại Po Klong Garai (1151-1205), người có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước, dẫn thủy nhập điền, mở mang nông  nghiệp…. Tháp Poklong Garai còn là biểu tượng trung tâm rực rỡ nhất của nền văn minh Champa, đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm cổ sử.

Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa ở Play Chakling (làng Chăm Mỹ Nghiệp ngày nay) có hai ông bà tên Ôn Paxa và Muk Chakling đã cao tuổi nhưng không có con. Trong một lần ra biển mò ốc, bắt cá ông bà thấy có một bé gái đang trôi trên sóng nên đem về nuôi và đặt tên là Karit.

Tháp Po KLong Garai.

 

Karit lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, giỏi giang và nết na nên được mọi người quý mến. Một hôm, Karit theo cha vào rừng hái củi, trời nóng bức, miệng khát nước đắng chát, Karit nhìn thấy bên trên tảng đá đọng nước, liền ngắt lá múc uống. Lạ thay, nàng uống đến đâu nước trong đá tràn ra đến đó. Sau dạo đó Karit có thai, sinh ra một cậu bé xấu xí, da như cóc ghẻ đặt tên là Jatol. Mẹ bỏ đi vì tai tiếng chửa hoang, Jatol sống với ông bà.

Một hôm Jatol ngủ say trên phiến đá bỗng có hai con rồng trắng đến liếm quanh người, biến cậu thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Nhà vua Nuhol trị vì nghe điềm lạ vời Jatol vào cung và gã công chúa Thakol làm vợ. Cũng có truyền thuyết cho rằng mẹ của Jatol là một công chúa vì chống lệnh vua, yêu người ngoại đạo Bà La Môn nên bị đày làm thường dân. Chính bà là người dạy cho phụ nữ Chăm nghề dệt thổ cẩm, cách trồng lúa, làm gốm Bàu Trúc nổi tiếng lưu truyền đến ngày nay.

Năm 1167, vua Xulika ở thành Balcribanơi băng hà, hoàng tộc tranh giành ngôi báu, quần thần tin vào sự xuất hiện kỳ lạ của Jatol nên cho voi trắng vào Play Chaling rước về nối ngôi vua, xưng là Po Klong Garai, đóng đô ở Bal Hagâu. Lúc bấy giờ, Panduranga (Phan Rang) bị quân Chân Lạp thường xuyên đánh phá, Pô Klong Garai phải mang quân vào Panduranga dẹp loạn.

Nhà vua đánh tan quân Angkor xâm phạm đất nước và khôi phục nền tự trị dân tộc Chăm và xây dựng nền thái bình thịnh trị. Ông có rất nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía Nam mới khai khẩn. Khi còn trị vì xứ Panduranga (Phan Rang) ông đã cất công cho xây dựng các hệ thống đê đập thuỷ lợi sơ khai như: Đập Nha Trinh (Chaklin, vùng Nha Hố, huyện Ninh Sơn), đập Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang dẫn thủy nhập điền, bằng hai mương Cái, mương Đực, giúp đời sống hưng thịnh, nông nghiệp phát triển, mùa màng bội thu. Những công trình thủy lợi đó còn sử dụng và lưu dấu đến ngày hôm nay.

2. …Thuở còn cắp sách đến trường, ngày cuối tuần tôi thường rủ đám bạn từ Phan Rang đạp xe lên tháp coi chuyên gia Ba Lan trùng tu Tháp Chàm. Những bậc thầy về khảo cổ và phục chế đền tháp đến từ Châu Âu đã phải bó tay vì chất liệu làm nên gạch tảng và chất kết dính vĩnh cửu của kiến trúc Tháp Chàm. Người xưa không hề có xi măng, vôi vữa để xây dựng và chắc chắn không thể có những thiết bị hạ nâng đưa những viên đá tảng, gạch tảng lên cao.

Lúc sinh thời, nhà điêu khắc Lê Văn Chỉnh xứ Quảng Nam đầy tâm huyết phục chế tường gạch xây Tháp Chàm từ Mỹ Sơn đến Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cũng từng thử chế tạo nhiều công thức tạo chất keo dán dính gạch nung nhưng cũng không thể tìm được gì, không thể liền mạch vĩnh cửu với thời gian như những hàng gạch trên tháp cổ.

Thật ra, chất liệu để kết dính các công trình xây dựng của người Chăm xưa thường bắt đầu bằng các chất liệu trích xuất, pha chế theo công thức riêng biệt gồm các loại dây tơ hồng ngâm nước, vôi nung từ vỏ sò, mật mía và nhựa của một vài loài cây rừng, dây rừng ở miền Trung.

Tháp Po Klong Garai là một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam. Chế Mân cũng chính là vị vua tài giỏi, dũng mãnh nhất của vương quốc Chiêm Thành, từng được vua Trần Nhân Tông (nước Đại Việt) gả Công chúa Huyền Trân làm Hoàng hậu, truyền sử một thiên diễm tình bất diệt. Ngày nay đi qua vùng nắng gió, cát Phan Rang, du khách ngàn phương còn tận hưởng vị ngọt thanh thanh của nước suối khoáng Vĩnh Hảo, một di tích gắn liền với cuộc đời huyền thoại của vua Chế Mân và Hoàng hậu Huyền Trân.

Tháp Pô Klong Garai là một quần thể gồm ba tháp: Tháp chính là nơi tượng trưng vua ở, nơi quyền lực tâm linh cao nhất nên có chiều cao 20,50m, dài 13,80m, rộng 10,71m. Tháp có một cửa chính hướng Đông, trên cửa là mái vòm có hai trụ bằng đá lớn làm giá đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên là phù điêu thờ thần Siva đang múa có 6 tay.

Tháp lửa cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m và Tháp cổng là nơi tượng trưng chổ vua tiếp khách cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m. Dân tộc Chăm hoàng tộc theo đạo Bà La Môn (Ấn Độ giáo) nên cửa chính các tháp, đền thờ đều quay về hướng Đông, hai mặt Bắc- Nam thường để trống hoặc là cửa giả. Cửa Tây muôn đời không bao giờ được phép mở do đó là hướng của ma quỷ.

Tục thờ Yoni- Linga hoặc Munkha Linga thường thấy tại các Tháp Chàm miền Trung. Mỗi năm người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận có 4 lễ hội lớn trong đó, lễ Đầu năm (tháng giêng, lịch Chăm) quan trọng nhất cũng là lễ cúng mở cửa tháp Po Klong Garai. Công việc quan trọng đặc biệt này do các bậc sư cả, các bậc thầy, lão trong cộng đồng người Chăm làm chủ lễ. Sau đó là các lễ cầu mưa, Lễ Katê và Chabun (Lễ Cha). Katê là Tết của người Chăm vào tháng 7 Âm lịch (khoảng đầu tháng 9 dương lịch) cũng là dịp hội họp, giao lưu gặp gỡ của dân tộc Chăm với người anh em ruột dân tộc Raglai và người Kinh.

Nghi thức cúng tháp.
Một sử tích khác: Lúc Po Klong Garai kéo quân từ Balcribanơi Panduranga (Phan Rang) gặp tướng Hakral đang trấn giữ hạt này ngăn cản. Vì không muốn binh sĩ và người dân phải đổ máu vô ích, vua nhân từ Po Klong Garai đã ra điều kiện thách đố thi tài xây tháp trên đồi cao, giao ước ai hoàn thành trước thì đối phương phải chịu thua, tự động rút quân. Po Klong Garai xây tháp trên đồi Balhla chính là đồi Trầu ngày nay xong trước, tướng Halkral chấp nhận thua cuộc rút quân về Chân Lạp.

3. Đến Ninh Thuận, không thể không ghé thăm làng Chăm Mỹ Nghiệp- nơi sinh ra vị vua Po Klong Garai, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Làng Mỹ Nghiệp (Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10 km về phía Đông Nam, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm có lịch sử lâu đời. Nét độc đáo của làng nghề cổ này chính là việc người dân dệt thổ cẩm theo phương pháp thủ công, lưu giữ dấu ấn văn hóa Chăm theo chế độ hôn nhân mẫu hệ do những bà mẹ Chăm truyền đời cho con gái.

Điểm độc đáo là mỗi tấm thổ cẩm đều có những nét riêng cho dù cùng được dệt bằng đôi bàn tay tài hoa của một người thợ. Song, điều khiến bạn ngạc nhiên hơn cả, đó là – nếu ở các làng nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì ở đây hầu hết những người thợ dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi, còn con trai cắt, may thành sản phẩm.

Cả làng Mỹ Nghiệp hiện có hơn 500 thợ dệt lành nghề. Không khó để chọn mua sản phẩm dệt thủ công Mỹ Nghiệp về làm quà cho bạn bè, người thân, những chiếc khăn quàng có giá từ 100.000- 150.000 đồng, ga trải giường có giá từ 400.000-500.000 đồng cực kỳ độc đáo, không sợ bị “đụng hàng” với bất cứ sản phẩm công nghiệp nào. Những đồ nhỏ hơn như túi, ví, cà vạt…bạn có thể mua được với giá dưới 100.000 đồng mà vô cùng độc đáo.

Lớp lớp du khách chồn chân mỏi nơi xứ lạ nắng gió có lẽ sẽ ấn tượng với Tháp Chàm trên vùng đất Phan Rang nhắc nhớ xa xưa từng có một thời huy hoàng ở mảnh đất “gió như phang, nắng như rang này”.

Theo Trần Hiếu – Văn nghệ công an