Đình làng cổ giờ đây sát bên những khu đô thị mới của Hà Nội. Ảnh: HỒNG PHÚC

 

Đã hơn bảy năm sau ngày Hà Nội mở rộng, những người nông dân ở ngôi “làng trăm nghề” nổi tiếng ven đô Hà Nội, làng Triều Khúc, vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng trước cơn gió ào ạt của hội nhập và đô thị hóa.

Chẳng mấy ai ở Hà Nội mà không biết tới làng Triều Khúc, trước kia thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội nay trở thành phường, thuộc quận Thanh Xuân.

Những cơn sốt đất và hệ lụy

Gần 20 năm làm trưởng thôn Triều Khúc, ông Vũ Ngọc Trân 68 tuổi chưa bao giờ thấy làng mình nhộn nhịp như thế này. “Người người lũ lượt đổ về đây mua đất trong mấy năm qua. Cơn sốt đầu tiên cách đây năm năm là vì họ nghe tin làng sắp lên thành phường. Rồi cơn sốt thứ hai là Tết năm ngoái, người ta nghe tin có mấy dự án khu đô thị và khu mua sắm lớn sẽ khởi công ở mấy cánh đồng quanh làng (đã chuyển từ đất canh tác lên đất ở). “Công việc tự dưng tăng lên, quá tải, giải quyết ngày đêm không hết nên tôi đã xin nghỉ chức trưởng thôn để nghỉ ngơi”, ông Trân nói.

Ông Trân cho biết, làng có khoảng 5.000 hộ dân người gốc ở đây, nhưng trong ba năm qua, số người đến Triều Khúc mua đất, nhà để ở và sinh viên thuê nhà trọ đã hơn 12.000 người.

Giá đất so với cách đây 10 năm tăng mấy chục lần. Tuy là một làng với 30% dân số làm ruộng nhưng chỉ trong năm năm qua, diện tích gieo cấy toàn xã đã giảm gần 70%. Phần nhiều nhất là bị quy hoạch cho các dự án chung cư, các dự án xây dựng văn phòng và một vài cơ quan nhà nước. Phần thứ hai do chính người dân cắt xén đất nhà đất vườn cha ông để bán. Một phần diện tích đất bị bỏ hoang do nhiễm chất thải công nghiệp.

Việc giàu lên nhanh chóng từ tiền bán đất và tiền đền bù đất sinh ra hệ lụy xã hội rất lớn. Tình trạng thừa tiền thiếu việc làm đã khiến số người nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau tăng nhanh. Toàn thôn đang có tới hơn 100 người nghiện ma túy, trong khi cách đây 10 năm thì chẳng có ai nghiện. Công an huyện Thanh Trì trong năm qua đã bắt giữ sáu vụ với 13 đối tượng mua bán tàng trữ chất ma túy trái phép và bắt giữ hơn 50 đối tượng đánh bạc, 15 vụ trộm tài sản… chưa kể nhiều vụ tranh chấp khác. Đời sống, an ninh của làng cổ xáo trộn nghiêm trọng.

Ông Trân cho rằng, tính gắn kết cộng đồng trong làng đang bị phá vỡ bởi nhiều người nơi khác đổ về. Do va đập về văn hóa và lối sống, trong năm qua, hàng trăm vụ đánh nhau, tranh chấp đất đai, đường đi lối lại xảy ra rất phức tạp.

Bầu không khí nơi đây cũng đang báo động vì ô nhiễm. Nằm ven đô nên Triều Khúc là nơi trung chuyển nước thải từ vài nhà máy công nghiệp trong khu vực. Rồi người dân đốt dây đồng, dây nhôm, đốt cao su, lông vũ, phế liệu gây khói bụi. Nước tẩy, nhuộm tơ sợi thải bừa bãi. Tiếng ồn của máy dệt ngày đêm. Nhiều hộ chiếm dụng đường để bán hàng, tập kết vật liệu xây dựng gây ách tắc giao thông đường làng thường xuyên. Chuyện tắc đường ở làng Triều Khúc cũng trở nên nổi tiếng bởi ngày làm việc nào, trục đường chính giữa làng cũng bị ách tắc cả giờ đồng hồ.

“Hội nhập là tốt nhưng phải tạo thêm việc làm cho hàng ngàn nông dân mất đất, mất nghề thì chưa ai làm, mà bên cạnh đó còn là nguy cơ mất cả vài chục nghề truyền thống đã đi vào sử sách”.

Ông Nguyễn Hữu Vị, nguyên là Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều,
huyện Thanh Trì, Hà Nội

Ông Nguyễn Hữu Vị, nguyên là Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết chính quyền xã đi họp trên huyện, trên quận, họ nói hội nhập rồi nên phải thay đổi cho giống với nước ngoài. Mấy năm nay các ông phải tham gia giải quyết thủ tục đền bù cho hàng trăm hộ trong làng bị di dời để xây dựng khu tập trung làng nghề, khu đô thị. Khu đô thị mới Hạ Đình hoành tráng cùng nhiều tòa nhà đã mọc lên ngất ngưởng cạnh ao làng.

“Hội nhập là tốt nhưng phải tạo thêm việc làm cho hàng ngàn nông dân mất đất, mất nghề thì chưa ai làm, mà bên cạnh đó còn là nguy cơ mất cả vài chục nghề truyền thống đã đi vào sử sách”, ông Vị nói.

Trăm nghề mai một

Triều Khúc được biết đến với tên gọi “làng trăm nghề” và cũng có thể coi là làng có nhiều nghề truyền thống nhất Việt Nam. Ngoài nghề thu gom và chế biến lông vũ đã nổi tiếng đến mức tên gọi làng lông gà lông vịt đã gắn với Triều Khúc, ít ai biết làng còn có tới gần 40 nghề truyền thống khác. Ngày nay, các cụ già chỉ còn nhớ lại được các nghề chính như: dệt thổ cẩm, dệt gấm hoa, khăn mặt, tết dây kim tòng, thêu ren, dệt khăn mặt, quả cù, kim tông, chân chỉ, quy môn, làm chổi lông gà, mỏ cò, tóc độn, làm ruột chăn gối, tóc giả, râu giả, dây thắt lưng, bấc đèn, mành lốp xe đạp, dây cương ngựa, gạch ngói…

Các nhà nghiêu cứu lịch sử và văn hóa coi Triều Khúc là một hiện tượng đặc biệt của làng cổ Bắc bộ. Đặc biệt nhất là tính nhanh nhạy với thị trường và đầu óc kinh doanh linh hoạt, một yếu tố hiếm thấy ở những làng nghề thuần nông Việt Nam.

Theo tài liệu các cụ trong làng cho chúng tôi xem, Triều Khúc ngoài làm ruộng còn giỏi nghề thủ công nên đã trở thành làng công nghệ nổi tiếng Bắc kỳ từ cuối thời Lê Trung Hưng. Người Triều Khúc cũng có tiếng năng động và cần cù, hài hước. Lao động tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 70%.

Từ bốn thế kỷ trước, làng đã có những nghề góp phần hoàn chỉnh bộ trang phục phụ nữ: nghề dệt the (áo the, quạt the); nghề dệt nái (yếm, bao thắt lưng); nghề nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng); nghề làm độn tóc đuôi gà; nghề kim hoàn.

Đến cuối thế kỷ 18, ông Vũ Đức Úy sau khi được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc đã học được nghề dệt thao và dạy lại cho dân làng Triều Khúc. Chiếc nón dẹt từ ngày có quai thao đã thành thời trang của con gái xứ Bắc. Triều Khúc cũng có thêm tên gọi “làng Đơ Thao” vì lẽ đó.

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng cho rằng, nét đặc biệt của người Triều Khúc là biết thu gom những thứ vứt đi để làm thành những sản phẩm có giá trị kinh tế và nghệ thuật. Ca dao xưa có câu: “Mốt son anh dệt đầu hàng; Mốt cục đem bán cho nàng Đơ Thao”. Những sợi tơ tốt nhất (mốt son) thường dùng để dệt lụa, còn tơ rối, tơ sần bị thải (mốt cục) được các nơi bán cho người làng Triều Khúc để gỡ từng mối, phân loại để dệt các mặt hàng như quai thao, chỉ, đồ trang trí… Các cụ già trong làng nhớ lại, những năm khó khăn chưa xa, người làng còn mua cả những chiếc tất thủng, những mảnh vải vụn rồi gỡ sợi dệt thành hàng mới.

Nghề truyền thống có sự phân công theo các dòng họ. Gia đình cụ Hoàng Dùng có nghề dệt băng huân, huy chương từ trước Cách mạng tháng Tám, sau đó bày cho nhiều gia đình khác làm hàng cho Cục Quân nhu. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Dị nghiên cứu nhuộm và dệt thành công các loại cầu vai, quân hàm, nẹp quần cấp tướng và vẫn làm nghề này đến tận bây giờ. Nghề thu gom và phân loại phế liệu vẫn duy trì và phát triển mạnh đến ngày nay với thành phẩm là nhựa mềm, nhựa cứng, mắc áo, dây đồng, dây nhôm, các thiết bị phụ tùng, sắt phế liệu…

Hiện, trong làng Triều Khúc có 49 công ty, bốn hợp tác xã công nghiệp và còn hàng trăm tiểu chủ hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các đơn vị này giúp 3.000 lao động địa phương có việc làm ổn định, vẫn làm ra hơn 100 mặt hàng thủ công, xuất khẩu sang cả Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều nghề do thời cuộc mà mất đi như nghề dệt quai thao chẳng hạn, ngày nay không còn người đội nón quai thao nữa. Cụ Nguyễn Thị Dằng, người tết quai thao nón thúng cuối cùng đã mất cách đây bảy năm. Nhưng nhiều nghề có nguy cơ mất vì cơn lốc đô thị hóa và kim tiền.

Làng cổ Triều Khúc với cây đa mái đình và còn nhiều ngôi nhà xưa cũ rêu phong rất đẹp, thấp thoáng bên cạnh những hộp diêm bê tông mái tôn đủ kiểu. Triều Khúc vẫn giữ những phong tục xưa như đám cưới thì cô dâu chú rể phải đi bộ từ cổng làng, mỗi Tết Nguyên Đán sẽ tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 58 tuổi trở lên trong làng… Nhưng tất cả đang biến động từng giờ. Với các cụ già trong làng, đây là thời điểm khó khăn để Triều Khúc tiếp tục duy trì vốn cổ. Các cụ lo rằng phường Triều Khúc trong tương lai sẽ mai một phong tục cổ kính bởi tốc độ “làng hóa phố” quá nhanh.

Và không chỉ Triều Khúc, những cái tên quen thuộc đi vào văn hóa lịch sử Bắc bộ như làng cốm Vòng, làng bún Phú Đô, làng Mọc, làng Lủ, làng gốm Bát Tràng, làng gốm Kim Lan, làng khảm trai Chuôn Ngọ, làng Chuông khâu nón, làng lụa Vạn Phúc, làng tương Cự Đà… nay đã thành quận, huyện. Người nông dân trở thành người thủ đô sau một đêm thức dậy, không kịp trang bị tư cách công dân phố thị…

Theo Hồng Phúc – TBKTSG