Những tường rào được sơn quét lại, những bức tranh sống động “mọc” trên tường của dãy nhà san sát nhau, làng chài thôn Trung Thanh (Quảng Nam) bỗng chốc mang diện mạo khác hẳn. Độc đáo và lạ lẫm.
Ý tưởng biến làng chài nghèo ven biển trở thành ngôi làng bích họa đang được các nghệ sĩ, tình nguyện viên Hàn Quốc miệt mài biến thành hiện thực.
Họa sĩ Oh Ye Seul đang hoàn tác bức tranh người tuyết trên tường nhà dân Tam Thanh. Ảnh: H.Văn.
Vẽ người tuyết dưới nắng hè
Dưới cái nắng 37 – 38 độ, Oh Ye Seul (25 tuổi) vẫn miệt mài hoàn tác bức tranh của mình. Đám trẻ làng biển xúm lại vừa xem vừa trầm trồ suýt xoa khi từ những chấm phá ban đầu giờ đã thành bức tranh người tuyết sống động. “Ở đây nắng nóng quá nên mình vẽ bức tranh người tuyết và nụ cười mong muốn mang lại những điều vui vẻ, và điều gì đó mát mẻ hơn cho người Việt Nam” – cô chia sẻ.
Oh Ye Seul vốn là họa sĩ tự do tại Hàn Quốc, từng tham gia vào những dự án làng bích họa bằng việc vẽ tranh tường, hay thực hiện các video. Sau khi nghe về Dự án Giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Việt, cô đã đăng ký ngay để có cơ hội đến Việt Nam. “Trước giờ mình chỉ được biết đến Việt Nam qua tivi, nhưng khi qua đây mình thật sự bị thu hút, ấn tượng bởi cả cảnh sắc và con người Việt. Người dân rất gần gũi, chất phác, thân thiện” – Oh Ye Seul cho biết, cô cảm thấy được tiếp thêm lực khi những đứa trẻ luôn bên cạnh cổ vũ, ly nước thân tình của người dân trao tận tay.
Trần Diệu Ly, Điều phối chương trình Dự án Giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Việt cho biết, tham gia dự án lần này có 5 họa sĩ đến từ Hàn Quốc, 12 tình nguyện viên là sinh viên Hàn Quốc và sinh viên Việt Nam hỗ trợ. Ngoài ra, địa phương cũng cử thanh niên, dân quân để hỗ trợ nhóm, sự thân thiện, giúp đỡ của người dân khiến dự án được triển khai suôn sẻ hơn.
Sở dĩ thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) được chọn để triển khai dự án bởi ở đây có mật độ dân cư tập trung cao. Những ngôi nhà sát liền nhau rất dễ tạo ấn tượng và thể hiện các bức tranh sống động. Toàn bộ các dãy nhà nằm ở mặt đường liên thôn Trung Thanh sẽ được tô điểm bởi những bức tranh phong phú chủ đề như phong cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân làng biển; nhân vật hoạt hình vui nhộn cho trẻ em; những hình ảnh thông điệp Hàn Việt kết nối…
Khi tường làng chài biến thành tranh
Theo ông Park Kyoung Chul, Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) tại Việt Nam, dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Việt được triển khai tại xã Tam Thanh là dịp để giao lưu, chia sẻ ý tưởng nghệ thuật, kinh nghiệm tổ chức và phát triển nghệ thuật cộng đồng giữa hai quốc gia. Hơn thế, dự án mong muốn góp phần nào làm thay đổi diện mạo một làng quê, thúc đẩy du lịch phát triển, giúp cho người dân địa phương được sống trong một không gian văn hóa nghệ thuật thực sự và nâng cao ý thức, trách nhiệm, lòng tự hào của người dân.
Xóm biển những ngày này trở nên nhộn nhịp khác thường. Những đứa trẻ đổ ra đường, thích thú chạy theo những họa sĩ và chiêm ngưỡng những bức tranh mới hoàn thiện. Người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa và hỗ trợ nhóm bạn trẻ. Ông Võ Bì (83 tuổi) gật gù trước bức tranh hai cây dừa bên bãi biển vừa được một họa sĩ trong nhóm hoàn thành trên bức tường bên hông nhà. “Không ngờ ngôi nhà nhỏ này lại trở nên đẹp như trong phim vậy. Trước, nắng đổ chang chang trên tường bong tróc ai nhìn cũng ngán ngẩm, oi bức nhưng nhìn vào bức tranh thấy mát mẻ, dễ chịu hơn hẳn” – ông Bì nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, dự án giúp làm đẹp cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân. Về sâu xa, dự án còn có ý nghĩa phát triển du lịch tại địa phương. “Hằng năm, số lượng du khách đến Tam Thanh rất đông, hy vọng những bức bích họa này sẽ tạo ấn tượng, giữ chân du khách ở lại lâu hơn” – ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Tam Kỳ: “Mỹ thuật có tác dụng rất tốt, tác động một cách khéo léo nhưng mạnh mẽ đến ý thức con người. Sống trong một ngôi nhà đẹp, ngôi làng mỹ thuật sẽ giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn. Đồng thời đây có thể là điểm nhấn, giúp phát triển du lịch”.
Theo Tiền phong