Bằng tất cả cảm xúc chân thành khi hoài niệm về mối tình đầu, Nhượng Tống đã tạo nên một bản hòa âm đa sắc giữa tình yêu và số phận.
Tên sách: Lan Hữu
Tác giả: Nhượng Tống
Nhà xuất bản Văn học, 2015 (in lại theo bản in năm 1940)
Lan Hữu là câu chuyện về mối tình đầu trong trẻo của chàng thư sinh mười sáu tuổi hiền lành tên Ngọc. Ngay từ khi mới tới trọ học ở nhà người chú họ, Ngọc đã phải lòng Mai Hữu. Ban đầu, đó chỉ là sự rung động của một chàng trai mới lớn trước cô thiếu nữ xinh đẹp, hóm hỉnh mà có phần bạo dạn. Nhưng tình cảm ấy cứ lớn dần lên trong lòng Ngọc. Chàng không biết phải đối mặt ra sao với nó bởi hai người là anh em họ. Trong lúc Ngọc đang rối như tơ vò thì Lan xuất hiện.
Tiểu thuyết “Lan Hữu”.
Ngay từ lần đầu gặp nhau, Lan đã phải lòng Ngọc. Cô yêu Ngọc đầy si mê và đắm đuối. Bản thân Ngọc luôn đinh ninh rằng mình chỉ yêu một mình Hữu, nhưng chàng không thể bỏ mặc tình cảm của một cô gái bi lụy và mỏng manh như Lan. Chàng thư sinh đa tình luôn bị giằng xé giữa tình cảm của hai cô gái. Ngọc biết mình cư xử như vậy là sai, nhưng chàng không thể nào thoát khỏi “mê cung tình ái” do chính mình tạo ra. Không những thế, cha mẹ Ngọc vì những lý do mang nặng tư tưởng phong kiến nên không cho phép con trai mình lấy ai trong hai người con gái ấy. Mối tình đầu trong trẻo dần rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
Lan Hữu là một áng văn trong trẻo về tình yêu. Tình đầu trong Lan Hữu là những rung động của con tim, là sự đồng cảm của hai tâm hồn tươi trẻ. Những rung cảm thuần khiến ấy không nhuốm màu của dục vọng hay những khao khát thể xác. Tình yêu đến thật tự nhiên, không mưu toan, vụ lợi. Suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết, người đọc được sống trong những cảm xúc đa dạng của tình yêu: có nhớ nhung, có đau khổ, có hờn giận, có tiếc nuối. Lan Hữu buồn nhưng không hề bi lụy. Nó mỏng manh như sợ tơ nhện cứ vấn vương trong tâm trí người ta. Để khi trưởng thành, mối tình ấy trở thành kỷ niệm đẹp hoài nhớ.
Ra đời vào năm 1940, không chỉ là một câu chuyện tình, Lan Hữu còn mang trong mình những quan điểm về tự do yêu đương, tự do hôn nhân, đả kích quan niệm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” và tư tưởng “môn đăng hộ đối” thời đó. Tuy còn yếu đuối, rụt rè giống như phần lớn lớp thanh niên thời bấy giờ, những nhân vật trong Lan Hữu đều đại diện cho lớp thanh niên dám yêu và dám thổ lộ tình yêu của mình.
Cùng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Băn khoăn của Khái Hưng, Lan Hữu là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn của văn chương trước 1945. Nhượng Tống thường được nhắc đến với vai trò là dịch giả một số tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng Trung Quốc như: Ly tao, Nam Hoa kinh, Thơ Đỗ Phủ, Sử ký Tư Mã Thiên… Ít ai biết rằng ông còn là một thơ, nhà văn. Lan Hữu cho thấy tầm vóc của Nhượng Tống trong văn đàn.
Theo Quỳnh Anh (Vnexpress)