Nhưng ý nghĩ của tôi lập tức bị dao động khi đọc được những bài báo về sự có mặt của nhà văn Mỹ Edward P. Jones và Junot Diaz xuyên suốt trong chương trình Liên hoan được tổ chức dài ba ngày (từ ngày 16-18/11/2011). Edward P. Jones và Junot Diaz là hai nhà văn đã làm nổi sóng nền văn học Mỹ, với những tác phẩm cất lên tiếng nói của những người cùng khổ. Edward P. Jones, với tiểu thuyết The Known World (Thế giới đã được biết đến) về những người nô lệ da đen, đã được tặng giải thưởng văn học Pulitzer danh giá nhất của Mỹ vào năm 2004. Còn Junot Diaz, với tiểu thuyết The Brief Wondrous Life of Oscar Wao (Cuộc sống ngắn ngủi và lạ kỳ của Oscar Wao) về cuộc sống những người di dân Dominica ở Mỹ, đã xuất sắc dành được giải thưởng Pulitzer vào năm 2008. Sau này, cô Rachel Kahan, phụ trách biên tập của nhà xuất bản Putnam (thuộc hệ thống NXB Penguin) đã nói với tôi rằng cơ hội gặp Edward P. Jones hiếm hoi như… gặp được rồng, vì Edward P. Jones rất kín tiếng và ít khi giao lưu với công chúng.
Nhà văn Edward P. Jones và Junot Diaz chia sẻ về tác phẩm.
Dù đã đọc được những thông tin quảng bá về Liên hoan, tôi vẫn đến với sự kiện này với tâm thế không mong chờ gì nhiều. Nói cho cùng, có quá nhiều sự kiện văn học, văn hóa, nghệ thuật nghe rất hoành tráng, nhưng chúng giống như… những ổ bánh mì rỗng ruột.
Vì thế, khi bước chân vào Bảo tàng Ayala, nơi diễn ra Liên hoan vào sáng ngày 16/11/2011, tôi đã lập tức bị choáng ngợp. Không phải bởi vì Bảo tàng Ayala là bảo tàng đặc sắc bậc nhất của Philippines, với những bộ sưu tầm khổng lồ vàng bạc, châu báu, các tác phẩm hội họa hiếm quý. Không phải bởi trang trí lòe loẹt hoặc băng rôn hoành tráng. Càng không phải sự ồn ào, nhộn nhạo. Mà bởi vì một không gian sang trọng ngay giữa lòng thành phố được bao quanh bởi hàng trăm quyển sách, và những con người đang lặng lẽ đắm mình vào thế giới của những quyển sách ấy, hoặc nhẹ nhàng trao đổi cùng nhau như cùng muốn bảo tồn cho sự tĩnh lặng của không gian.
Một liên hoan văn học hướng đến hiệu quả
Dù đây là Liên hoan Văn học quốc tế, nhưng tất cả những ai tham gia, trừ diễn giả và ban tổ chức, đều phải mua vé vào cửa. Giá vé là 2.000 peso, tương đương với 1 triệu đồng cho ba ngày. Hoặc 800 peso, tương đương với 400.000 đồng cho một ngày. Trong cuộc trò chuyện sau này với nhà văn Neni Sta. Romana Cruz, chủ tịch Ủy ban Phát triển Sách Quốc gia (National Book Development Board), trưởng ban tổ chức liên hoan, tôi được biết việc mua vé tham dự đảm bảo rằng những người tham gia thực sự muốn đến để học hỏi và đóng góp cho Liên hoan. Điều đó thể hiện thật rõ trong thành phần hàng trăm người tham dự. Họ đến từ nhiều tầng lớp khác nhau: những nhà xuất bản, nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế, sinh viên, công chức, giáo viên… Tôi gặp ở đây những nhà văn, nhà thơ tên tuổi của Philippines, một số nhà văn, nhà thơ nước ngoài, cùng nhiều người chưa thuộc thế giới văn chương – đó là một bà mẹ có con thích viết văn, một bạn đọc yêu văn chương, và cả một người đang làm nghiên cứu về nghề y tá, cô Lynel Aurora. Lynel nói cô đã đến với Liên hoan vì lòng hâm mộ dành cho Edward P. Jones và Junot Diaz, nhưng cô ở lại cả ba ngày vì chương trình liên hoan rất hấp dẫn. Trước khi chia tay, Lynel Aurora chia sẻ với tôi rằng cô sẽ viết – viết về sự cùng cực của những y tá Philippines, những người đang bị các bệnh viện bóc lột thậm tệ. Thậm chí, những y tá mới ra trường còn phải trả tiền cho các bệnh viện (khoảng 10.000 peso hay 5 triệu đồng cho ba tháng thực tập).
Từ trái qua phải: Tổng biên tập Ravi Mirchandani, phụ trách biên tập Rachel B. Kahan, đại diện văn học Jayapriya Vasudevan, đại diện văn học Priya Doraswamy, và người dẫn chương trình (bà Andrea Pasion-Flores, giám đốc điều hành Ủy ban Phát triển Sách Quốc gia)
Không chỉ cô Lynel Aurora mà tất cả những người tham dự Liên hoan, bao gồm cả nhà văn Edward P. Jones và Junot Diaz đều nhất trí với tôi rằng ban tổ chức đã thiết kế một chương trình rất hấp dẫn. Sau phần khai mạc rất ngắn gọn với một điệu múa dân tộc Philippines là lời dẫn và phần trao đổi hết sức sôi nổi về chủ đề “Nhà văn Philippines đang ở đâu giữa thế giới?”. Sau đó là phần đối thoại với nhà văn Edward P. Jones và Junot Diaz về các tác phẩm của họ, về cách họ cất lên tiếng nói của những con người “bên lề xã hội”, và cách họ khiến cho cả xã hội Mỹ lắng nghe những tiếng nói ấy.
Một liên hoan thân thiện và chất lượng
Sự hài hước của người dẫn chương trình và các diễn giả đã tạo nên một không gian cởi mở và đầm ấm. Những câu hỏi “xoay và xoáy” đã được trả lời một cách nhiệt tình, sôi nổi và chi tiết. Khoảng hai trăm người có mặt trong buổi sáng hôm ấy đều chăm chú lắng nghe, không ai bỏ ra ngoài, không ai sử dụng điện thoại di động. Tất cả đều thể hiện sự tôn trọng tối ưu dành cho văn học, và dành cho nhau.
Sau chương trình chung của buổi sáng đầu tiên, hai ngày rưỡi còn lại được chia thành những cuộc hội thảo diễn ra song song tại ba phòng họp, mỗi hội thảo kéo dài một tiếng rưỡi. Bất cứ thời điểm nào, người tham gia liên hoan cũng có thể chọn một chủ đề họ quan tâm nhất để tham dự. Rất nhiều chủ đề thú vị và hấp dẫn khiến tôi ước mình có thể “phân thân” để có thể tham dự hết các hội thảo. Những chủ đề đó bao gồm: Tìm kiếm tiểu thuyết tiếp theo của Philippines, điều gì khiến một quyển tiểu thuyết của Philippines đáng đọc; Từ ngòi bút đến ấn bản – và tất cả những gì ở giữa: Những phương thức tác phẩm có thể tiếp cận với các nhà xuất bản quốc tế; Thị trường sách quốc tế và bạn đọc quốc tế: Loại sách nào đang được yêu thích? Bạn đọc quốc tế muốn đọc gì từ một nền văn hóa khác?; Đối thoại cùng Junot Diaz: quá trình viết tác phẩm Cuộc sống ngắn ngủi và lạ kỳ của Oscar Wao và những bí quyết thành công; Đối thoại với các nhà phê bình văn học; Từ ngòi bút đến ấn bản: vai trò của biên tập viên; Bối cảnh của nền văn học và ngành xuất bản Philippines: đánh giá về ngành xuất bản Philippines và những phương thức để ngành xuất bản đáp ứng yêu cầu bạn đọc trong nước và nước ngoài tốt hơn; Sáng tác cho thiếu nhi và thanh thiếu niên; Sáng tác đề tài kinh dị, tội phạm; Các thể loại hồi ký và chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp viết hồi ký; Sáng tác dựa trên truyện cổ tích, truyện thần thoại và truyền thuyết; Những thể loại tiểu thuyết và chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp viết tiểu thuyết; Những thể loại sách phi hư cấu và chia sẻ kinh nghiệm; Đối thoại cùng Edward P. Joines: quá trình viết tác phẩm Thế giới đã được biết đến và những bí quyết thành công; Cách quảng bá các tác phẩm văn học sau khi ấn phẩm ra đời; Sự nhiệm màu của yếu tố hài hước và châm biếm trong tác phẩm…
Nhiều người tham dự mua rất nhiều tác phẩm của Edward P. Jones, xin chữ ký để làm quà Giáng sinh tặng bạn bè
Theo nhà văn Neni Sta. Romana Cruz, mục đích của Liên hoan Liên hoan Văn học Quốc tế Manila 2011 là đẩy mạnh sự phát triển của ngành xuất bản Philippines và tạo ra những điều kiện tốt nhất để các nhà văn sáng tác. Vì thế, sự hiện diện của một nhà xuất bản Mỹ (nhà xuất bản Putnam, thuộc hệ thống NXB Penguin), một nhà xuất bản Anh (Atlantic Books UK), và hai đại diện văn học (literary agents) từ công ty Jacaranda Press làm cho các hội thảo thực sự sinh động.
Dự Liên hoan, nghĩ về văn học Việt Nam
Tôi đặc biệt ấn tượng về những trao đổi rất thẳng thắn xoay quanh chủ đề xuất bản các tác phẩm văn học ra thị trường quốc tế, đặc biệt là với ông Ravi Mirchandani – tổng biên tập nhà xuất bản Atlantic Book Anh quốc, bà Rachel B. Kahan – phụ trách biên tập nhà xuất bản Putnam (Mỹ), bà Jayapriya Vasudevan – đại diện văn học tại trụ sở Singapore của Jacaranda Press và bà Priya Doraswamy – đại diện văn học tại trụ sở New York của Jacaranda Press. Tất cả mọi người đều thống nhất rằng các nhà xuất bản uy tín ở Anh và Mỹ không muốn làm việc trực tiếp với tác giả mà thông qua đại diện văn học. Các đại diện văn học là những người giúp sàng lọc bản thảo, giúp tác giả thực hiện công việc hiệu đính ban đầu, đại diện cho quyền lợi của tác giả và gửi tác phẩm đến rất nhiều nhà xuất bản để tìm kiếm một hợp đồng tốt nhất cho việc bán bản quyền và phân phối tác phẩm. Các đại diện văn học thường không bao giờ nhận tiền của tác giả cho công việc đọc, trao đổi và hiệu đính tác phẩm. Họ chỉ nhận một phần bản quyền tác phẩm một khi hợp đồng sử dụng tác phẩm đã được ký kết giữa nhà xuất bản và tác giả, và nhà xuất bản đã trả tiền cho tác giả. Bà Priya Doraswamy hài hước nhưng nghiêm túc nói với chúng tôi rằng, nếu một đại diện văn học nào đó muốn bạn trả tiền cho họ trước khi bán được bản thảo của bạn, thì đó là một đại diện văn học.. dởm.
Nhà văn Edward P. Jones và hai tác phẩm ông ký tặng tác giả bài viết
Ngay trong khuôn khổ hội thảo, công ty Jacaranda Press đã làm nức lòng những nhà văn tham gia Liên hoan bằng cách ký hợp đồng đại diện văn học với hai nhà văn nữ Philippines có tuổi đời còn rất trẻ. Người thứ nhất là cô Criselda Yabes với tác phẩm Below the Crying Mountain (Dưới ngọn núi khóc). Tiểu thuyết này đã vào vòng chung kết Giải thưởng Văn học Châu Á The Man Asian Literary Prize**Những vòng tròn nhỏ hơn, nhỏ hơn (Smaller and smaller circles). Đây là tiểu thuyết hình sự đầu tiên của Philippines, xuất bản năm 2002 và đã dành được nhiều giải thưởng văn học uy tín trong nước như Giải thưởng sách quốc gia, giải thưởng Carlos Palanca Grand Prize và giải thưởng Madrigal-Gonzalez. Nhà văn F.H. Batacan nói với tôi rằng đã một năm nay, cô gặp gỡ và làm việc cùng các đại diện văn học tại Jacaranda Press và đã chỉnh sửa một số điểm trong tác phẩm để nó hấp dẫn hơn đối với bạn đọc quốc tế. Một số nhà xuất bản đã bày tỏ việc họ quan tâm đến bản thảo của cô tuy nhiên Jacaranda Press sẽ đưa bản thảo đến hội chợ sách quốc tế tại London và Frankfurt nhằm có được một hợp đồng tốt nhất. dành cho tiểu thuyết xuất sắc nhất của một nhà văn châu Á. Người thứ hai là cô F.H. Batacan với tác phẩm
Những nhà xuất bản và đại diện văn học cho tôi biết, họ đang tìm kiếm những tiểu thuyết xuất sắc từ những tác giả đang sống ở Việt Nam và Campuchia. Bà Jayapriya Vasudevan nhờ tôi chia sẻ với các tác giả Việt Nam rằng, họ có tác phẩm bằng tiếng Anh hoặc đã được dịch sang tiếng Anh, hãy vào trang web của Jacaranda Press (http://jacaranda-press.com/), đọc các quy định về việc gửi bản thảo, và gửi thông tin về tác phẩm theo yêu cầu của các quy định đó.
Tôi học được rất nhiều trong các câu chuyện mà biên tập viên các nhà xuất bản, những người đại diện văn học kể về quá trình họ xuất bản thành công những tác phẩm văn học châu Á, ví dụ như hành trình của quyển The White Tiger (Cọp trắng) tiểu thuyết đầu tay của tác giả Ấn độ Aravind Adigathe Man Booker Prize. Sau các câu chuyện, tôi rút ra một điều: thời gian vượt ra ngoài biên giới quốc gia của một quyển tiểu thuyết đôi khi rất dài, thường là là 4-5 năm. Các tác giả cần có sự kiên nhẫn và không bao giờ để mất bình tĩnh. Quá trình hiệu đính tác phẩm cùng đại diện văn học và nhà xuất bản thường cũng rất dài và vất vả. Bà Rachel B. Kahan, phụ trách biên tập nhà xuất bản Putnam (Mỹ) nói rằng hiện nay các nhà xuất bản và các đại diện văn học đang chìm ngập trong bản thảo (vì có quá nhiều người viết), nhưng họ vẫn tìm kiếm những tác phẩm đỉnh cao. Bà Rachel B. Kahan cho biết, nhà xuất bản của bà sẵn sàng trả tiền rất nhiều cho một tác phẩm tốt. Bản thân bà đã từng trả tiền bản quyền tương đương với 1 triệu đô la cho một tiểu thuyết (bà là người làm việc với các tác giả bán rất chạy như Kate Moss, Stuart Woods, Ariana Franklin và Kate Jacobs…). do ông Ravi Mirchandani trực tiếp biên tập, xuất bản vào năm 2008 và sau đó giành được giải thưởng văn học
Con đường xuất bản cho thơ
Nhà thơ Marjorie Evasco chia sẻ với tôi rằng, khi tham gia Chương trình Viết văn Quốc tế của Đại học Iowa, bà đã được sắp xếp để gặp gỡ các nhà xuất bản. Những cuộc họp đã được thu xếp trước, nhưng chỉ sau một phút, chúng đã kết thúc. Khi biết bà chỉ làm thơ, nhà xuất bản nào cũng lắc đầu. Tại Liên hoan Văn học Quốc tế Manila, những nhà xuất bản, những đại diện văn học cũng đồng loạt lắc đầu khi tôi hỏi “Có thị trường xuất bản cho thơ?”.
Tác giả bài viết và nhà thơ Marjorie Evasco (giữa), cùng các nhà văn, nhà thơ Philippines và quốc tế.
Tuy nhiên, một tin vui với các nhà thơ chính là thể loại tiểu thuyết thơ đang ngày càng ăn khách. Trong bài trình bày của nhà văn Mỹ Holly Thompson (hiện đang sống và viết tại Nhật Bản), tiểu thuyết thơ (verse novels) viết cho thanh thiếu niên đang là thể loại rất ăn khách. Từ năm 1998, tiểu thuyết thơ của Karen Hesse với tựa đề Out of the Dust (Ở bên ngoài bụi), đã dành được giải thưởng văn học danh giá Newbery Medal. Hiện nay, các tác giả Sonya Sones, Ellen Hopkins, Steven Herrick, Margaret Wild, Nikki Grimes, Virginia Euwer Wolff, Ann Warren Turner, Lorie Ann Grover, Brenda Seabrooke, Paul B. Janeczko, và Mel Glenn là những tác giả sáng giá trong đề tài tiểu thuyết thơ. Nhà văn Holly Thompson, người bay từ Nhật sang Manila để trình bày trong Liên hoan, đã tự hào chia sẻ về tác phẩm mới nhất của bà – quyển tiểu thuyết thơ Orchards (Những vườn cây ăn quả), vừa được Nhà xuất bản Random House xuất bản năm 2010. Cả khán phòng đã lặng đi vì xúc động khi bà đọc một phần của tiểu thuyết đó – câu chuyện của một cô gái Mỹ phải trốn chạy sang Nhật vì bạn thân của cô tự tử. Holly Thompson đã nói về sự vất vả của cô trong việc hoàn thành quyển tiểu thuyết này và hào hứng chia sẻ với tôi rằng người biên tập của quyển sách này là một…người Mỹ gốc Việt. Nhờ Holly Thompson, tôi cũng được biết nhà văn Mỹ gốc Việt tên là Thanhha Lai vừa dành được giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ (National Book Award) với tiểu thuyết thơ “Inside Out & Back Again” (Từ Trong Ra Ngoài Rồi Bắt Đầu Lại) (Nxb HarperCollins, 2011). Nội dung tiểu thuyết thơ này kể về một cô bé tên Hà, năm lên 10 tuổi đã cùng mẹ và 3 người anh trai rời Việt Nam và cố gắng hòa nhập vào cuộc sống Mỹ. Đây cũng là một tiểu thuyết thơ viết cho thanh thiếu niên.
Sự chuyên nghiệp của ban tổ chức
Có thật nhiều điều tôi muốn kể về Liên hoan văn học quốc tế Manila, nhưng không thể không kể về sự chu đáo và chuyên nghiệp của ban tổ chức. Tất cả những người tham dự liên hoan được phát một bộ tài liệu, trong đó có quyển hướng dẫn chương trình in màu rất đẹp, khổ A4, dày 25 trang, với lời mở đầu của ban tổ chức, chương trình hội thảo chi tiết, và đặc biệt nhất là ảnh và tiểu sử ngắn gọn của 70 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, đại diện nhà xuất bản, đại diện văn học… tham gia thuyết trình trong hội thảo. Điều đặc biệt là Liên hoan này không có người dẫn chương trình chính mà các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Philippines thay phiên nhau dẫn chương trình hoặc điều hành một buổi thảo luận. Thường thì bàn tròn trong mỗi buổi thảo luận đều bao gồm phần trình bày của các nhà văn trẻ cũng như các nhà văn đã có tuổi. Chỉ qua vài buổi tiếp xúc với các nhà văn ở đây, tôi thấy dường như không có sự phân biệt giữa hai khái niệm “nhà văn” và “nhà văn trẻ”. Thêm vào đó, các buổi thảo luận cũng được thiết kế hết sức “mở”, với khoảng 1/3 thời gian dành cho người tham dự đặt câu hỏi. Phần hỏi đáp bao giờ cũng rất sôi nổi.
Nhà văn Neni Sta. Romana Cruz, chủ tịch Ủy ban Phát triển Sách Quốc gia của Philippines cho tôi biết rằng Ủy ban này là một tổ chức chính phủ, trực thuộc Bộ Giáo dục Philippines. Đây là lần thứ hai Liên hoan văn học quốc tế Manila được tổ chức. Theo bà Neni Sta. Romana Cruz, ban tổ chức rất chú ý đến những yếu tố sau, để đảm bảo sự thành công của Liên hoan: Sự đầu tư cho công tác tổ chức, sự có mặt của các nhà văn hàng đầu thế giới, sự tham gia của các tác giả Philippines, và sự chung tay tài trợ của các công ty tư nhân. Bà Neni Sta. Romana Cruz cho biết, công tác tổ chức cho Liên hoan thường kéo dài gần một năm trời, với “mũi nhọn” chính là việc mời được các tác giả và các nhà xuất bản uy tín nhất của thế giới. Bà cho biết, sự có mặt của nhà văn Vikas Swarup, tác giả của tiểu thuyết Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire) đã giúp quyết định sự thành công của Liên hoan văn học quốc tế Manila đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái. Ban tổ chức cũng chú ý thiết kế một chương trình có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả, nhà xuất bản… hàng đầu Philippines, ở các độ tuổi khác nhau. Vì thế trong ba ngày tổ chức liên hoan, tôi không thấy nhà văn Philippines nào chiếm lĩnh diễn đàn. Bà Neni Sta. Romana Cruz cũng rất vui khi bày tỏ rằng Liên hoan nhận được sự quan tâm ủng hộ quý báu của các công ty tư nhân, đặc biệt Hãng hàng Không Philippines đã cung cấp vé miễn phí cho các nhà văn quốc tế.
Sự chu đáo của ban tổ chức không chỉ phản ánh ở chương trình liên hoan và thành phần các diễn giả, mà còn là việc đảm bảo tất cả những tác phẩm của các nhà văn tham gia trình bày trong liên hoan đều có mặt trên giá sách bên lề liên hoan. Tại đây, tôi đã mua được tất cả các tác phẩm từ trước đến nay của những diễn giả chính trong hội thảo như Edward P. Jones, Junot Diaz và Holly Thompson, cùng các tác phẩm của các tác giả trẻ Philippines như Criselda Yabes, F.H. Batacan…
Dù chương trình dã ngoại không là một phần của liên hoan, nhưng ban tổ chức đã tạo một không gian thoải mái trong những lúc giải lao, có trà, cà phê và thức ăn rất ngon được cung cấp miễn phí, và những bàn tròn để việc trao đổi, giao lưu, kết bạn ngoài lề có thể thực hiện một cách hiệu quả.
Rời Liên hoan Văn học Quốc tế Manila 2011, tôi chợt nung nấu một ý nghĩ rằng Liên hoan Văn học Quốc tế Manila 2012 sẽ có mặt các tác giả đến từ Việt Nam, và trong những năm sau, sẽ có nhiều hơn các tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu với bạn đọc quốc tế.
Manila ngày 20/11/2011
Nguyễn Phan Quế Mai
_________________
* Nhà thơ, tiến sĩ Marjorie Evasco là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất Philippines. Bà nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2010 và giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2011 của Ủy ban Quốc gia về Văn Hóa và Nghệ thuật Philippines. Hiện nay bà là Giáo sư Văn học, và Ủy viên danh dự của trường đại học De La Salle, thủ đô Manila, Philippines.
** Giải thưởng Văn học Châu Á The Man Asian Literary Prize được thành lập vào năm 2007, nhằm vinh danh tiểu thuyết xuất sắc nhất của một nhà văn Châu Á viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh. Giải thưởng này được trao cùng số tiền thưởng tương đương với 30.000 USD cho tác giả và 5.000 cho dịch giả (nếu có). Năm nay, 12 tác phẩm đang được xem xét bao gồm các tác phẩm đến từ Pakistan, Bangladesh, Ấn độ, Iran, Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc.
Nguồn: vanvn.net.