Sau nhiều năm dạy viết văn, tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên về điều này. Nghĩa là dù không muốn, các nhà văn vẫn thường viết trái ngược với ý mình một cách vô thức. Hãy tưởng tượng, một nhà văn nói thứ ngôn ngữ của họ, hiểu rõ từ vựng, và cố gắng tôn trọng những quy tắc ngữ pháp và cú pháp. Tuy thế anh ta lại thường cho ra lò những câu chữ mang ý nghĩa tầm phào mà chẳng hề hay biết. Theo một nghĩa nào đó, điều này thật thú vị, giống như ta sắp xếp đan chiếc áo len, dựng một cái tủ áo, và rồi tự hỏi tại sao chúng lại không khớp với nhau.

VERLYN KLINKENBORG

(Mỹ)

Làm thế nào xử lí những câu?

Nháp là chuỗi nghệ thuật và thủ thuật của sự viết.

V. Klinkenborg

Ở tự thân, những câu [văn] là thực đến không thể thay đổi. Câu có thể dài, ngắn, đơn giản, phức tạp, rõ ràng, tối nghĩa, thậm chí rời rạc, nhưng chúng không cố gắng che giấu những đặc tính đó. Chúng là những gì chúng là, và nói lên điều chúng phải nói. Sáng rõ như những con chữ trên khuôn mặt chúng. Vấn đề là hầu hết các câu văn được viết bởi những nhà văn, một thực tế mà độc giả nhận thức được. Do vậy, thật khó để đánh giá những câu văn một cách toàn vẹn trong chính bản thân chúng. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi. Chị ấy đã nói gì? Ý anh ta thế nào? Về vấn đề này, tôi bổ sung thêm. Có chăng các nhà văn biết được chính xác những gì mà văn từ của họ diễn đạt? Câu trả lời hầu như là không.

Sau nhiều năm dạy viết văn, tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên về điều này. Nghĩa là dù không muốn, các nhà văn vẫn thường viết trái ngược với ý mình một cách vô thức. Hãy tưởng tượng, một nhà văn nói thứ ngôn ngữ của họ, hiểu rõ từ vựng, và cố gắng tôn trọng những quy tắc ngữ pháp và cú pháp. Tuy thế anh ta lại thường cho ra lò những câu chữ mang ý nghĩa tầm phào mà chẳng hề hay biết. Theo một nghĩa nào đó, điều này thật thú vị, giống như ta sắp xếp đan chiếc áo len, dựng một cái tủ áo, và rồi tự hỏi tại sao chúng lại không khớp với nhau.

Một sinh viên cũ của tôi viết câu: “Tôi cũng có những ngón tay dài giống bố tôi, những ngón tay tôi thường giấu dưới đùi”. – Một câu văn có vấn đề. Tác giả có vẻ giấu bàn tay anh (cô) ấy dưới đùi của ai khác, chứ không phải dưới đùi của anh (cô) ấy. Đây chính là điều câu văn đã thực sự nói, mặc dù đó không là những gì nhà văn hi vọng câu đó nói lên.

Một ví dụ khác: “Những chiếc xe đạp ráp sẵn đang được chạy dành riêng trên những con đường này”. Câu này có vẻ tự đắc với cái tối nghĩa hoàn hảo của mình. Người ta có thể hiểu hai cách: Hoặc “Người ta chạy xe đạp ráp sẵn chỉ trên những con đường này” hoặc “Trên những con đường này người ta chỉ chạy xe đạp ráp sẵn”, hiểu thế nào cũng không sai. Một đằng thì nói về chiếc xe, một đằng thì về con đường. Nhưng với một câu văn trên, ta chẳng thể nào chọn lựa một trong hai cách hiểu đó. Điều đó buộc chúng ta hãy cứ để ngữ cảnh làm cho nó sáng rõ nếu bản thân ngữ cảnh không thường xuyên hàm hồ như vậy. Mặt khác, ngữ cảnh không chỉ mang ý nghĩa xác định nghĩa đen của một câu văn, mà còn giúp chúng ta cảm nhận được những ngụ ý và hàm nghĩa, cho phép nhà văn diễn đạt nhiều hơn những gì mà câu văn nói.

Tại sao nhà văn không nhận ra những lỗi này? Nhiều khả năng là vì họ đang tìm kiếm mục đích của họ – những gì họ muốn nói – hơn là ngôn từ họ viết lên mặt giấy. Câu văn, khi được viết ra, như vô hình với họ. Độc giả cũng không bắt được những lỗi như thế, bởi họ quá giỏi trong việc đoán xem ý định của tác giả. Đó không phải do họ bỏ qua việc đọc kỹ, nghĩa là lờ đi vấn đề trong câu văn. Họ gần như vẫn luôn đọc lướt, nhận thức được ý định của nhà văn, y như nhà văn bằng cách nào đó hiện diện khắp nơi trong câu văn, kiểm tra độc giả, mong đợi sự phán xét thuận lợi. Chúng ta vẫn thường làm điều này trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Và như vậy câu văn đã hết còn là câu văn – một cấu trúc ngôn từ với độ dài, tốc độ, nhịp điệu nhất định, tự bản chất – mang nghĩa đen sáng rõ không chút hàm hồ. Nó trở thành tín hiệu cho sự khởi đầu của mối giao tiếp từ xa.

Ở đây, nhà văn – kẻ làm ra những câu văn – có một sự mâu thuẫn. Bạn thực sự có mặt, như sự có mặt theo cách khả dĩ bởi vết mực hay điểm ảnh, qua những câu văn mà bạn tạo ra, thây kệ chúng sáng rõ thế nào. (Các nhà văn cảm thấy mình thiếu phong cách thường có xu hướng lờ đi điều này, thay vào đó họ chất nặng lên văn mình mấy nhàm chán bằng những dấu vết cá thể). Tuy vậy, đó là điều cần viết nếu bạn muốn câu văn của bạn trở nên lạc điệu, vì chúng không thể khác. Đặt trước phiên tòa ngữ nghĩa, câu văn của bạn chẳng nhận được trợ giúp từ bạn. Chúng sẽ nói đúng những gì ngôn từ nói. Và nếu điều đó khiến bạn trở nên lố bịch hay bối rối, cứ thử đoán xem điều gì xảy ra?

Câu văn luôn là những câu chữ, thây kệ bao nhiêu nhà văn ghê tởm cái ý nghĩ chúng chỉ là những câu chữ thuần túy. Sự thật là, khả năng viết của nhà văn sẽ chẳng đạt tiến bộ nào nếu như họ chưa thấm nhuần bài học này. Ý định bạn muốn diễn đạt qua câu văn luôn bị chi phối bởi những gì chính câu văn bạn nói. Một độc giả thông minh có thể rất giỏi trong việc nắm rõ các cung bậc tư tưởng bạn, mà vẫn luôn đọc một cách trực diện, nhận thức được sự lạc lối của những câu văn tối nghĩa.

Điều này có nghĩa viết xong, bạn cần bình tĩnh đọc lại, như thể những ý định là vô hình và các câu văn sẽ làm công việc của nó, về tất cả cái nói của chính nó. Có thể đây là điều khó khăn nhất mà nhà văn phải học. Nhìn vào một câu văn bạn tạo ra giống như nhìn chính bạn trong mảnh gương soi. Ngôn từ với nghĩa đen thuần túy phải trở thành một phần trong bạn, nhờ đó, bạn không phải vô tư mà tự tâng bốc. Chỉ như vậy bạn mới có thể viết ra những câu văn có chất lượng, và sáng rõ. Chứng kiến những gì câu văn bạn trực tiếp nói lên là điều không dễ, nhưng bạn sẽ dần quen với nó nếu thường xuyên luyện tập. Thậm chí bạn sẽ cảm nhận được niềm vui trong việc khám phá ra mấy cái bẫy vụng về mà bạn đã từng mắc vào trong thứ văn chán ngắt của mình.

Bạn có thể tảng lờ làm như mình không viết câu văn ấy. Như thế là chưa đủ, bởi cái kiểu tự lừa ấy sẽ sớm tàn lụi. Bí quyết là hãy khám phá ra thứ đầu óc chứa đầy nghĩa đen của từ trong chính bạn và phát triển nó đến mức bạn có thể đọc lại văn mình một cách đầy mưu mẹo. Hãy cố gắng luyện tập việc đọc những câu văn mình theo cách của độc giả, nghĩa là bạn hoàn toàn không có hiểu biết nào khác về nội dung thể hiện. Hãy cảnh giác với sự tối nghĩa dưới bất kì hình thức nào. Hãy là một kẻ thành thạo với sự tối nghĩa. Ngôn ngữ vốn linh động, sẵn sàng trở nên vô nghĩa hay vô cảm nếu nó không nằm trong sự kiểm soát.

Nhà văn thiếu kinh nghiệm có xu hướng tin rằng câu văn nói chung sản sinh mọi quyền hạn – hoặc ít ra cũng hội đủ các quyền hạn. Nhà văn từng trải thì khác, anh ta biết rằng mỗi câu văn tốt được phục dựng từ các lực của sự hỗn loạn.

Vậy, chớ mù quáng bởi những gì bạn nghĩ là bạn đang nói. Câu bạn tạo ra sẽ không tha tội cho bạn, cho dù độc giả dễ tính có thể làm thế. Cũng chớ làm ra vẻ rằng nghĩa đen của câu văn là điều ít quan trọng nhất. Nó chính là điều quan trọng duy nhất. Không có sự chính xác của chữ theo nghĩa đen, sẽ chẳng có điều gì được tạo nên. Ngay cả phép ẩn dụ – theo cách tốt nhất có thể – cũng phải được làm và hiểu theo nghĩa đen của từ. Nhưng đó lại là câu chuyện cho một ngày khác.

TRÀ KHA lược dịch

Theo The New York Times, 24-9-2012

Nguồn: TCNV 12-2012

Exit mobile version