Elizabeth Day

Tại một câu lạc bộ đọc sách hàng tuần, Elizabeth Day đã nhận thấy rằng, ngay cả trong thời đại của mạng xã hội, của truyền thông đại chúng, việc kể chuyện bằng miệng vẫn có đối tượng mới để tiếp cận.

Lần cuối cùng có người kể với Thomas Yeomans một câu chuyện là khi anh còn là một đứa trẻ. Tuần trước, khi đang lang thang vào một buổi chiều, anh đã bắt gặp một buổi kể chuyện trong một cửa hàng sách. “Đối với tôi, việc tự mình đọc sách đã trở thành quen thuộc trong những năm qua, đó là một cái gì đó rất riêng của bản thân mình”, Thomas Yeomans, một nghệ sĩ ở tuổi 26 giải thích, “Chính bởi thế mà tôi đã bị cuốn hút vào những phút cuối cùng, khi tôi không thể đoán ra điều gì đang chờ đợi ở phía trước trong buổi kể chuyện ấy.”

Yeomans đã chia sẻ những gì mắt thấy tai nghe cho tôi biết, khi tôi đang chạy quanh các buổi kể chuyện được tổ chức hàng tuần tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở trung tâm London. Lúc tôi bộc lộ ý tưởng của mình với trưởng phòng trưng bày, Simon Oldfield, rằng, trong xã hội hiện đại, truyền thống kể chuyện và chia sẻ những câu chuyện với nhau dường như là một thứ gì đó đã mất, ông đã rất đồng tình. Trong thời đại của mạng xã hội và đồ dùng điện tử, thời đại mà bạn tìm hiểu mọi thứ thông qua máy tính và Internet, văn hóa đọc độc lập ngày càng được ưa chuộng. Bạn đọc và xem mọi thứ cùng với một cặp tai nghe để không gây tiếng ồn. Nhưng, có vẻ như, chúng ta đã bỏ qua niềm vui của việc nghe kể chuyện một cách trực tiếp.

Nhiều người trong số chúng ta đã từng được nghe kể chuyện khi còn là những đứa trẻ. Tuổi tác tăng lên, chúng ta dần làm mất đi điều tuyệt vời ấy. Tuy nhiên, việc được nghe kể chuyện chắc chắn là một cái gì đó rất thú vị. Doanh thu từ audiobook tải về đã tăng 32,7% kể từ năm ngoái. Trong khi đó, Tổ chức Reader, một tổ chức từ thiện nhằm mục đích thu hút mọi người thông qua việc đọc chia sẻ của nền văn học lớn, hiện nay, đã có đến 350 nhóm đọc hàng tuần trải rộng ra khắp nước.

“Điều gì sẽ xảy ra với việc kể chuyện, khi người kể là người có những trải nghiệm rất mãnh liệt, nhưng tất cả họ đều có những ý kiến cá nhân riêng biệt?”, ông Jane Davis, người sáng lập của Tổ chức Reader đã đưa ra câu hỏi để thảo luận. Ông cũng nói thêm rằng, “Rất nhiều người không hiểu thế nào là ‘đói chữ’ ở nước ta. Và đối với họ, đọc lớn tiếng cho người khác nghe chỉ đơn giản là một cách đọc khác.”

Giống như Davis, tôi cũng từng cho rằng, khi đã có sự hồi sinh của các nhóm sách và các lễ hội văn học trong thập kỷ qua, thì không có nhiều cơ hội để người lớn có thể tham gia vào các nhóm đọc mà không thông qua các thảo luận văn học tự cải thiện, hay là không bị ràng buộc bởi mong muốn phải mua bằng được cuốn sách mới nhất của tác giả mà mình yêu thích.

Yeomans đã chia sẻ rằng, “Cái mà tôi thích thú ở đây là môi trường thân thiện và cởi mở tại các buổi kể chuyện hàng tuần. Nó khiến cho sự cố chấp, bảo thủ trong tôi tự giảm đi. Nó thực sự đánh động trái tim tôi. Tôi cảm thấy rằng, tôi có thể, một lần nữa, trở về làm một đứa trẻ.”

Helen Ervin, một nhân viên tiếp thị tới từ New York cũng đồng ý rằng, “Có một sự thân thiện sẽ đến với bạn khi tất cả mọi người lắng nghe bạn đọc… Cũng có những khoảnh khắc trong câu chuyện khiến cho ta phải bật khóc. Đó là những cảm xúc mà bạn sẽ nhận được khi bạn đọc to nó lên cho mọi người cùng nghe.”

Một người tham dự trong buổi kể chuyện hàng tuần đã cho biết rằng, ông đến đây bởi vì “Ý tưởng về đọc truyện là công việc khó khăn đối với tôi. Tôi mắc chứng khó đọc, vì vậy mà tôi thích nghe đài phát thanh và những thứ tương tự thế. Tôi hoàn toàn bị thu hút trong ngày hôm nay. Nó thật sự rất hấp dẫn.”

Đối với Doris Julian, 70 tuổi, thì buổi đọc truyện giống như là được “Quay trở về với thời gian tuổi thơ. Viêc nghe đọc một cuốn sách hay những thứ tương tự vậy không có gì là không bằng việc tự đọc phiên bản thực tế. Nó đầy đủ như bạn tự mình đọc và tôi thích được nghe người khác đọc. Tôi không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn thế dành cho một buổi chiều.”

Tính đến thời điểm này, tôi đã chạy theo các phiên kể chuyện được một tháng và nhận được khá nhiều những phản ứng. Mỗi lần, số lượng người đến nghe lại tăng lên. Họ tới để nghe những câu chuyện ngắn của các tác giả như Dorothy Whipple và Jon McGregor, trong một căn phòng được treo đầy các bức tranh nghệ thuật đương đại. Các doanh nghiệp địa phương cũng tỏ ra rất quan tâm. Majestic đã cung cấp cho chúng tôi rượu vang miễn phí, còn Bazaar Velvet thì cho chúng tôi mượn một tấm thảm Anatolian cực đẹp. Tất cả mọi người cùng ngồi trên thảm, nhâm nhi rượu vang và lắng nghe thời thơ ấu gọi về.

Lịch sử văn học đã cho thấy rằng, việc kể chuyện là một điều hết sức cao quý. Trước khi phát minh ra báo chí in ấn, kể chuyện bằng miệng là một hình thức lưu truyền trong dân gian. Từ thời Trung cổ, những người kể chuyện đã được vinh danh, trở thành thành viên trong tòa án hoàng gia. Bắt đầu từ đó, kể chuyện tiếp tục được phổ biến rộng rãi trong thời đại mà tình trạng mù chữ vẫn còn chiếm số đông và những cuốn sách là quá xa xỉ đối với người bình thường.

Trong thế kỷ XVIII, XIX, kể chuyện vẫn tiếp tục là một hình thức giải trí. “Mọi người không có âm nhạc và phim ảnh, do đó, cuốn sách là tất cả”, Tiến sĩ Abigail Williams, một giảng viên tiếng Anh tại Đại học Oxford nói, “Một trong những đặc điểm của kể chuyện là bạn phải thực hiện nó trong một không gian hẹp, và bạn không thể thực hiện nó trong nhiều giờ liên tục. Đó cũng chính là lý do mà người nghe bị mê hoặc, bởi họ không thể bỏ lỡ câu chuyện khi mà người kể chưa kết thúc nó. Bởi một cách nào đó, con người trở thành nhân vật trong văn bản mà họ đang được nghe đọc. Bạn nhận được nhiều niềm vui và các hoạt động đối thoại sẽ trở nên khác nhau, vì nó là tiếng nói, là câu chuyện thông qua giọng kể chứ không phải là một văn bản thuần túy.”

Không ai trong những người nghe có thể truyền đạt được hết kinh nghiệm của họ cho người khác. Tôi đã ngạc nhiên biết bao khi thấy trong buổi kể chuyện có những đôi mắt ngấn nước. Nhiều người quay mặt đi hướng khác và chìm trong vũ trụ của riêng mình. Một người đàn ông đã đến và nói với tôi rằng, nhân vật trong câu chuyện ấy cũng giống như ông, bị rối loạn và căng thẳng sau những chấn thương.

Đây cũng chính là điều quen thuộc với Davis, người điều hành Tổ chức Reader. Họ đem những câu chuyện đến cho mọi người, từ các bác sĩ trẻ không có thời gian để đọc, đến các tù nhân, hoặc các nhóm về hưu, lưu vong trong khu vực kinh tế bị tước đoạt. “Khi bạn chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của bạn với người khác, mà không phải trên tư cách là người quan sát hay tranh luận, bạn sẽ có những trải nghiệm đồng cảm thú vị”, Davis nói. “Rất nhiều người không cơ hội để tự mình trải nghiệm. Mỗi cuốn sách có thể cung cấp một không gian tuyệt vời cho phản ứng tâm lý của mỗi cá nhân.”

Một phụ nữ 60 tuổi, từ Birkenhead, đã chia sẻ thông qua trang web của Tổ chức Reader rằng, “Trong nhiều năm bệnh tật, cơ thể tôi đã rất đau đớn. Nhưng, khi tôi ở trong một nhóm đọc và nghe họ chia sẻ những câu chuyện, nó đã giúp tôi tập trung tâm trí mà tạm thời quên đi nỗi đau trong một vài giờ. Với tôi, nghe kể chuyện cũng giống như một cách thức để loại trừ cơn đau ra khỏi cơ thể.”

Một cuộc khảo sát do tổ chức từ thiện thực hiện với 214 người đã tham dự các nhóm kể chuyện, cho thấy rằng, 96% rất thích các cuộc gặp mặt thế này, và 80% cảm thấy “tích cực hơn” trong cuộc sống.

Tôi không thể nói hết những cảm xúc mà tôi có được thông qua các buổi kể chuyện, nhưng tôi chắc chắn rằng, nó để lại cảm giác tích cực hơn rất nhiều về sức mạnh của văn học, đặc biệt là sự thân thiện, và khả năng giao tiếp với nhiều người mà không vì bất cứ một mục tiêu kín đáo nào.

Chúng tôi không cố gắng để mua bán bất kỳ điều gì. Chúng tôi không giả vờ để cải thiện tâm lý của bất kỳ ai. Tất cả thứ mà chúng tôi muốn làm là chia sẻ một câu chuyện. Và cuối cùng, đó không phải chỉ là đọc to lên một câu chuyện, mà còn là tự thể hiện bản thân mình.

Thi Vũ (Lược dịch theo guardian.co.uk)

Nguồn: Văn nghệ trẻ


Exit mobile version