Nguyễn Hội
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền châu thổ sông Hồng. Tốt nghiệp Đại học Biên phòng, tôi vào biên giới Tây Nam công tác. Những tưởng cuộc đời binh nghiệp cũng chỉ gắn bó với miền đất này ít năm rồi trở ra Bắc ổn định cuộc sống lâu dài…
Nhưng, tình đất, tình người và đặc biệt là tình yêu lứa đôi đã gắn bó cuộc đời tôi với xứ sở miền Tây giàu đẹp mà chan chứa tình yêu thương này.
Nhà em trên bến sông. Con sông Cái Cỏ hiền hòa trong mát. Con sông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ Tây, có thượng nguồn từ dòng Mê Kông mênh mông bên đất nước Chùa Tháp. Dòng sông tuy nhỏ nhưng đầy ắp cá tôm và chở nặng phù sa cho cả một vùng rộng lớn những cánh đồng tốt tươi, màu mỡ. Từ bao năm rồi, bến sông nhà em là điểm dừng chân cho cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng trên đường đi công tác.
Gia cảnh tuy nghèo mà ấm tình làng nghĩa xóm. Nhà đông con, những sáu cô con gái và hai cậu con trai. Từ nhỏ cha mẹ đã uốn nắn, dạy bảo các con vào trong khuôn phép. Chị em nhường nhịn, yêu thương nhau, lễ phép với người trên kẻ dưới. Mỗi khi có anh em trên Đồn ghé nhà, câu đầu tiên, người phụ nữ lớn nhất trong gia đình vồn vã, cất tiếng vọng từ nhà trên xuống tới sau hè: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, đi mần cá, nấu cơm cho các anh ăn nha”. Ở nhà em đã thành nền nếp ngăn nắp, gạo để trong lu, củi xếp ngay ngắn ở góc bếp còn cá thì lúc nào cũng rộng sẵn trong cái mùng lưới dưới bến sông. Má phúc hậu, hiền từ, tuy nói một câu nhẹ vậy đó mà đứa nào đứa nấy công việc chạy theo nhau răm rắp.
Tôi quen em khi mùa nước nổi đang về. Nước tràn ngập mọi con đường, khiến những cánh đồng mênh mông, lộng gió. Buổi ban đầu gặp gỡ hai đứa cùng song ca một bài vọng cổ. Lời bài ca ngợi ca quê hương em với dòng sông Vàm Cỏ đã đi vào huyền thoại. Để rồi từ buổi ấy, hai đứa quen thương nhau. Những buổi đi công tác chung cũng là những lần hẹn hò, thầm trộm nhìn nhau trong ngượng ngùng bẽn lẽn.
Nhớ biết bao nhiêu những lần tôi cùng em chèo xuồng đi giăng câu, bắt cá, hái rau rừng. Nước lớn, những đàn cá mừng nước về tung tăng, chạy đều vào từng mắt lưới. Cá nhiều nhưng chúng tôi chỉ bắt những con vừa ăn, còn lại gỡ trả về sông nước. Cực nhất là mỗi lần phải gỡ, thả những con cá lau kiếng. Loại cá này ít người ăn, da và vây của chúng cứng mà thịt lại nhão nhoẹt. Cứu được một con phải chịu rách cả góc lưới. Tôi vụng về trong việc gỡ cá nên thường bị em chọc ghẹo: “Anh gỡ như này thì tiền cá không đủ mua lưới mới, cha em bắt đền cho mà coi”. Tôi thiệt thà trả lời em như người mắc lỗi: “Nếu số cá này không bằng số tiền mua lưới mới thì anh sẽ ở lại nhà em làm mướn trả nợ suốt đời luôn”. Bất chợt, tôi bắt gặp đôi má em ửng hồng trong làn nước mát.
Ở Đồng Tháp Mười, trong mùa nước nổi có vô số những loại rau tự nhiên mà bây giờ đã trở thành đặc sản, trong đó phải kể đến là bông súng, bông điên điển, choại co, hẹ nước… Nơi đồng nước mênh mông, bỗng hiện lên những khóm bông súng tím đỏ, lá xanh biêng biếc. Bông súng là loại cây có một sức mạnh kỳ diệu. Ở vùng đầm lầy hay trong một bào nước, trải qua mùa khô chúng lụi tàn. Nhưng khi nước về, từng khóm bất ngờ trỗi dậy như vừa trải qua một giấc ngủ dài. Cọng bông súng có sức mạnh đặc biệt, nước nổi lên tới đâu chúng vươn mình dâng búp hoa lên theo tới đó. Những cọng bông súng có màu nâu non, càng dài càng giòn và càng ngọt.
Còn những cây điên điển thường mọc sát ngay mép nước, trên từng đám rau muống đồng ngọn đỏ. Bông điên điển có màu vàng tơ rực rỡ, càng non vị càng thanh ngọt. Tùy theo sự bung nở của cánh hoa mà vị nhân nhẫn càng thêm đậm. Tôi và em thường theo các chị gái đi hái bông điên điển vào buổi sáng sớm, khi ấy những cánh hoa còn dịu dàng e lệ, nép mình trong lớp sương long lanh. Chúng tôi thả tay lưới xuống rồi chèo xuồng đi hái rau rừng, khi hái đủ rau ăn, quay lại thăm thì cá đã chạy chìm nhiều đoạn phao lưới. Bông súng, bông điên điển chấm cá linh, cá rô non kho me trái hay nhúng lẩu chua, lẩu mắm đã trở thành một món đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi.
Có nhiều đêm trăng sáng, em uyển chuyển khua mái chèo cho xuồng trôi thật nhẹ khiến ánh trăng vàng tan ra, lấp lánh trên mặt nước. Thoảng nghe xa xa giọng một ai đó cất lên tiếng ca vọng cổ. Họ là những ngư dân dưới vùng Tứ giác Long Xuyên lên vùng Đồng Tháp Mười khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Bất chợt em khe khẽ hát theo một đoạn trong bài Điệu buồn phương Nam khiến lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Lời bài ca buồn man mác, thương những phận đời như lục bình lững lờ trôi trên sông nước. Họ là những con người miền Tây, hiền lành chân chất, sống một cuộc đời bình lặng, không nhiều những so đo tính toán thiệt hơn nhưng sâu nặng nghĩa tình.
Sau vụ gặt năm ấy, cả cánh đồng phía sau hiên nhà em chuyển mình thành một đầm sen bát ngát. Vào cuối mùa khô, bốn bề là đồng cỏ cháy. Ruộng sen được đắp đê, trữ nước, non xanh mơn mởn. Từng đàn cò trắng, giang sen, còng cọc… rủ nhau bay về tắm mát và tìm kiếm thức ăn. Tiếng gọi bạn tình, tiếng đánh cãi chửi nhau, giành mồi vang chí chóe. Tới mùa sen nở, cả cánh đồng hồng tươi, rực rỡ. Hương sen tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tôi cùng mấy anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ xuống nhà em, phụ hái gương sen. Vừa hái, mấy anh em vừa tranh thủ cắm vài cây cần câu, men theo bờ ruộng. Đơn giản, vậy mà tới bữa cơm trưa, em đã khéo léo bày món cá lóc nướng trui chấm muối ớt trên những chiếc lá sen, tỏa mùi thơm phưng phức.
Rồi mùa nước nổi qua đi. Cả vùng Đồng Tháp Mười được bao phủ bởi một lớp phù sa nâu đỏ, mịn màng, chứa đầy dưỡng chất. Bao nhiêu loại sâu, bao nhiêu loại bệnh phá hoại mùa màng bị nước lũ nhấn chìm đi tất cả. Những cánh đồng bát ngát màu xanh của lúa trải rộng ra khắp cả chân trời.
Trong khung cảnh yên bình, thơ mộng ấy, tôi trở thành chàng rể miền Tây. Đám cưới của tôi và em giản dị và đơn sơ được tổ chức ngay bên cánh đồng, khi ruộng lúa đang vào thì con gái. Biết hoàn cảnh của tôi xa nhà nên gia đình em bằng lòng cho tôi “nhập đám” chung làm một. Khi trình lễ, tôi đứng khoanh tay để ông “trưởng tộc” hướng dẫn làm các thủ tục cúng lễ tổ tiên và ra mắt những người lớn trong dòng họ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, hồi hộp, lo lắng xen lẫn xúc động khiến mồ hôi ướt đầm trên khuôn mặt, thấm đẫm lưng áo. Em lấp ló sau tấm rèm che cửa, mỉm miệng cười bẽn lẽn… Bà con xóm giềng, bạn bè, đồng đội cùng chúc phúc cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc.
Kể từ ngày ấy, Đồng Tháp Mười đã chính thức trở thành quê hương thứ hai của tôi với biết bao yêu thương, trìu mến. Miền quê sâu nặng nghĩa tình luôn giang rộng đôi cánh tay chở che cho cuộc đời chúng tôi vượt qua bao khó khăn thử thách. Mỗi ngày, tình yêu thương, lòng nhân nghĩa, thủy chung từ miền đất này càng thêm bồi đắp. Để rồi đi đâu, làm gì tôi vẫn luôn tự hào mà khoe rằng, mình là một người làm rể miền Tây.
Nguồn: Báo Thanh Niên