Thông thường người ta hay nói tới chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, tuy nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng số mệnh chung. Với “Làm dâu nước Pháp” nhà văn Hiệu Constant kể chuyện của riêng mình, khu biệt hẳn điểm đến để nói chuyện người phụ nữ đã thích nghi ra sao khi xa xứ.

Trang bìa cuốn sách “Làm dâu nước Pháp”

Hơn 200 trang sách tác giả đã dẫn dắt người đọc từ tình tiết này sang tình tiết khác khá chân thực. Là cuốn sách tự truyện ít gay cấn, qua giọng kể rất bình thản tự tin, người đọc có thể suy ngẫm được nhiều điều tác giả ký thác. Không hư cấu, chỉ sắp sếp những gì tác giả từng trải qua với những suy nghĩ về bản thân, về gia đình cha mẹ, vợ chồng, con cái và những người thân khác. Giọng điệu tự truyện như lời kể rủ rỉ, đậm đà tự sự, rất phù hợp với nội dung hàm chứa cuốn sách. Chuyện kể dung dị, đề cập được nhiều tình huống tâm lý và các chi tiết của cuộc sống mà tác giả đã chiêm nghiệm. Xoay quanh cái trục kỷ niệm, tác giả đã dựng được bức tranh về cuộc đời với những thử thách nghiệt ngã, dám sống và có nghị lực để sống.

Đấy là căn nguyên và cũng là chân duyên, chữ duyên mà tác giả đề cập để có những trang viết hồn hậu, có sức lay động tới người đọc. Không có các yếu tố tạo nên chữ duyên, những trang viết sẽ khô cứng chỉ đáng cho vào sọt rác. Phải nói “Làm dâu nước Pháp” đã tạo được ham muốn tò mò của người chưa từng trải qua chặng đời “dứt áo ra đi” nơi xứ người.

Tác giả lý giải cái lý do đến với nước Pháp là sự tình cờ có chủ đích!

Sao lại tình cờ? Hoàn cảnh đưa đẩy để có dịp tác giả tiếp cận. Đấy là tình cờ. Sao lại chủ đích? Tác giả đã nói, mình học tiếng Pháp, yêu tiếng Pháp, để đến khi “vô tình” gặp đúng đối tượng thì tự nguyện kết thân. Đó là chủ đích!

Câu chuyện được diễn giải rằng, trong một lần đi phố gặp anh chàng người Pháp hỏi mua hàng. Chủ cửa hiệu không biết nói tiếng Pháp. Tác giả đã phiên dịch hộ. Họ quen nhau, hợp nhau và đến với nhau. Thử thách lớn nhất đối với hai người là cha mẹ của phái nữ phản đối. Thuyết phục được mẹ, người cha vẫn không thuận ý. Đám cưới vẫn diễn ra. Có con rồi, người cha vẫn giận. Đấy là trở lực lớn nhất và sau chót, người đi làm dâu xứ lạ phải chịu đựng. Cứ cho đó là rào cản văn hóa, nhưng khi vượt qua được rào cản đó cũng là sự dũng cảm của bất cứ cô gái nào dám bước qua lệ tục.

Điều dễ thấy qua câu chuyện “Làm dâu nước Pháp” là sự ứng xử công bằng và êm hòa trọn vẹn hai vai, giữa nội và ngoại. Chính là do tác giả đã hòa mình vào văn hóa, nhất là những luật lệ phong tục, tập tục rất riêng. Tác giả đã thành công khi biết phân biệt nền văn hóa bên vợ với nền văn hóa hiện diện bên chồng. Hình như hai thế giới đồng hiện ở một con người. Tác giả đã biết chấp nhận sự khác biệt và biết khai thác những hay dở ở chính nơi mình sống. Lúc nào cũng như thấy tác giả canh cánh suy nghĩ lo toan, chia sẻ với hai miền quê Pháp và Việt Nam.

Nổi bật là tinh thần chịu học, biết lắng nghe, biết phân biệt đúng sai và tính kiên trì chính kiến. Từ một cô bé nhà quê ” không có tiền trọ học” đã phấn đấu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ khoa tiếng Pháp. Khi đã hai con vẫn ghi tên học cao học Sorbonne về văn học. Lại say mê dịch và sáng tác văn học, cảm tưởng lúc nào cũng thấy tác giả làm việc. Điều ấy đã tạo ra phẩm cách “Làm dâu nước Pháp”. Tác giả luôn cho rằng ai cũng đáng học hỏi, ai cũng có thể làm thầy mình ở lĩnh vực cụ thể nào đó. Đáng quý là vậy.

Trong quan hệ xã hội, tác giả rất chú trọng tạo tình thân với những người hàng xóm tốt bụng với ý tưởng “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Họ là đồng loại đồng cảm và nhiều nương tựa. Đặc biệt cha mẹ chồng luôn là niềm kính trọng yêu quý. Là bậc sinh thành mẫu mực, giàu lòng vị tha. Điều này nhiều nàng dâu bất kể ở đâu chưa hẳn đã quan tâm.

Dễ nhận thấy văn phong trong tự truyện “Làm dâu nước Pháp”. Đó là lối kể phóng khoáng hoạt ngôn. Tác giả lúc nào và đi đâu cũng quan sát để viết. Không cầu kỳ, miễn là kể cho thỏa mãn những gì đã trải, đã ghi nhớ trong lòng. Càng viết càng nảy ra những điều đáng nói. Người đọc có thể tìm ra những lời khuyên, những điều tâm sự. Những vui buồn trải nghiệm và những mong ước giản dị đã được tác giả trải lòng với người đọc. Tâm sự ấy đã được tác giả thổ lộ rất rõ trong đoạn kết: “một điều tôi muốn chân tình chia sẻ với các bạn cùng phái là đã đi làm dâu, cho dù  bố mẹ chồng là ai, trong bất cứ quốc gia nào thì “nhập gia tùy tục” vẫn là hàng đầu, nhưng tôi thì muốn thêm vào đó một ý nữa là “không đánh mất bản sắc của chính mình”.

Những điều tác giả gửi gắm chắc chưa phải là tất cả. Nhưng cuốn sách đã mở ra nhiều điều cần lý giải, thú vị không chỉ với các nàng dâu xa xứ.

NGỌC BÁI
Nguồn: Báo Đại đoàn kết
Exit mobile version